Năm nay tôi 19 tuổi nhưng sao tôi bị đau lưng rất là nhiều .xin cho hỏi như vậy tôi có bi gì không?

Đỗ Thị Trinh
Đỗ Thị Trinh
Trả lời 13 năm trước

Đau lưng mỏi gối thường xảy ra ở người già khi bị loãng xương, thoái hóa khớp, nhưng theo ghi nhận tại các bệnh viện, người trẻ đau lưng cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, vì “cậy sức trẻ” nên nhiều người lờ đi. Sự chủ quan đó về lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm và khó điều trị.

Vượt qua nhờ sức trẻ

Khi gắng sức khuân cái vali to kềnh lên cầu thang, bạn đột nhiên thấy đau nhói ngang thắt lưng, hoặc lúc cố đẩy chiếc xe máy lên thềm nhà, bả vai của bạn đột ngột cứng cơ và đau khi cử động. Thường người trẻ bị đau trong một thời gian ngắn.

Đang ngồi ở chiếc ghế bành xem ti vi, bạn đột ngột đứng lên để với tay lấy cái điều khiển trên đầu tủ, nhưng khi ngồi trở lại thì lưng ê ẩm. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi và bạn tiếp tục… xem ti vi.

Bạn là công nhân xây dựng, mỗi ngày đều phải khiêng, vác những vật liệu nặng. Tối về, ăn chưa xong bữa thì cái lưng của bạn đã “đòi” đi nằm vì quá mỏi và đau khi cử động. Nhưng chỉ cần yên vị trên giường thì bạn đã có thể đánh ngay một giấc đến sáng và lại bắt đầu một ngày với công việc quen thuộc.

Bạn là một nhân viên văn phòng, mỗi ngày đều phải ngồi liên tục nhiều giờ trong cùng một tư thế. Cứ đến giữa giờ làm việc là bạn cảm thấy đau và mỏi ở vùng cột sống cổ, thắt lưng và bả vai. Nhưng cảm giác này cũng sẽ nhanh chóng trôi qua do “sức trẻ”.

Bạn dễ dàng chịu đựng những cơn đau nhất thời và lờ nó đi, nhưng đến một ngày, bạn nhận ra chứng đau lưng của mình càng lúc càng trầm trọng và dai dẳng, nó chi phối mọi hoạt động và toàn bộ cuộc sống của bạn.

ThS-BS Hồ Thị Đoan Trinh - Trưởng khoa Điều trị Đau Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết: nếu loại trừ những bệnh lý gây tổn thương thực thể thì triệu chứng đau cấp tính thường gặp nhất là do ngồi, nằm, đi đứng sai tư thế hoặc chuyển tư thế không đúng cách. Những động tác này lặp đi lặp lại nhiều lần làm biến dạng vùng cột sống, lâu ngày sẽ gây chèn ép rễ dây thần kinh.

Hậu quả của sự chủ quan

Khối cơ lưng và dây chằng luôn đòi hỏi phải vận động để phòng ngừa sự ứ đọng chất trung gian hóa học trong cơ. Ít vận động hoặc vận động không điều độ, cố gắng quá sức và vội vàng thì cơ thể sẽ phản ứng.

Vận động quá mạnh sẽ tác động làm giãn cơ và dây chằng cột sống. Một số động tác không đúng lặp đi lặp lại nhiều lần gây tổn thương đến một vài vị trí đốt sống cố định còn là một trong những yếu tố nguy cơ thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đốt sống. Thoái hóa đốt sống là một trạng thái tự nhiên trong quá trình lão hóa của cơ thể nhưng thực tế, nhiều người bị thoái hóa cột sống khi tuổi còn rất trẻ.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp đau lưng do chế độ ăn uống không phù hợp. Ăn quá no, thức ăn tồn tại ở dạ dày lâu, nếu không vận động sẽ gây chướng bụng, đầy hơi, dẫn đến kéo căng cột sống và căng cơ vùng thắt lưng. Một số bệnh dạ dày như viêm loét vùng tá tràng cũng có thể gây chèn ép dây cột sống thắt lưng.

Khi lưng bạn đã báo hiệu bằng triệu chứng đau thì hãy “lắng nghe” nó để tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời trước khi nó chuyển thành các bệnh lý mãn tính như đau thần kinh tọa, vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt cột sống… Những bệnh lý này sẽ rất khó điều trị để trả lại trạng thái ban đầu. Trong những trường hợp đau đột ngột, đau dữ dội, đau kéo dài, đau kèm theo các triệu chứng như tê, sưng, phù… hoặc khi cơ thể không đáp ứng được với những loại thuốc giảm đau thông thường thì cần nhanh chóng đến bác sĩ để được trị liệu.

Các triệu chứng đau lưng không chỉ làm giảm năng suất làm việc mà còn ảnh hưởng đến nhận thức, tâm sinh lý, lâu ngày sẽ làm thay đổi hành vi và rối loạn tâm lý.

pq
pq
Trả lời 13 năm trước

Lý giải cho việc tỉ lệ người bị đau lưng ngày càng tăng và càng trẻ hóa, một giả thuyết cho rằng tỉ lệ trầm cảm, béo phì và căng thẳng hiện nay cao hơn so với trong quá khứ.

