Những người phụ nữ dành nhiều thời gian rảnh rỗi cho việc ngồi có thể tăng khả năng bị ung thư khoảng 10%, nhưng điều này không xảy ra ở nam giới. Trong nhiều năm qua, ít vận động cơ thể đã được công nhận là có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu mới tập trung vào việc ngồi nhiều sẽ đặt ra những mối đe dọa nào.
Các nhà nghiên cứu của Hội Ung thư Mỹ đã tiến hành nghiên cứu 146.000 người, bao gồm 69.260 đàn ông và 77.462 phụ nữ từ năm 1992 đến năm 2009. Trong khoảng thời gian này 18.555 đàn ông và 12.236 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự liên quan giữa việc ngồi để giải trí với nguy cơ tăng 10% khả năng mắc bệnh ung thư. Các tác giả kết luận: “Thời gian ngồi để nghỉ ngơi dài hơn có mối liên hệ với nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn trong tổng số những người có khả năng bị ung thư ở phụ nữ và đặc biệt tập trung ở bệnh ung thư tủy xương, ung thư vú và ung thư buồng trứng. Nhưng thời gian ngồi không liên quan với nguy cơ ung thư ở nam giới”.
Các nhà khoa học cũng cho biết thêm là sẽ cần phải nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ sự khác biệt này trong mối liên quan giữa người đàn ông và phụ nữ. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyên mọi người nên giảm thời gian ngồi khi có thể.
Một nghiên cứu trước đây của Đại học Regensburg, Đức, đã tìm thấy việc ngồi nhiều có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột và ung thư phổi. Các nhà khoa học thấy rằng, mỗi ngày tăng 2 giờ đồng hồ trong khoảng thời gian ít vận động sẽ làm gia tăng 8% khả năng nguy cơ bị ung thư ruột kết và gia tăng 10% nguy cơ ung thư nội mạc tử cung (dạ con). Tuy nhiên, nghiên cứu này và 43 nghiên cứu khác trước đó đã không tìm thấy được một sự liên quan giữa việc ngồi nhiều và nguy cơ cao bị ung thư vú và buồng trứng .
Daniela Schmid và Tiến sĩ Michael Leitzmann, hai tác giả nghiên cứu ở Đức cho biết khả năng gia tăng các bệnh ung thư trong việc ngồi nhiều thường được gắn liền với hoạt động xem TV, kèm theo đồ ăn vặt và uống đồ uống chứa đường trong nghiên cứu của họ. Các khả năng khác bao gồm có ít vitamin D được sản xuất trong cơ thể, do chúng ta ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Trong tháng 2 vừa qua, giám đốc điều hành của Apple Tim Cook tuyên bố rằng “ngồi là loại ung thư mới”. Đồng hồ thông minh của vị giám đốc này cũng đã thiết lập chế độ để nhắc nhở việc phải thức dậy và di chuyển mười phút mỗi giờ.
Năm ngoái, nhà nghiên cứu Tiến sĩ Emma Wilmot và đồng nghiệp của cô tại Đại học Leicester đã phân tích 18 nghiên cứu kết hợp với tổng cộng 800.000 người.
Nhóm nghiên cứu thấy rằng những người ngồi lâu nhất mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim gấp hai lần so với những người ngồi ít nhất. Nhóm nghiên cứu cũng báo cáo rằng việc ngồi nhiều trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, đặc biệt ở phụ nữ. Ngoài ra, chứng đau cơ, khớp và đau lưng ngày càng trở nên phổ biến trong tầng lớp trung lưu thành đạt, những người dành phần lớn cuộc sống của họ để ngồi làm việc.
Tiến sĩ Wilmot nói: “Khi chúng ta ngồi trong thời gian dài, sự thay đổi enzyme xảy ra trong cơ bắp của chúng ta có thể dẫn đến việc tăng nồng độ đường trong máu. Và tập thể dục thường xuyên sẽ không hoàn toàn bảo vệ được bạn”.