Các bạn tại Pháp tập ăn dặm cho bé như thế nào?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Bí quyết của họ là tập cho ăn dặm rất rất chậm. 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho ăn, thật chậm, không thay cữ bú hoặc cữ sữa bằng cữ ăn dặm ngay. Ngược lại, cho ăn thô sớm, 10 đến 12 tháng đã ăn được hầu như mọi thứ.

Bé Su nhà mình được 8 tháng, mình theo cách tập ăn dặm tại đây, thấy rất ổn. Sách hướng dẫn cách ăn dặm chỉ có 6 trang, cẩm nang miễn phí của Hội trẻ em Pháp mà mẹ nào cũng có chỉ có 4 trang hướng dẫn, vậy mà "đầu xuôi, đuôi lọt".

Tập theo, bé nào cũng ăn ngon lành, đến 15 tháng đã biết ăn một mình. Việc ăn uống của trẻ không phải là một thử thách lớn, là cuộc giằng co của hai mẹ con.

Bí quyết của họ là tập cho ăn dặm rất rất chậm. 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho ăn, thật chậm, không thay cữ bú bằng cữ sữa ngay. Nhờ vậy, hệ tiêu hóa bé có thời gian thích nghi tốt. Ngược lại, cho ăn thô sớm, 10 đến 12 tháng đã ăn được hầu như mọi thứ. Việc cho ăn thô đúng thời kỳ giúp bé giữ phản xạ nhai, tập nhai và khám phá được nhiều khẩu vị. Và mỗi ngày 5 bữa cách nhau 4 tiếng - sáng, trưa, xế, chiều, tối, không phải cách 2 tiếng như mình đã đọc hướng dẫn ở đâu đó dành cho trẻ tại nhà. Không phải ăn dặm đã ăn ngay thật nhiều, và sau đó là cứ bột và bột. Nhìn thấy trẻ tại đây lớn lên khỏe mạnh, không quá béo, không còi cọc là biết được mức độ khoa học của cách nuôi.

Một điều nữa là không bao giờ ép trẻ, trẻ không thích thì dừng, việc ép sẽ khiến trẻ dễ sợ và ngán. Ngay cả người lớn, no rồi hoặc không thích món gì, cho ăn cũng không nuốt nổi.

Thức ăn:

6 tháng :

Hình 1 : độ thô thức ăn dành cho bé lúc 6 tháng (nhuyễn) và 7-8 tháng (thô hơn, lợn cợn) và thức ăn cho bé cầm tay ăn lúc 7-8 tháng

Rau có gu nhẹ (cà rốt, khoai tây, đậu cove, bí, artichaut…) hoặc cháo

Rau nấu chín nhừ và xay thật nhuyễn, không lợn cợn. Tự làm với các nguyên liệu tươi.

Lượng một ngày: sáng 180 ml sữa, trưa 150 ml sữa + 30 gram rau; xế 150 ml sữa + trái cây; tối 180 ml sữa.

7-8 tháng :

Rau (thêm cà chua, rau chân vịt, cà tím, su …) + bắt đầu ăn thịt (các loại thịt trắng gà, heo, 1/2 lòng đỏ trứng, tránh trứng trước 8 tháng)

Vẫn nấu như trên, nhưng đặc hơn

Lượng: Sáng 210 ml sữa; trưa rau + 10 gram thịt + sản phẩm từ sữa (yaourt…) ; xế uống sữa + trái cây ; tối sữa hoặc rau + sản phẩm từ sữa hoặc trái cây (tổng cộng 150 gram rau một ngày)

Nếu trẻ đã mọc răng, có thể cắt nhỏ ruột bánh mì, chuối, pho mát cho cầm ăn

8-9 tháng :

Hình 2 : độ thô thức ăn lúc bé 8-9 tháng và thức ăn cho bé cầm tay ăn

Thêm thịt bò, cá, tôm, đặc biệt cơm thật nhão

Không xay nhuyễn, mà dùng dao băm, thô hơn, để miếng nhỏ để trẻ tập nhai và nuốt thô.

