Chiều cao cơ thể là biểu hiện tầm vóc của cơ thể, phản ảnh sức lớn lên của một lứa tuổi. Còn cân nặng thì thể hiện mức hấp thu, chuyển hóa vật chất liên quan đến trạng thái dinh dưỡng và tiêu hao nănglượng của cơ thể. Mức cân nặng cơ thể được chia thành 2 phần: Phần ổn định và phần không ổn định.
Phần ổn định chiếm 1/3 tổng số cân nặng gồm có: Xương, các phủ tạng và mạch máu thần kinh. Còn phần không ổn định chiếm 2/3 tổng số cân nặng, trong đó trọng lượng cơ chiếm 3/4 và 1/4 là khối mỡ và nước ở các gian bào. Trên cơ sở này ta thấy rõ: Sự lo lắng tăng cân, to béo là do phần nặng không ổn định của cơ thể (to cơ, nhiều mỡ và nhiều nước) do tình trạng dinh dưỡng không phù hợp với tiêu hao năng lượng, ít hoạt động, ít lao động hay nói mộc mạc đơn giản là "ăn nhiều làm ít". Mọi người có thể tự kiểm nghiệm về mức cân nặng của mình có phù hợp với tầm vóc và sức khỏe không như sau:
Cách 1: Theo Tổ chức y tế thế giới chỉ số khối lượng cơ thể BMI (Body Mass Index) = cân nặng (kg)/chiều cao2 (m). Khi tính toán nếu thấy mình ở mức từ 18,5 đến 24,9 là vừa không béo không gầy có tầm vóc đẹp. Còn từ 25,0 đến 29,99 là thừa cân độ 1, từ 30,0 đến 39,99 là thừa cân độ 2 và trên 40 là thừa cân độ 3. Nếu chỉ số này thấp từ 17,0 đến 18,49 là gầy nhẹ độ 1, từ 16,0 đến 16,99 gầy vừa độ 2 và dưới 16 là quá gầy độ 3. Đây là một chỉ số chính xác, thường được thực hiện trong nghiên cứu khoa học.
Cách 2: Cân nặng cơ thể nên có của mỗi người chính là lấy hai số lẻ của chiều cao cơ thể, sau số thập phân tính bằng (m), hay lấy số đo chiều cao tính bằng (cm), 100. Ví dụ: Một người có số đo chiều cao là: 1,55 (m) thì cân nặng nên có là: 55(kg) hoặc 155(cm) - 100 = 55(kg). Từ đó, nếu thấp hơn hoặc cao hơn đều không có lợi cho sức khỏe, bệnh tật. Đó cũng chính là "ngưỡng" sinh lý về mức cân nặng nên có của cơ thể. Nếu vượt quá "ngưỡng" sinh lý là không tốt do ăn nhiều quá mà ít lao động, ít vận động làm cho thừa năng lượng gây tích mỡ, tích nước trong cơ thể dẫn đến nguy cơ mắc các chứng bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái đường và đau khớp ... Song nếu dưới "ngưỡng" một cách quá mức như gầy quá cũng không tốt, như một số người sợ béo, nhịn ăn quá mức, uống thuốc giảm béo vô căn cứ sẽ gây thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phục hồi sức khỏe trong lao động, hoạt động hàng ngày của cơ thể, có thể gây nên sự mệt mỏi thần kinh, buồn ngủ và làm cho trạng thái con người "ẻo lả", "oải oải", ít nhanh nhạy ...
Lê Khắc Đức