Làm gì để bé dạn dĩ hơn?

Bé trai nhà em còn 2 tháng nữa là tròn 3 tuổi nhưng rất nhát. Chưa bao giờ dám tự mình đi chơi. Nếu có người đưa đi thì mới dám đi, mà đi thì chỉ muốn được bế thôi không muốn xuống chơi với các bạn cùng trang lứa. Em phải làm thế nào để bé dạn dĩ lên. Em lo quá.

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Chào bạn,

Bé nhút nhát chính là do ít được tiếp xúc với người ngoài, do đó hướng cho bé đi chơi bên ngoài là cần thiết. Không chỉ đến các điểm vui chơi, bạn cũng cần thường xuyên cho con đến thăm nhà họ hàng, bạn bè trong những buổi tối, hoặc ngày cuối tuần. Đi chơi bên ngoài thì có thể đi công viên, khu vui chơi trẻ em, cho bé tự giao tiếp với các bạn.

Bạn cũng có thể tổ chức cho con những buổi tiệc nhỏ tại nhà, tiệc sinh nhật, giáng sinh rồi hướng dẫn con cách mời bạn bè của con đến tham dự, cho bé thoải mái tiếp xúc, vui chơi.

Nói chung, bạn cần tạo cho con thật nhiều sự tiếp xúc, giao tiếp, dần dần bé sẽ dạn dĩ, tự tin hơn.

Thân mến.

Nguồn: webtretho


mùa đông
mùa đông
Trả lời 13 năm trước

Để khắc phục tính nhút nhát của con trẻ, các mẹ hãy tham khảo những bí quyết dưới đây để giúp bé mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống.


Giúp trẻ diễn đạt tình cảm


Trẻ nhút nhát sẽ sợ đương đầu với sự phán đoán, đánh giá của người khác. Hãy thường xuyên hỏi trẻ những điều đơn giản, lắng nghe trẻ, cho biết bạn đồng ý hay không đồng ý với trẻ. Quan tâm củng cố sự tự tin nơi trẻ, trẻ càng bày tỏ nhiều với bạn, việc thông đạt với người khác càng tự nhiên hơn.

Không làm to chuyện, không bi đát hóa tình huống


Tính nhút nhát chừng mực là biểu hiện của sự tự vệ, không hẳn là tiêu cực. Đó là một nét sâu sắc thuộc bản chất con người. Hãy giải thích với con bạn rằng nhút nhát không phải là khuyết điểm lớn, và điều quan trọng là chấp nhận nó. Hãy kể cho trẻ nghe kinh nghiệm riêng của bạn, cho trẻ biết bạn từng trải qua những thử thách như trẻ để giúp trẻ bớt cảm giác lẻ loi, lạc lõng.

Không xem nhút nhát như một cớ để bao che


Những câu nói kiểu như: “Hãy tha lỗi cho cháu, cháu nhát lắm” nghe tưởng như vô hại, nhưng thật ra càng làm cho con bạn tin rằng đó là một tính chất không thể sửa đổi. Kiểu “bị gắn nhãn” ấy cũng có thể là lý do nại ra để trẻ không muốn thay đổi và tránh mọi tình huống xã hội mà trẻ xem là khó nhọc.

Tránh nói đến tính nhút nhát của trẻ trước mọi người


Những trẻ nhút nhát thường rất nhạy cảm trước những lời nói liên quan đến chúng. Nói về tính nhút nhát của trẻ với những người mẹ khác chỉ càng khiến trẻ thêm bối rối và làm vấn đề trầm trọng hơn. Chế nhạo trẻ có thể càng khiến trẻ thêm nhút nhát. Ngay cả đôi khi thái độ của trẻ làm bạn nổi giận, bạn cũng nên kiềm chế, vì những nhận xét gay gắt thốt ra dưới cơn giận sẽ in sâu trong óc con bạn.

Không đột ngột đưa trẻ đến gặp những người khác


Không ngừng khuyến khích trẻ đến với những người khác sẽ có nguy cơ khiến trẻ thêm bất an và làm tăng nỗi sợ của trẻ. Con bạn sẽ có cảm tưởng cha mẹ không hiểu nó và càng khép kín. Tốt hơn nên từ từ giúp trẻ vượt qua tính nhút nhát một cách tuần tự, tế nhị, nhẹ nhàng.