Sáng 240 ml sữa; trưa 100 gram rau + 20-25 gr thịt hoặc lòng đỏ trứng + 100 gram cháo hoặc mì + sản phẩm từ sữa hoặc trái cây; xế sữa/yaourt/phó mát + trái cây; tối rau + trái cây + sữa

Cho trẻ tự cầm ăn để tập (miếng xoài, dâu …nhớ ngồi cạnh canh chừng)

10-12 tháng :

Hình 3 : độ thô thức ăn lúc 10-12 tháng

Ăn tất cả mọi thứ mà nhà ăn (bún, mì, gan… ăn được rau sống)

Rau luộc chín, thịt có thể nướng, xào; băm và để miếng nhỏ

Lượng tương đương lúc 8 – 9 tháng, tăng thêm một ít mỗi bữa

Lưu ý: không muối, không đường, không những thứ nhiều mỡ, không ăn đậu phộng, không mật ong (mật ong có thể gây hại phổi). Lượng ăn linh hoạt. Cho ít dầu mỡ vào rau (tránh dầu đậu phụng) để tăng khả năng hấp thụ vitamin D, vitamin D lại giúp hấp thụ canxi. Ăn trái cây có vitamin C giúp hấp thụ chất sắt tốt.

Hình 4 : trẻ 15 tháng đã tự ăn như người lớn và ăn được hầu như mọi thứ

Tập ăn dặm

- 6 tháng : cho một ít vào đầu muỗng, nhẹ đưa vào miệng cho bé nếm thử giữa cữ bú hoặc sữa, bé không chịu thì 2, 3 ngày sau thử lại, đừng ép. Tập bữa trưa giữa cữ bú, khoảng chục muỗng là nhiều, bé chịu thì tăng lên từ từ, thật từ từ. Tập một loại khoảng 2 ngày xem bé có biểu hiện dị ứng với thức ăn đó không.

- Chung chung là bắt đầu bằng bữa trưa, rồi thêm bữa xế, tối, sáng; mỗi bữa tập kèm bữa trước 2 tuần, cho ăn giữa cữ bú. (ví dụ 6 tháng rưỡi : tăng thêm vài muỗng bữa trưa và bắt đầu thử vài muỗng bữa xế ; 7 tháng: thêm một ít nữa vào bữa trưa, một ít vào bữa xế, bắt đầu thử cho bữa tối…). Đến 8 tháng rưỡi, ăn chính thức 3 bữa.

- Cơ cấu chung: sáng sữa hoặc có ăn thì bột ; trưa ngũ cốc, rau, thịt, sản phẩm từ sữa (yaourt, pho mát) ; xế trái cây, sản phẩm từ sữa; tối giống trưa ; trước khi ngủ sữa.

Bài viết giới hạn chữ nên không viết nhiều được. Chủ yếu là các mẹ không ép con, tập ăn dặm thật từ từ và mạnh dạn cho ăn thô theo tháng, tin tưởng ở khả năng của bé và tôn trọng sở thích của bé, không ăn quá nhiều bữa khiến bé chỉ ăn và ăn (bé từ 6 tháng đã có dự trữ năng lượng trong cơ thể).

Bé Su nhà mình 8 tháng đã ăn cháo đặc, bầm cà chua với cá ăn ngon lành, chuối mình không cạo mà cho miếng thật nhỏ vào miệng, nhai nhòm nhoàm như bà già móm nhìn yêu lắm. Su nhìn ba mẹ ăn cứ thèm thuồng, đánh nước miếng nuốt ực; có sẵn tôm luộc, mình cắn nhuyễn trong miệng rồi cho ăn thử, Su nhai, cười khoái chí, há miệng ra xin tiếp. Su ăn ngon lành tất cả mọi thứ mẹ làm như hướng dẫn trên và rất tò mò các món lạ.

