Dù là một netbook nhỏ gọn, laptop có cấu hình khỏe như desktop hay một laptop đa mục đích, lời khuyên của chúng tôi sẽ giúp bạn đưa ra được lựa chọn tốt nhất cho mình.
Có lẽ không một sản phẩm máy tính nào lại có nhiều sự thay đổi như các laptop hiện nay. Từ những chiếc netbook nhỏ bé đến những hệ thống có thể thay thế cho những chiếc desktop “cơ bắp” và kích thước lớn, tuy nhiên sự khác biệt nằm trong giá cả, tính năng và hiệu suất chính là vấn đề mà những người mua do dự. Hãy thực hiện theo những gì trong hướng dẫn của chúng tôi để bạn có được một chiếc laptop thích hợp.
Việc mua một netbook có thể rất khó vì bạn có quá nhiều sự lựa chọn, tuy nhiên bên cạnh đó cũng không thiếu các lý do cho việc mua này. Có thể bạn đã đỗ vào một trường đại học và cần có một chiếc laptop để ghi chép trong lớp. Có thể laptop hiện hành của bạn đã quá chậm chạp khi chạy các ứng dụng hiện hàng và cần phải nâng cấp. Hoặc có thể bạn sử dụng một máy tính desktop và muốn có thêm một thiết bị đồng hành để lướt web từ giường ngủ của mình. Dù bạn biết những gì mình muốn thực hiện, nhưng với một số lượng quá nhiều model laptop hiện nay thì rất khó để bạn có thể quyết định được model nào phù hợp với mình nhất.
Tốt nhất để bắt đầu là cần phải quyết định xem lại laptop nào bạn quan tâm nhất. Các laptop được chia thành 4 loại chính: netbook, laptop siêu gọn (ultraportable), laptop đa mục đích và các laptop thay thế desktop. Loại laptop nào phù hợp với bạn hoàn toàn phụ thuộc vào bạn là ai.
Khi bạn quyết định một loại laptop thì đây là thời điểm để bắt đầu cần phải cân nhắc đến các chi tiết kỹ thuật. Tuy nhiên trong bài này chúng tôi chưa để cập đến vấn đề đó, tuy nhiên để giúp các bạn biết thêm về chúng Quantrimang.com chúng tôi sẽ có một bài giới thiệu một bài về vấn đề này.
Netbook
Với mục đích đã được dự định, các netbook là một lựa chọn tuyệt vời. Chúng không thể mạnh mẽ để có thể thực hiện mọi công việc như một chiếc máy tính cá nhân mà chỉ là một người bạn đồng hành với chiếc máy tính cá nhân của bạn. Đủ nhỏ, đủ nhẹ để bạn có thể mang nó theo bên mình hàng ngày, chúng là một thiết bị tuyệt vời cho việc ghi chép trong lớp hoặc lướt web khi đi trên đường. Một netbook điển hình thường nặng khoảng 1kg hoặc nhỏ hơn và có màn hình từ 6 đến 10 inch. Hầu hết đều có giá khoảng 300$ đến 400$.
Nếu bạn đang tìm kiếm một máy tính chủ đạo, khi đó hãy tìm kiếm ở hạng mục khác. Độ phân giải màn hình của các máy tính netbook (các netbook 10-inch thường có độ phân giải cao nhất là 1280x768), RAM, và bộ vi xử lý hạn chế thường gây khó khăn trong việc chỉnh sửa ảnh và các trang bảng tính. Thêm vào đó, một số trang web, Flash game và các ứng dụng không phù hợp trên các màn hình nhỏ. Ngoài ra cũng có một thứ nữa cần phải nói đến với một hệ thống đó là thời gian sống của pin.
Hầu hết các netbook đều được xây dựng trên các bộ vi xử lý Atom của Intel. Các chip này có thể chạy hệ điều hành Windows chuẩn mà bạn vẫn quen sử dụng và tất cả các ứng dụng thông thường, tuy nhiên tốc độ của chúng không nhanh như các CPU đắt tiền khác của Intel như Pentium Dual-Core và Celeron có trong các laptop siêu gọn (ultraportable), hoặc Core 2 Duo và Core i5 trong các laptop đa mục đích hoặc các laptop thay thế cho desktop. Một số hạn chế này cộng với một điều là các netbook điển hình thường chỉ có 1GB RAM (rất ít có 2GB RAM) sẽ cho người dùng trải nghiệm mức hiệu suất khá khiêm tốn.
