Con em đã 1 tuổi, mỗi lần cháu bú 150ml, cách 2-3 tiếng bú 1 lần, trừ các bữa ăn. Hiện giờ, hằng đêm cháu bú 3 lần, 9h, 12h, 3h. Bố cháu nói phải duy trì như vậy vì sợ cháu đói, không lên cân được. Nhưng em tham khảo một số trang web thì nói không cho trẻ bú đêm vì dể bị viêm họng, đẹn lưỡi, hư răng, tiêu hóa kém. Vậy thạc sĩ giúp dùm em ý kiến nào là đúng?
Chào bạn,
Ngủ là giai đoạn các tế bào của cơ thể phục hồi, chỉnh sửa tổn thương nếu có, và sinh sôi nảy nở (phân bào) tốt nhất. Chắc bạn cũng đã từng nghe về chuyện trẻ dài ra và não trưởng thành hơn trong khi ngủ sâu, vì vậy giấc ngủ của bé quan trọng không kém gì bữa ăn. Khi cho bé bú lúc ngủ, não không được nghỉ tuyệt đối, máu phải chia cho hệ tiêu hóa để tiêu hóa sữa làm giảm lượng máu đến xương và đến não, dạ dày căng làm hạn chế sự giãn nở của phổi khiến lượng khí lưu thông giảm đi, … và rốt cuộc lại từ hệ tiêu hóa đến não đến xương và nhiều cơ quan khác như nội tiết, gan thận… chẳng nơi nào có thể nhận đủ phần oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động của mình cả. Điều này dẫn đến việc các cơ quan hoạt động không được nghỉ ngơi lại ở trong điều kiện thiếu hụt chất dinh dưỡng và oxy cần thiết, là một tình trạng hoàn toàn không tốt cho cơ thể.
Ngoài ra, ăn hay bú đều là chuyện cần phải học với bé. Bé cần được dạy một cách có trình tự để bé có thể nhận biết vai trò và tác dụng của chuyện ăn hay bú sữa. Nếu bạn lợi dụng phản xạ bú khi trẻ ngủ (đây là phản xạ thần kinh sơ khai có ở mọi sinh vật trong giai đoạn não chưa phát triển tốt, sẽ mất dần khi trẻ lớn hơn) thì có thể cho được ít sữa vào dạ dày của bé một cách vô thức (bé không biết mình đang bú), nhưng lại chẳng dạy được cho bé về cảm giác đói hay khát, về tác dụng của việc bú sữa làm giảm cảm giác khát hay đói… này. Khi bé không học được sự cần thiết của chuyện bú sữa đương nhiên sẽ không thích bú, các vùng trung khu thần kinh nhận cảm giác đói, khát, vị giác, khứu giác… cũng không thể phát triển tốt được do không được tập luyện.
Chưa kể, cho bé bú lúc ngủ, nguy cơ sặc sữa sẽ cao hơn; bé bú ở tư thế nằm ngang làm cổ dạ dày hạ thấp dễ gây hiện tượng trào ngược acid dạ dày lên thực quản; thoát lưu sữa qua dạ dày chậm hơn làm trẻ no lâu hơn, ảnh hưởng đến bữa ăn sau đó; còn hình thành thói quen không tốt là thích ngậm núm vú khi ngủ, không thể đảm bảo được vệ sinh răng miệng, dễ bị viêm họng và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của răng, khung hàm sau này.
Nói chung, cho bé bú khi ngủ có nhiều điều bất lợi hơn là ích lợi, vì vậy nên tập cho bé ăn ra ăn, ngủ ra ngủ.
ThS - BS Đào Thị Yến Phi
Con tôi được hơn 3 tháng, sau khi cho bú xong bé ngủ say tôi vẫn cho cháu bú thêm khoảng 40ml, có lần ăn hết có lần không ăn hết, tôi xin hỏi như vậy có phải do tôi không có đủ sữa để cháu đói trong khi ngủ không hay là do phản xạ tự nhiên của cháu? Làm cách nào để biết được mẹ có đủ sữa cho con hay không?
Tôi xin cám ơn bác sĩ!