Chúc các mẹ thành công.

mùa thu
mùa thu
Trả lời 13 năm trước

Từ lâu, người Nhật nuôi con ăn dặm theo một phương pháp khoa học khá đơn giản và dễ thực hiện. Trẻ em Nhật Bản đều được mẹ chúng tập ăn theo phương pháp này. Nhật Bản là quốc gia châu Á, lương thực chủ yếu của người Nhật là lúa gạo, thức ăn của họ cũng được chế biến từ cá, thịt, trứng, rau, củ, quả... Do đó, có thể nói phương pháp ăn dặm của Nhật dễ áp dụng với người Việt Nam.

Trong quá trình ăn dặm, ngoài việc tập ăn thức ăn, bé còn được học kỹ năng nhai. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp bé biết ăn thức ăn thô đồng thời tiêu hóa tốt thức ăn. Ngoài ra, bé còn được học kỹ năng bốc thức ăn bằng tay, ghim thức ăn bằng nĩa, xúc bằng muỗng. Khi đó, bé sẽ cảm thấy rất thú vị với bữa ăn của mình hơn.

Vì được tập ăn từng bước một cách khoa học nên bé có thể ăn được nhiều loại thức ăn từ cá, gà, bò, heo, trứng, tôm cho đến các loại rau, củ, quả. Bé được tập ăn cháo trắng với thức ăn riêng nên bé biết phân biệt mùi vị của từng loại thực phẩm. Từ đó bé biết mình thích món nào và không thích món nào một cách rõ ràng.

Lên một tuổi, bé bắt đầu được tập ăn cơm nát rồi ăn cơm. 15 tháng tuổi, bé ăn được cơm và thức ăn gần như người lớn. 18 tháng tuổi bé có thể tự mình xử lý một phần suất ăn. Vai trò của người mẹ lúc này chỉ là hỗ trợ thêm đôi chút. Do đó, các bà mẹ Nhật không quá vất vả trong việc ăn uống của con.

Giai đoạn thứ nhất (5-6 tháng tuổi)

Khi bé bắt đầu tập ăn, nên cho bé ăn từ ít đến nhiều: 2 ngày đầu tiên cho bé ăn một muỗng (15 ml), 3 ngày tiếp theo 2 muỗng (30 ml), 3 ngày tiếp theo 3 muỗng (45 ml), 7 ngày tiếp theo 4 muỗng (60 ml)... Bé được tập cho ngồi ghế ăn rất nghiêm túc và vui vẻ.

Gạo là thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của bé và không gây dị ứng. Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, tuần đầu tiên chỉ cho bé ăn cháo trắng nghiền nhuyễn, rây qua lưới (không nêm gia vị), đặc biệt người Nhật không tập cho bé ăn vị ngọt từ đường khi bắt đầu ăn dặm. Từ tuần thứ hai trở đi có thể cho bé ăn thêm một chút rau, củ, quả. Rau bina (còn gọi là rau chân vịt hay cải bó xôi) là loại rau xanh giàu vitamin và dễ tiêu hóa nên người Nhật thường dùng để chế biến món ăn dặm cho bé (chỉ dùng phần lá, bỏ cuống). Giai đoạn này cho bé ăn cháo dạng bột tỉ lệ 1:10 (5 ml gạo + 50 ml nước).

Điều quan trọng là thức ăn cho bé phải trơn và ngon. Thức ăn của bé được nghiền thành bột, sau đó thêm bột gạo vào để tạo độ trơn thích hợp để bé dễ nuốt. Đối với những bé nhạy cảm, nếu bé không ăn, không nên ép bé ăn mà hãy ngừng khoảng 2-3 ngày rồi chế biến thức ăn trơn hơn và thử cho bé ăn lại. Giai đoạn này chủ yếu là tập cho bé nuốt thức ăn dạng bột, làm quen với các vị thức ăn khác ngoài sữa và làm quen với việc ăn bằng muỗng.

Muối không tốt cho thận của bé vì vậy giai đoạn này không cần nêm muối. Đối với bé ở giai đoạn này, vị nước dashi và nước rau luộc là đủ. Nước dashi là loại nước dùng được nấu từ rong biển và cá ngừ khô bào mỏng, nước rau luộc được nấu từ 3 loại rau trộn lẫn (hành tây, cà rốt, bắp cải) luộc lấy nước. Hai loại nước dùng này có vị ngọt tự nhiên và giàu vitamin. Nếu áp dụng trong điều kiện ở Việt Nam thì có thể thay nước dashi bằng nước luộc thịt gà cũng có vị ngọt tự nhiên.