Không nên bảo bọc trẻ quá đáng


Bảo bọc trẻ quá mức sẽ gây tác dụng ngược. Thái độ ấy càng khiến trẻ nghĩ nỗi sợ của nó có căn cứ. Kiểu tránh né ấy chỉ làm tăng sự sợ hãi cho trẻ. Cần để trẻ tự xoay xở với những vấn đề của nó. Đặc biệt cha mẹ cần cương quyết trong dạy lễ phép cho trẻ. Nhút nhát không phải là cớ để không chào hỏi, không nói cám ơn.

Đề nghị với trẻ những vận dụng nho nhỏ về tình huống


Đặt cho trẻ những “thách đố” nho nhỏ, chẳng hạn bảo trẻ chào và hỏi thăm sức khỏe bà cụ hàng xóm mỗi ngày hay mua bánh mì ở gần nhà. Cách ấy sẽ giúp trẻ tự tin, bạo dạn hơn.

Giúp trẻ nhận biết giá trị bản thân


Khen trẻ mỗi khi trẻ đạt một thành tích nhỏ sẽ rất hiệu quả trong việc giúp trẻ bớt nhút nhát. Với mỗi gắng sức của trẻ, cha mẹ đừng tiếc lời khen. Nên nói: “Mẹ thật tự hào vì con, con đã vượt qua nỗi sợ”, hay “Con thật can đảm”.

Nghĩ đến những sinh hoạt ngoài trường học


Những môn thể thao tiếp xúc như judo hay karaté giúp trẻ chống lại cảm giác tự ti, trong khi sáng tạo nghệ thuật giúp trẻ thể hiện ra ngoài những cảm xúc và nỗi đau. Nhưng chỉ ghi danh cho trẻ loại hình sinh hoạt này khi trẻ muốn. Ngược lại, cha mẹ sẽ gây cho trẻ cảm giác ngạt thở, có nguy cơ trẻ trở nên khép kín.

Không để trẻ có cảm giác lẻ loi


Dự những lễ sinh nhật có thể là một thử thách thật sự đối với những trẻ nhút nhát. Đừng buộc trẻ đến dự nếu trẻ không muốn. Ngược lại, nên mời những trẻ khác đến chơi với trẻ tại nhà. Ở nhà, trong môi trường quen thuộc, trẻ dễ dàng vượt qua nỗi sợ. Chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy thoải mái khi mỗi lần chơi với một người bạn, hơn là với một nhóm bạn. Thỉnh thoảng chơi với một bé nhỏ hơn một chút, đặt trẻ ở một vị thế trội hơn, có thể cho trẻ cảm giác an tâm hơn so với khi chơi với những trẻ cùng tuổi.

mùa thu
mùa thu
Trả lời 13 năm trước

Tại sao bé lại nhút nhát?

Vậy sự nhút nhát đó đến từ đâu? Theo Tiến sĩ tâm lý Eric Fisher: "Sự nhút nhát được coi là một phần của tính khí, có nghĩa đó là một hành vi bẩm sinh. Nó cũng có thể là một phần trong cơ chế di truyền". Một số trẻ có biểu hiện của tính nhút nhát như một cách phản ứng lại với những tổn thương thời thơ ấu, trong khi những trẻ khác lại chịu ảnh hưởng từ môi trường giáo dục, chẳng hạn như bé đang được nuôi dạy bởi những bậc cha mẹ quá nhút nhát.

Đánh tan sự rụt rè

Có lý nhiều lý do khiến bé nhút nhát nhưng “Phương pháp điều trị nói chung là như nhau trong mọi trường hợp”, Fisher nhấn mạnh. Về cơ bản, cha mẹ nên thận trọng trong mỗi hành động của mình đối với con. Điều đó không chỉ cho bé thời gian để bắt nhịp được vấn đề mà còn giúp bé chuẩn bị tinh thần để đối phó với những tình huống có thể xảy ra. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực ở cha mẹ, nhưng vì đứa con thân yêu, hãy nên thật kiên trì làm theo từng bước một, sẽ rất hiệu quả để khắc phục sự rụt rè trong bé".

Cần chuẩn bị thật kỹ cho con, trước khi bé phải đối diện với những thay đổi, chẳng hạn như khi bắt đầu một năm học mới. Nên dẫn bé đến trường một ngày trước khi nhập học, chỉ cho bé biết phòng học của mình và nếu có thể hãy đến tìm gặp giáo viên của bé. Sau đó, nói chuyện với con về bất cứ điều gì đang khiến bé cảm thấy lo lắng, "Khi bé nói ra được điều gì đang làm mình lo lắng thì chúng sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều", ông Fisher giải thích thêm.

