Android là nền tảng mở đầy tiềm năng phát triển và khá thú vị để chúng ta khám phá. Tuy nhiên, trong bước đầu làm quen với hệ điều hành mới này, người dùng mới có thể sẽ không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ. Bài viết sau đây sẽ mang đến một số thông tin bổ ích hỗ trợ người dùng Android.
Làm quen giao diện Android
Giao diện Android chuẩn hỗ trợ 5 trang màn hình Home khác nhau. Ngoài ra, điện thoại Android của từng nhà sản xuất cũng sẽ được tùy biến giao diện với nhiều trang màn hình hoặc ít hơn nhằm mang lại bản sắc riêng cho sản phẩm của họ.
Sony Ericsson Xperia Arc.
Phía trên màn hình điện thoại Android luôn có một thanh Notification bar có chức năng thông tin đến người dùng những thay đổi mới nhất của máy, từ báo tin nhắn, cuộc gọi nhỡ… đến thông tin các ứng dụng tải về. Người dùng chỉ cần kéo thanh thông báo này xuống để xem thông tin chi tiết.
Thêm và xóa ứng dụng/widget vào màn hình chính
Để đặt thêm nhiều Widget/Shortcut/Folder hoặc thay đổi hình nền trên màn hình chính, ta chỉ cần bấm và giữ vào một khoảng trống trên màn hình điện thoại. Sau đó một cửa sổ popup sẽ hiển thị và hỏi bạn muốn thêm ứng dụng nào. Ví dụ, ta có thể chọn Shorcut > Applications rồi chọn chương trình mong muốn.
Ngoài ra, các shorcut còn có thể được sao chép từ màn hình menu sang các màn hình Home bằng cách nhấn giữ shorcut và di chuyển qua lại giữa các màn hình Home để đặt tùy ý.
Thêm vào đó, người dùng có thể xóa các icon trên màn hình Home bằng cách nhấn giữ các icon rồi di chuyển chúng xuống biểu tượng thùng rác hiện ra ngay gần cuối màn hình.
Nhấn giữ vào một điểm bất kì trên màn hình sẽ hiển thị menu cho phép người dùng cá nhân hóa các Shorcut, Widget… trên màn hình Home.
Các phím Android cơ bản
Điện thoại Android có bốn phím chuẩn: nút Back, Menu, Home và Search.
Back: Trở lại trạng thái/màn hình điện thoại trước đó.
Menu: Hiển thị một danh sách các tùy chọn có liên quan đến vùng hay chương trình trên điện thoại mà bạn đang sử dụng. Khi nhấn phím Menu tại màn hình chủ, nó sẽ đồng ý cho bạn truy cập vào các thiết lập của điện thoại và các tùy chọn tùy chỉnh khác. Đặc biệt, nếu nhất và giữ phím Menu, một bàn phím ảo sẽ hiển thị để đáp ứng nhu cầu nhập liệu của bạn.
Home: Nút Home có chức năng tương tự như Show Desktop trên Windows. Thao tác nhấn nút Home sẽ đưa bạn trở về màn hình Home, dù bạn đang ở đâu. Nếu nhấn và giữ Home, màn hình sẽ hiển thị các ứng dụng được sử dụng gần nhất cho phép người dùng chuyển đổi nhanh giữa các ứng dụng một cách dễ dàng.
Nhấn giữ nút Home để hiển thị các ứng dụng sử dụng gần nhất.
Search: Hỗ trợ tìm kiếm tập tin, ứng dụng hoặc bất cứ thông tin nào trong hệ thống.
Trên đây là chức năng của các những điện thoại Android chuẩn, cụm phím này có thể thay đổi giữa theo tùy biến của nhà sản xuất mà bạn có thể từ từ khám phá trên “dế yêu” của mình.
Tải và cài đặt ứng dụng
Thông thường, những điện thoại Android được Google hỗ trợ sẽ được cài đặt sẵn Android Market. Đây là ứng dụng giúp bạn đăng nhập vào chợ ứng dụng của Google để tìm và tải về ứng dụng cần thiết. Khi mở ứng dụng Android Market lần đầu tiên, ứng dụng sẽ yêu cầu bạn đăng nhập tài khoản Google của mình hoặc đăng kí nếu chưa có tài khoản. Cũng xin lưu ý rằng, tài khoản này sẽ gắn liền với Android Market trên điện thoại của bạn. Do đó, hãy nhập tài khoản một cách cẩn thận (nếu bạn có nhiều tài khoản Google cùng lúc thì hãy chọn tài khoản phù hợp nhất), vì khi cần chuyển đổi sang tài khoản khác, cách dễ dàng nhất vẫn là reset máy, đồng nghĩa với việc dữ liệu người dùng có thể bị mất nếu không được sao lưu cẩn thận.
Để cài đặt ứng dụng trên Android Market, tại giao diện chính, bạn bấm vào các mục phù hợp (ví dụ trên điện thoại Sony Ericsson có các mục Application (ứng dụng), Game, và các ứng dụng riêng của Sony Ericsson). Bạn cũng có thể dùng phím Search (tìm kiếm) để tìm ứng dụng phù hợp.
