"Cuộc sống ồn ã, bận rộn hằng ngày trôi đi khiến ta không kịp nhìn lại hay để ý đến những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta. Đó là những số phận, những hoàn cảnh cùng một kiếp người nhưng họ lại đáng thương và xứng đáng để chúng ta học hỏi.
“Mỗi ngày một vạn bước”, thoạt đầu tôi cứ ngỡ đó là một quyển tiểu thuyết giống như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne. Song, khi đọc tác phẩm mới biết đó là tập phóng sự viết về người thật việc thật. Họ thuộc mọi lứa tuổi và thuộc mọi tầng lớp xã hội với bao chuyện vui buồn, sướng khổ. Đọc những trang viết về họ tôi bỗng thấy hệt như cổ tích - cổ tích thời nay; và hơn nữa, với số phận của họ, thì tôi là một người may mắn.
Đó là những người khiếm thị, dị tật chân tay… Tuy không bình thường về hình thể nhưng họ phi thường về nghị lực, có một tài năng tuyệt vời. Họ có thể vẽ, có thể viết có thể học tập xuất sắc và mưu sinh trên đường đời bằng sự kiên trì và bền chí, và đặc biệt nhất là họ quyết tâm làm chủ được chiếc máy vi tính, biến nó thành công cụ. Thậm chí còn viết được chương trình phần mềm hỗ trợ cho người mù tiếp cận với công nghệ thông tin. Có lẽ đó là luật bù trừ mà tạo hóa đã ban tặng cho họ. Những Nguyễn Xuân Giới (TP.HCM), Thanh Tuyền (Vĩnh Long), Nguyễn Minh Phú (Hà Tĩnh), Phạm Quốc Hương (Phú Thọ), Nay Đroeng (Gia Rai)… Rồi cũng có những người bị nhiễm HIV, sống bên lề cuộc sống, xã hội xa lánh nhưng họ quyết sống một cuộc sống có ý nghĩa. Đó là những học sinh nghèo hiếu học. Một lúc họ đậu 2 trường đại học, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn phải tạm gác việc học…
Tôi rất cảm phục và trân trong những tấm gương phấn đấu này. Đó chính là tấm gương cho các thế hệ noi theo. Không giống như “Nhị thập tứ hiếu” của Trung Quốc, nhưng là hình ảnh khích lệ, động viên mà chúng ta cần học tập và chia sẻ…"