Ngoài ra, những loại cá lưng xanh như cá thu, các loại giáp xác và hải sản như tôm, cua, bạch tuộc, các loại ốc, mì sợi lúa mạch đen, thịt, sữa bò là những loại thực phẩm dễ gây dị ứng cho bé. Do đó ở giai đoạn này nên tránh cho bé ăn những thực phẩm trên.

Giai đoạn 2 (7 - 8 tháng tuổi)

Đây là giai đoạn bé biết nhai trệu trạo, bé có thể đẩy mạnh lưỡi lên hàm trên để làm tan thức ăn, nên những món hấp có độ mềm như cháo không cần nghiền nhuyễn bé cũng có thể ăn được. Giai đoạn này nên tăng chủng loại thực phẩm để bé làm quen với nhiều vị thức ăn khác nhau. Thức ăn của bé chỉ cần nghiền nhỏ (không cần nghiền thành bột) và cho thêm bột gạo tạo độ trơn để bé dễ nuốt.

Có thể cho bé ăn thịt nạc hoặc các loại cá có thịt màu đỏ. Nên thêm từng ít một để đa dạng thực đơn cho bé. Những loại rau mềm như rau bina chỉ cần nấu mềm đi một nửa là vừa. Có thể cho bé ăn mì sợi nấu mềm như cháo 1:7, cắt nhỏ sao cho bé có thể bốc ăn bằng tay. Bé rất thích nuốt mì hoặc thức ăn dạng sợi dài 2-3 cm (nui, bánh canh, phở, bún). Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:7 (10 ml gạo + 70 ml nước).

Giai đoạn 3 (9 - 11 tháng tuổi)

Ở giai đoạn này, cho bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính. Bé đã có thể nhai tốt thức ăn bằng lợi. Vì vậy, thức ăn được nấu mềm sao cho bé có thể nhai bằng lợi (độ mềm như chuối là vừa). Có thể tập cho bé ăn những món ăn cứng hơn một chút. Thức ăn của bé được cắt to khoảng 0,5 cm, dài khoảng 2- 3 cm để bé có thể tự bốc ăn hoặc cầm nĩa ghim thức ăn cho vào miệng.

Bé có thể ăn được hầu hết các loại rau. Có thể cho bé ăn cả phần cuống rau bina (cắt nhỏ). Bé có thể ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng nhưng nên cho bé ăn trứng chín hoàn toàn. Bé có thể ăn hầu hết các món cá nấu chín. Nên cho bé ăn thêm gan gà, các loại thịt có màu đỏ, đậu quả, đậu hũ để bổ sung chất sắt. Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:5 (20 ml gạo + 100 ml nước).

Giai đoạn 4 (12 - 15 tháng tuổi)

Bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính cùng thời gian với bữa ăn của người lớn. Giai đoạn này bé có thể ăn được thức ăn to và cứng hơn giai đoạn trước. Có thể cho bé ăn cơm nát rồi đến cơm. Ngoài ra, tập cho bé tự ăn bằng muỗng và nĩa.

Mục tiêu của giai đoạn này là cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để hướng đến việc ngừng cho bé uống sữa bột. Lúc này, bé có thể ăn gần như người lớn, vì vậy nên cho bé ăn cân bằng dinh dưỡng bằng nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, thức ăn của bé vẫn được nêm nhạt. Lượng muối nêm cho bé bằng 1/4 muỗng nhỏ (1 muỗng nhỏ bằng 2.5 g).

Để tập cho bé biết tự ăn, nên chế biến các món mà bé có thể tự bốc ăn như các món làm từ bánh mì lát hoặc cơm nắm. Nên tạo thức ăn có hình dạng và màu sắc bắt mắt để bé thích ăn hơn.

mùa đông
mùa đông
Trả lời 13 năm trước

Chào bạn! Bạn nên nghe theo lời khuyên của các bác sĩ tạo Việt Nam để trẻ có thể phát triển phù hợp với cơ thể của trẻ.

