em be uong nuoc nhieu co anh huong gi khong? xin giup minh voi
Thói Quen Uống Nước Nhiều Lợi Hay Hại? |
Nước đã chiếm một tỷ lệ ít nhất 70% trọng lượng của cơ thể con người. Nó được bão hòa nằm trong máu, xương, da, thịt như một chất dẫn điện giải để cơ thể điều hòa thân nhiệt, nhận chất dinh dưỡng và thải lọc độc tố giúp cho sự hoạt động của hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, bài tiết và sinh dục hoạt động tốt.
Ở mỗi người tỷ lệ nước được bão hòa khác nhau do hệ thần kinh điều phối theo nhu cầu của cơ thể, thí dụ một người bình thường ít hoạt động, mỗi ngày uống một lít nước, cân nặng 50 kg, nếu hôm nào uống đến 2 lít tự nhiên đi tiểu nhiều hơn và trọng lượng cơ thể vẫn 50 kg không thay đổi ,ngược lại, nếu vận động nhiều như tập thể dục thể thao, thân nhiệt tăng, đổ mồ hôi, mất nước, cổ họng khô khát, cơ thể tự động đòi hỏi uống nước để tái lập tỷ lệ nước, trọng lượng vẫn không thay đổi. Trọng lượng cơ thể không tăng do uống nước nhiều mà chỉ tăng khi có bộ tiêu hóa tốt,( loại nước H2O bình thường, không phải nước súp hoặc nước cốt trái cây..) và khi tỷ lệ nước bão hòa này bất ổn định là cơ thể đã bị bệnh.
Nước bão hòa ở cơ thể có nhiệm vụ điều hòa thân nhiệt và thải độc tố, giải nhiệt và độc tố trong máu qua trung gian hệ mạch để qua thận, nên trung bình mỗi giờ thận phải lọc khoảng 6 lít, cho nên khi chúng ta uống nước mầu trắng, phải đi tiểu ra mầu hơi vàng, đó là chức năng lọc của thận tốt, khi chúng ta bị bệnh, nước tiểu sẽ vàng sậm. Ngược lại, khi thận hư, chức năng lọc nước của thận yếu, có hai dấu hiệu dễ thấy là hay đi tiểu đêm, và sáng thức dậy đi tiểu ra nước trong chứ không vàng. Nước còn thoát ra ngoài cơ thể bằng đường mồ hôi và theo đường hệ tiêu hóa sang bài tiết, thí dụ khi ta uống 1 ly nước vào bao tử, nước theo hệ tiêu hóa xuống ruột non, thấm qua màng ruột non theo dưỡng trấp vào máu, phần cặn bã đồ ăn và nước tiếp tục xuống ruột già co bóp thành phân, qúa trình co bóp, nước ở ruột già thấm qua màng ruột nằm trong màng bọc tam tiêu ở hạ tiêu thấm vào bàng quang để xuất ra bằng đường tiểu chung với hệ thận niệu.
Những điểm lợi:
Khi cơ thể bị bệnh nhiễm trùng, đương nhiên xét nghiệm máu, phân và nước tiểu đều có vi trùng.
Sức phòng chống bệnh tự động của cơ thể có hữu hiệu hay không còn tùy thuộc vào hệ thần kinh của mỗi người. Đầu tiên phải thải độc ra càng sớm càng tốt bằng cách xuất mồ hôi, tiểu nhiều mầu vàng sậm, nước bị mất, vi trùng hoành hành làm thân nhiệt tăng, khô cổ họng, cơ thể tự động thấy khát đòi uống nước bù vào số lượng nước đã thải ra để thải lọc độc tố, vi trùng, và duy trì điều hòa thân nhiệt trở lại bình thường.
