Bạn có thể dùng iPad thay cho máy tính Mac để thực hiện nhiều tác vụ điện toán thông thường. Và vấn đề nảy sinh là bạn sẽ cần truyền tập tin qua lại giữa iPad và máy tính Mac để hoàn chỉnh công việc của mình.
Đáng tiếc là việc truyền và đồng bộ tập tin giữa máy Mac và máy tính bảng không dễ thực hiện. Có nhiều cách khác nhau để thực hiện việc này, nhưng không có cách nào là hoàn hảo cả - mỗi cách lại có mặt hạn chế riêng. Đây là một lĩnh vực mà Apple cần phải tiếp tục hoàn thiện. Và trong khi chờ đợi Apple thực hiện việc này, có một số cách sau đây giúp bạn truyền tập tin giữa các thiết bị khác nhau của mình.
Phương pháp truyền tập tin giữa iPad và máy Mac được Apple chính thức hỗ trợ là qua tính năng chia sẻ tập tin iTunes. Nhưng tiếc là quy trình này rất rườm rà.
Một mặt, tính năng này chỉ hoạt động với các ứng dụng có hỗ trợ nó. Tất cả các công cụ sáng tạo dành cho iPad như Pages, Keynote, Numbers, GarageBand và iMovie đều dùng iTunes để truyền tập tin qua lại. Vài ứng dụng của công ty thứ ba, như các chương trình đọc sách điện tử, trình soạn thảo văn bản, và các công cụ sáng tạo truyền thông cũng thế.
Nhưng các ứng dụng khác nhau lại dùng iTunes bằng nhiều cách khác nhau; thí dụ, ứng dụng của Apple đòi hỏi bạn phải chọn “Save to iTunes” (lưu vào iTunes) khi lưu một tài liệu; các ứng dụng khác lại tự động đưa tập tin vào iTunes.
Tệ hơn nữa là bạn phải thường xuyên tự thực hiện đồng bộ tập tin. Giờ đây, hẳn bạn đã biết phải thực hiện các thao tác nào: Kết nối iPad trực tiếp với máy Mac và mở iTunes. Chọn iPad của bạn trong danh sách nguồn của iTunes và nhấp vào thẻ "Apps" (ứng dụng). Cuộn xuống danh sách các ứng dụng đã cài đặt và tìm phần "File Sharing" (chia sẻ tập tin). Chọn ứng dụng nào mà bạn muốn sao chép tập tin từ đó, để các tập tin của ứng dụng này xuất hiện trong khung "Documents" (tài liệu) của nó. Kéo thả một hay nhiều tập tin này đến màn hình nền trong khi vẫn giữ phím "Option" (tùy chọn) để sao chép chúng lên màn hình nền, hay dùng nút "Save To" (lưu vào) để mở khung thoại lưu truyền thống. Nếu bạn cập nhật tập tin lên máy Mac của bạn và muốn gửi tập tin này về lại iPad, bạn phải kéo thả tập tin đã thay đổi đó về lại iTunes, vào danh sách tài liệu của ứng dụng thích hợp.
Quả là không đơn giản chút nào.
Khi cần đồng bộ hóa tập tin, bạn có thể dùng dịch vụ Dropbox (miễn phí 2GB). Dịch vụ này sử dụng tốt cho việc đồng bộ tập tin giữa các máy tính. Nhưng còn hoạt động đồng bộ tập tin giữa máy Mac và iPad thì sao?
Tiếc là dịch vụ Dropbox trên iPad chưa được đầy đủ, nhưng không phải do khiếm khuyết của dịch vụ. Ứng dụng Dropbox, giống như nhiều dịch vụ lưu trữ đám mây khác (gồm MobileMe iDisk), giúp truy cập dễ dàng bất kỳ tập tin và thư mục nào bạn lưu trữ với dịch vụ. Ứng dụng Dropbox giúp dễ dàng xem bất kỳ dữ liệu nào ở định dạng tương thích với iOS, gồm tài liệu Word và Pages, PDF, tập tin văn bản và hình ảnh. Hơn nữa, Dropbox và các ứng dụng tương tự cho bạn tùy chọn mở tập tin đã đồng bộ bằng ứng dụng iPad tương thích; thí dụ, bạn có thể dùng ứng dụng Dropbox để gửi tài liệu xử lý văn bản đến Pages.
Mặt hạn chế của quy trình này là không thể gửi tập tin đã được cập nhật về lại Dropbox từ trong Pages. Do bị hạn chế trong cách hoạt động hiện giờ của iOS, các ứng dụng lưu trữ đám mây chỉ hoạt động một chiều trên iPad. Chuyển tập tin từ Dropbox vào một ứng dụng thì đơn giản, nhưng bạn không thể gửi tập tin về lại Dropbox được khi đã cập nhật tập tin xong.
