Đánh giá chất lượng Laptop Compaq 420 – ngon, bổ, rẻ?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Compaq 420 là phiên bản laptop mà Compaq tung ra thị trường nhằm chinh phục người dùng phổ thông. Nếu như dòng Compaq CQ trước đây gần như là bản sao của dòng laptop Pavilion từ HP thì 420 lại mang những sắc thái rất đặc trưng của dòng HP Probook. Máy có vẻ ngoài cứng cáp, chất lượng thiết kế và vật liệu vỏ vững chãi, bàn phím và touchpad được cải tiến đôi chút đem lại cảm giác thỏa mãn hơn so với Compaq CQ-series.

Định vị sản phẩm

Compaq trước đây được biết đến như một ‘thế lực’ lớn trong ngành sản xuất PC toàn cầu. Nhưng kể từ khi bị HP thâu tóm, cái tên Compaq dù vẫn được giữ lại nhưng chỉ đóng vai trò là một thương hiệu thứ cấp của HP. Theo đúng mô hình mà HP vạch ra, các dòng máy Compaq (kể cả desktop và laptop) đều có mức giá phù hợp với thu nhập của đại đa số người dùng, càng thấp, càng tốt… miễn là còn có lãi.

Dù được tinh giản tối đa các linh kiện bố trí trên máy cũng như sử dụng nguyên liệu có phẩm chất kém-tốt hơn một chút nhưng các máy laptop Compaq vẫn đạt được lợi thế nhờ thừa hưởng toàn bộ những ưu điểm trong các thiết kế mà HP đã từng ứng dụng trên dòng máy ‘con cưng’ của mình. Đây là một nước cờ khá khôn ngoan, khi các laptop mang dòng máu “hoàng tộc” HP đã chinh phục được người dùng thì máy Compaq xuất hiện với mức giá ưu ái hơn, chắc hẳn bạn sẽ không tránh khỏi suy nghĩ: “Wow, tôi thích kiểu dáng này lâu rồi, giá lại còn tốt nữa chứ, chắc phải rinh một em về thôi nhỉ?”

HP một lần nữa áp dụng nước cờ trên khi họ đưa gần như toàn bộ những đường nét cực kỳ đặc trưng của dòng Probook khoác lên mình Compaq 420. Tương tự như dòng CQ trước khi, đối tượng người dùng chủ yếu mà Compaq 420 hướng tới là những người có thu nhập ở mức vừa phải, không có những yêu cầu đặc biệt về laptop và sử dụng chúng cho những nhu cầu giải trí, tra cứu thông tin thuần túy. Với những nét thiết kế cứng cáp, Compaq 420 phù hợp hơn với phái mạnh, cả học sinh – sinh viên và nhân viên văn phòng.

Kiểu dáng và thiết kế tổng quan

Như đã đề cập ở phần trên, laptop Compaq 420 sử dụng gần như nguyên mẫu kiểu dáng của dòng Probook trứ danh với nhiều đường nét vuông vức, đầy góc cạnh thay cho những đoạn bo cong mềm mại trước kia. Compaq 420 có kích thước 334 x 226 x 32/26 mm (dài x rộng x cao trước/sau) và khối lượng 2.11Kg, nhẹ hơn kha khá so với các máy 14 inch khác.

Các máy laptop Compaq (kể từ khi gia nhập mái ấm HP) thường khá đơn điệu về màu sắc và hoa văn, trái ngược hẳn với cả kho tranh ảnh trên các dòng máy HP mà Pavilion là một đại diện tiêu biểu. Compaq 420 đã có những đặc điểm cải thiện khá đáng kể vẻ bề ngoài. Dù chỉ có duy nhất một màu đen nhưng Compaq 420 lại may mắn được khoác lên lớp vỏ ấn tượng với các hoa văn rất nhỏ chạy chéo song song khắp phần nắp máy cũng như thềm nghỉ tay.

