"Quyển này thì quá nổi tiếng rồi. Lần đầu tiên mình được biết đến cái thủ thuật cắt xác này là khi đọc Kindaichi lúc đọc đến đoạn suy luận mình đã phải nghĩ "Tại sao tác giả lại có thể nghĩ ra một thủ thuật tinh vi đến vậy?" hay "đây là thủ thuật hoàn hảo trong số các vụ án đã đọc". Tuy nhiên, sau này được biết kindaichi là mượn ý tưởng từ Tokyo hoàng đạo án vậy là mình quyết tâm phải đọc thử quyển này xem sao. Về vụ án thì khỏi nói vì mình đã biết hết hung thủ rồi còn lại chỉ là xem tác giả dẫn dắt câu chuyện như nào, nhân vật chính đặt ra giả thuyết ra làm sao. Và quả thật dù đã biết trước hung thủ nhưng quyển truyện vẫn tạo được sức hấp dẫn lôi kéo mình cho tới những trang cuối cùng dù văn phong của tác giả chẳng có gì đặc biệt. Không hề có hiện trường đẫm máu hay cảnh sát đi lại khoanh vùng nghi phạm những chương đầu của câu chuyện chỉ đơn giản là hai người bạn nói chuyện với nhau một người đọc thông tin về vụ án, một người suy luận. Tiếp đến những chương tiếp theo đôi bạn bắt đầu đi gặp người có liên quan đến vụ án và nêu ra giả thuyết, cuối cùng là suy luận phá án. Cả câu chuyện chỉ như một câu đố và độc giả phải tìm ra câu trả lời trước khi lật đến chương cuối cùng. Mình rất thích chi tiết nhân vật thám tử hẹn hung thủ ra quán nước nói chuyện mà không giải thích một điều gì cho độc giả. Cảm giác như vụ án đã đi đến kết thúc biết được mặt mũi hung thủ rồi nhưng lại chẳng biết được gì, hung thủ vẫn ở đó như đang thách thức người đọc phải động não suy nghĩ. Nhiều người nói cách thức này phụ thuộc vào yếu tố may mắn vì ở 50 năm trước khoa học chưa phát triển tuy nhiên không phải trong "chuyện trên chuyến tàu tốc hành phương Đông" nổi tiếng tác giả cũng đã cô lập vụ án trên một chuyến tàu để không thể xác minh được lời khai của các nghi phạm hay sao? Tóm lại, đây là một cuốn truyện hay, ai thích truyện trinh thám thì đọc một lần cho khỏi tiếc."