Ngoài việc tìm và tải ứng dụng trực tuyến bằng Android Market, người dùng Android vẫn có thể cài đặt ứng dụng thông qua các tập tin ứng dụng (có đuôi .apk) từ máy tính. Thao tác thực hiện như sau:
- Tải/chép tập tin ứng dụng có đuôi là .apk về máy tính.
- Chép vào bộ nhớ máy/thẻ trên điện thoại.
- Sử dụng trình quản lý tập tin có sẵn hoặc có thể tải về các trình quản lý tập tin miễn phí trên Android Market (Ví dụ: ASTRO Manager, File Manager).
- Mở trình quản lý tập tin và chọn ứng dụng (.apk) vừa chép vào và tiến hành cài đặt.
Tuy nhiên, để có thể cài đặt ứng dụng theo cách này, người dùng phải đánh dấu chọn vào mục Unknown sources (Settings > Applications > Unknown sources).
Gỡ bỏ ứng dụng
Việc gỡ bỏ ứng dụng có thể thực hiện bằng các truy cập vào Settings > Applications > Manage Application, chọn ứng dụng không dùng đến nữa và nhấn Uninstall.
Ngoài ra, người dùng có thể dùng các ứng dụng hỗ trợ việc gỡ bỏ ứng dụng. Các ứng dụng loại này đôi khi còn cho phép bạn gỡ bỏ nhiều ứng dụng cùng lúc, rất tiện lợi cho việc dọn dẹp máy.
Reset máy
Sau khi đã vọc phá, mở quá nhiều ứng dụng khiến điện thoại của bạn bị đứng hay thậm chí là muốn “cài” lại máy nhằm mang đến sự mới mẻ thay vì phải đối diện với những ứng dụng, cài đặt đã quá quen thuộc và nhàm chán, thì reset máy có vẻ là phương án “cứu cánh” thích hợp cho người dùng. Để thực hiện thao tác Reset, xin lưu ý trước hết bạn hãy thực hiện thao tác sao lưu dữ liệu cần thiết như sao lưu dạnh bạ ra thẻ nhớ hoặc SIM…
Trong phạm vi bài này, người viết chỉ xin đề cập đến thao tác Reset chung nhất dành cho điện thoại Android.
Ba cách Reset máy như sau:
- Settings > Privacy > Factory data reset/Setting reset
- Sử dụng các mã số bí mật được liệt kê ở phần cuối bài viết.
- Nhấn giữ phím Power + Back + Menu cùng lúc hay Power + Home + Volume Down.
Tiết kiệm pin trên Android
Một số lưu ý nhỏ từ kinh nghiệm bản thân để có thể tối ưu hóa thời gian sử dụng pin của điện thoại Android.
- Nên tắt các kết nối dữ liệu khi không cần thiết:
+ Tắt Wi-Fi/Bluetooth: Di chuyển về màn hình Home đầu tiên > chọn icon Wi-Fi/Bluetooth. Hoặc tắt kết nối này trong Settings.
+ Tắt kết nối dữ liệu ngầm (Background data): chọn Settings > Accounts&sync > Bỏ chọn trong mục Background data.
- Giảm bớt độ sáng màn hình: Settings > Display > Brightness, dùng tay để tinh chỉnh độ sáng phù hợp.
Các mã số bí mật trên Android
*#06#: Hiển thị IMEI của máy.
*#*#4636#*#*: Hiển thị thông tin chi tiết về điện thoại, pin, thống kê thời gian sử dụng và các thông tin phụ (tùy từng điện thoại).
*#*#7780#*#*: Code dùng để reset máy. Code này sẽ gỡ bỏ tài khoản Google đã lưu trên điện thoại, các thiết lập hệ thống và dữ liệu ứng dụng, các ứng dụng đã tải về. Lưu ý: Hãy suy nghĩ cẩn thận và tiến hành sao lưu dữ liệu trước khi thực hiện thao tác này.
*2767*3855#: “factory format”- xóa sạch bộ nhớ máy và đưa máy về trạng thái khi xuất xưởng. Lưu ý: khi sử dụng code này, không thể thực hiện thao tác hủy (cancel) mà chỉ có thể tháo pin ra để máy dừng lại.
*#*#34971639#*#*: Hiển thị thông tin về camera điện thoại.
*#*#7594#*#*: Thay đổi chức năng của nút “Power” trên điện thoại.
*#*#273283*255*663282*#*#*: Hiển thị màn hình dùng để sao lưu dữ liệu.
*#*#197328640#*#*: Kích hoạt chế độ Service. Giúp kiểm tra và thay đổi tùy chọn trong chế độ Service (Service mode).
Lưu ý: Những mã số bí mật trên dành cho thiết bị Android nói chung, những mã số này có thể thay đổi theo tùy biến của mỗi nhà sản xuất khác nhau. Do đó, sẽ rất bình thường nếu thiết bị Android của bạn không hiển thị hay thực hiện bất cứ thay đổi nào khi thử một trong những mã số liệt kê trên đây. Vì thế, hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc thông tin từ internet để có thể khám phá đầy đủ điện thoại của minh với các mã số bí mật vô cùng phong phú.