Bé xem truyền hình quá sớm có bị nói chậm không?

Bé có nói chậm ko khi xem truyền hình sớm?
biert rui
biert rui
Trả lời 15 năm trước
40% trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến khám tại Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì lý do chậm nói. Hầu hết các trẻ được tiếp xúc với truyền hình rất sớm và thời gian xem truyền hình không được giới hạn. Đặc biệt, truyền hình là một phương tiện giúp trẻ ăn đối với những trẻ có khó khăn ăn uống (50% các trẻ đến khám). Ngoài ra, vì cha mẹ và cô giáo bận làm việc khác, nên truyền hình có thể được sử dụng như một người vú nuôi. Nguyên nhân gì dẫn đến chậm nói? Chậm nói có thể là một triệu chứng của các bệnh lý sau đây: - Rối loạn tự kỷ - Bệnh lý di truyền - Vấn đề thính lực - Bại não - Rối loạn thần kinh - Chậm phát triển tâm thần toàn diện. Sau khi đã loại ra những nguyên nhân trên, chậm nói có thể do thiếu kích thích khi trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu giao tiếp bằng lời nói. Xem truyền hình quá sớm có ảnh hưởng gì trên chứng chậm nói ở trẻ nhỏ? Tại Thái Lan, từ tháng 9 năm 2005 đến tháng 8 năm 2006, có một nghiên cứu bao gồm 110 trẻ chậm nói và 110 trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường trong lứa tuổi từ 15 đến 48 tháng . Sau khi đã loại bỏ những trẻ chậm nói do các bệnh lý được nêu trên(trong đó có 54/110 trẻ chậm nói có rối loạn tự kỷ), còn lại 56 trẻ chậm nói được khảo sát và được so sánh với 110 trẻ nói bình thường. Nghiên cứunày đã tìm ra yếu tố nguy cơ quan trọng nhất có thể dự báo chứng chậm nói như sau: - Cha mẹ thiếu quan tâm đến trẻ - Trẻ được sinh mổ - Tiền căn gia đình có người bị chậm nói - Thiếu sự tương tác với người nuôi trong lúc trẻ xem truyền hình - Trình độ văn hóa của người cha dưới cấp tiểu học - Trẻ xem truyền hình trước 12 tháng tuổi - Thời gian xem truyền hìnhhơn 2 giờ mỗi ngày - Trẻ xem chương trình truyền hình của người lớn Riêng các trẻ bắt đầu xem truyền hình trước 12 tháng tuổi và thời gian xem hơn 2 giờ mỗi ngày có nguy cơ chậm nói gấp 6 lần. Trong nghiên cứu trên, gần 60% trẻ chậm nói được xem truyền hình một mình . Các trẻ này có nguy cơ chậm nói gấp hơn 8 lần so với các trẻ được giao tiếp với người chăm sóc trong lúc xem truyền hình. Phụ huynh nên làm gì để tránh chứng chậm nói ở trẻ em? Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo là trẻ trên 2 tuổi chỉ xem truyền hình không quá 2 giờ mỗi ngày và trẻ dưới 2 tuổi không được khuyến khích xem truyền hình. Trong thời đại , phụ huynh bận công tác ngoài xã hội và trẻ được người giúp việc hoặc người giữ trẻ chăm sóc suốt ngày, điều quan trọng là sự tương tác giữa người chăm sóc và trẻ. Hình ảnh trẻ được “tắm trong ngôn ngữ” có ý nhấn mạnh đến việc người chăm sóc nên nói về tất cả những gì được thực hiện với trẻ trong những sinh hoạt thường ngày tại nhà như: tắm rửa, thay quần áo, đi vệ sinh, ăn uống, nghe nhạc, đọc sách. Phụ huynh đừng vội cho trẻ học ngoại ngữ quá sớm trước khi trẻ nói rành tiếng mẹ đẻ. Đối với trẻ trên 2 tuổi , video có thể là một công cụ giúp trẻ phát triển với điều kiện phụ huynh hiện diện bên cạnh trẻ và đối thoại với trẻ.
