Tôi muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng nghe nói yêu cầu phải có vốn pháp định 20 tỷ đồng. Vậy thủ tục để có thể chứng minh số vốn này làm như thế nào? Nếu tôi kinh doanh lữ hành quốc tế họ buộc phải ký quỹ, thì thủ tục ra sao? Chứng minh vốn pháp định khác ký quỹ như thế nào?
Giấy tờ loàng ngoàng vài triệu là xong. Thời buổi giờ toàn thế. Mấy khi vốn đúng như giấy
Căn cứ và Khoản 1, Khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản như sau: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ trường tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.” Như vậy, bạn muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ.
Về thủ tục để chứng minh số vốn, tại Điều 4, Nghị định 76/2015/NĐ-CP có quy định căn cứ xác định mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản: Mức vốn pháp định được xác định căn cứ vào số vốn điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã. Doanh nghiệp, hợp tác xã không phải làm thủ tục đăng ký xác nhận về mức vốn pháp định.
Do vậy, bạn không cần phải chứng minh số vốn pháp định này. Mức vốn pháp định sẽ được xác định căn cứ vào số vốn điều lệ của doanh nghiệp. Khi thành lập và hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải tuân thủ các quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật liên quan về vấn đề góp vốn và sử dụng vốn để đảm bảo vốn pháp định tối thiểu 20 tỷ đồng.
Trong khi đó, về thủ tục ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế, ngày 14/11/2013, Chính Phủ ban hành Nghị định số 180/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/06/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Theo văn bản này, tại Khoản 1, Điều 15 có quy định như sau: “Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải ký quỹ theo đúng quy định. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp phải gửi vào tài khoản tại ngân hàng và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật.”
Bên cạnh đó, tại Thông tư 34/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, tại Điều 5 có quy định về ký quỹ như sau: Khi doanh nghiệp có yêu cầu nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng, ngân hàng nhận ký quỹ và doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ phù hợp với những nội dung quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan. Trên cơ sở hợp đồng ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện phong tỏa số tiền ký quỹ của doanh nghiệp gửi tại ngân hàng; Hợp đồng ký quỹ gồm các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ, người đại diện của doanh nghiệp; Tên, địa chỉ, người đại diện của ngân hàng; số tiền ký quỹ; Lãi suất tiền gửi ký quỹ; Trả lãi tiền gửi ký quỹ; Sử dụng tiền ký quỹ; Rút tiền ký quỹ; Hoàn trả tiền ký quỹ; Trách nhiệm của các bên liên quan và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật và không trái với quy định tại Thông tư này; Sau khi phong tỏa số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp. Do đó, bạn cần nộp tiền ký quỹ vào tài khoản ngân hàng và thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ với ngân hàng nhận ký quỹ theo nội dung hợp đồng như trên.
Như vậy, pháp luật hiện hành không bắt buộc phải ký quỹ để chứng minh vốn pháp định khi kinh doanh bất động sản, còn khi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì cần phải thực hiện thủ tục ký quỹ như chúng tôi viện dẫn ở trên.