GPRS – một công nghệ không dây đã khá quen thuộc với người dùng trong nước vài năm trở lại đây đã có một đối thủ nặng kí mới – công nghệ 3G trong năm 2009. Hiện tại, thị trường di động và người dùng Việt Nam đang đứng trước giai đoạn chuyển đổi giữa hai thế hệ công nghệ này.
Nhiều người dùng trong số chúng ta vẫn băn khoăn liệu mình có cần tới 3G hay không? Liệu 3G có đắt tiền hoặc vượt trội thực sự so với GPRS/EDGE hiện tại hay không ? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số nét khác biệt chính giữa hai “chủng loại” mạng này.
Tốc độ:
Tiên phong mạng 3G của Việt Nam là Vinaphone cho biết tốc độ truy cập dữ liệu 3G hiện tại đạt tối đa 7.2 Mb/s (đối với những mẫu điện thoại 3G đời mới) hoặc 384Kb/s đối với những máy phổ thông giá rẻ. Vào đầu năm 2010, Vinaphone cũng dự kiến sẽ tăng tốc độ trần lên tới 14.4 Mb/s. Trong khi đó, với GPRS, người dùng sẽ chỉ đạt được mức trung bình khoảng 56Kb/s và 114Kb/s với EDGE.
Con số này đủ thấy “triển vọng” của 3G thực sự lớn hơn nhiều. Mức tốc độ của 3G khiến cho mọi dịch vụ được cung cấp trở nên “chất lượng” hơn nhiều so với GPRS trước đây. Hãy thử hình dung các bộ phim với độ phân giải cao hơn, hình ảnh sắc nét hơn, âm thanh chất lượng cao hơn… thật hấp dẫn phải không nào ?
Ứng dụng:
Việc mở rộng băng thông đem lại cho các thiết bị 3G nhiều ứng dụng mà người dùng GPRS trước đó không hề có. Tuy các nhà cung cấp dịch vụ thường mở rộng thành muôn hình vạn trạng nhưng cơ bản chúng chủ yếu thuộc một trong năm nhóm chính sau đây:
- Internet: Dĩ nhiên, đây là yếu tố hấp dẫn nhất của 3G, nó cho phép bạn biến chiếc điện thoại của mình thành một cổng truy cập Internet với tốc độ cao.
- TV di động: các hãng cung cấp dịch vụ 3G có thể đưa nhiều kênh TV thẳng vào điện thoại của người dùng thông qua mạng dữ liệu tốc độ cao. Nhờ thế bạn có thể xem TV ở mọi nơi mọi lúc mà không cần mất thời gian dò sóng hay bắt kênh như một số mẫu điện thoại có bộ thu TV tích hợp.
- Cung cấp phim theo yêu cầu: bạn có thể yêu cầu các bộ phim theo một danh sách có sẵn và nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi vào điện thoại cho bạn.
- Đàm thoại hình ảnh: đây là mô hình rất thông dụng và quen thuộc, nó cho phép bạn nói chuyện mặt đối mặt với người khác trên các mẫu điện thoại 3G có camera ở mặt trước máy.
- Các dịch vụ theo dõi cá nhân: Thông qua cơ sở hạ tầng tiên tiếng của 3G, các nhà cung cấp dịch vụ có thể theo dõi vị trí, thời tiết, trạng thái giao thông và thậm chí sức khỏe liên quan tới người dùng và cung cấp các dịch vụ có liên quan.
Mặc dù một số dịch vụ nhóm này có mặt ở GPRS nhưng chúng hết sức cơ bản và thiếu tiện nghi. Hiện tại, Vinaphone đang cung cấp dịch vụ Mobile Camera cho phép người dùng xem máy quay tại các điểm giao thông chốt trong thành phố, đây là một dạng đặc trưng của nhóm dịch vụ này.
Một số dịch vụ nêu ở trên được các nhà cung cấp 3G khuyến cáo là chỉ nên đăng kí khi người dùng sử dụng máy thường xuyên trong vùng phủ sóng 3G bởi với GPRS hoặc thậm chí EDGE thì tốc độ cũng quá chậm nên những trải nghiệm sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Thiết bị sử dụng:
Trong khi hầu hết các dòng điện thoại hiện tại đều có thể sử dụng tốt với GPRS / EDGE thì công nghệ 3G đòi hỏi các mẫu máy với chức năng 3G. Tuy các dòng máy này ở Việt Nam chưa có nhiều như nhiều quốc gia khác nhưng thực tế số lượng đang tăng lên nhanh chóng. Giá của chúng cũng rất linh hoạt từ những mẫu cao cấp như Sony Ericsson Xperia X2 với giá lên tới 15 triệu VNĐ cho tới nhưng loại giá rẻ như Nokia 2730 Classic chỉ 1,9 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều mẫu dòng phổ thông chỉ có thể sử dụng 3G ở tốc độ 384 Kb/s. Do đó người dùng cần xem xét kĩ chi tiết này để tránh trường hợp mua nhầm.
Mức độ phủ sóng:
Ở khía cạnh phủ sóng, mạng lưới 3G hiện còn yếu thế hơn so với GPRS/EDGE. Hiện tại, 3G mới chỉ có mặt ở các thành phố lớn là chủ yếu, hơn nữa cũng không phải toàn diện. Tuy nhiên, do hầu hết các dòng điện thoại 3G đều có thể sử dụng kết nối GPRS khi không hiện diện mạng 3G nên về cơ bản người dùng không phải lo lắng gì khi sử dụng công nghệ mới. Vấn đề duy nhất cần quan tâm đã được đề cập tới ở mục 2 của bài viết.
Giá cước:
Về cơ bản, giá củahai loại hình dịch vụ GPRS và 3G mới không khác biệt nhiều. Hiện tại, trung bình giá của 3G theo lưu lượng vào khoảng 50 đồng / KB còn của GPRS là 45,5 VNĐ / KB. Người dùng cũng có thể đăng kí trọn gói sử dụng 3G với mức cước 300.000 VNĐ / tháng (gói U30 của Vinaphone hoặc Surf30 tốc độ 7.2Mb/s của Mobifone).
Điều này cho thấy việc sử dụng kết nối dữ liệu 3G không gây tốn kém nhiều so với GPRS, tuy nhiên do băng thông lớn hơn, người dùng rất dễ vung tay quá trán. Với các gói dịch vụ không giới hạn cước phí hoặc dung lượng, con số trên hóa đơn có thể khiến bạn gặp rắc rối hơn nhiều. Hiển nhiên, tốc độ “chi tiêu” của kết nối 7.2 Mb/s rõ ràng kinh khủng hơn nhiều so với 144 Kb/s.
Rõ ràng 3G thực sự là một công nghệ mới rất hấp dẫn. Mặc dù nó đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới từ lâu nhưng đối với người dùng Việt Nam, điều này còn khá mới mẻ. Người dùng trong nước giờ đây có thể đàm thoại hình ảnh, tải dữ liệu tốc độ cao và thực hiện các tác vụ mà họ chưa từng nghĩ đến với GPRS trước đây – tất cả đều qua chiếc điện thoại 3G.