Các hoa văn được dập nổi rất sắc nét, đổ bóng tốt giúp Compaq 420 trở nên nổi bật và sang trọng hơn. Ngoài ra, cũng nhờ lớp vân nổi này, phần vỏ máy ít dính dấu vân tay hơn hẳn và trông lúc nào cũng sạch sẽ. Chưa hết, khi cầm máy bằng một tay, chính các họa tiết sẽ tạo độ bám giúp cầm giữ máy chắc chắn hơn mà không ngại trơn trượt. Tôi đánh giá cao thiết kế vỏ ngoài của Compaq 420, đơn giản nhưng hiệu quả, không hào nhoáng nhưng vẫn đầy vẻ sang trọng.

Hầu hết phần vỏ ngoài được làm bằng nhựa tổng hợp, chỉ trừ logo Compaq và nút Power được gia công bằng kim loại (nhôm) trắng bạc nổi bật hẳn trên toàn bộ tông nền đen của thân máy. Các khớp nối được lắp đặt cẩn thận, tỉ mỉ. Khung máy có đôi chỗ chưa được cứng cáp tuyệt đối, tôi có thể dùng tay ấn mạnh vào phần thềm nghỉ hoặc ngay giữa bàn phím để thấy phần vỏ hoặc cả khung máy hơi võng xuống theo lực ấn nặng dần. Trong điều kiện sử dụng bình thường thì vỏ máy yếu là không đáng ngại vì chúng ta không dùng búa để gõ phím mà cũng chẳng tay to đến mức đặt lên là thân máy rệu rã ngay. Tuy nhiên, khi máy phải chịu va đập mạnh, rớt từ trên cao, cấn hay bị ép quá mức, không ai có thể dự đoán trước được liệu nó còn chạy bình thường.

Mặt dưới được bố trí gọn gàng và cực kỳ ngăn nắp với khoan pin nằm sát gáy máy. Tất cả các linh kiện có thể tháo rời để nâng cấp như ổ đĩa cứng, RAM, card WiFi đều nằm bên dưới một nắp che có kích thước lớn chứ không phân thành nhiều mảng độc lập như thiết kế truyền thống. Việc tháo rời nắp này tỏ ra khá đơn giản với chỉ 2 ốc bắt bên dưới và các ngàm khóa nằm ẩn bên trong.

Việc kể lể các cổng giao tiếp thường khá nhàm chán, tôi sẽ lướt nhanh qua phần này. Tất cả sẽ được liệt kê từ trái sang và bạn có thể xem hình, sẽ trực quan hơn.

  • Cạnh trái: khóa Kensington chống trộm (với điều kiện dùng khóa xịn), cổng xuất tín hiệu hình ảnh D-Sub, giắc cắm nguồn (…), cổng LAN RJ45, cổng HDMI và cuối cùng là 1 cổng USB 2.0.
  • Cạnh trước: Khe cắm thẻ nhớ SD, 2 giắc 3.5mm cho tai nghe và mic.
  • Cạnh phải: 2 cổng USB, 1 đầu cắm cáp điện thoại đã bị che kín và ổ đĩa DVD-RW.
  • Cạnh sau: một màu đen đen… Nói cách khác là không có gì cả.

Tôi không nghĩ là mình thích giắc cắm nguồn được bố trí ngay giữa thân máy như thế này, cảm giác rất vướng víu. Nhưng dù sao thì việc này cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến quá trình sử dụng thường ngày.

Trước khi múa phím cho phần tiếp theo của bài viết này, tôi mới chợt nhận thấy rằng Compaq 420 hầu như không có đèn hiệu chớp nháy ở cạnh trước. Tốt! Các đèn hiệu ấy không thật sự cần thiết lắm. Thay vào đó, Compaq 420 được bố trí đèn báo sạc ở cạnh giắc cắm, đèn báo Caps Lock nằm ngầm bên dưới phím, tương tự cho WiFi (nằm ngầm ở nút tắt/bật WiFi) và đèn báo Power ngay tại nút nguồn. Khá đầy đủ trừ đèn báo cho phím Numlock, tôi cũng không dùng nhiều phím Numlock này cho lắm.