Cách này đã rất hiệu quả đối với Marjie Knudsen, mẹ của bốn đứa con. Sau khi đấu tranh với sự nhút nhát của đứa con gái lớn trong nhiều năm trước, giờ đây chị đã không còn cảm thấy khó khăn gì khi chuẩn bị dẫn đứa con trai út của mình đến trường học.

Knudsen chia sẻ: "Mẹ con tôi đã cùng nhau đến trường, tập cho con biết cách tự đeo ba-lô, làm quen trước với một số bạn cùng lớp, như thế bé dễ dàng hơn trong việc giao tiếp sau này. Tôi luôn muốn đảm bảo rằng con mình có bạn trước khi bắt đầu vào lớp học. Càng cho bé thời gian chuẩn bị nhiều bao nhiêu, sự nhút nhát càng dễ dàng bị chế ngự bấy nhiêu".

Knudsen cũng dành thời gian nói chuyện riêng với giáo viên của con trai mình, nhờ họ chủ động khuyến khích bé xây dựng bài trong lớp. "Nếu không như vậy, bé có thể trở thành một “người vô hình” trong lớp học, nhưng những giáo viên giỏi sẽ biết cách xử lý điều đó", bà cho biết thêm.


Luôn tìm cách khích lệ động viên con

Giúp đỡ nhưng không làm phiền con

Để giúp con thoát khỏi vỏ ốc nhút nhát không có nghĩa cần phải luôn ở bên và trở thành một người bạn tri kỷ của con. Giả sử, nếu bé rơi vào trạng thái tinh thần không kiểm soát được và dường như sắp nổ tung, điều cần làm là đưa bé đến một không gian hay khung cảnh khác và để bé khóc một mình ở đó. Bạn chỉ nên đứng gần đó để quan sát, đến khi nào bé tự lấy lại được bình tĩnh và thôi không khóc nữa.

Fisher gợi ý: "Đến khi bé được 8 tuổi bạn không cần phải ở bên con suốt nữa, hãy để bé tự giao tiếp và kết bạn với mọi người. Nhưng nếu bé tham gia vào các hoạt động mới, bạn hãy chỉ lảng vảng vòng quanh đó một chút để bé yên tâm vẫn có bạn bên cạnh và tìm cách rút đi từ từ. Khi bạn trở lại hãy cho con biết là bạn đã rời đi trước đó. Điều này sẽ giúp bé nhận ra mình vẫn có thể vui vẻ và chơi đùa khi không có mẹ ở luôn bên cạnh."

Một thủ thuật nhỏ nữa có thể sẽ giúp ích: Khi con của Silver Sharon nói với cô rằng bé bị “tổn thương” như thế nào khi cô bỏ bé lại ở sân trường. Cô đã đưa ra một cách rất thông minh để giúp bé đối diện được với sự sợ hãi của chính mình: "Một ngày trên đường đến trường tôi hỏi bé ‘con nghĩ điều gì là mạnh mẽ và chắc chắn nhất trên thế giới nào?’. Bé nhanh nhảu trả lời rằng đó là chiếc mai rùa trong bộ phim hoạt hình cho thiếu nhi Ninja Rùa. Vì vậy, tôi đã nói với con ‘Trước khi ra khỏi xe, hãy bọc trái tim của con lại trong chiếc mai ấy để con sẽ không bị ‘tổn thương’ nữa cho đến chiều khi mẹ gặp lại con. Chiếc mai rùa sẽ ngăn chặn sự buồn phiền và cho con có nhiều niềm vui lúc ở trường". Ngày hôm đó tôi chờ đợi xem liệu cách đó có hiệu quả không, và thật mừng thay, nó thật sự đã giúp ích!"

Đừng nói quá nhiều

Có thể là rất khó nhưng bạn hãy tự kiềm chế chính mình và đừng cố trở thành một nhà “diễn thuyết” như là cách để giúp con thoát khỏi trong tình trạng nhút nhát. "Việc đó sẽ làm bé cảm thấy rằng cha mẹ thật sự không hiểu được những gì bé đang phải đối diện. Thay vào đó hãy nói: ‘Con sẽ kể với mẹ khi nào đã thật sự sẵn sàng nhé!’. Có thể sự im lặng lúc đó thật vụng về, nhưng ít nhất con bạn sẽ biết rằng bạn tin vào khả năng tự giải quyết vấn đề của nó. Điều đó giúp con bạn cảm thấy tự tin vào chính bản thân mình hơn." tiến sĩ Vicki Folds, một chuyên gia hàng đầu về sự phát triển của trẻ em, cho biết.