Có một cách thực hiện được việc này. Trong các ứng dụng có hỗ trợ WebDAV như Pages, bạn có thể dùng dịch vụ DropDAV (miễn phí 2GB) để truy cập thư mục Dropbox của bạn. DropDAV cho phép bạn tương tác với tập tin Dropbox qua kết nối WebDAV truyền thống. Vì Pages cho phép bạn mở tập tin từ một máy chủ WebDAV từ xa, bạn có thể lấy tài liệu và hiệu đính nó trên máy tính bảng của bạn. Nên nhớ rằng bạn đang làm việc trên một bản sao cục bộ. Khi làm xong, bạn phải tự mình lưu và xuất bản tài liệu về lại máy chủ WebDAV do DropDAV tạo ra. Đây quả là cách dễ nhất để có được trải nghiệm Dropbox Mac trên iPad, nhưng chưa được hoàn hảo lắm.
Có vài ứng dụng iPad có hỗ trợ tích hợp sẵn cho lưu trữ đám mây (phổ biến nhất là Dropbox). Thật vậy, trang web của Dropbox có liệt kê hơn 130 ứng dụng tích hợp với dịch vụ này bằng nhiều cách.
Có nhiều trình soạn thảo văn bản iPad tương thích với Dropbox, gồm Elements giá 5 USD (~100.000 đồng), iA Writer giá 1 USD (~20.000 đồng), và Textastic giá 10 USD (~200.000 đồng). Với những trình soạn thảo đó, việc đồng bộ hóa có vẻ được thực hiện thông suốt; các thay đổi của bạn được lưu trực tiếp vào Dropbox; các thay đổi bạn thực hiện trên máy Mac lập tức nhận được trên iPad. Không cần phải kết nối iPad với máy Mac; quy trình này rất dễ thực hiện.
Ngoài các trình soạn thảo văn bản, danh sách các ứng dụng tương thích với Dropbox còn gồm các trình xử lý văn bản như DocumentsToGo giá 17 USD (~340.000 đồng), QuickOffice giá 15 USD (~300.000 đồng), và Office2 giá 6 USD (~120.000 đồng); các trình đọc tập tin như ReaddleDocs giá 5 USD (~100.000) và GoodReader giá 5 USD (~100.000 đồng); các ứng dụng ghi chú như DropVox giá 1 USD (~20.000 đồng), Audio Memos giá 1 USD (~20.000 đồng), Mobile Recorder giá 1 USD (~20.000 đồng), và Smart Recorder giá 3 USD (~60.000 đồng), cùng nhiều ứng dụng khác. Khi ứng dụng cho phép bạn mở và lưu tài liệu trực tiếp vào Dropbox, bạn có thể dễ dàng quản lý tập tin một cách bình thường.
Các ứng dụng iPad của Apple không được tích hợp với Dropbox, nhưng vẫn hoạt động được với MobileMe iDisk. Tiếc là việc kết hợp với trình ứng dụng này không hoạt động tốt so với ứng dụng tốt nhất trong số các ứng dụng Dropbox. Việc xuất bản đến iDisk rất giống với tính năng chia sẻ tập tin (File Sharing) của iTunes; bạn có thể sao chép tập tin của bạn đến máy chủ từ xa, thay vì phải giữ một bản duy nhất luôn đang đồng bộ hóa.
Nhưng những gì mà bộ phần mềm iWork của Apple thiếu về chất lượng đồng bộ, thì ứng dụng này cố bù đắp lại bằng nhiều cách đồng bộ. Ngoài iDisk, bạn có thể chia sẻ tài liệu iWork qua trang web iWork.com, gửi tài liệu đến iTunes, hay sao chép tài liệu qua WebDAV. Không có tùy chọn nào kể trên là đơn giản hơn các ứng dụng Dropbox. Dịch vụ DropDAV nói trên có thể giúp bạn chút ít, nhưng thiếu tất cả các đặc điểm tinh vi mà các ứng dụng tích hợp Dropbox có thể cung cấp.
Trừ phi và cho đến khi Apple cùng các hãng cung cấp khác xây dựng được tính năng đồng bộ hai chiều vào các ứng dụng của họ, thì email là cách tốt thứ nhì có thể áp dụng.
Dĩ nhiên, email không giống tính năng đồng bộ hóa thời gian thực thật sự hơn iTune File Sharing; bạn vẫn phải gửi bản sao tập tin qua lại, và bạn phải đảm bảo là đang luôn luôn làm việc trên phiên bản cuối cùng. Nhưng phương pháp dùng email có vài lợi điểm so với cách của iTunes.