Màn hình

Không cực kỳ xuất sắc nhưng cũng khó có thể chê màn hình của Compaq 420. Khi đề cập đến màn hình laptop tức là tôi nhắc đến cả chất lượng hiển thị hình ảnh, độ vững chãi và linh hoạt của khớp cũng như sự chắc chắn của phần khung trợ lực bên trong.

Màn hình Compaq 420 có khả năng hiển thị màu sắc khá tốt, các màu được thể hiện bình thường (không bị chuyển màu, sai lệch màu sắc), độ tương phản trung bình. Màn hình gương với sự trợ lực của đèn nền LED cho phép Compaq 420 hiển thị rõ ràng trong môi trường có cường độ ánh sáng cao. Góc nhìn ngang và dọc thể hiện tốt, màu sắc không có sự thay đổi ngay cả ở góc ngang lên tới 75 độ. Tuy nhiên, như tất cả các model sử dụng màn hình gương khác, hiện tượng bóng phản chiếu gây đôi chút khó chịu cho tôi.

Phần khung trợ lực dù không phủ hết toàn bộ phần lưng màn hình nhưng chí ít, khoảng diện tích trung tâm của phần lưng màn hình được gia cố khá chắn chắn, đây là điểm thường phải chịu lực cấn lớn nhất trong nhiều trường hợp. Chỉ có duy nhất 2 góc sát bên dưới xảy ra hiện tượng loan màu khi bị ấn mạnh từ phía sau.

Khớp màn hình của Compaq 420 nhỏ gọn nhưng mở nhẹ nhàng và được cố định chắn chắc khi ở vị trí sử dụng thông thường. Góc mở tối đa 120 độ và góc gập máy (tự gập màn hình) là khoảng 15 độ.

Âm thanh

Loa ngoài của các laptop Compaq (và cả HP) thường hướng đến đối tượng người dùng giải trí thuần túy với chất lượng âm thanh trung bình nhưng đặc biệt, âm lượng lại khá lớn. Nhưng Compaq 420 lại không được như vậy, âm lượng nhỏ hơn so với các dòng laptop trước đây dù vẫn ở mức đủ để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc của những người dùng dễ tính nhất. Đối tượng người dùng chính mà Compaq 420 hướng đến có lẽ là dân công sở làm việc ở các văn phòng vừa và nhỏ, không đòi hỏi nhiều về âm lượng loa ngoài.

Bàn phím và Touch Pad

Bàn phím là một trong những đặc điểm khiến Compaq 420 trở nên khác biệt so với HP Probook. Trong khi hệ thống phím trên Probook được thiết kế theo dạng chiclet, Compaq chọn cho phiên bản laptop 420 kiểu phím thông thường với toàn bộ phần nền phím “lộ thiên”. Các phím vuông vức, kích thước lớn, bền mặt phẳng, hới nhám, khoảng cách giữa các phím khá hẹp nhằm ngăn bớt bụi và cac vật lạ rơi vào trong. Ngoài ra, các phím đều có gờ (viền 0.5mm) để người dùng có thể phân biệt rõ ràng giữa các phím. Một điều khá hài lòng là phím trên Compaq 420 khi gõ hầu như không gây tiếng động đáng kể, khớp phím hơi cứng đôi chút nhưng lại khá nẩy và có hành trình phím ở mức vừa phải.