Những cách đánh bại sự nhút nhát hiệu quả nhất

Một trong những cách tốt nhất đánh tan sự rụt rè của con là hãy đăng ký cho bé chơi một môn thể thao nào đó. "Điền kinh giúp bé tương tác được với những đứa trẻ khác và qua đó thúc đẩy sự tự tin trong lòng bé", tiến sĩ Fisher gợi ý. Trong khi những môn thể thao đồng đội như bóng đá là một lựa chọn tuyệt vời thì những môn chơi mang tính đối kháng một chọi một cao như quần vợt, karate, bơi lội, và thể dục dụng cụ, cho phép trẻ có cơ hội tự tỏa sáng mà không cần phải mất công tranh giành như những môn thể thao mang tính đồng đội.


Khuyến khích bé tham gia những trò chơi đồng đội

Hãy bảo đảm bé sẽ thật sự thích thú với môn thể thao mà mình đã đăng ký chơi. "Ngay cả khi con bạn chỉ đứng yên nhìn, cũng hãy động viên con rằng chúng đã làm rất tốt", ông Fisher nói. "Hãy tỏ ra trân trọng, đánh giá cao và khuyến khích con hết mức có thể để bé tìm được sự hào hứng cũng như lòng đam mê ở thể thao ".

Còn nếu con bạn không thích thể thao, các hoạt động khác như nghệ thuật và khiêu vũ cũng mang đến cơ hội giao lưu với những đứa trẻ đồng trang lứa nhiều không kém. Con gái Knudsen thậm chí còn rất xuất sắc trong vai trò Đội trưởng đội cổ vũ. "Bởi vì bé có khả năng nhớ rõ từng động tác và tuân thủ tốt theo những quy tắc có sẵn. Vì thế nó chẳng bao giờ lúng túng cả, con bé đã thật sự được tỏa sáng”, Cô chia sẻ.

Khi nào cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các chuyên gia?

Nếu bạn đã thử hết mọi cách mà con vẫn còn giữ nguyên gương mặt ù lì và thái độ nhút nhát đó mãi thì đã đến lúc bạn nên đưa bé bác sỹ tâm lý trẻ em để tư vấn, tham khảo ý kiến. Trong những trường hợp trầm trọng hơn có lẽ sẽ cần đến cả những liệu pháp điều trị đặc trị cho bé.

Những dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết nên có sự can thiệp từ các chuyên gia:

- Cảm giác ức chế, thất vọng chán chường kéo dài: Một cơn giận dữ nhất thời không phải là vấn đề, nhưng sự tức giận quá mức hoặc buồn bã mỗi khi phải thích nghi với môi trường mới (đặc biệt là sau 7 tuổi) có thể là triệu chứng của sự lo âu phân cực nghiêm trọng. Ngoài ra, chú ý cả những dấu hiệu như đổ mồ hôi hoặc hơi thở nặng khi bé không còn ở trong những nơi chúng cảm thấy thoải mái nữa.

- Luôn thích ở một mình: Chắc chắn, thật tuyệt vời nếu con bạn có tinh thần tự lập. Nhưng việc cứ mãi ở lì trong nhà thay vì ra ngoài chơi với chúng bạn hay chọn cách tự chơi điện tử một mình mà không cần bạn cùng chơi là dấu hiệu của những vấn đề bệnh lý sâu hơn.

- Thái độ, hành vi bất thường: Nếu con bạn đã hơn 6 tuổi mà vẫn còn xuất hiện những hành vi thật trẻ con (như mút ngón tay) giữa chốn đông người, bé có thể đang gặp phải vấn đề trong phát triển trí tuệ. Nên gặp nhà tư vấn để có thể giúp khắc phục điều này.

mùa xuân
mùa xuân
Trả lời 13 năm trước

Bạn có nên lo lắng khi con bạn nhút nhát?

