Đánh giá chi tiết router không dây: Linksys WRT120N?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước
[gallery]/18/pee1267761297.jpg[/gallery] Nhắc đến sản phẩm mạng, hay có thể tự tin mà nói rằng khi nhắc đến mạng nói chung, cái tên Cisco đương nhiên hiện ra trong đầu chúng tôi. Chúng ta sẽ không bàn tới lý do vì sao, hãy tạm đồng ý với ý kiến này. Tuy nhiên, các sản phẩm thương hiệu Cisco thì chỉ giới hạn cho các mục đích chuyên nghiệp, không có sản phẩm nào có được thiết kế bắt mắt, giá cả phải chăng và hơn hết là thân thiện với người dùng ít kinh nghiệm. Linksys là một thương hiệu của chính Cisco được ra đời với mục đích giải quyết những vấn đề đó. Để giải quyết vấn đề đó, hãy chọn một sản phẩm của Linksys và xem liệu thiết kế có bắt mắt hay không, giá cả có vừa túi tiền hay không và khi sử dụng có cần bạn phải có thật nhiều tóc hay không nếu không muốn gãi trọc cả đầu. Router không dây Linksys WRT120N là sản phẩm chúng tôi chọn cho bài review này. [b]Thiết kế [/b] Chúng tôi sẽ dành tặng cho độc giả vozExpress những bức ảnh chụp sản phẩm này dưới đây và nhường quyền đánh giá về thiết kế của WRT120N cho các bạn, bởi thẩm mĩ mỗi người một khác, đưa ra nhận xét cá nhân của chúng tôi có lẽ là sẽ thừa. [gallery]/18/bya1267761762.jpg[/gallery] [gallery]/18/lul1267761777.jpg[/gallery] [gallery]/18/tvo1267761795.jpg[/gallery] [b]Giá tiền[/b] Theo như chúng tôi tham khảo, tại thị trường Việt Nam, giá của WRT120N rơi vào khoảng trên 1,1 triệu đồng một chút (59USD), thấp hơn so với WRT54GL (phiên bản firmware Linux của WRT54G – một huyền thoại) khoảng 100.000VND, và đắt hơn so với một vài sản phẩm cạnh tranh của các thương hiệu khác ít tên tuổi hơn khoảng hơn 100.000VND. Giá tại Mỹ không thấp hơn ở Việt Nam nhiều, tại Amazon WRT120N được bán với giá 50USD. Sống trong một đất nước mà sữa đắt gấp ba lần so với ở nước ngoài mà chúng ta vẫn phải mua cho con uống thì có lẽ các bạn sẽ đều đồng ý với chúng tôi rằng bỏ thêm hơn 100.000VND để mua một sản phẩm mạng được chống lưng bởi Cisco không phải là đắt. Và chúng tôi mới chỉ tạm so về giá như vậy, coi như yếu tố thiết kế là không quan trọng cũng như hiệu năng tạm coi là bằng nhau. [b]Khả năng chống rụng tóc[/b] Được tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm máy móc các loại, hầu hết là sản phẩm mẫu đôi khi còn có lỗi, hầu hết nhóm biên tập chúng tôi đều rụng gần hết tóc vì gặp lỗi của sản phẩm liên tục trong khi không được cung cấp kèm tài liệu hoàn chỉnh. Tuy vậy, rất may mắn là sản phẩm WRT120N của Linksys được gửi cho chúng tôi là sản phẩm hoàn chỉnh, và hiện đang được bán trên thị trường. [b]Thiết lập ban đầu[/b] Kèm theo sản phẩm là một phong bì to đùng với dòng chữ rất hoành tráng: “Nhớ chạy chương trình trên đĩa CD trước rồi hãy cắm dây”. Suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi không được tích cực cho lắm, bởi thứ nhất: Sẽ phải móc đâu ra một cái ổ quang để lắp vào máy? và