Những điều cần biết về việc cho bé ăn dặm

Cần tập cho bé làm quen với thức ăn một cách từ từ

Thời điểm bắt đầu ăn dặm phụ thuộc tốc độ tăng cân của trẻ. Nếu bé 4 tháng tuổi tăng 200 g mỗi tuần thì có thể lùi thời điểm ăn dặm đến tháng thứ 5 hoặc thứ 6. Nếu không đạt mức tăng trưởng này, bé cần được tập ăn dặm ngay vì sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.

Trong trường hợp trẻ đòi thức ăn khi nhìn mọi người ăn uống, có thể thử cho bé uống chút nước canh, nước cháo hoặc trái cây. Đây cũng là thời gian tập cho bé ăn dễ dàng nhất.

Các nhà nhi khoa cho biết, thời điểm tốt nhất để tập cho trẻ ăn dặm là khi bé được 4-6 tháng tuổi. Không nên để đến khi trẻ được 7-8 tháng tuổi vì lúc này, bé đã quá quen với việc bú sữa, khó chấp nhận các thực phẩm có mùi vị và độ đậm đặc khác sữa, cũng không quen với cách ăn bằng thìa. Khi này, việc tập cho bé ăn dặm sẽ rất khó khăn. Sau đây là lời giải đáp cho một số câu hỏi về vấn đề ăn dặm:

1. Tập cho bé ăn dặm như thế nào?

Thực phẩm để tập ăn cần đơn giản, dễ làm. Bạn đừng chú ý đến thành phần dinh dưỡng vội vì điều quan trọng lúc này là tập cách ăn, giúp bé quen với độ đặc, vị thức ăn mới và ăn bằng thìa thay vì bú mút. Các thức ăn đầu tiên có thể là:

- Chuối hoặc đu đủ, xoài chín mềm nạo bằng thìa.

- Một miếng khoai lang hoặc khoai tây nhỏ nấu chín mềm, tán nhuyễn, trộn với vài thìa sữa mẹ hoặc loại sữa bò bé đang bú.

- Một thìa bột ăn liền của trẻ em pha loãng với nước ấm hoặc sữa, 1 thìa nước cơm hòa với sữa.

- Tán nhuyễn vài thìa bí đỏ, bí xanh từ nồi canh gia đình.

Đầu tiên, cần chọn một trong các thứ trên cho bé nếm thử từng chút một. Nếu bé chịu ăn, có thể tăng dần lên 1-3 thìa nhỏ. Nên tập lúc bé đói; sau đó vẫn cho bú bình thường đến khi đủ no.

Khi bé đã quen với thức ăn đầu tiên, hãy cho bé nếm loại mới với cách như trên. Dần dần, bé sẽ quen với nhiều mùi vị, độ đặc khác nhau của thức ăn. Nên tập từ ít đến nhiều, từ loãng đến sền sệt rồi đặc hơn để bé dần dần thích nghi. Mỗi loại thức ăn mới cần tập trong 3-5 ngày mới chuyển sang thức khác. Thời gian này đủ để bé làm quen với thực phẩm, giúp mẹ phát hiện ra loại thức ăn gây dị ứng cho trẻ để loại trừ.

2. Ǎn dặm bao nhiêu là đủ?

- Trẻ 4-6 tháng: Lúc đầu chỉ cần ăn 1 bữa, mỗi bữa vài thìa (tăng dần) và cho bú thêm ngay sau khi ăn. Đến khoảng 5 tháng rưỡi, 6 tháng, có thể tăng thêm 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng nửa bát. Các cữ sữa vẫn phải duy trì đủ theo yêu cầu của bé.

- Từ 6 đến 9 tháng: Ăn bột 2 bữa/ngày, mỗi bữa khoảng 1/2-2/3 bát với đủ 4 nhóm thực phẩm. Vẫn cho bú sữa nhiều lần, bú đêm cho đủ nhu cầu tăng trưởng.