Như vậy, uống nước nhiều là nhu cầu cần thiết khi cơ thể bị bệnh sốt nhiệt, nhiễm trùng. Để lợi dụng ưu điểm này của cơ thể, đã có một vị bác sĩ Việt nam từng tu nghiệp ở Mỹ 2 lần ( đi cải tạo về ) đã chữa khỏi nhiều em bé bị bệnh sốt xuất huyết bằng cách uống nhiều nước mà không cần thuốc. Trường hợp điển hình, có một bé gái 12 tuổI bị sốt, đi 3 lần 3 bác sĩ khác nhau, lần đầu dùng 3 viên Tétracycline 150 mg uống mỗi ngày trong 3 ngày, mỗi lần uống vào, cơn sốt hạ rồi lại tăng sốt như cũ, sau ba ngày đổi bác sĩ khác, cho dùng Pénicilline, cũng làm cho sốt hạ rồi tăng như cũ, sau ba ngày đổi bác sĩ khác cho dùng Moxine cũng không có kết qủa, sau 9 ngày sốt càng nặng hơn, nóng mê man, môi khô tím tái, vỡ tiểu cầu, vị bác sĩ thứ tư biết bé gái bị bệnh sốt xuất huyết ,thay vì phải đưa bé gái đi bệnh viện cấp cứu, vị bác sĩ ' nước lạnh ' trên dặn người nhà em bé, cứ mỗi nửa giờ uống một ly nước lọc khoảng 150 cc, một ngày khoảng 3-4 lít. Uống được nửa ngày, cơn sốt dịu lại, đến chiều người tỉnh dần và đi tiểu nhiều hơn, bệnh thuyên giảm thấy rõ, không cho ăn, và em bé cũng không muốn ăn chỉ nằm ngủ, sang ngày thứ hai cho ăn cháo loãng và tiếp tục uống nước, ngày thứ ba khỏi bệnh, nhưng sợ loại siêu vi còn sót lại trong cơ thể sẽ tái phát nên uống đủ năm ngày, bé ăn uống và khỏe mạnh như bình thường, sau 5 ngày đi học lại ,trong khi các bạn đồng lớp bị dịch sốt xuất huyết phải nằm bệnh viện và nghỉ học để phục hồi lại sức khỏe mất cả tháng.
Chúng ta thử tìm hiểu tại sao ?
Theo thường lệ trước khi thử máu, bệnh nhân phải nhịn ăn uống, vì sợ máu loãng, kết qủa xét nghiệm sẽ không chính xác, khi tìm ra được loại vi trùng gì, và số lượng có trong máu là bao nhiêu, độ lắng máu và tỷ lệ bạch cầu, hồng cầu đếm được bao nhiêu. Thời gian chờ đợi kết qủa, rồi chờ đợi chọn loại thuốc thích hợp đúng bệnh, thì vi trùng cứ phát triển, tăng nhiệt, mất nước, nước càng mất, nhiệt càng tăng. Nếu may mắn loại thuốc diệt vi trùng đúng loại, số vi trùng chết trong cơ thể cũng không đủ nước để loại ra ngoài, số còn lại vẫn phát triển sinh sôi nẩy nở, đó là lý do tại sao thời gian dùng trụ sinh phải lâu đến 10 ngày cho một lần điều trị. Ngược lại, khoa học xét nghiệm phát triển đến trình độ cao, thấy trong máu và nước tiểu vừa có vi trùng vừa có cả thành phần hóa chất của thuốc diệt trùng cùng làm bạn với nhau song song bơi lội theo đường máu đi khắp cơ thể mà không tiêu diệt nhau, vậy đâu là bãi chiến trường, thuốc không diệt vi trùng làm sao mà khỏi bệnh ? Thật ra, cơ thể bị bệnh hay chống đỡ được bệnh do hệ thần kinh điều khiển.