thứ hai: Thế này thì không gọi là dễ dùng được! Quyết định mặc kệ, dân chơi mà dùng đồ mới cứ phải nhất nhất làm theo hướng dẫn thì độ chơi thấp quá. Chúng tôi quyết định cắm thẳng dây mạng vào cổng Internet và cắm điện. Sau khoảng 20 giây đợi WRT120N khởi động xong, danh sách mạng không dây trên máy tính của chúng tôi hiện thêm một mạng mới mang tên mặc định “linksys”. Mặc định, mạng này sẽ không mã hóa dữ liệu truyền tải, hay nói dễ hiểu là không có password. Nếu bạn đang sử dụng hệ điều hành Windows 7 (có thể Vista cũng hỗ trợ, còn chúng tôi không sử dụng Vista) và kết nối vào mạng này lần đầu tiên sau khi router được khởi động với thiết lập mặc định của nhà sản xuất, bạn sẽ được hỏi một câu đại ý thế này: “Cái router này nó mới quá, chưa có ai vào chỉnh sửa thông số nó tối ưu cả, mày có tính chỉnh không?”. Đương nhiên chúng tôi nhấn có. Sau một vài bước đơn giản vô cùng (chỉ việc nhấn Yes với OK – gõ thêm vài chữ đổi tên mạng cho hoành tráng) là mọi thứ thiết lập xong xuôi. Mạng mới của chúng tôi đã được thiết lập cho mã hóa dữ liệu (cài password) và mọi người trở lại công việc thường ngày của mình, mọi thứ đã xong. Thiết lập ban đầu như vậy là 10 điểm. Nếu bạn dùng hệ điều hành khác Windows 7 thì mọi thứ cũng rất dễ dàng, nhưng bạn phải cài phần mềm quản lý kèm theo đĩa CD và làm theo một vài hướng dẫn trong tài liệu đi kèm (tài liệu đi kèm sơ bộ theo quan sát của chúng tôi thì có cả tiếng Việt rất hoành tráng, nhưng chỉ mỗi bốn chữ “Bắt đầu ở đây” – ợ). [b]Sử dụng[/b] Do thiết lập tự động nên chúng tôi chịu – không nhớ nổi dãy chữ số lằng nhằng vốn được sử dụng làm khóa mã hóa (hay thường gọi là password) là gì. Thế nên khi một máy tính kết nối vào mạng mới của WRT120N thì không ai biết làm sao để nhập đúng khóa. Rất may là sau 5 giây đứng im chờ đợi thì có vẻ như Windows 7 cũng thấy vẻ mặt đần đần của người dùng nên mới hiện ra một dòng chữ dịch nôm na ra là thế này: “Nếu mày không biết khóa mã hóa là gì thì chạy ra bấm vào nút trên router”. Thế là bấm, bấm vài lần không thấy chuyện gì xảy ra mới thấy có cái đèn ở trên cái nút, thế là thử bấm và giữ vài giây mới thấy cái đèn nháy. Sau khi đèn nháy một tí tẹo thì tự nhiên mọi thứ xong xuôi, chúng tôi chẳng phải nhập cái gì vào cả và máy tính mới kết nối mạng ngay lập tức đã có thể chat chit spam. Túm lại, nếu bạn kết nối một thiết bị mới vào mạng của WRT120N thì sau khi bạn chọn kết nối, đến phần bị hỏi password thì các bạn nhấn và giữ vài giây cái nút duy nhất trên cục router cho tới khi đèn xanh nó nháy nháy là mọi thứ sẽ xong xuôi. 9 điểm, trừ bớt 1 điểm do chúng tôi lười không đọc hướng dẫn là nút phải nhấn và giữ một tẹo. [b]Các thiết bị khác[/b] Chúng tôi mới chỉ thử nghiệm với máy tính dùng Windows 7, các hệ điều hành khác như Mac OS X hay Vista, XP chúng tôi sẽ thử sau. Nhưng sau khi cấu hình xong thì khóa mã hóa được sử dụng cho mạng cũng được Windows thông báo khá rõ ràng, bạn nên lưu lại