Ai cũng muốn con cái mình nhanh nhẹn, muốn con hăng say với các hoạt động ở trường nhất là trong những năm đầu đời. Nhưng không nên quá khó chịu vì con bạn không biến chuyển gì đặc biệt là đối với bé đang ở lớp chuẩn bị đi học. Trong những năm đầu đời, bé chỉ bắt đầu học cách làm thế nào để tương tác với các bạn trong nhóm, với người khác ngoài những người thân trong gia đình. Rất nhiều bé vẫn cảm thấy thoải mái khi chơi mà không có bạn. Trong lớp mầm non hoặc các lớp bồi dưỡng trước khi tới trường, phần lớn các bé tương tác với nhau nhưng đó chỉ là trong môi trường xã hội của trường học. Bé cần được học những quy tắc trong cư xử, được khám phá những môi trường mới.

Những điều này là một quá trình và cần thời gian.

Mỗi cá nhân bé đang trong thời gian phát triển, trong giai đoạn thay đổi khác biệt nhất trong cuộc đời. Có thể ví như bé giống như từ một con hải ly hiếu động thành một con chuột con ngoan ngoãn. Một vài bé cần nhiều thời gian hơn những bé khác khi bước vào môi trường mới, bạn bè mới, lớp học mới, thầy cô mới…

Vì thế, đặc tính nhút nhát cũng chỉ là một trong những thay đổi đó của bé. Nên bạn không cần phải lo lắng nhiều.

Khuyến khích bé nhút nhát trở nên tự tin như thế nào?

1. Nói chuyện với giáo viên
Rất nhiều chuyên gia và giáo viên nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên liên lạc với họ. Sự giao tiếp giữa giáo viên và phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bé nhút nhát ở trường.

Khiến bé tự tin là một quá trình cần nhiều thời gian

Bắt đầu bằng việc so sánh xem những hành động ở trường và ở nhà khác nhau như thế nào? Những hoạt động mà bé nhút nhát thích ở nhà mà không thích ở trường? Lượm lặt những thông tin ở lớp và ở trường để giúp bé thích thú với môi trường học tập.

2. Mang những sở thích của bé tới trường

Ví dụ, nếu bé nhút nhát thích thú với những con thú nhồi bông thì hãy mang bộ sưu tập của bé tới lớp mầm non. Bé sẽ cảm thấy thân thuộc hơn.

3. Tới trường cùng bé

Nếu có điều kiện, sẽ xuất hiện của bạn tại lớp học sẽ giúp bé thoải mái hơn ở trường. Một số trường mầm non có mời các phụ huynh tham gia quan sát lớp học và bạn có thể đăng kí.

4. Tạo cơ hội cho bé thành công

Trong thời gian tham quan lớp học, bạn thấy bé chơi trò chơi, làm dự án, những hoạt động nào phù hợp với bé thì hãy cùng giáo viên tạo cơ hội cho bé thành công để giúp bé tự tin hơn.

Nếu những hoạt động nào quá sức với bé hãy thảo luận với giáo viên để giảm tải thành những hoạt động đơn giản hơn.
Tạo cho bé nhiều môi trường học tập khác nhau

5. Tạo ra những thách thức đối với bé

Đôi khi những hoạt động ở trường thường khiến bé buồn chán vì nó quá dễ. Bạn cũng nên trao đổi với giáo viên để bé có được những cơ hội thử sức mình với những trò chơi, hoạt động khó hơn.

6. Giúp bé khi ở nhà

Một vài bé rất tập trung khi ở trong môi trường yên tĩnh, không cần kích thích, áp lực như khi ở trường. Nếu bé muốn vẽ, bạn hãy cùng bé thực hiện. Tìm những bài hát mà bé yêu thích ở trường rồi bật nó lên trong khi bé chơi, trong khi ăn tối.

7. Cho bé cơ hội thực hành song không nên áp đặt

Bé làm chủ các kĩ năng mới ở những môi trường khác nhau. Hãy cho bé tham gia và trải nghiệm nhiều tình huống.

Bé quá nhút nhát thì sao?

Bạn phải làm gì đây khi bé quá nhút nhát? Phần lớn các bé nhút nhát và rụt rè không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, nếu như bé nhút nhát kèm theo khóc hoặc cáu giận ở trường thì bạn cần để ý tới bé. Lớn hơn là sự nhút nhát kèm theo những hành động bạo lực như đánh bạn hoặc đánh giáo viên, bạn cần liên hệ với bác sĩ điều trị tâm lí.