TouchPad vốn là một điểm cực kỳ khó ưa trên các máy laptop HP/Compaq, chúng thường rít khi tay ẩm, độ chính xác không được cao. TouchPad 420 gần như khắc phục được mọi điểm yếu cố hữu. Kích thước touchpad đủ lớn để di chuột thoải mái (88 x 46 mm). Bề mặt nhẵn, không bóng và không bị rít khi rê chuột. Panel cảm ứng bên dưới do Synaptic gia công hỗ trợ multitouch. Hai phím chuột được thiết kế theo dạng liền mạch, phím hơi cứng và chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi bạn ấn ở sát mép ngoài của phím. Trừ touchpad trên dòng laptop Elitebook và Envy, đây là lần đầu tiên tôi không phàn nàn về Touchpad của máy HP/Compaq. Bravo!

Thời gian sử dụng máy

Compaq 420 sử dụng pin Li-ion phổ biến có mức dung lượng 48WHr, thể tích chiếm khoảng 1/6 không gian của phần thân máy. Việc thời gian sử dụng máy phụ thuộc khá nhiều vào CPU và cách các bạn tối ưu cho chiếc laptop (thật ra cũng không quá phức tạp). Compaq 420 được trang bị bộ xử lý Intel Core 2 Duo T6570 có mức TDP lên đến 35W, “ăn điện” tương đối dữ dằn. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng, mức TDP đó là trên lý thuyết khi bộ xử lý liên tục bị vắt kiệt sức bằng những chuỗi tính toán phức tạp. Còn trên thực tế? Với chế độ quản lý điện năng cực kỳ thông minh của các CPU, nó chỉ hoạt động ở mức xung phù hợp cho từng ứng dụng, và?…điện năng tiêu thụ được tối ưu.

Với Compaq 420, chúng tôi tập trung vào các phép thử với những ứng dụng cực kỳ thông dụng và phổ biến, chẳng ai dùng chip tích hợp của Intel để chơi game cả. Tất cả kết quả bên dưới đều được thực hiện theo quy trình tiêu chuẩn của vozExpress ở chế độ pin Balance mặc định của Windows 7. Ở chế độ Power Saver, kết quả có thể tốt hơn.

Thời gian sử dụng pin khá tốt cho một chiếc máy dành cho thị trường phổ thông. Đặc biệt là thời gian sạc khá nhanh, lên mức 80% chỉ trong vòng 1 giờ. Trong quá trình sử dụng thực tế với những tối ưu tốt nhất dành cho pin, tôi có thể sử dụng máy đến 4h30 phút hoặc hơn (quá trình sử dụng phụ thuộc vào thói quen và nhu cầu sử dụng máy tại từng thời điểm cố định nên kết quả không thật sự chuẩn). Nhìn chung, bạn không cần phải lo lắng về thời gian sử dụng máy khi chọn Compaq 420, tối thiểu nó có thể đáp ứng được một buổi học (hoặc làm việc) trong vòng 4 giờ và bạn hoàn toàn có thể khôi phục lại dung lượng pin đã mất đi một cách nhanh chóng vào giờ nghỉ trưa.

Nhiệt độ bề mặt

Khi đo đạc nhiệt độ của một chiếc laptop, tôi chú trọng vào 2 bên thêm nghỉ tay, touchpad và vị trí nhóm phím WASD và IJKL trên bàn phím cũng như mặt dưới vì đây là các vị trí bạn thường xuyên phải tiếp xúc. Thế nào là một chiếc laptop nóng? Khi nhiệt độ ở bề mặt khoảng 33*C trở xuống, chiếc laptop được đánh giá là mát lạnh tuyệt vời; 35-36*C, bắt đầu có cảm giác ấm và trên 41*C được cho là nóng đủ để gây khó chịu.

Tôi rất hài lòng về Compaq 420 khi nhiệt độ bề mặt máy, cả trên lẫn dưới, nhìn chung là khá mát. Quan trọng hơn, phần thềm nghỉ nằm 2 bên touchpad và ngay cả touchpad đều có nhiệt độ khá tương đồng, hơi ấm hơn một chút so với các điểm khác, cảm giác khá thoải mái. Mặt dưới máy, ở khu vực phía trước (nằm bên dưới touchpad) ấm hơn so với bề mặt xung quanh nhưng vẫn khá dễ chịu khi đặt lên đùi để thao tác.