Một netbook tỏ ra khá thích hợp với việc lướt web và xử lý văn bản, tuy nhiên nó lại gặp nhiều trở ngại trong việc streaming video, chỉnh sửa ảnh, hay chạy nhiều ứng dụng đồng thời. Nếu bạn đang có ý định muốn chơi các trò chơi 3D thì hãy quên nó đi: đa số các netbook đều sử dụng chip đồ họa tích hợp của Intel, các chip đồ họa tích hợp này thường hỗ trợ không tốt cho các trò chơi nặng về đồ họa. Một số model netbook có GPU Ion của nVidia (graphics processing unit), công nghệ này cho phép quản lý đồ họa và giải mã video tốt hơn, tuy nhiên chúng vẫn không thể hỗ trợ được các game tuyệt đỉnh và đời mới nhất hiện nay, đặc biệt là đi kèm với CPU Atom hiệu suất thấp và sự hạn chế về RAM. Một số netbook hiện có bổ sung thêm cho các GPU Intel của chúng một chip giải mã Broadcom để thực tăng tốc độ video playback và cải thiện chất lượng của nó; nếu muốn sử dụng netbook để xem các video trên Hulu hoặc YouTube, có thể bạn nên chi phí thêm cho tùy chọn này nếu có.
Một nhược điểm nữa: Các máy tính netbook không có ổ đĩa quang, vì vậy không không thể mở DVD hoặc load các phần mềm trong đĩa mà không cần sử dụng đến các ổ DVD ngoài.
Laptop siêu gọn (Ultraportables)
So với các netbook, laptop ultraportable có khả năng xử lý mạnh hơn. Các máy tính Ultraportable thường sử dụng các CPU dual-core – giống như những CPU bạn thấy trong tất cả các laptop đa mục đích – hoặc các bộ vi xử lý điện áp thấp của Intel hoặc AMD nhưng không mạnh như những gì bạn thấy trong các netbook lớn hơn (hoặc các ultraportable đắt hơn) tuy nhiên có khả năng xử lý tốt hơn các bộ vi xử lý netbook Atom. Hầu hết các máy tính ultraportable đều có 2GB đến 4GB RAM. Chính vì vậy chúng có thể thực hiện nhiều công việc hơn các máy tính netbook trong các ứng dụng hàng ngày và chạy được nhiều ứng dụng cùng lúc hơn.
Để giảm trọng lượng, giá thành và tăng thời gian sống của pin, nhiều laptop ultraportable đã sử dụng chip đồ họa tích hợp, điều này gây khó khăn cho việc chơi các game hiện đại hoặc mã hóa video. Tuy nhiên cũng không khó cho việc tìm ra các máy tính ultraportable có GPU chuyên dụng của nVidia hoặc ATI; các laptop này thường đủ mạnh để có thể chạy được các chương trình game 3D hiện đại nhất.
Nếu bạn quan tâm đến việc chạy DVD, hoặc nếu thường phải load phần mềm từ đĩa thì chắc chắn bạn sẽ muốn tìm một laptop ultraportable có ổ đĩa quang học. Để làm mỏng laptop, nhiều ultraportable ngày nay đã bỏ qua ổ đĩa quang, tuy nhiên bạn có thể tìm trong một số model khác (thường là các model có giá thành cao hơn với các CPU dual-core) có chứa ổ quang (không giống như các netbook, hoàn toàn không có model nào có ổ đĩa quang).
Laptop đa mục đích
Các model trong hạng mục laptop đa mục đích đúng thực sự là “đa mục đích”: Chúng đủ lớn và đủ mạnh để có thể phục vụ như một máy tính hàng ngày của bạn, tuy nhiên vẫn đủ khả năng mang theo bên bạn. Loại laptop này có nhiều tùy chọn hơn so với hầu hết các loại laptop khác. Bạn có thể thấy các laptop này khá vững chắc để an toàn khi mang đi công tác, các laptop chơi game, hay laptop kiểu cách hoặc laptop đắt tiền,…
Nhìn chung, một laptop đa mục đích thường được định nghĩa như một hệ thống có màn hình từ 14 đến 16 inch, trọng lượng thường nặng hơn 1,5kg. Hầu hết các model này đều sử dụng các CPU laptop dual-core và quad-core cấu hình mạnh (tương phản với các bộ vi xử lý điện áp siêu thấp hoặc các CPU Atom tiết kiệm năng lương của Intel), bên cạnh đó dung lượng RAM có thể lên đến 4GB, một số tùy chọn có thể lên đến 8GB. Trọng lượng có thể thay đổi phụ thuộc vào model và cấu hình, tuy nhiên 2 đến 3kg là điển hình.