Mầm bệnh là vi trùng theo máu tác động lên thần kinh làm mất thăng bằng thân nhiệt, các tuyến hạch phòng chống bệnh của cơ thể phản ứng lại khiến cho bộ thần kinh điều khiển chương trình chống bệnh hoạt động tối đa, làm cho đau nóng cổ họng để cơ thể phải đòi uống nước nhiều giúp cho nó đủ nước điều hòa thân nhiệt và thải độc tố, vi trùng và theo luật quân bình năng lượng tự nhiên của cơ thể. Không may, khi con người vô tình tìm ra một loại thuốc mạnh nhưng không đúng với bệnh đang cần thì thuốc đó trở thành kẻ thù làm hại sức chống bệnh của cơ thể làm cho thần kinh mê sảng luôn.
Thí dụ, bệnh sưng đau cổ họng là triệu chứng cơ thể có vi trùng, đòi uống nước để giải nhiệt và loại độc tố, thay vì dùng thuốc chữa bệnh đau cổ họng, chúng ta dùng 2 muổng canh dấm táo (vinaigre de cidre de pomme) và 2 muổng canh mật ong, hòa với một ly nước nóng, mỗi lần hớp một ngụm ngậm trong cổ họng, nằm ngửa cho thấm vào cổ họng được dễ hơn trong năm phút rồi nhả ra, tiếp tục lập lại nhiều lần cho đến khi hết ly nước dấm táo mật ong là hết bệnh mà không cần dùng thuốc, nếu đau cổ họng có kèm theo cảm cúm, sốt thì sau khi ngậm xong để chữa bệnh đau cổ họng, nên uống vào cho thuốc ngấm vào máu để chỉnh thần kinh điều hòa thân nhiệt, ngày uống 2-3 ly, trong hai ngày sẽ hết bệnh, nó tương đương với thuốc bột Néo-Citran nhưng hay hơn và không hại bao tử..
Chúng ta cũng nên thắc mắc, bất cứ loại bệnh có vi trùng, khi thử máu và nước tiểu đều có vi trùng, nhưng tại sao vi trùng lao phổi chỉ ăn lủng phổi, trong khi máu dẫn nó đi qua óc, tim, gan, ruột, bao tử, lá lách mà nó lại không hại các cơ quan này, hay ngược lại siêu vi gan chỉ hại gan mà không phá bể tim, phổi.. Vậy có phải khi người ta chết vì một bệnh nào đó, là do thiếu nước để điều hòa thân nhiệt, lúc có bệnh nóng sốt qúa, lúc lạnh qúa,độc tố trong máu do vi trùng phát triển theo cấp số nhân, thần kinh chỉ huy phòng chống bệnh đã yếu, bị các độc tố làm hại, lại bị thêm thuốc chữa bệnh không đúng làm hại thần kinh, vô tình phá vỡ tỷ lệ nước bão hòa, tỷ lệ tụt dốc đến độ thấp nhất, uống nước vào thì ói ra, ăn canh vào cũng không xong làm tinh thần suy sụp mất sức đề kháng.
Tinh thần rất quan trọng, tinh thần có thể vực dậy một quốc gia trong cơn nguy biến, như đời Nhà Trần, quân Nguyên sang xâm lấn nước ta, thái sư Trần thủ Độ tâu với vua Trần: Đầu thần chưa rơi xuống đất thì bệ hạ đừng lo, ngược lại, ngày 30 tháng tư năm 1975, dân chưa thấy mặt mũi cộng sản ra sao mà người tượng trưng cho cái thần của một nước đã bỏ chạy, khiến cho nước mất nhà tan. Cơ thể chúng ta cũng vậy, vi trùng gì cũng mặc, thần luôn luôn vững, cứ mỗi ngày uống nước nửa giờ 1 ly 100-150 cc, rồi tập thể dục thể thao, tâm bình thản, thần không hoảng hốt, thì bệnh nặng hóa nhẹ và thuyên giảm từ từ, đúng theo tinh thần Phật giáo 'Vạn pháp do tâm sinh, vạn pháp do tâm diệt', có nghĩa là bệnh do tâm làm ra bởi ' sở tri kiến chấp' , bệnh này là vi trùng này, bệnh kia là vi trùng kia, vi trùng này đã có thuốc chữa, vi trùng kia khoa học chưa tìm ra thuốc, chưa chữa được, mình tự hù dọa mình làm tinh thần không an tịnh, lúc nào cũng sống trong lo lắng sợ sệt đến mất thần là mất sức đề kháng của cơ thể.