Nói đến đau lưng người ta nghĩ ngay tới tuổi già hay bệnh của tuổi già. Nhưng thực tế, đau lưng là một tình trạng sức khỏe phổ biến, có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào. Hầu hết các trường hợp đau lưng có liên quan đến đau và cứng khớp ở lưng dưới

Có 2 kiểu đau lưng chính:

- Đau lưng cụ thể: tức là đau ở phía lưng dưới và có thể gây nguy hiểm cho cột sống:
- Đau lưng không cụ thể: đó là những chỗ đau do bong gân, căng thẳng cơ bắp, thương tích nhỏ, dây thần kinh bị chèn ép hay bị kích thích gây ra… Nhưng cơn đau này thường không nguy hiểm lắm và không liên quan đến vấn đề gì trầm trọng.

Đau lưng cũng có thể được phân loại theo thời gian của các triệu chứng cuối cùng. Ví dụ:
- Đau lưng cấp tính – đau không kéo dài hơn sáu tuần
- Đau lưng mãn tính – cơn đau kéo dài hơn sáu tuần

Nguyên nhân chứng đau lưng

- Đau thần kinh tọa- gây ra bởi một dây thần kinh ở phía sau (các dây thần kinh hông) đang bị kích thích hoặc đè nén.

- Thoát vị đĩa đệm cột sống- một trong các đĩa đệm của cột sống bị chệch nhau và chất nhày bên trong các đĩa đệm này rò rỉ ra ngoài, có thể chèn vào các ống sống hay các dây thần kinh sống.

- Cột sống dính khớp- các khớp ở chân cột sống bị viêm

Đau lưng là một tình trạng rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến người lớn ở mọi lứa tuổi. Người ta ước tính rằng một trong năm, chúng ta có thể sẽ phải đi khám bệnh đau lưng tại bất kì thời điểm nào. 80% những người trưởng thành đã từng trải qua ít nhất một lần đau lưng ở bất kì thời điểm nào trong cuộc sống của mình.

Đau lưng mãn tính không phổ biến bằng đau lưng cấp tính, nhưng nó cũng không phải là hiếm. Ở Anh, đau lưng mãn tính là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra chứng bị tật lâu dài hoặc vĩnh viễn (sau khi viêm khớp).

Lý giải cho việc tỉ lệ người bị đau lưng ngày càng tăng và càng trẻ hóa, một giả thuyết cho rằng tỉ lệ trầm cảm, béo phì và căng thẳng hiện nay cao hơn so với trong quá khứ, nhất là với những người trẻ làm công việc căng thẳng. Tất cả các điều kiện này lại là những yếu tố nguy cơ gây đau lưng mãn tính. Một giả thuyết khác lại cho là trước đây số người bị đau lưng cũng nhiều nhưng khác bây giờ ở chỗ họ không đi khám bác sĩ, còn ngày nay người ta quan tâm đến sức khỏe hơn nên đi khám nhiều hơn, con số thống kê cũng từ đó mà tăng lên.

Một số thế gây ra chứng đau thắt lưng

- Nằm ngủ trên giường nệm trũng: Nên nằm thẳng lưng hay nằm nghiêng trên một tấm nệm dày thẳng, không trũng. Nên nằm ngửa khi ngủ, nên đặt thêm gối dưới đầu gối. Nếu nằm nghiêng, hãy gập nhẹ đầu gối để giảm áp lực lên thắt lưng (nên ôm gối dài nằm nghiêng)

- Đừng cúi lưng trong thời gian dài: Nếu phải đứng lâu, hãy đặt 1 chân lên ghế đẩu để giảm áp lực lên cột sống hoặc gập nhẹ đầu gối. Nếu vừa đứng nghe điện thoại vừa phải ghi chép, đừng cúi lưng xuống mà hãy kê cao giấy bút lên..

- Ngồi thẳng tay: Tư thế này khiến cột sống không thẳng và tăng trọng lượng cho vùng thắt lưng. Nếu ngồi trên ghế không dựa, như ngồi xa tay lái khi lái xe, cột sống càng khó giữ thẳng hơn. Tư thế đúng là ngồi ghế dựa, có một cái gối nhỏ để ở phần lưng.

- Cúi với chân thẳng và lưng cong: Tư thế này làm mất đi độ cong tự nhiên của cột sống và làm vùng thắt lưng phải chịu thêm gánh nặng. Tai hại nhất là nâng vật nặng trong tư thế này. Cách tốt nhất là gập khớp gối và khớp háng, để chân làm điểm tựa, giữ vật gần với người để hạn chế thấp nhất trọng lượng của nó.

- Xoay người sai tư thế: Đây là động tác thường gặp trong môn quần vợt. Hãy xoay các ngón chân chứ không phải xoay lưng. Quay bàn chân theo hướng đang xoay và bước quanh theo hướng xoay.