Vì sao có tên gọi Thị Nghè?

thanh
thanh
Trả lời 14 năm trước

Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong ba tuyến sông tự nhiên cổ nhất (cùng với sông Sài Gòn và sông Bến Nghé), ăn sâu vào lòng thành phố với nhiều chi lưu và đi qua các quận: 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Toàn tuyến kênh chính có chiều dài 9.470m. Mạng lưới kênh rạch chằng chịt đã đóng vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu và giao thông vận tải.
Rạch Thị Nghè bắt nguồn từ Bàu Cát (quận Tân Bình nay), chảy qua kênh Nhiêu Lộc, rồi đổ ra sông Sài Gòn chỗ nhà máy đóng tàu Ba Son. Khúc ngọn này mang tên Nhiêu Lộc, xưa gọi là Hậu Giang, nơi Nguyễn Ánh thường chọn làm nơi đóng binh trước khi đánh Sài Gòn. Con rạch chính từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến sông Sài Gòn dài 4,5km, tuy ngắn nhưng quan trọng, có giá trị như một hào hố thiên nhiên, bao quanh thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí đã miêu tả về con sông này: “Sông Bình Trị tục gọi sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị về phía bắc trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ 4 dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (cầu Bông), chảy về tây bắc độ 2 dặm đến chợ Chiểu (chợ Bà Chiểu nay), chảy về phía nam độ 4 dặm đến Phú Nhuận, 6 dặm rưỡi đến cầu Huệ là cùng nguyên, nơi đây có những ao vũng tản mạn”.
Người Pháp gọi đây là rạch Avalanche, tên chiếc pháo hạm đầu tiên vào thám sát rạch Thị Nghè vào một ngày trước khi mở màn trận đánh thành Gia Định vào năm 1859, vì thành Phụng nằm sát bờ sông Thị Nghè.
Bà Nghè, Mụ Nghè, Thị Nghè là những danh xưng thân mật và kính trọng gọi bà Nguyễn Thị Khánh, con gái đầu của quan Khâm sai Chánh thống Vân Trường Hầu Nguyễn Cửu Vân. Trương Vĩnh Ký trong sách Souvenirs historique sur Saigon et ses environs (1885) lại ghi là Nguyễn Thị Canh vì phiên âm Latinh từ chữ Khánh.
Trịnh Hoài Đức cũng ghi chép về nhân vật này: “Có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè (Gia Định thành thông chí).
Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì chú: “Trên cầu qua làng Phú Mỹ, ở gần thành cũ Gia Định, lấy trước một bà làm nên cây cầu ấy mà đặt”.
Thái Văn Kiểm cũng gọi là “rạch Thị Nghè” hay “rạch Bà Nghè” (Đất Việt trời Nam)
Huỳnh Minh trong Gia Định xưa và nay chép: “Dân chúng địa phương gọi là Bà Nghè theo chức tước của chồng bà là một vị quan văn trong Phiên trấn”