Cháu nhà tôi hơn 2 tuổi đã biết ăn cơm nhưng cháu rất lười nhai chỉ thích ăn đồ mềm thức ăn cháu chỉ có ăn trứng và đậu không chịu ăn thịt, cá. Webtretho có thể giúp tôi có cách gì để cháu chịu ăn không, có thể tư vấn cho tôi một số món ăn cho trẻ từ 2 tuổi được không?
Nguồn: webtretho
Chào bạn,
Có thể thấy, bé nhà bạn vì chỉ ăn món mềm nên bé mới thích món trứng và đậu. Do đó, để bé ăn được nhiều hơn, bạn có thể chọn cho bé nhiều món mềm mại khác. Độ tuổi này, bé có thể ăn được đa dạng nên bạn có thể cho bé ăn những món của gia đình hay ăn. Chúng tôi xin tư vấn bạn một số món mềm khác cho bé như sau:
- Cá hấp: Có thể chọn các loại như cá điêu hồng, cá lóc, cá bống, cá rô. Với cá biển thì chọn loại thật tươi như cá thu, cá bạc má, nục... Ướp kỹ với đầu hành, dầu ăn, nước mắm sau đó đem hấp cách thủy gỡ thịt cho bé ăn kèm cơm, canh.
- Thịt kho tàu: Chọn thịt ba rọi hoặc đùi, cắt miếng to, kho thật mềm với nước dừa, cho bé ăn kèm cơm. Cho bé ăn cả nạc và mỡ. Vì nếu nạc không sẽ rất xảm khó nuốt.
- Lươn om, xào: Với món lươn rất dễ nấu. Bạn luộc chín, gỡ lấy thịt, băm nhỏ. SAu đó xào thật thơm với hành, có thể cho thêm bầu, mướp, bí ngòi... vào nấu mềm, nêm hành ngò. Hoặc chỉ xào với 1 chút nghệ cho thơm, nêm gia vị, rồi đổ 1 chút nước luộc lươn vào đậy nắp nấu liu riu. Khi đã nước rút bớt, nêm rau om, ngò gai, nhắc xuống. Cho bé ăn kèm cơm, canh rau...
Bạn có thể tham khảo thêm từ internet, sách báo để bổ sung món cho bé nhé.
Thân mến.
Ngoài sữa, các loại hải sản luôn là nguồn cung cấp caxin dồi dào nhất cho bé. Thông thường, khi bé mới bắt đầu ăn dặm, các loại thịt trắng vẫn là lựa chọn an toàn nhất. Nhưng khi bé đã được khoảng 7 - 8 tháng tuổi, bạn có thể bắt đầu cho bé làm quen từ từ với những món ăn có hải sản. Và đến khoảng 2 tuổi thì tôm cua có khi đã trở thành món khoái khẩu không thể thiếu trong thực đơn của bé. Để bé thích thú với việc ăn, bạn nên linh động thay đổi thực đơn hàng ngày của bé, điều này cũng đồng thời giúp bé bổ sung được nhiều chất khác nhau.
Bánh bắp cua
Nguyên liệu:
100g thịt cua, 100g bắp ngọt hạt, 1 quả trứng gà, 50g bột chiên tôm, 1 thìa cà phê nước mắm, dầu để chiên.
Thực hiện:
Đánh tan trứng gà với nước mắm, trộn bột chiên tôm vào cho sệt, cho bắp gỡ hạt và cua vào trộn đều. Bắc chảo dầu nóng múc từng thìa hỗn hợp bột bắp cua cho vào chiên vàng, vớt ra trên giấy thấm cho ráo dầu. Cho bé dùng với tương cà hoặc nước tương.
Salad tôm
Nguyên liệu:
100g tôm sú hoặc tôm hùm, 50g khoai tây, 50g cà rốt, 1/4 trái bơ, 50g đậu cô-ve, 1 lá xà lách, 1/4 thìa cà phê nước chanh, 1/4 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê dầu ô-liu, 1 thìa súp xốt mayonnaise, 1 đầu đũa muối.