Trước hết là bạn không cần phải kết nối iPad với máy Mac. Hai là, email có đánh dấu ngày tháng, nên bạn không cần phải tìm hiểu rằng bạn có đang làm việc với bản mới nhất hay không; bạn có thể biết chính xác bạn đã gửi tài liệu lúc nào.
Nếu bạn tính sử dụng cách truyền tập tin qua email, bạn cũng nên tạo những quy tắc đặc biệt trong ứng dụng mail bạn chọn để xử lý loại thư tín đặc biệt này. Thí dụ, trong Gmail bạn có thể tạo một bộ lọc để tìm các thư gửi và nhận, và những thư nào có tập tin đính kèm. Các thư này có gắn thẻ Files và được đưa vào kho lưu trữ (archive); bằng cách này, ứng dụng Mail trên iPad sẽ hiển thị những thư này được xếp gọn gàng trong cùng một thư mục.
Giao thức truyền tập tin FTP trước đây được sử dụng tốt, và cũng là một lựa chọn khác để truyền tập tin cho iPad. Có nhiều ứng dụng FTP cho iPad trong kho ứng dụng App Store, gồm FTP On The Go Pro giá 7 USD (~140.000 đồng), FTP Deluxe HD giá 1 USD (~20.000 đồng), và FTP Write giá 5 USD (~100.000 đồng). Các ứng dụng này cho phép bạn kết nối với một máy chủ FTP từ xa, và sau đó hiệu đính các tập tin mà bạn lưu trữ ở đó.
Nếu bạn có thể truy cập máy chủ FTP từ xa (qua công ty cung cấp máy chủ mạng hay bằng phương tiện khác), cả máy Mac và iPad của bạn đều có thể kết nối với nó. Nhưng bạn sẽ phải tải tập tin xuống máy Mac khi bạn muốn làm việc với tập tin đó. Thay vì vậy, bạn có thể cấu hình máy Mac của bạn thành một máy chủ FTP. Để thực hiện việc này, bạn hãy chọn tùy chọn hệ thống "Sharing" và kích hoạt "File Sharing". Sau đó nhấp nút "Options" (tùy chọn) và chọn "Share Files" (chia sẻ tập tin) và "Folders Using FTP" (thư mục dùng FTP). Tùy chọn hệ thống (System Preferences) sẽ cho bạn biết địa chỉ FTP máy Mac của bạn. Hãy chú ý là, trừ phi nhà bạn có một địa chỉ IP tĩnh và bộ định tuyến của bạn được cấu hình đúng, thì bạn khó có thể hay không thể kết nối với máy Mac của bạn được dùng làm máy chủ FTP, nếu iPad của bạn không nằm trong cùng hệ thống không dây.
Phương pháp dùng FTP từ iPad có thể dùng được, vì nó bảo đảm bạn có thể làm việc chỉ trên một bản sao của một tập tin tại một thời điểm. Nhưng nếu bạn không thể truy cập tập tin khi bạn kết nối mạng ở nơi khác ngoài nhà bạn, thì đó là một vấn đề nghiêm trọng.
Có nhiều ứng dụng – gồm iFlashDrive giá 2 USD (~40.000 đồng), và Briefcase giá 5 USD (~100.000 đồng) – cho phép bạn dùng iPad như một ổ USB ảo, để bạn có thể truyền nhận tập tin từ iPad. Các ứng dụng này cùng các ứng dụng tương tự khác thường có thể kết nối với máy Mac (nếu bạn kích hoạt chia sẻ tập tin) qua hệ thống Wi-Fi cục bộ; vài ứng dụng khác cũng có thể kết nối bằng Bluetooth. Một số các ứng dụng trên còn hỗ trợ truy cập từ xa, gồm cả tính năng kết nối với máy chủ SFTP (Secure FTP).
Nhưng phương pháp này vẫn có vẻ giống như tính năng iTunes File Sharing sử dụng qua hệ thống không dây. Bạn có thể sao chép tập tin qua lại, nhưng phải thực hiện quy trình này bằng cách thủ công.
Thật sự đáng buồn là việc quản lý tập tin trên iPad quả là khó khăn. Bạn có thể nhận thấy việc đồng bộ thời gian thực theo hai chiều thật sự có ý nghĩa như thế nào, khi bạn dùng một trong nhiều trình soạn thảo văn bản kết nối với Dropbox có thể dùng được cho iPad. Nhưng các giải pháp đồng bộ tập tin dùng được cho các loại ứng dụng khác lại không phù hợp cho iPad. Cho đến khi Apple cung cấp một giải pháp tốt hơn, bạn có thể sẽ vẫn dùng các trình soạn thảo văn bản khi có thể, và dùng email để truyền qua lại các tập tin khác.