Nếu trong máu có vi trùng, có độc tố, có siêu vi, có cholestérol, có đường trong máu cao, áp huyết cao, đều có thể áp dụng cách uống nước, cứ nửa giờ uống 1 ly, sau 9 giờ tối ngưng uống nước tránh đi tiểu đêm làm mất ngủ. Tuy nhiên thay vì uống nước lọc, bệnh cholestérol nên uống nước bưởi, trung bình ngày uống 1 lít, bệnh cao áp huyết nên uống nước trái táo ngày 1 lít, hoặc trà hoa cúc trân châu, hoặc trà hoa đại, mỗi ngày một gói sau bữa cơm, bệnh tiêu chảy nên uống nước gừng ấm hay trà gừng sau bữa cơm, bệnh tiểu đường nên uống trà cỏ ngọt hay trà địa cốt bì mỗi ngày hai gói..
Những điểm hại:
Đối với bệnh tật, đông và tây y tìm ra rất nhiều nguyên nhân khác nhau, phạm vi bài này giới hạn không thể đi vào chi tiết từng bệnh, nhưng chúng ta chỉ phân biệt bệnh nào uống nước nhiều được, bệnh nào không được:
1-Đối với bệnh tim:
Khi cơ thể lạnh, tứ chi lạnh là tâm mất hỏa khí nên sợ lạnh thì chính thần kinh không thích uống nước lạnh ,nếu có, chỉ thích uống nước nóng ấm mới cảm thấy dễ chịu khi nước qua cửa miệng, nhưng số lượng nước nếu uống nhiều sẽ dư thừa đông y gọi là thủy khắc hỏa khiến thần kinh suy yếu thêm, không đủ khả năng loại bỏ số nước dư ra ngoài theo đường tiểu, làm cơ thể lạnh thêm.
Chỉ có trường hợp bệnh tim mạch, cao áp huyết, cơ thể lúc nào cũng nóng do dùng thuốc hóa chất không hợp, tăng độc tố trong máu, phát sinh nhiệt, lúc đó mới cần uống nước nhiều để giải nhiệt và loại độc tố ra khỏi cơ thể.
2-Đối với bệnh thận suy:
Làm sao biết thận suy? Mỗi khi uống nước vào là phải đi tiểu ngay, ban đêm phải đi tiểu nhiều lần, buổi sáng dậy đi tiểu, thay vì nước tiểu phải hơi vàng khi thận làm nhiệm vụ lọc tốt, nhưng nước tiểu mầu trắng là thận không lọc, uống nước mầu gì ra mầu nấy, đó là dấu hiệu dễ thấy để biết thận suy. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như đau lưng, vùng lưng nơi thận sưng, chân cẳng lạnh hoặc phù nề. Những người có triệu chứng này không thể uống nước nhiều làm hư tạng thận.
3-Đối với bệnh đường ruột:
Làm sao biết có bệnh đường ruột? Có hai loại bệnh đường ruột, một loại uống nước nhiều được, một loại không được uống nhiều.
