"[justify]
[blue][b]Chiếc máy ảnh Lumix đời cao của Panasonic sở hữu cảm biến 12 Megapixel, thiết kế và tính năng khá tiện dụng nhưng tốc độ chụp của máy không cao, đồng thời chất lượng ảnh có thể làm thất vọng không ít người.[/b][/blue]
Những chiếc máy ảnh siêu mỏng như Casio Exilim EX-Z75 hay Sony Cyber-shot DSC-T20 thường dễ chiếm được cảm tình của khách hàng bởi ngoại hình bắt mắt. Nhưng với một số người không đặt nặng vấn đề thời trang cho lắm, thì chính hình dáng mỏng manh đôi khi lại gây ra phiền toái, bất tiện trong khi sử dụng. Họ thích một chiếc máy có thân hình đậm đà hơn để cầm cho được chắc chắn. Với những khách hàng này thì có lẽ, Panasonic Lumix DMC-FX100 sẽ là một lựa chọn hợp lý.
[b]Thiết kế [/b]
Lumix DMC-FX100 chính là đại diện đầu tiên của Panasonic góp mặt vào danh sách những chiếc máy ảnh số 12 chấm của năm nay, cùng với Sony Cyber-shot DSC-W200 và Casio Exilim EX-Z1200. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chiếc máy Panasonic này là ống kính của nó có khả năng chụp góc rộng hơn, 28 mm so với ống kính tương ứng của 2 chiếc máy kia là 36 và 37 mm. Mặc dù zoom tầm xa 3,6x không ấn tượng lắm, nhưng với khả năng chụp góc rộng như vậy, chiếc Lumix DMC-FX100 này sẽ trở nên vô cùng hữu ích khi phải chụp những bức ảnh tập thể đông người trong một không gian chật hẹp.
Panasonic là hãng không thích thay đổi thiết kế cho những dòng máy ảnh của mình nếu như thiết kế cũ không cho thấy sự bất tiện hoặc không bị khách hàng chê trách. Chiếc FX100 này chính là minh chứng cho quan điểm đó. Nếu so về thiết kế, nó gần như giống hoàn toàn với những chiếc máy dòng FX khác của hãng. Khi bật máy lên, chiếc ống kính có zoom quang 3,6x, dải tiêu cự 28 – 100 mm, khẩu độ f2,8 - f5,6 sẽ ngay lập tức trồi ra. Đặc biệt, người dùng FX100 có thể tự thao tác để đậy nắp bảo vệ ống kính bằng cách dùng ngón tay trỏ gạt vào một nút nhỏ ở bề mặt trước của máy.
Chiếc bánh xe xoay tròn để chọn các chế độ chụp được đặt ở mặt sau, góc phía trên bên phải, rất thuận tiện khi sử dụng. Bên phải màn hình LCD 2,5 inch, độ phân giải 207.000 điểm ảnh, có 5 phím bấm dùng để điều chỉnh menu và quản lý nhanh các chức năng như bù phơi sáng (cộng hoặc trừ 2EV), hẹn giờ, flash và xem lại.
Phía dưới 5 nút bấm này là 2 phím tròn và nhỏ khác, dùng để quản lý các chế độ hiển thị của màn hình và những tính năng khác. Ở mặt trên của máy có nút trượt bật/tắt và nút chỉnh zoom. Bấm một lần vào nút E.Zoom này, máy sẽ chuyển tới chế độ zoom quang tối đa 3,6x. Bấm lần thứ hai, máy sẽ kích hoạt thêm zoom số để lên tới mức 7x. Sau đó, nếu bấm tiếp lần thứ ba, máy sẽ quay trở về chế độ chụp góc rộng. Dĩ nhiên, nếu đang ở chế độ zoom quang tối đa, thì lần bấm nút E.Zoom đầu tiên sẽ đưa máy đến chế độ zoom 7x rồi cứ tiếp tục theo chu kỳ như trên. Mặc dù vậy, người dùng vẫn nên cẩn thận với phím này bởi vì nhiều khi nó sẽ chuyển đến chế độ zoom số tối đa ngay cả khi bạn đã tắt zoom số ở menu.
[b]Tính năng[/b]
Giống như rất nhiều những chiếc máy ảnh thời trang bỏ túi khác, chiếc FX100 không có chế độ phơi sáng chỉnh tay dù cho có tới 20 chế độ cảnh mặc định để giúp người chụp có thể có được những bức ảnh đẹp trong những khung cảnh đặc biệt nhất. Ngoài ra, máy còn có hai tính năng có thể giảm nhoè cho hình ảnh.
Đầu tiên là hệ thống ổn định ảnh Mega OIS của Panasonic, giúp giảm thiểu tác động của việc rung tay lên chất lượng bức ảnh. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát độ nhạy sáng thông minh của máy được cung cấp dưới dạng một chế độ chụp riêng biệt có thể phân tích những chuyển động của vật thể rồi tự động tăng độ nhạy sáng lên một giới hạn mà người dùng đã lựa chọn trước để tránh cho bức ảnh không bị nhoè hình do vật thể chuyển động trong khi chụp.
