Cách pha nước chấm ngon

: Miền Bắc thì mình không biết thế nào nhưng trong Miền Nam thì thường ăn món này với tương...


PHA NƯỚC CHẤM



Với người mới tập nấu ăn, để khẩu vị quen dần với những món ăn, nước chấm… có dùng nhiều loại gia vị khác nhau, khi nêm nếm, nên cho từng loại gia vị vào một, nếm lại rồi mới cho loại gia vị khác vào.

1. Nước mắm gừng ăn thịt vịt:

- Tùy chất lượng nước mắm đang có để gia giảm chút ít. Thường là non một phần nước mắm + 1 phần đường. Thí dụ: 4,5 muỗng súp nước mắm + 5 muỗng súp đường + 1 muỗng súp gừng non gọt vỏ băm nhuyễn. Khuấy cho tan đường, tùy khẩu vị mỗi người pha thêm chút ít chừng 1 –2 muỗng súp nước lọc cho hỗn hợp hơi loãng ra rồi thêm ít chanh vắt vào từ từ cho hỗn hợp có vị chua nhẹ, thêm 1 - 2 muỗng cà phê tỏi băm mịn nhuyễn cho có thêm mùi tỏi. Dọn mỗi người 1 chén nước chấm với phần tỏi tươi cắt lát hoặc băm nhuyễn để người ăn cho vào tùy thích. Cẩm Tuyết hay dùng cách pha nước mắm gừng rất đậm đặc này để ăn thịt vịt, lượng gừng tùy thích gia giảm theo độ cay chịu được nhưng phải có một lượng tối thiểu nào đó để lẫn trong mùi nuớc mắm phải có mùi gừng thật đậm.

2. Nước mắm bánh cuốn, cơm tấm, bún thịt nướng, chả giò…:

1 phần nước mắm + 3 hoặc 4 phần nước lọc + gia giảm ¼ phần đường. Cho tỏi với ớt như cách 1. Nếu thích cho thêm đồ chua như cà rốt, củ cải trắng, đu đủ xanh… cắt miếng hay bào sợi ngâm trong hỗn hợp giấm đường pha vừa chua ngọt, thì sau khi pha nước mắm xong mới cho vào một lượng đồ chua nhất định, nếm lại rồi mới quyết định thêm chanh hay không. Nước mắm pha cách này còn có thể cho chanh vào bằng một cách làm khá công phu, cho chén nước mắm có hình thức rất đẹp mắt là lột vỏ trái chanh, tách ra rừng tép, lột bỏ vỏ lụa từng tép, dùng ngón tay trỏ và giữa vo nhẹ từng miếng nhỏ của tép chanh cho mô sợi rời hẳn ra; sau khi pha nước mắm với nước lọc, đường, tỏi ớt… tùy thích thả ít nhiều chanh những sợi tép chanh vào, những mô sợi này sẽ nổi trên mặt nước mắm. Cách này làm tốn công nhưng cho vị nước mắm rất hay ở chổ là khi ăn tùy thích gạt ra hay múc thêm phần chanh tép này vào món ăn để thơm bớt vị chua

3. Nước mắm bánh bột lọc:

Dùng nước mắm nguyên chất hoàn toàn, dùng muỗng dầm nát ớt trong nước mắm + ít chanh vắt. Đó là cách ăn thuần tuý, nếu thấy vị nước mắm gắt quá, tùy thích thêm chút nước lọc và đường.

4. Nước mắm bánh bèo Huế:

Dùng nước vỏ tôm để chế biến. Phân lượng thí dụ: Lột vỏ 200gr tôm đất (phần nạc tôm dùng để làm tôm chấy). Lấy vỏ, thêm khoảng 2 chén nước, nấu sôi nhỏ lửa trong khoảng 5 -7 phút. Lược bỏ vỏ tôm qua rây, để yên nước luộc vỏ tôm cho lắng trong, gạn lấy phần nước trong. Cho vào 1 hoặc 1,5 muỗng súp nước mắm ngon, để yên cho lắng trong lần nữa, gạn lấy phần nước trong lần 2, nếm có mùi tôm và nước mắm rất nhẹ rồi mới thêm khoảng 1/3 muỗng cà phê muối cho đậm đà, sau cùng mới cho ít đường từ từ để có thêm vị ngọt nhẹ sau cùng mới cho rất ít chanh vắt và nước tỏi, phần ới tươi cắt hoặc xé nhỏ riêng.

5. Với những người không chịu được mùi nước mắm:

(Thí dụ như khách nước ngoài muốn nếm đồ ăn VN mà ngại nước mắm). Thì thay thế nước mắm bằng nước lọc + muối pha loãng + nước màu (loại nước màu kho cá) cho hỗn hợp có màu nâu đỏ đẹp và cũng mặn mà như ai. Còn các gia vị khác sử dụng như đã hướng dẫn ở trên. Có thể thay thế nước lọc bằng nước dừa tươi trong mọi loại nước mắm nhưng phải lưu ý vị chua ngọt có sẵn của nước dừa để gia giảm đường muối.

6. Nước chấm bò bía:

Làm bằng hai loại tương ngọt đen và tương đỏ; hai loại tương này đều có đóng chai bán sẵn. Pha với công thức tương đối : 1 phần tương ngọt + ½ tương ớt , trộn đều nếm lại để xem vị tương mặn ngọt thế nào, nếu thích mặn thêm muối vào từng ít một cho đến khi vừa ý rồi rắc thêm ít đậu phụng rang đãi vỏ, giã dập lên mặt chén tương.