Các laptop đa mục đích có rất nhiều mức giá khác nhau. Các model giá thành thấp có thể khá rẻ, khoảng 400$, tuy nhiên có rất nhiều các tùy chọn mở rộng hoặc các kiểu hệ thống khác có bộ vi xử lý tốt hơn, cấu hình đồ họa cao hơn, khi đó giá cả có thể lên đến 1500$ hoặc thậm chí hơn nữa. Các ổ đĩa quang vẫn ở dạng chuẩn, các ổ đĩa Blu-ray Disc đã xuất hiện và mang tính tùy chọn trên một số laptop đa mục đích.
Bạn có thể chọn một laptop đa mục đích với hầu hết những thứ mong muốn nếu cáng đáng được giá cả của nó. Một số có chip đồ họa tích hợp, một số lại có các GPU rời để cho phép bạn chơi các game 3D mới nhất. Mong muốn có được ổ đĩa Blu-ray và đầu ra HDMI để cắm laptop với HDTV? Một số model có các tính năng đó. Nếu muốn tìm kiếm một laptop đa mục đích với 1GB ổ cứng, bạn hoàn toàn có thể. Màn hình cảm biến? Hãy kiểm tra. Một loạt các tính năng và tùy chọn sẽ làm bạn choáng váng. Nhiều nhà sản xuất đôi khi đóng gói trước các tập tính năng vào các model laptop nào đó để bán, ngược lại các công ty như Dell, Fujitsu, HP, và Lenovo lại cung cấp cho bạn một số mức tùy chỉnh cho laptop của mình, chính vì vậy bạn có thể mua một cấu hình nào đó phù hợp với nhu cầu của mình nhất.
Các màn hình cỡ lớn và các bộ vi xử lý mạnh cũng đồng nghĩa sẽ có thời gian sống của pin ít hơn. Hầu hết các laptop đa mục đích đều có thời gian sống của pin khoảng 2 đến 5 giờ, tuy nhiên số lượng giờ tùy thuộc vào model và cách bạn sử dụng nó; chơi game và sử dụng Wi-Fi thì chắc chắc pin của máy sẽ nhanh hết hơn chỉ lướt web, đẩy độ sáng màn hình lên mức cao cũng là nguyên nhân làm giảm thời gian sống của pin.
Các laptop thay thế cho desktop
Một laptop có khả năng thay thế cho desktop (hay vẫn được biết đến như một laptop mạnh) đúng như tên gọi của nó: đó là một laptop khá lớn nhằm phục vụ cho các đối tượng người dùng cần có một chiếc máy tính hiệu suất cao, màn hình hiển thị lớn, nhưng vẫn muốn có thể di chuyển máy tính từ phòng này sang phòng khác một cách dễ dàng. Kích thước màn hình bắt đầu ở 16 inch và lên đến 18.4 inch; các model có độ phân giải cao thường rất lý tưởng cho việc chỉnh sửa ảnh và video. Tuy nhiên với kích thước và trọng lượng khá nặng (từ 8 đến 12 pound) nên bạn không thể mong đợi có thể mang nó bên mình trong cả ngày làm việc.
Các bộ vi xử lý trong các laptop “lực lưỡng” này thường nằm trong top trên của mỗi dòng, dù là các chip dual-core hay quad-core đi chăng nữa thì hiệu suất có nó vẫn có thể đối chọi được với các CPU có trong tất cả các máy tính desktop mạnh. Chip đồ họa rời của ATI hoặc nVidia cũng là một chuẩn trên hầu hết các laptop thay thế desktop. Nếu chọn một laptop mạnh, bạn có thể chơi thậm chí cả những game có yêu cầu về đồ họa cao nhất. Thêm vào đó, ở các máy tính này RAM tối thiểu là 4GB, ổ cứng thông thường có dung lượng cỡ 500GB, một số có thể lên đến 1TB.
Rõ ràng tất cả những thứ đó sẽ đi liền với giá cả cao, giá thấp nhất cho một số model loại này cũng lên đến 1000$, một số khác có thể lên đến 2000$ hoặc cao hơn. Pin không thể kéo dài được lâu (thường chỉ 2 giờ hoặc ít hơn), vì vậy bạn không nên ở những vị trí quá xa nguồn cắm điện. Bên cạnh đó các CPU hiệu suất cao và GPU cũng tỏa ra rất nhiều nhiệt lượng.
Loại laptop này thực sự phù hợp với hai đối tượng sử dụng: những người chơi game và những người cần đến các CPU và GPU mạnh để thực hiện một số công việc mang tính chuyên nghiệp như dựng video, chỉnh sửa ảnh và các kỹ sư, đây là những đối tượng thực sự cần đến những màn hình hiển thị cỡ lớn và cần đến rất nhiều tài nguyên máy để thực hiện công việc của họ.