đâu đó phòng khi cần kíp. An toàn nhất, các bạn hãy sử dụng một khóa mã hóa dễ nhớ như bình thường khi cấu hình lần đầu (Windows cho phép bạn chọn, chúng tôi lười nên chọn luôn mã mặc định) để sử dụng với các thiết bị không tương thích công nghệ tự động này. [b]Thông số cơ bản – Vỏ hộp và phụ kiện[/b] * Model: WRT120N * Chuẩn: IEEE 802.3u và 802.11b/g/n * Các cổng kết nối: Internet, 4 x Ethernet (RJ45), giắc Power * Các nút chức năng: Reset, Cài đặt bảo mật cho Wi-Fi * Số lượng ăn-ten: 2 (gắn trong) * Cường độ phát (Transmitted Power) 802.11b: 16.5 ± 1.5dBm 802.11g: 13.5 ± 1.5dBm 802.11n: 13.5 ± 1.5dBm * Độ nhạy sóng (Receive Sensitivity) -94dBm (typical) @ 1Mbps -90dBm (typical) @ 11Mbps -75dBm (typical) @ 54Mbps * Bảo mật Wireless: WPA2, WEP, Mac Filtering * Mã hóa mật mã bảo mật 128-bit * Hệ điều hành tương thích: Windows XP, Windows Vista (32-64 bit), Windows 7 (32-64 bit), Mac OS X 10.4 [gallery]/18/nuy1267761901.jpg[/gallery] Vỏ hộp của Linksys WRT120N được thiết kế với tông màu xanh trông chuyên nghiệp và rất bắt mắt. Các thông tin chính cũng như thông số kỹ thuật đều được thể hiện trên vỏ hộp. [gallery]/18/key1267761918.jpg[/gallery] Phụ kiện đi kèm WRT120N bao gồm một dây mạng (độ dài 1.5m), một sạc đầu cắm 3 chấu cho điện áp đầu ra 12V-cường độ 1A, một đầu chuyển giắc cắm điện sang loại 2 chấu thông thường (rất chu đáo), cuối cùng là đĩa driver và các tài liệu hướng dẫn cơ bản. [b]Phương pháp và môi trường thử nghiệm [/b] Hẳn nhiên, là bạn đọc vozExpress khi đọc review sẽ đều quan tâm đến hiệu năng sản phẩm trong quá trình sử dụng. Chúng tôi cũng thế. Vì vậy, phần tiếp theo chúng ta sẽ bàn sâu hơn một chút về hiệu năng sản phẩm này. Trước tiên, chúng ta hãy nói về môi trường và phương pháp thử nghiệm. [b]Hệ thống thử nghiệm của chúng tôi bao gồm:[/b] * PC01: Một máy tính để bàn, sử dụng card Wi-Fi chipset Broadcom chuẩn 802.11g (chúng tôi không biết cụ thể tên chipset và các kết quả search ra kết quả khác nhau, mong bạn đọc thông cảm). * PC02: Một máy tính xách tay, sử dụng card Wi-Fi chipset Intel 5100 chuẩn 802.11n (draft). * PC03: Một máy tính xách tay, sử dụng card Wi-Fi chipset Atheros AR5B93 chuẩn 802.11n (draft). [b]Môi trường thử nghiệm như sau:[/b] - PC01: Đặt ở góc phòng, ăng ten Wi-Fi bị che bởi khá nhiều vật liệu cản sóng, như màn hình, case máy tính bằng kim loại…, khoảng cách tới router là 5m. - PC02: Đặt ở giữa phòng, trên bàn làm việc, hầu như không bị che, khoảng cách tới router là 3m. - PC03: Đặt ở giữa phòng, trên bàn làm việc, che bởi 2 máy laptop khác cũng đang sử dụng Wi-Fi, khoảng cách tới router là 4m. Môi trường này là môi trường thực tế tại văn phòng của chúng tôi, các thử nghiệm khác với môi trường phức tạp hơn cho việc phát và nhận sóng sẽ được chúng tôi thử nghiệm thêm sau. [b]Phương pháp thử nghiệm:[/b] [b]Chúng tôi sẽ thử nghiệm với 3 điều kiện kết nối như sau:[/b] - Wireless – Wired: PC02 máy tính cắm thẳng vào