Công ty cổ phần Max Việt Nam
Công ty cổ phần Max Việt Nam
Trả lời 15 năm trước
- Tại đơn vị Tâm lý - BV Nhi Đồng 1, 45% trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo đến khám do chậm nói. Một trong những nguyên nhân chính là do trẻ xem tivi quá sớm, cha mẹ không trò chuyện cùng con cái. Qua các trò chơi, cha mẹ có thể dạy con cách giao tiếp, kích thích sự tò mò khám phá của trẻ. Ảnh: H. Cát Năm nay, T.V.H lên 3 tuổi sống ở quận 1, TP.HCM, nhưng được bố mẹ đưa đến đơn vị Tâm lý thuộc BV Nhi Đồng 1 do H. chậm nói. E ngại, sức nghe của bé H. bị kém nên dẫn đến chậm nói, các bác sĩ đã thăm khám nhưng thính lực của bé vẫn bình thường. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, chuyên viên tâm lý mới biết, bố mẹ H. đi làm suốt ngày, giao con cho người giúp việc nhà từ khi H. được 4 tháng. Người giúp việc trong lúc bận việc quét dọn, bếp núc đã cho cậu bé xem tivi. Ngay từ lúc mấy tháng tuổi, H. được đặt trước màn hình truyền hình gần như suốt ngày, do đó trẻ không có cơ hội giao tiếp, kích thích tâm lý và phát triển ngôn ngữ. Trong khi đó, cha mẹ của H. lại không hiểu rằng họ phải trò chuyện với con ngay từ khi trẻ mới sinh ra, chứ không cần đợi đến lúc H. được 3 tuổi, độ tuổi hiểu được câu chuyện. Theo BS. Phạm Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị Tâm lý Trẻ em - BV Nhi Đồng 1, nếu cha mẹ bận đi làm, buổi tối có thể dành khoảng 1 giờ để trò chuyện với con. Qua các trò chơi, các bậc phụ huynh có thể dạy con cách giao tiếp. "Không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem tivi. Trẻ từ 3-5 tuổi, có thể xem tivi mỗi ngày một giờ," BS. Ngọc Thanh khuyên. Nguyên nhân gây chậm nói Theo BS.Phạm Ngọc Thanh, tại đơn vị Tâm lý - BV Nhi Đồng 1, chậm nói là lý do đến khám hàng đầu, chiếm 45% ở trẻ trong lứa tuổi mẫu giáo. Chậm nói cũng là lý do chính gây khó khăn trong học tập của trẻ em. Trong đó, mất thính lực được coi là nguyên nhân đầu tiên. Các chuyên gia ước tính 1/1.000 trẻ sinh ra bị mất thính lực và 2/1.000 trẻ sẽ mất thính lực trong 3 năm đầu đời. 1/3 do bệnh bẩm sinh, 1/3 không do gien, 1/3 không rõ nguyên nhân. "Ở một số trẻ sinh non, trước 36 tuần tuổi, hoặc trẻ suy dinh dưỡng bào thai (trẻ sinh đủ tháng nhưng cân nặng lúc sinh dưới 2.500g), hệ thống thính lực sẽ không phát triển hoàn chỉnh," BS Ngọc Thanh cho biết. Ngoài ra, tất cả những trẻ chậm phát triển tâm thần đều chậm nói. Chậm phát triển tâm thần được các chuyên gia định nghĩa là giảm chức năng thông minh tổng quát, và chậm kỹ năng thích ứng trong 5 năm đầu đời. Kỹ năng thích ứng gồm: Kỹ năng tự ăn, tự mặc, tự đi vệ sinh. Đặc biệt, trong 100 trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi), 5-10 trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ nên cũng sẽ bị chậm nói. Rối loạn phát triển ngôn ngữ cũng có thể kèm với rối loạn phát triển vận động khác như 8 tháng chưa biết ngồi, 12 tháng chưa biết đi. Nguyên nhân có thể do bệnh di truyền, chấn thương sọ não, viêm não, động kinh, viêm tai giữa. Bên cạnh đó, trong quá trình thụ thai, người cha uống rượu nhiều cũng có thể làm tinh trùng suy yếu, và ảnh hưởng lên phần não điều khiển ngôn ngữ khi bào thai phát triển. Đa số nguyên nhân gây ra rối loạn ngôn ngữ không được xác định, tuy nhiên trong bệnh sử gia đình có thể cho thấy có người chậm nói. Bệnh tự kỷ, nói lắp, loạn phát âm... cũng có thể làm cho trẻ chậm nói. Suy dinh dưỡng, thiếu tình thương, bị chấn thương cảm xúc, bị cha mẹ bạc đãi, bị lạm dụng tình dục cũng có thể làm trẻ chậm nói hoặc câm nín sau khi đã biết nói. Hãy trò chuyện với con Tại Đơn vị Tâm lý của BV Nhi Đồng, 45% nguyên nhân các bậc phụ huynh đưa trẻ đến khám là do trẻ chậm nói. Trong ảnh: Một buổi khám và trò chuyện giữa bác sĩ tâm lý, bà mẹ và bé. (Ảnh: H.Cát) BS. Ngọc Thanh nhận xét, các bậc cha mẹ Việt Nam hiện nay, chủ yếu chỉ quan tâm chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng cân và chú trọng đến phát triển vận động. Trong khi đó, một đứa trẻ phát triển bình thường còn có sự phát triển về cảm xúc (mấy tháng biết cười, mấy tháng biết hóng chuyện...) và phát triển về xã hội (gọi tên đã biết quay đầu lại...). Trong năm 2006, Đơn vị Tâm lý tiếp nhận 267 trẻ chậm nói đến khám, trong đó 150 trẻ có yếu tố tâm lý xã hội kèm theo. "Trẻ thiếu sự kích thích, quan tâm của cha mẹ cũng có thể là nguyên nhân tâm lý đưa đến chậm nói, đặc biệt trong những gia đình cha mẹ bận làm việc suốt ngày, và trẻ được đặt trước màn hình ti vi hàng nhiều giờ," BS Ngọc Thanh giải thích. Trẻ học ngôn ngữ bằng cách lắng nghe và tương tác với người khác và qua sự hòa nhập với thế giới giao tiếp bắt đầu từ lúc trẻ vừa mới sinh ra. Do đó, các chuyên gia đã khuyên rằng, cha mẹ hãy nói chuyện với trẻ khi thay tã, tắm cho trẻ, thậm chí cả những lúc cho trẻ bú hay mẹ đang nấu bếp.... Tuy nhiên, đối với một số trẻ, học giao tiếp không phải dễ. May thay, can thiệp sớm đối với trẻ chậm nói từ lúc mới sinh đến 3 tuổi, có thể giúp cho những trẻ này có cơ may bắt kịp sự phát triển của trẻ bình thường khi trẻ chuẩn bị bắt đầu vào lớp 1. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại khoa Phục hồi - Vật lý Trị liệu, và Đơn vị Tâm lý ngay khi trẻ ở 3 tháng tuổi không có một trong các phản ứng sau: Giật mình với tiếng động đột ngột, quay qua hướng có tiếng động, gây tiếng động, nhìn bạn với sự quan tâm khi bạn nói với trẻ...