- Từ 9 đến 12 tháng: Ăn bột, cháo đặc 2-3 bữa mỗi ngày với khoảng 2/3 bát mỗi bữa. Ǎn thêm trái cây tươi và các loại thức ăn mềm như pho mát, bánh flan, rau câu, tào phớ đường. Sữa vẫn không thể thiếu trong khẩu phần hằng ngày của bé.

Nói chung, lượng ăn của mỗi bé khác nhau tùy theo khả năng tiêu hóa, hấp thu. Có trẻ ăn nhiều hơn bú, cũng có trẻ bú nhiều hơn ăn. Vì vậy, bạn cũng phải uyển chuyển một chút. Điều quan trọng là bé đủ no và tăng trưởng tốt.

3. Ǎn dặm như thế nào cho đủ chất?

Thực phẩm trong thiên nhiên được phân thành 4 nhóm dinh dưỡng chính: chất bột đường (gạo, bún, mì, bánh phở), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, bơ), chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, tào phớ), rau và trái cây.

Khẩu phần ăn dặm của bé phải có cả 4 nhóm thực phẩm trên thì mới đủ chất (trừ giai đoạn đầu chỉ ăn dặm với 1 loại thực phẩm). Với nửa bát bột hay cháo (khoảng 100 ml), cần cho thêm chất đạm, rau củ (đều băm nhuyễn), dầu ăn (hay mỡ nước), mỗi thứ 1 thìa canh.

Bé phải được cho ăn cả phần cái (phần xác) của thực phẩm thì mới nhận được đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy, các thực phẩm cần được xắt nhỏ, băm nhuyễn và nấu chín. Nên nấu bữa nào ăn bữa đó; thay đổi món thường xuyên cho bé. Giữa các bữa ăn, bạn nên cho bé uống thêm 50-100 ml nước trái cây hoặc trái cây tán nhuyễn để cung cấp thêm các loại sinh tố cần thiết.

4. Có thể xảy ra những trục trặc nào ?

- Bé chống cự lại, không chịu ăn: Hãy đổi qua một loại thức ăn khác, vì có thể bé không thích bột ngọt (bột sữa) mà lại thích ăn bột mặn (bột thịt, tôm...) hay ngược lại. Thay vì dùng thìa đút, bạn có thể lấy ngón tay sạch quẹt thức ăn cho bé nuốt. Nếu không thành công, hãy tạm dừng 1-2 tuần sau rồi thử lại. Không nên ép bé.

- Bé đi tiêu hơi lỏng: Nếu bé vẫn ăn, bú tốt, chơi khỏe, bạn cứ an tâm cho bé tiếp tục ăn. Nếu bé đi tiêu nhiều nước và đi hơn 3 lần mỗi ngày, kèm theo nôn trớ, chướng bụng, bỏ bú... thì nên ngừng cho ăn ngay. Nửa tháng sau hãy tập ăn trở lại như hướng dẫn trong những ngày đầu ăn dặm.

- Bé bị nổi mề đay, lác sữa... sau khi ăn trứng: Có thể do dị ứng trứng, nên tạm ngưng ăn trứng một thời gian (thay bằng sữa bột, tào phớ ở tháng đầu và cá, thịt, tép ở những tháng kế tiếp). Nên nấu trứng chín kỹ, không cho bé ăn “lòng đào”.

- Bé bị nghẹn, khó nuốt: Kiểm tra xem bột có quá đặc, quá lợn cợn không. Hãy làm loãng bột hơn với một ít nước chín, nước canh hay sữa; hoặc tán nhỏ thức ăn hơn nữa bằng thìa (có thể tán qua rây).

- Bé không muốn ăn: Có phải do bé chưa đói, bạn hãy chờ đến bữa ăn sau. Lúc đói hãy cho ăn, sau đó cho bú thêm ngay để bé đủ no. Không nên gò ép, căng thẳng kẻo làm bé sợ ăn; vì việc tạo thói quen ăn uống quan trọng hơn việc phải ăn cho hết suất.