Có hai nhầm lẫn trong lập luận này của các bác HVB:
Thứ nhất, sự phát triển của Việt Nam kể từ những năm đổi mới 1986 trở lại đây là vì lý do gì?
Thật đáng tiếc là sự phát triển của Việt nam kể từ 1986 lại không phải là kết quả của chủ nghĩa Marx-Lenin, mà ngược lại là kết quả của sự thay đổi thể chế đi xa con đường XHCN. Có thể nói, Việt Nam đạt được tốc độ phát triển nhanh là bởi vì Đảng CSVN giảm bớt độc quyền, cởi trói cho xã hội, chấp nhận cho người dân tự do và dân chủ hơn!
Đó không phải là nhìn nhận riêng đối với Việt Nam. Ông Hồ Thư Lập, chủ bút báo Tài Chính của Trung Quốc, có kết luật một câu ngắn gọn về sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc thế này:
Trích:
Tất cả các thành tích của cải cách kinh tế Trung Quốc từ 1978 có thể kết vào đúng một câu: "Giảm sự can thiệp trực tiếp của chính quyền và tăng vai trò làm chủ của thị trường"
Từ việc chấp nhận khoán sản phẩm thay vì hợp tác xã, kinh tế thị trường thay cho quan liêu bao cấp cho tới tiến trình xã hội hóa, mà thực chất là "tư nhân hóa", ngược lại quá trình "quốc hữu hóa" trước kia, Đảng CSVN và TQ đang quay trở lại với con đường bình thường mà các quốc gia phát triển đã và đang đi; chỉ trừ thể chế chính trị là họ chưa buông.
Cách làm này đã đem lại phát triển nhất thời, nhưng càng ngày càng có những dấu hiệu chậm lại và mất bền vững. Đó là nhầm lẫn thứ hai của các bác HVB:
Thứ hai, phát triển tốc độ cao có tốt không?
Chúng ta vẫn thường tự hào về tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta đứng thứ hai khu vực, chỉ sau có Trung Quốc. Rất tiếc, tốc độ tăng GDP chỉ phán ánh một phần câu chuyện, và nó không phải là cái đích chính để một quốc gia hướng tới. Cao là một yếu tố, nhưng quan trọng hơn phải là tính bền vững.
Phát triển bền vững (sustainable development) là phát triển sao cho đáp ứng được nhu cầu đời sống của xã hội hiện tại, nhưng không làm tổn hại tới đời sống của xã hội tương lai. Chúng ta "có lẽ" đã đáp ứng được vế đầu (mặc dù điều này rất đáng nghi vấn, đời sống nông thôn vẫn còn nhiều cực khổ) - nhưng dường như không có tầm nhìn ở vế sau.
Cách phát triển hiện tại của Đảng ta giống như một ông nông dân chơi sang bán ruộng bán vườn để ăn chơi. Vì có tiền bán ruộng vườn, GDP của ông ta tăng vọt với tốc độ khủng khiếp, ông mua xe hơi mua điện thoại Vertu về làm cả làng cả xã choáng "Thằng cha này nghèo vượt khó mau quá!"
Số tiền thu được một cách dễ dàng nhanh chóng thì cả nhà cũng chi tiêu phóng tay. Ông bố đút túi một chút để chơi gái, thằng con cũng thủ một ít để đánh bạc, cả nhà yên tâm vì số tiền chắc chắn đủ dùng tới cuối đời mình.
"Đời cha ăn mặn, đời con khát nước", câu nói của các cụ ta quả không sai. Đến đời cháu ông nông dân kia, tiền bạc đã tiêu sạch, ruộng vườn không còn, họ đành phải lầm lũi đi kéo cầy thuê để trả nợ. Những thế hệ kế tiếp của người Việt cũng vậy. Họ sẽ làm gì ra tiền, làm gì để phát triển đất nước khi dầu mỏ và than đá đã được Đảng ta bán sạch để duy trì tốc độ phát triển hiện tại; khi các dòng sông con suối và cánh đồng đều ô nhiễm nặng? Chúng ta chẳng để lại di sản gì cho thế hệ tương, ngoại trừ những đống rác và những khoản nợ nước ngoài.
___________________________
Kết luận ở đây là gì? Phát triển chỉ đến khi người dân tự do hơn, luật pháp được tôn trọng hơn.
Dân chủ sẽ giúp phát triển được bền vững và hiệu quả. Trong câu chuyện nói trên, nếu ông nông dân được giám sát về chi tiêu, đảm bảo đầu tư hợp lý, thì có thể ông ta đã mang lại nhiều tiền hơn cho con cháu của mình. Thế hệ kế tiếp sẽ có tài sản thừa kế thay vì những gánh nặng khổng lồ. Chúng ta có thể tiến chậm hơn, nhưng cũng sẽ chắc chắn hơn!
Đó là lý do tại sao Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách chính trị theo hướng dân chủ, mặc dù đã và đang có GDP nhất nhì khu vực!