Tính năng này đặc biệt có ích khi người sử dụng không muốn tự mình điều chỉnh độ nhạy sáng để tăng tốc độ trập cho máy. Không những thế, trong trường hợp vật thể không chuyển động, máy cũng sẽ tự động lựa chọn mức ISO thấp nhất có thể, để giảm lượng nhiễu cho ảnh.
Giống như các đời máy FX trước, người sử dụng có thể chọn các tỉ lệ khung hình 4:3, 3:2 hay 16:9 khi muốn xem ảnh trên màn hình TV hay khung ảnh số, thay vì in ảnh ra. Người dùng FX100 cũng có thể lựa chọn tỉ lệ 4:3 hay 16:9 khi quay video. Tuy nhiên, tốc độ quay của máy chỉ đạt 15 khung hình/giây khi quay những đoạn video có độ phân giải 1.280 x 720 pixel.
[b]Tốc độ hoạt động[/b]
Lumix DMC-FX100 có tốc độ đóng màn trập khá nhanh dẫu cho tốc độ chụp chỉ ở mức trung bình. Chiếc máy ảnh 12 chấm này phải mất tới 2,4 giây để khởi động và chụp được bức ảnh đầu tiên. Những bức ảnh tiếp theo có thời gian chờ giữa hai lần chụp lên tới 2,3 giây khi không bật flash. Nếu bật flash thì khoảng thời gian đó còn lâu hơn, 2,9 giây.
Tốc độ trập đo được trong điều kiện độ tương phản cao, nhiều ánh sáng của FX100 là 0,6 giây. Còn trong điều kiện ngược lại, khoảng thời gian đó là 1,1 giây. Ở mặc định độ phân giải ảnh là 12 Megapixel, chế độ chụp liên tiếp cho tốc độ trung bình là 1,3 khung hình/giây. Nhưng tốc độ đó sẽ tăng lên mức 4,4 khung hình/giây nếu đặt độ phân giải ảnh ở mức VGA.
[b]Chất lượng ảnh[/b]
Chất lượng ảnh chụp bởi FX100 nhìn chung là khá tốt, với những bức ảnh sắc nét, màu sắc chuẩn, nhiều chi tiết bóng, với độ phơi sáng và cân bằng trắng luôn đạt chuẩn. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của các máy ảnh Panasonic là lượng nhiễu nhiều vẫn không được cải thiện ở chiếc máy ảnh đời cao này. Ngay ở mức ISO thấp nhất là 80, nhiễu đã bắt đầu xuất hiện.
Trong những bức ảnh in ra, có vẻ như không nhìn thấy các chi tiết nhiễu. Nhưng thực tế khi xem trên màn hình máy tính, lượng nhiễu nhiều đáng kể. Với những vật thể có chữ, nhiễu khó phát hiện hơn nhưng ở những bề mặt phẳng màu tối, dường như lại thấy xuất hiện những chấm lốm đốm. Những biện pháp giảm nhiễu của Panasonic chỉ có thể kiểm soát nhiễu ở mức ISO dưới 200, với độ sắc nét cao và nhiều chi tiết bóng.
Ở ISO 400, nhiễu tăng lên đáng kể, màu sắc trở nên nhoè nhoẹt hơn, và lượng chi tiết bóng giảm đi nhiều. Tuy nhiên, những bức ảnh chụp được khi in ra vẫn đạt chất lượng tốt. Ở ISO 800, tình hình xấu tới mức trầm trọng, ảnh không còn nét và các chi tiết bóng bị làm nhòe đi. Vậy nhưng nếu in ảnh ở cỡ 10 x 15 cm thì những bức ảnh in ra cũng không đến nỗi nào.
Ở cả hai mức ISO 1.250 và ISO 1.600, nhiễu dày đặc và bức ảnh hoàn toàn mất đi độ sắc nét cũng như những chi tiết bóng. Do đó, người dùng máy FX100 được khuyến cáo nên chụp ở mức ISO dưới 800. Đồng thời, Panasonic cũng cần phải nỗ lực hơn trong việc làm giảm độ nhiễu cho các máy ảnh của mình.
Nhìn chung, với sự hữu ích của ống kính chụp góc rộng 28 mm, sự tiện dụng của chế độ chỉnh ISO thông minh và khả năng cân bằng trắng đầy ấn tượng, Lumix DMC-FX100 có thể coi là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai thích sở hữu một chiếc máy ảnh số 12 chấm. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải có độ phân giải cao như vậy nếu người dùng không thực sự có nhu cầu in những bức ảnh cỡ cực lớn.
Mặc dù sở hữu cảm biến ảnh có độ phân giải lên tới 12 Megapixel, nhưng Lumix DMC-FX100 có thể không được lòng nhiều người vì chất lượng ảnh chưa thực sự thuyết phục. Do vậy, một chiếc máy ảnh độ phân giải thấp hơn, nhưng có khả năng kiểm soát nhiễu tốt như Sony Cyber-shot DSC-T100 có thể là lựa chọn thay thế.[/justify]
[right](Theo Cnet)[/right]"