(sưu tầm)

Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 14 năm trước

Nước chấm chỉ là phụ họa cho món ăn thêm hấp dẫn, nhưng cũng ko kém phần long trọng đâu nhé.

Làm nước chấm ốc mà quên cho mấy sợi lá chanh thái chỉ thì đúng là mất ngon.

Nói thì dễ, để pha được 1 bát nước chấm ngon lại ko dễ chút nào,

pha được 1 bát nước chấm ngon cũng là cả 1 nghệ thuật đấy

Bài viết rất hay, rất có ích, mình lại bỏ túi thêm được vài bí quyết nho nhỏ rùi

Tran Van Trung
Tran Van Trung
Trả lời 13 năm trước

Cách pha nước mắm dùng trong những bữa cơm hàng ngày

Với mỗi loại thực phẩm ta sẽ dùng một loại nước chấm khác nhau nhưng có lẽ các gia đình Việt chúng ta cần dùng nhất là nước chấm để chấm rau và nước chấm nem. Với cả 2 loại nước chấm này đều có những bước làm tương tự nhau.

Đầu tiên bạn cần có: + Nước mắm ngon + Tỏi tươi + Mỳ chính + Đường + Dấm + Chanh + Nước lọc.

Cách pha chế: (cho 4 người ăn). Đầu tiên bạn bóc sạch vỏ tỏi rồi băm nhỏ bỏ vào bát rồi cho đường và mỳ chính (nếu bạn là người miền Bắc không quen với việc ăn ngọt nhiều thì chỉ nên cho một thìa cafe đường và mỳ chính thôi).

Tiếp nữa là cho khoảng 2 thìa dấm ăn và nửa quả chanh vào sau đó bạn cho khoảng 3 thìa súp nước lọc vào và dùng thìa trộn đều hỗn hợp này lên. Cuối cùng là bạn cho nước mắm vào (sẽ là một thìa súp nước mắm nếu chấm nem và 2 thìa nếu dùng chấm rau luộc) và khuấy nhẹ lên là ta đã có bát mắm hoàn thiện rồi.

Chú ý:

-Nếu bạn cho nước mắm vào trước rồi mới bắt đầu cho những nguyên liệu khác của bát nước chấm thì tỏi trong bát nước chấm sẽ không nổi được lên và nhìn sẽ mất đẹp đấy.

- Trong bữa cơm Việt để chấm cá chúng ta hay dùng tương bần có cho thêm ít gừng nhưng nếu bạn là người không ưa dùng tương thì có thể pha một bát mắm như cách pha trên và cho thêm ít gừng giã nhỏ để chấm thì cũng khá thơm ngon.

- Nếu cần pha nước mắm cho nhiều người dùng hơn bạn có thể gia giảm các nguyên liệu cho phù hợp nhưng luôn nhớ giữ tỉ lệ nước và mắm là 3-1 nhé. Chúc bạn thành công.

Do Hoang Ha
Do Hoang Ha
Trả lời 13 năm trước

Muốn nước chấm ngon, nguyên liệu phải tốt

Với mỗi món ăn khác nhau có dùng nước chấm thì cách làm hoàn toàn khác nhau và bí quyết cũng chẳng giống nhau. Có vô vàn kiểu nước chấm, có nước chấm nguyên liệu chính là mắm, hoặc nước tương, hoặc nước sốt...

Đa phần các món ăn ở Việt Nam nước chấm dùng nước mắm là chủ yếu. Vậy theo tôi, bí quyết để có nước chấm ngon thì điều kiện đầu tiên là nguyên liệu chính phải ngon, ví dụ như nước mắm. Kế đến, tỷ lệ pha chế các nguyên liệu là vô cùng quan trọng, nó sẽ quyết định ngon hay dở.

Cách pha của tôi là pha độ ngọt trước, kế đến là độ chua (nếu có), sau cùng là độ mặn. Cách làm như vậy sẽ dễ dàng kiểm soát độ vừa của nước chấm. Nếu bạn cho tất cả các thành phần vào cùng một lúc, quậy lên và nếm thử thì rất khó kiểm soát. Điều đặc biệt là không nên cho bột ngọt vào nước chấm, hoặc các gia vị có tính chất khử mùi nhau.

Có những gia vị cần phải qua sơ chế trước khi dùng để khử vị chát, đắng chẳng hạn như gừng. Tóm lại khó mà đưa ra được một bí quyết chung để quyết định các món chấm có thể ngon và bắt mắt lắm. Bạn có thể tham khảo thêm sách dạy cách pha các món chấm. Chúc thành công.

Tran Quynh Nhung
Tran Quynh Nhung
Trả lời 13 năm trước

Cách pha nước mắm của má tôi

Má tôi dù đã đi xa gần 20 năm, nhưng cách pha nước mắm để ăn cơm vẫn được mọi người nhắc đến mãi. Cách pha như sau: (Má tôi không dùng nước, chỉ dùng nguyên liệu nguyên chất, như vậy khi ăn cơm sẽ rất ngon và đậm đà): một trái ớt (to khoảng một ngón tay), 3 - 4 tép tỏi, 2 - 3 muỗng cà phê đường.

Tất cả giã nhuyễn đến khi thấy chúng quyện với nhau thành một hỗn hợp dẻo là được, sau đó vắt nửa trái chanh vào, dùng chày quậy đều hỗn hợp ớt, tỏi, chanh, đường lại với nhau, sau đó cho nước mắm vào đến khi nào nếm thấy được. Thường với lượng như vậy sẽ làm được khoảng hơn nửa chén nước mắm chấm. Rất ngon. Chúc bạn thành công.