Loại bệnh đường ruột bị táo bón đi cầu ra phân cứng, khô, phân từng cục, do nhiệt kết ở đường ruột, hoặc bị kiết lỵ, cần phải uống nước nhiều để giải nhiệt độc do thức ăn chứa lâu trong ruột, nếu không độc tố truyền vào máu hại da mặt bị nổi mụn trứng cá, nặn mụn ngửi có mùi thối, đừng lầm với bệnh táo bón giả của người già, hai ba ngày mới đi cầu, mỗi lần đi ít một, phân không khô mà nhão, do không đủ khí lực để đẩy phân ra ngoài, nếu tưởng lầm là bón mà dùng thuốc xổ hoặc uống nước nhiều sẽ liệt cơ co bóp làm xệ ruột xuống háng thành bệnh sa ruột (hernie). Khi ruột bị xệ đè nặng ép động mạch háng làm tắc khí huyết lưu thông xuống chân, tạo ra chứng bệnh khác như chân tê phù, mất cảm giác, đầu gối có nước..
Loại bệnh đường ruột hay bị tiêu chảy có dấu hiệu hễ ăn thức ăn nguội lạnh, ăn rau nhiều, ăn đồ biển hoặc uống nước lạnh là cảm thấy đau bụng tiêu chảy. Bệnh mãn tính có dấu hiệu quanh vành môi mầu da hơi trắng xanh khác với da chỗ khác trên mặt, loại bệnh này không được uống nước nhiều, nếu uống nước nhiều sẽ bị liệt nhu động ruột do trong ruột phình to, chứa nặng phân không ra được, một thời gian lâu dẫn đến thối khúc ruột đó làm thành bệnh ung thư ruột phải cắt bỏ. Tại sao vậy? Chúng ta hãy tưởng tượng khúc ruột như một qủa bong bóng dài, khi thổi hơi vào, nó căng ra, khi tháo hơi ra nó co vào như cũ, ngược lại, nếu đổ nước vào đầy, hai ba ngày mới đổ nước ra thì bong bóng đã bị dãn không co vào như cũ được. Ruột chứa nhiều nước do thói quen uống nhiều cũng như thế, và sự thẩm thấu qua vách thành ruột đến một mức bão hòa, trong ruột già và màng bụng óc ách nước, vừa làm thoát vị bẹn, vừa chèn ép vào động mạch háng làm liệt chân, cho nên bệnh này bắt buộc phải giải phẫu oan uổng.
4-Bệnh mất ngủ kinh niên:
Nhiều khi thuốc ngủ đúng liều, có kết qủa ức chế thần kinh làm cơn buồn ngủ đến ngay, nhưng vì uống nhiều nước một lần trước khi đi ngủ khiến cho đêm bị thức giấc để đi tiểu cũng sẽ không ngủ lại được, chính do cách uống nước và dùng thuốc ngủ đã mâu thuẫn nhau đi đến tình trạng mất ngủ kinh niên.
5-Bệnh buồn chán thở dài:
Có thể nói là đầu mối của nhiều loại bệnh. Người ta cần hít thở để trao đổi oxy trong máu, cho máu đen (oxyde sắt nhị Fe2O2) nhận thêm oxy để trở thành máu đỏ (oxyde sắt tam Fe2O3). Khi buồn, chỉ thở ra đem theo oxy bị đốt cháy thành CO2 ra khỏi cơ thể nhiều hơn hít oxy vào làm cho hồng cầu giảm, không đủ oxy nuôi tế bào não làm thần kinh càng suy nhược, oxy dự trữ trong máu bị đốt thành CO2 làm mất thân nhiệt, thần kinh uể oải, đờ đẫn, khí lực không đủ sức co bóp bao tử và ruột để giúp tiêu hóa tốt, phổi không nở mà teo lại làm tim mạch đập thất thường, tinh thần đã loạn càng thêm loạn, lúc đó uống nước nhiều sẽ làm trở ngại hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết..dĩ nhiên đưa đến nhiều loại bệnh kỳ quái khác nhau, nếu chữa bằng thuốc chỉ là chữa ngọn, điều cần nhất là phải vận động, hít thở, thể dục thể thao, cơ thể sẽ tự điều hòa lại mà không cần dùng thuốc.
