"E-3 được thừa hưởng tất cả những tính năng cao cấp nhất của các dòng máy ảnh số ống kính rời Olympus ra trước đó, như ngắm ảnh sống, ổn định ảnh, lấy nét tại 11 điểm và đặc biệt là có tốc độ lấy nét tự động nhanh, không đối thủ nào bì kịp.
Sau khi tung ra E-1 vào năm 2003, Olympus đã tập trung chủ yếu vào phát triển những dòng D-SLR tầm thấp và tầm trung. Tuy vậy, cũng đã không ít lần, hãng này từng úp mở về một model bán chuyên mới thay thế cho E-1, khiến giới nhiếp ảnh thế giới đã phải chờ đợi, đồn thổi và bàn tán về mẫu máy này trong suốt vài năm nay. Phải đến giữa tháng 10 vừa qua, thế hệ tiếp nối của E-1 mới chính thức được Olympus công bố, dưới cái tên E-3, hội tụ tất cả những tính năng cao cấp nhất của các dòng máy D-SLR mà hãng này từng sản xuất.
Với trọng lượng 810 gram, E-3 không chỉ trở thành mẫu máy nặng nhất của Olympus, mà nó còn đánh mất đi lợi thế trước các đối thủ cùng tầm vô cùng đáng gờm là Canon EOS 40D (740 gram) và Nikon D300 (825 gram). Trước đây, với trọng lượng chỉ dao động trong khoảng từ 435 gram (E-500) đến 660 gram (E-1), các đời D-SLR của Olympus luôn chiếm ưu thế tuyệt đối khi được đem ra so sánh với các đối thủ về khoản nhẹ.
Tuy nhiên, nếu xét về tính năng, E-3 vẫn đủ khiến cho các "fan" của Olympus cảm thấy mãn nguyện. Chính Olympus là hãng đã đi tiên phong trong việc tích hợp tính năng ngắm ảnh sống thông qua màn hình (Live View) cho các đời máy D-SLR, nên không có gì là ngạc nhiên khi thấy tính năng này vẫn được duy trì ở E-3. Mặc dù không lớn đến mức 3 inch như một số model hiện có trên thị trường, nhưng màn hình 2,5 inch của E-3 cũng đã giúp ích rất nhiều cho người dùng trong quá trình chụp.
Giống với một số mẫu máy ảnh phổ thông hiện nay, màn hình LCD của Olympus E-3 có thể lật ra và xoay về các hướng khác nhau. Chính sự linh hoạt đó, cùng với tính năng ngắm ảnh sống sẽ giúp cho người dùng E-3 thực hiện việc ngắm và chụp dễ dàng hơn so với ở những mẫu D-SLR khác. Ví dụ, với Olympus E-3, người dùng có thể giơ máy lên cao quá đầu mà vẫn có thể ngắm và chụp được những bức ảnh đẹp như thường. Điều này sẽ đặc biệt hữu ích trong những tình huống phải chụp một người nào đó đang bị đám đông vây quanh. Đồng thời, với khả năng xoay, lật của màn hình, người dùng E-3 cũng có thể tự chụp ảnh chân dung cho mình.
Bên cạnh tính năng ngắm ảnh sống qua màn hình LCD, Olympus cũng đã tập trung nâng cấp kính ngắm cho E-3. Giờ đây, khi nhìn qua kính ngắm, người chụp đã có thể thấy được toàn bộ 100% những gì sẽ xuất hiện trong bức ảnh sau khi in ra. Ngoài ra, một hệ số phóng đại 1,15 lần còn giúp mở rộng hơn nữa tầm nhìn của kính ngắm.
Nhiều người từng bán tín bán nghi khi nghe Olympus quảng cáo rằng E-3 là chiếc D-SLR có tốc độ lấy nét tự động nhanh nhất trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, Olympus quả là đã không nói quá. Tốc độ autofocus của E-3 đúng là rất nhanh. Điều này có được một phần cũng là bởi các loại ống kính tương thích với chiếc máy ảnh này được trang bị tính năng SWD (Supersonic Wave Drive). Nó giúp cho mô-tơ của ống kính có thể lấy nét gần như ngay lập tức.
Cũng giống như E-510, E-3 được trang bị cảm biến 10,1 Megapixel. Về khoản này, chiếc máy ảnh của Olympus được xếp ngang với Canon 40D, nhưng kém hơn Nikon 300D, khi chiếc máy ảnh bán chuyên mới nhất của Nikon có độ phân giải của cảm biến lên tới 12,1 Megapixel.
Olympus E-3 cũng được tích hợp hệ thống ổn định ảnh bên trong thân máy, hệ thống tự động lấy nét tại 11 điểm trong khung hình và hệ thống giảm bụi cho cảm biến, sử dụng công nghệ lọc bụi bằng sóng siêu âm SSWF (Supersonic Wave Filter). Chiếc máy ảnh Olympus này cũng sử dụng hệ thống định dạng ảnh theo tỷ lệ 4:3.
Sau khi được tung ra thị trường, Olympus E-3 được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, khi đối tượng khách hàng mà dòng máy này nhắm đến là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Olympus sẽ phải vượt qua những thử thách không nhỏ nếu muốn lôi kéo, thuyết phục những tay máy lâu năm chuyển sang sử dụng máy ảnh của mình. Sở dĩ nói đây là một thử thách bởi hầu hết những người chụp lâu năm đều đã trang bị cho mình một "bộ đồ nghề" khá đồ sộ, từ thân máy, ống kính cho tới các phụ kiện, và đa số đều là của một thương hiệu lâu đời nào đó, như Nikon hay Canon chẳng hạn. Số tiền mà mà những tay máy chuyên đã đầu tư chắc chắn là không nhỏ, nên việc thuyết phục họ chuyển sang sử dụng một chiếc máy mới là vô cùng khó khăn."