Tốc độ và hiệu năng tính toán

Mở màn với PCMark Vantage, chương trình benchmark quen thuộc dành cho các hệ thống máy tính cá nhân. Kết quả thử nghiệm cho thấy bộ xử lý Intel Core 2 Duo T6570 cùng chip tích hợp Intel GM 4500 không thể vượt trội hơn các bộ xử lý Intel Core i3 330M (sở hữu chip đồ họa tích hợp Intel HD Graphics).

Cinebench R10 sẽ cho chúng ta thấy sự khác biệt rõ ràng hơn về hiệu năng trên CPU. Nếu so với CPU trên nền kiến trúc Nehalem thuộc loại thấp dẫn hiện nay (Pentium P6000), Core 2 Duo T6570 vẫn cho hiệu năng tốt hơn nhưng khả năng “phối hợp” của 2 nhân vẫn chưa thể hiệu quả như Pentium P6000.

Kết quả thử nghiệm ổ cứng bằng HD Tune 2.55, benchmark lặp lại 3 lần, tốc độ được duy trì tương đối đồng đều, không có các đường tốc độ giảm sâu như một số model laptop tôi đã từng test.

Cuối cùng là một số kết quả thử nghiệm bằng các phần mềm phổ biến khác.

Nhìn chung, các kết quả thử nghiệm đều cho thấy hiệu năng của Core 2 Duo T6570 không thể vượt qua với Core i3. Bạn sẽ thấy rõ ràng sự khác biệt khi sử dụng các chương trình có tính chuyên biệt hóa cao như dựng hình 3D, xử lý ảnh hàng loạt, v.v… nhưng trong điều kiện sử dụng thông thường với các thao tác như lướt web, chat bằng Yahoo Messenger hay soạn thảo văn bảng cũng như bảng tính bằng Excel, Compaq 420 vẫn khá mượt mà. Dĩ nhiên, đây là trong điều kiện Windows vừa được cài mới, sau một thời gian sử dụng, hệ điều hành sẽ dần “ngu” đi dẫn đến máy hoạt động kém hiệu quả hơn.

Kết luận

Compaq 420 là một chiếc laptop tốt trong tầm giá dưới 11 triệu dành cho thị trường phổ thông, tôi khẳng định lại điều này. Mặc dù bạn có thể không thật sự hài lòng với CPU Intel Core 2 Duo T6570 nhưng trên thực tế, bạn cần một CPU mạnh hơn để phục vụ cho nhu cầu gì? 99.9% thời gian bạn ngồi bên cạnh một chiếc laptop như Compaq 420 để làm các việc như lướt web, soạn văn bản hoặc chơi một vài mini-game đơn giản không yêu cầu đặc biệt gì về phần cứng,… Compaq T6570 hoàn toàn thừa sức thỏa mãn các nhu cầu trên. Bên cạnh đó, thiết kế cứng cáp cùng những thay đổi đáng kể của thiết kế touchpad khiến tôi hài lòng hơn về Compaq 420. Thời gian sử dụng gần 4 giờ, thời gian sạc nhanh dưới 1 giờ, tương đối phù hợp cho đối tượng công sở hoặc sinh viên khi bạn có thể nạp năng lượng cho PC (và cho bạn) vào giờ nghỉ trưa để tiếp tục hoạt động vào đầu giờ chiều.

Nếu bạn không quá háo hức với Intel Core i3 và hiểu thật rõ nhu cầu bản thân cũng như khả năng tài chính của mình, Compaq 420 là một lựa chọn mà bạn không nên bỏ qua.

Ưu:
  • Thiết kế cứng cáp, vững chãi.
  • Touchpad được cải thiện tốt hơn.
  • Nhiệt độ hoạt động mát mẻ.
  • Thời gian sử dụng pin khá.

Khuyết:

  • Loa kém.