router bằng dây mạng với kết nối 100Mbps. PC01 sẽ truyền dữ liệu thông qua mạng không dây tới router với kết nối chuẩn g 54Mbps và tới PC02 thông qua mạng dây. - Wireless – Wireless: PC02 đặt ở vị trí như bố trí mặc định của môi trường thử nghiệm. PC01 sẽ truyền dữ liệu tới router qua mạng không dây với kết nối chuẩn g 54Mbps và tới PC02 thông qua mạng không dây chuẩn n 65Mbps. - Wireless – Wireless – All n clients: PC02 và PC03 đặt ở vị trí như bố trí mặc định của môi trường thử nghiệm. PC03 sẽ truyền dữ liệu tới router qua mạng không dây với kết nối chuẩn n 130Mbps, và tới PC02 thông qua mạng không dây chuẩn n 65Mbps. Dữ liệu thử nghiệm gồm các gói dữ liệu 16KB và truyền liên tục trong vòng 180″, mô phỏng quá trình copy file với giao thức TCP và kiểm tra độ ổn định của kết nối với giao thức UDP. [b]Các router tham gia thử nghiệm:[/b] * Linksys WRT120N * Linksys WRT54G (v7 – dùng firmware không mod được, giả dạng huyền thoại WRT54G v4 trở về trước) Cả hai router được bố trí ở cùng một vị trí. [b]Kết quả thử nghiệm về độ ổn định của đường truyền Wireless – Wired – TCP[/b] [gallery]/18/sck1267761877.jpg[/gallery] Với giao thức TCP, dữ liệu truyền với tốc độ khá ổn định, hầu như không có đột biến. Chúng ta hãy so sánh với cùng thử nghiệm này với router WRT54G. [gallery]/18/alg1267762017.jpg[/gallery] Với cách bố trí của PC01 trong thử nghiệm này, WRT54G phải làm việc rất cố gắng để đảm bảo độ ổn định của kết nối. Các bạn có thể dễ dàng nhận thấy tốc độ truyền tải dữ liệu thường xuyên có sự thay đổi lớn, link speed thường xuyên sụt xuống 36Mbps hoặc thấp hơn. Như vậy, chúng ta có thể tạm kết luận rằng với một điều kiện bố trí ăng ten không hợp lý, Linksys WRT120N đảm bảo được độ ổn định của kết nối tốt hơn sản phẩm tiền nhiệm của nó (WRT54G). Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là WRT54G không tốt, 2 năm nay WRT54G đã phục vụ chúng tôi không ngừng nghỉ và mọi việc đều vẫn rất tuyệt vời. [b]Wireless – Wired – UDP[/b] Với giao thức UDP, chúng ta sẽ dễ dàng đánh giá chất lượng đường truyền hơn, mặc dù tốc độ truyền tải không có ý nghĩa nhiều lắm trong điều kiện sử dụng hàng ngày. [gallery]/18/ili1267762041.jpg[/gallery] Kết quả của WRT120N Các bạn chỉ cần chú ý đến những điểm màu xanh lá ở trục hoành (trục x – nằm ngang), đó là những điểm biểu thị có vấn đề về đường truyền. Lưu ý rằng, các vấn đề thực chất không quá quan trọng, giao thức truyền tải dữ liệu qua mạng thừa thông minh để đảm bảo dữ liệu của bạn không sai lệch hay thất thoát. Thử nghiệm này chỉ cho bạn biết lúc nào sự thông minh này cần phải được sử dụng thôi. Khoan hãy đánh giá, hãy xem biểu đồ của WRT54G. [gallery]/18/udq1267762064.jpg[/gallery] Không còn gì để nói. Qua thử nghiệm Wireless – Wired này, chúng ta có thể tự tin đánh giá WRT120N có khả năng đảm bảo độ ổn định đường truyền trong điều kiện bố trí không thuận lợi, tốt hơn hẳn model trước đây của Linksys là WRT54G. [b]Wireless – Wireless – TCP[/b] Thử nghiệm này với cách bố trí khá tối ưu (không bị cản sóng), nhưng việc truyền tải dữ liệu hoàn toàn qua kênh không dây sẽ cho chúng ta hình dung dễ dàng hơn về hiệu năng thực tế của router. Trước tiên là kết quả của WRT120N. [gallery]/18/ayd1267762089.jpg[/gallery] Rất ổn định. Và kết quả của WRT54G. [gallery]/18/lik1267762107.jpg[/gallery] Chúng tôi không giải thích được hiện tượng này, mời bạn đọc giải thích giùm. [b]Wireless – Wireless – UDP [/b] Hãy xem chất lượng kết nối của router WRT120N. [gallery]/18/bur1267762132.jpg[/gallery] Rõ ràng với cả hai kênh gửi và nhận dữ liệu đều dùng kết nối không dây thì việc đảm bảo một đường truyền chất lượng tốt không phải việc đơn giản. Hãy xem WRT54G làm ăn ra sao. [gallery]/18/oct1267762146.jpg[/gallery] Không có gì khá khẩm hơn, tất nhiên là như vậy. [b]Tổng kết lại về chất lượng đường truyền[/b] WRT120N hơn WRT54G về khả năng đảm bảo độ ổn định của đường truyền cả trong điều kiện bố trí không tối ưu lẫn trong điều kiện sử dụng thông thường. Sự ổn định này thể hiện ở tốc độ truyền tải dữ liệu cao hơn mà các bạn sẽ thấy ở phần tiếp theo của bài viết. [b]Kết quả thử nghiệm về tốc độ truyền tải dữ liệu[/b] Chúng tôi tổng hợp toàn bộ kết quả thử nghiệm thông qua giao thức TCP với các điều kiện thử nghiệm khác nhau tại biểu đồ này để tiện so sánh, kết quả tính trung bình tốc độ truyền tải trong toàn bộ 180″ của mỗi thử nghiệm. [gallery]/18/xqu1267762175.png[/gallery] Với thử nghiệm chỉ với một kênh không dây, mặc dù kênh không dây này bị bố trí ở vị trí không thuận lợi nhưng băng thông luôn là cao nhất, điều này dễ hiểu bởi router chỉ cần phải đảm bảo chất lượng sóng cho một kênh không dây. Nếu so sánh giữa WRT120N và WRT54G ở thử nghiệm này, ta thấy rõ ràng một sự cải thiện đáng kể, từ 12.70Mbps với WRT54G khi chuyển qua WRT120N băng thông đã tăng lên 19.68Mbps. Một sự cải thiện tới 156%. Với thử nghiệm hai kênh không dây, trong đó gồm một kênh chỉ kết nối với chuẩn g 54Mbps. WRT120N mang lại sự cải thiện so với WRT54G ở mức 135%, tương đồng với cải thiện 156% của thử nghiệm chỉ với một kênh không dây. Thử nghiệm với hai kênh không dây đều kết nối với chuẩn n, một kênh 65Mbps và một kênh 130Mbps mang lại kết quả thấp hơn cả thử nghiệm giữa một kênh g 54Mbps và một kênh n 65Mbps. Đây là điểm chúng tôi chưa lý giải được, rất có thể do chuẩn n cho tới thời điểm hiện tại vẫn là draft, chưa được thống nhất, do vậy giữa các nhà sản xuất chipset chưa có sự thống nhất về giao thức truyền tải. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại với bất kỳ sản phẩm nào từ bất kỳ nhãn hiệu nào, không chỉ riêng Linksys. [b]Thảo luận thêm về kết quả thử nghiệm[/b] Trước khi viết bài viết này, tôi đã tham khảo khá nhiều những kết quả thử nghiệm khác nhau của nhiều cá nhân cũng như tổ chức khác nhau. Kết quả của họ chênh lệch nhau rất nhiều, lên tới mức vài ngàn %. Bạn đọc khi đọc những kết quả được chúng tôi thử nghiệm cần phải chú ý đến tính đồng nhất của môi trường cũng như phương thức thử nghiệm, đặc biệt là đối với những sản phẩm mạng. Phương thức khác nhau sẽ dẫn đến kết quả RẤT khác nhau. Theo kinh nghiệm cá nhân của người viết bài này, một kênh không dây mà đạt được 80% băng thông lý thuyết là hoàn toàn bất hợp lý, nhưng thực tế cho thấy trên khá nhiều website khi thử nghiệm họ đã đạt được mức băng thông này. Chúng tôi chịu không tài nào hiểu được bằng cách nào họ đạt được kết quả như vậy. Do vậy, kết quả chỉ có thể được so sánh khi chúng được thử nghiệm với một môi trường thử nghiệm tương đương, phương thức thử nghiệm tương đương. Các bạn hãy tham khảo thêm phần trên của bài viết để hiểu rõ ràng hơn về môi trường và phương thức thử nghiệm của chúng tôi. Đây là môi trường thực tế chúng tôi đang sử dụng ở văn phòng và nó phản ánh rõ ràng nhất hiệu năng chúng tôi đạt được trong quá trình sử dụng hàng ngày. [b]Kết luận[/b] Trong khi chuẩn n vẫn chưa được thống nhất về mặt quy chuẩn thì các nhà sản xuất sẽ không thể cứ ngồi yên mà đợi, họ sẽ vẫn phải giới thiệu ra thị trường các sản phẩm theo họ là tương thích, và WRT120N là một sản phẩm như vậy. Băng thông lý thuyết của kết nối chuẩn draft n là 300Mbps, WRT120N chỉ hỗ trợ được tối đa 150Mbps do WRT120N chỉ hỗ trợ truyền tải theo một luồng, thay vì hai luồng như quy chuẩn đang được thống nhất. Đồng thời không phải thiết bị tương thích với chuẩn draft n cũng có thể đạt được kết nối 150Mbps. Thực tế cho thấy hai thiết bị của chúng tôi chỉ có thể đạt mức 65Mbps và 130Mbps. Chúng tôi không đánh giá đây là khuyết điểm của bản thân Linksys mà đây là đặc điểm chung của toàn bộ các sản phẩm được thiết kế ra để tương thích với một cái chuẩn chưa phải là chuẩn. [b]Trở lại vấn đề chính, chúng tôi đánh giá WRT120N như sau:[/b] [b]Ưu điểm:[/b] * Linksys, by Cisco! * Giá hợp lý so với các sản phẩm cùng thương hiệu cũng như các sản phẩm tương đương của thương hiệu khác. * Tốc độ và chất lượng sóng cải thiện đáng kể so với model WRT54G cũng của Linksys. * Thiết kế (theo chúng tôi) phù hợp để lắp đặt ở bất kỳ đâu, nếu bạn treo trên tường phòng khách thì khách đến có lẽ sẽ phải trầm trồ, nhìn rất lịch sự. * Dễ sử dụng, nếu bạn sử dụng Windows 7 (hoặc có lẽ cả Vista) thì quá trình cài đặt và sử dụng trở nên cực kỳ đơn giản. [b] Khuyết điểm:[/b] * Chỉ truyền dữ liệu với một luồng, model hỗ trợ hai luồng của Linksys là WRT160N có giá đắt hơn tương đối. * Các cổng cắm bố trí ở phía sau router nên khi treo lên nếu có cắm dây nhợ gì thì cũng sẽ hơn phức tạp nếu muốn đẹp. Tuy nhiên, nếu muốn đẹp thì tốt nhất là bạn đừng cắm gì cả, dùng không dây hết là tiện nhất. Chúng tôi sẽ có thêm những thử nghiệm với các thiết lập khác (rất nhiều) của WRT120N nếu thời gian cho phép và sẽ cập nhật hoặc đăng một bài viết mới về sản phẩm này. Kết luận cuối cùng của chúng tôi về Linksys WRT120N: Rất đáng cân nhắc. [right]Nguồn: VOZ[/right]