Nhãn sinh thái là gì? Nhãn sinh thái và nhãn môi trường có phải là một không?

smallgirl
smallgirl
Trả lời 16 năm trước
Nhãn sinh thái là một loại nhãn được cấp cho những sản phẩm thoả mãn một số tiêu chí nhất định do một cơ quan chính phủ hoặc một tổ chức được chính phủ uỷ nhiệm đề ra. Các tiêu chí này tương đối toàn diện nhằm đánh giá tác động đối với môi trường trong những giai đoạn khác nhau của chu kỳ sản phẩm: từ giai đoạn sơ chế, chế biến, gia công, đóng gói, phân phối, sử dụng cho đến khi bị vứt bỏ. Cũng có trường hợp người ta chỉ quan tâm đến một tiêu chí nhất định đặc trưng cho sản phẩm, ví dụ mức độ khí thải phát sinh, khả năng tái chế, v.v… Về mặt hình thức, nhãn sinh thái có thể mang tên gọi khác nhau ở từng nước. Ví dụ các nước Bắc Âu có nhãn Thiên nga trắng, Đức có nhãn Thiên thần xanh, trong khi ở Singapore lại gọi là Nhãn xanh. Ngoài nhãn sinh thái do một cơ quan đứng ra cấp, còn có một loại nhãn khác do nhà sản xuất tự gắn lên sản phẩm của mình như một hình thức quảng cáo với người dùng. Ta thấy có tủ lạnh dán nhãn "Không có CFC" (CFC là một loại hợp chất gây phá hủy tầng ozone) hoặc có loại pin ghi "Không có thuỷ ngân". Cả hai loại nhãn trên, nhãn sinh thái và nhãn do nhà sản xuất tự dán, đều gọi chung là nhãn môi trường. Thông thường, nhãn môi trường được khuyến khích để các nhà sản xuất tự nguyện áp dụng nhằm tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời nhắc nhở người tiêu dùng về ý thức bảo vệ môi trường bằng cách chọn mua những sản phẩm đã được dán nhãn. Nhưng gần đây có xu hướng thể chế hoá việc dán nhãn này như một yêu cầu bắt buộc đối với một số chủng loại hàng hoá. Trong trường hợp như vậy, để được dán nhãn, tức là để thoả mãn những tiêu chí nhất định thì nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, sẽ phải đầu tư thêm chi phí để nâng cấp, cải tạo hoặc thay thế toàn bộ dây chuyền sản xuất cũ và đương nhiên giá thành hàng hoá sẽ bị ảnh hưởng. Còn nếu không thì hàng hoá của họ sẽ không thể thâm nhập được vào thị trường nước yêu cầu dán nhãn.