Thực hiện:
Tôm sú hấp chín thái hạt lựu. Khoai tây, cà rốt, đậu cô-ve thái hạt lựu luộc chín. Trái bơ bỏ vỏ, thái hạt lựu.
Pha nước chanh với đường, muối, dầu ô-liu rồi rưới lên tôm, rau củ, táo, trộn đều. Sau cùng trộn xốt mayonnaise vào rồi dọn ra trên lá cà lách. Ngon hơn nếu để tủ lạnh khoảng 15 phút sau khi trộn.
Rất nhiều trẻ lứa tuổi này bị suy dinh dưỡng do thói quen ăn uống tùy tiện: dùng quá nhiều bánh kẹo ngọt dẫn đến chán ăn, khẩu phần mất cân đối. Vì vậy, cha mẹ đừng để quá nhiều đồ ăn vặt trong tủ lạnh nếu trẻ có thể mở nó ra.
Sau đây là dẫn chứng về một đứa trẻ 2 tuổi con nhà khá giả bị suy dinh dưỡng. Người mẹ cho biết cháu luôn ăn vặt, không thích những thức ăn do mẹ chế biến. Chế độ ăn trong một ngày tương đương với thực đơn sau:
7h30: 130 ml sữa.
9h30: Tự mở tủ lạnh lấy bánh ngọt ăn (2-3 chiếc bánh qui).
11h30: Ăn nửa bát cơm với 3 miếng thịt rán (20 g thịt).
15h: Mở tủ lạnh ăn bánh kẹo ngọt (1 thanh bánh kem xốp, 2 chiếc kẹo sô-cô-la) và 5-6 quả nho.
18h30: Ăn nửa bát cơm với ít tôm rang và thịt kho (15 g tôm và 15 g thịt).
21h: Uống 120 ml sữa.
Cháu bé này thường xuyên chán ăn, ăn không ngon miệng, không chịu ăn rau và cân nặng hàng tháng tăng không đều. Qua phân tích khẩu phần ăn trong ngày của cháu, có thể thấy năng lượng từ chất đạm chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu của lứa tuổi. Cháu không chịu ăn rau và ít ăn trái cây nên cơ thể thiếu nhiều loại vitamin và các yếu tố vi lượng.
Bữa ăn hợp lý phải bảo đảm đủ các thành phần dinh dưỡng. Đạm, béo, đường, vitamin và muối khoáng phải ở tỷ lệ cân đối. Không nên để sẵn bánh kẹo, nước ngọt trong tủ lạnh, tạo điều kiện cho trẻ sử dụng thoải mái khi thích vì khi dùng các loại thức ăn có lượng đường cao, trẻ sẽ có cảm giác “no giả tạo” nên không muốn ăn các thứ giàu dinh dưỡng khác. Đó là chưa kể đồ ngọt sẽ gây sâu răng. Nên cho trẻ ăn theo bữa và không nuông chiều quá mức.
Thực đơn hợp lý cho trẻ 2 tuổi trong một ngày gồm:
7h: Sữa bột hoặc sữa đậu nành 200 ml.
11h: Cơm nát 1 miệng bát (gạo 60 g). Trứng trộn thịt rán gồm nửa quả trứng vịt và 20 g thịt nạc (2 thìa cà phê đầy), hành, mộc nhĩ, nấm hương, bột canh, mỡ hoặc dầu 5-7 g (1-1,5 thìa cà phê). Canh cua, rau đay, mồng tơi. Chuối tiêu một quả.
14h: Xúp thịt gà, khoai tây gồm thịt gà 25 g, khoai tây một củ 100 g, rau bắp cải 30 g, mỡ 5 g (1 thìa cà phê).
18h: Cơm nát 1 miệng bát. Đậu phụ nhồi thịt (100 g đậu và 25 g thịt nạc, hành tươi hoặc khô, 5-10 g mỡ). Canh rau ngót nấu thịt (rau ngót 30 g, thịt nạc vai 15 g). Dưa hấu 1 miếng.
21 h: Cháo trứng hoặc mì trứng (trứng gà nửa quả, cháo 1 miệng bát).