6-Bệnh phong thấp đau nhức kinh niên:
Nguyên nhân do khí huyết tuần hoàn không đi được khắp nơi trong cơ thể, nhất là chỗ khớp nối, bệnh này có thể uống nước nhiều cho máu loãng ra để đủ số lượng máu lưu thông, nhưng phải uống nước nóng ấm pha ít gừng và phải tập cử động cùng xoa nắn nơi đau nhức cho khai thông, nhưng không được uống nhiều nước lạnh, mát, uống một lần với số lượng nhiều hoặc loại nước có tính hàn như nước cam ,nước chanh, nước dừa, hàn khí sẽ kết lại nơi các khớp tạo thành các điểm cứng đau.
7-Bệnh máu loãng:
Bệnh máu loãng hay chảy máu không được uống nhiều nước làm cho máu bị loãng thêm dễ bị chảy máu làm mất hồng cầu và bạch cầu. Ngược lại bệnh thiếu máu, và bệnh máu có bọt, nên uống nước nóng ấm nhiều làm cho lượng máu lưu thông trong các ống mạch đầy đủ, mặc dù máu pha loãng đã làm giảm số lượng hồng cầu, nhưng không làm hại tim phải co bóp đập mạnh để đẩy máu đi và hút máu về làm cho nhịp tim bớt rối loạn, ngoài ra phải năng tập vận động hai tay và buồng phổi để kích thích tim phổi hoạt động mạnh hơn, bệnh sẽ từ từ được cải thiện.
8-Bệnh sạn thận:
Người mắc bệnh sạn thận cũng không được uống nhiều nước, thận cần thở, tức là co bóp để tống sạn ra hoặc co bóp làm vỡ sạn khi sạn chưa thành hình to, chứ không phải uống nước nhiều làm trôi sạn. Theo đông y sạn thận do thận hàn, nếu nước trong thận ấm, chất vôi không đóng cục được, chất vôi chỉ kết tủa ở nhiệt độ hàn hoặc sức co bóp của thận yếu, nhẹ, không đủ sức đẩy chất bột cặn trong thận ra ngoài, lâu dần, ít thành nhiều kết tủa to dần không ra được. Chúng ta cần phải giúp thận co bóp mạnh, và mặt khác giúp thận làm tan chất cặn vôi. Đông y có hai vị thuốc để làm nhiệm vụ này, một chất là qủa dứa làm mềm sạn, một chất là phèn chua làm tan chất vôi thành bụi. Cách làm như sau: Dùng một nửa qủa dứa to loại không chua lắm không ngọt lắm,gọt vỏ ngoài, khoét một lỗ ở đầu, đổ vào một muổng cà phê bột phèn chua (thứ phèn chua ở Việt nam hay dùng để lọc nước uống), bỏ vào khay nướng trong lò nướng 350 độ C, khoảng 1 giờ, hơi vàng đậm, lấy ra vắt tất cả ra nước được chừng 150-200 cc. Chia 2 lần uống, tối trước khi đi ngủ uống một nửa để đêm sạn mềm ra, sáng dậy uống một nửa còn lại khi còn nằm ở giường để thận co bóp làm vỡ sạn thành bột trước khi đi tiểu , khi tiểu để ý thấy nước tiểu đục như cặn vôi hoặc lợn cợn, và cảm thấy đi tiểu nhiều hơn và thông hơn mấy ngày trước. Triệu chứng của sạn thận làm đau bụng dưới lan ra sau lưng, rồi đau từ lưng ngấm ngẩm đau lan ra phiá bụng, thở khó, nói cười to không được, tiểu dắt, tức bọng đái, rát lỗ đường tiểu, mầu da mặt tối nám đen như bột viết chì, sau khi uống một nửa trái dứa và đi tiểu xong tự nhiên hết mệt, có thể cười nói ha hả tự nhiên, bệnh bớt 70 phần trăm, còn nửa trái làm nốt cho ngày hôm sau không hại gì mà có kết qủa thấy rõ.
