Mua được một chiếc laptop ưng ý đã khó mà sử dụng nó thế nào cho đúng cách càng khó hơn. Theo các thông tin từ phòng bảo hành của chính hãng và các trung tâm sửa chữa máy tính xách tay, phần lớn những hư hỏng của laptop là do người dùng vô tình gây nên.
Hư hỏng thường gặp nhất là vấn đề màn hình tinh thể lỏng. Việc hỏng hóc màn hình thường là do người sử dụng dùng các dung dịch lau kính, cồn... đề lau màn hình LCD giống như với màn hình CRT. Màn hình LCD rất khó sửa chữa, còn thay mới lại rất tốt kém.
Khi màn hình bị bẩn, bạn sử dụng các loại giấy mềm và nước sạch để lau. Thấm vừa đủ ướt, bạn chỉ được lau nhẹ từ trên xuống dưới mà không lau theo hình xoáy tròn, trái qua phải hay phải qua trái. Sau đó, dùng giấy mềm sạch lau nhẹ lại. Chú ý đến động tác phải hết sức nhẹ nhàng, tránh không để nước bắn vào khe màn hình. Khi lau cần tắt nguồn. Đặc biệt, tuyệt đối không được dùng ngón tay ấn vào màn hình, bởi sẽ gây tổn thương cấu trúc màn hình, dẫn tới hư hỏng màn hình.
Pin
Hiện tượng chai pin rất hay gặp ở máy tính xách tay, đúng ra là ở loại pin nạp lại. Đặc biệt hiện tượng này sẽ đến sớm ở những người chủ không biết dùng đúng cách. Nếu hỏng pin trong thời gian bảo hành, bạn nên yêu cầu thay mới vì việc sửa chữa để pin hoạt động tốt như ban đầu gần như là không thể. Không nên bật tắt nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, nên hạn chế việc cắm pin trực tiếp vào lúc máy đang sử dụng tức là bắt pin vừa nạp vừa xả. Bạn cũng nên chú ý thiết bị adapter phải phù hợp với từng dòng máy và loại máy.
Túi xách chuyên dụng
Một phụ kiện nhỏ nhưng không thể thiếu là các túi xách chuyên dụng dành cho laptop. Bạn không cần quan tâm nhiều đến mẫu mã, kiểu dáng mà lưu ý khả năng chịu lực, chống ma sát, tính cơ động và chống thấm nước khi gặp mưa. Trong đó, khả năng giữ cố định máy trong khi di chuyển là điều kiện bạn cần đặc biệt quan tâm. Khi để máy vào túi cũng nên để đúng chiều. Các túi xách cho laptop thường còn có chứa các gói chống ẩm.
Miếng kê máy
Không nên sử dụng các loại khăn trải bàn dạng bông để lót dưới máy vì có thể dẫn đến nóng máy. Nên để máy trên những mặt phẳng cố định, thoáng rộng và cách xa các vật dễ vỡ. Một điểm nữa, sau khi sử dụng bạn nên tắt máy và chờ một lát cho máy nguội rồi mới cho vào túi xách.
Việc để máy lên đùi khi làm việc lâu nhiệt toả ra từ CPU có thể gây bỏng. Nếu cần thiết bạn có thể trang bị thêm cho máy giá đỡ laptop chuyên dụng, tấm cách nhiệt để khỏi bị bỏng.
Không nên mở đĩa bị trầy xước
Với ổ đọc đĩa quang CD/DVD, bạn không nên cho thiết bị đọc các đĩa bị trầy xước quá nhiều lần trong thời gian dài. Đặc biệt không thường xuyên để ổ đọc các loại đĩa có dán lớp giấy trên bề mặt chứa thông tin vì có thể gây hiện tượng kén đĩa hoặc mắt đọc kém đi.
Mở màn hình một góc 90 hoặc 120 độ
Khi sử dụng laptop, bạn nên đóng mở nhẹ nhàng, tránh gây ra hiện tượng đứt cáp nối giữa mainboard và màn hình. Khuyến cáo của hãng sản xuất là nên mở màn hình ở một góc thích hợp nhất là từ 90 đến 120 độ và không nên đóng mở liên tục nhiều lần trong một thời gian ngắn.
Chuột và bàn phím
Ngoài những vấn đề chính nêu trên bạn cần quan tâm, một số vấn đề tưởng nhỏ như bàn phím và chuột mà không nhỏ chút nào. Mỗi dòng máy đều có thiết kế bàn phím riêng. Vì các phím đều khá mềm nên rất dễ bị hỏng hóc khi có va đập mạnh nên cần cẩn thận khi thao tác với bàn phím. Khi dùng chuột nối ngoài, bạn nên chú ý khoá chức năng di chuột cảm biến touchpad.
Lưu ý: Nếu không thông thạo về phần cứng, khi gặp bất cứ sự cố nào về phần cứng của laptop, tốt nhất bạn nên đem đến các trung tâm sửa chữa, không nên tự ý tháo máy để sửa dẫn đến hư hỏng nặng hơn.