Nếu ngại không muốn uống chất phèn chua, đông y có bán loại thuốc thành phẩm, chất chính trong thuốc là kim tiền thảo, tên thương mại là Thạch lâm thông (làm thông sạn đường tiểu) khiến cho thận co bóp mạnh và đi tiểu nhiều tống được sạn ra ngoài.
9-Bệnh tiêu khát, tiểu đường:
Khi mắc bệnh tiểu đường có 4 triệu chứng ba nhiều một ít, một uống nhiều do khát, hai tiểu nhiều, uống vào 1 lít tiểu ra hơn 1 lít, ba ăn nhiều, bốn là ốm mất trọng lượng. Bệnh này bắt cơ thể uống nhiều suốt ngày, làm hư thận, áp huyết tăng, thân nhiệt tăng, cổ họng lúc nào cũng khô khát đòi uống. Trường hợp này không được uống nước nhiều mà phải tìm nguyên nhân, nó có nhiều nguyên nhân sẽ được đề cập đến trong một đề tài chuyên môn, ở đây chỉ nói đến hai nguyên nhân vô tình tự mình chuốc lấy bệnh, một là do lạm dụng thuốc lợi tiểu Lasix để giảm cân, hai là do thói quen uống nước nhiều mà không bỏ được, thuộc loại tâm bệnh thần kinh, đa số chúng ta gặp phải trường hợp này.
Thói quen tai hại nhất là uống nước với số lượng nhiều một lần, như sáng uống một hơi 1 lít, trưa một hơi uống 1 lít, chiều uống một hơi 1 lít, sẽ không chữa được bệnh gì, mà hậu qủa về sau sẽ tai hại. Chúng ta nhớ rằng chỉ uống nước nhiều khi cần thiết để bù số nước bị mất do đổ mồ hôi như các lực sĩ , hoặc khi bị mất nước do tiêu chảy kéo dài, vì trường hợp này nếu để mất nước sẽ bị vọp bẻ, hoặc kiệt sức.
Chúng ta đã biết một giờ thận lọc 6 lít nước bão hòa trong cơ thể, chưa kể nước ở ngoài uống vào thêm. Với nhịp độ bình thường, công suất của máy lọc tạo ra nhịp sinh học đều đặn trong cơ thể, bỗng dưng buổi sáng thận nhận thêm 1 lít nước, nó cũng phải hòa tan vào bao tử làm bao tử lớn ra, xuống ruột làm nhu động ruột dãn ra, nó thẩm thấu qua ruột sang màng bụng thấm vào bàng quang làm đầy căng vô tình làm tắc đường dẫn nước của thận lọc từ máu ra khiến bể thận nở to không còn khả năng lọc, thận bị mở cửa tự do dĩ nhiên nước uống vào qua thận đã mở sẵn không lọc nên khi tiểu ra không thấy mầu nước tiểu hơi vàng như trước nữa, sau sinh bệnh thận hư, đau lưng, mỏi gối, tiểu đêm.
Người Hoa không có thói quen uống nước nhiều, bù lại họ uống nước canh bổ nhiều hơn các dân tộc khác, sau bữa cơm họ chỉ uống 1 chung trà, nó có lợi là tiêu mỡ và chất béo có trong bữa ăn, trà uống vào ít mà đi tiểu ra nhiều có lợi cho tiêu hóa tốt, thải độc tố, và làm nhẹ bao tử.
Nếu chúng ta bị nhiễm độc, thân nhiệt tăng, có vi trùng trong cơ thể, cần phải uống nước nhiều ,nên chia nhiều lần trong ngày 20-30 lần, mỗi lần 50-100 cc, là cách an toàn nhất để mau khỏi bệnh mà không làm xáo trộn thần kinh phát sinh biến chứng thành bệnh khác.
Đỗ Đức Ngọc
Nguồn: Vietbao.com