“Thần dược” giảo cổ lam giá 4 triệu hay 2.000đ/kg?

Các doanh nghiệp, các ông lang bán giảo cổ lam với giá 50-70 ngàn đồng/gói vài chục gram, không phải rẻ mà là… cắt cổ. Với cái giá đó, tính ra, người tiêu dùng phải bỏ ra 2-3.000 đồng mới mua được 1gram, tương đương với 2-3 triệu đồng/kg. Liệu nó có thể chữa đc bệnh ung thư ko?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước
Giảo cổ lam mọc như cỏ ở Sapa, chứ chẳng phải thứ quý hiếm.


Hiện tại, có một số doanh nghiệp trong nước chế biến các sản phẩm từ cây giảo cổ lam, phổ biến là các sản phẩm dưới dạng trà, viên nén, dung dịch và có tới cả trăm thầy thuốc tư nhân chế biến loại trà này để bán.

Các doanh nghiệp, thầy thuốc đều đua nhau quảng cáo công dụng chữa bách bệnh của cây giảo cổ lam, khiến cây thuốc này nhuốm màu huyền bí, tạo sự quan tâm đặc biệt với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tác dụng “thần kỳ” với cả trăm loại bệnh cũng không thể sánh được với một tác dụng duy nhất, đó là trị bệnh ung thư.

Trong các lời quảng cáo, họ trích dẫn rất nhiều nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước khẳng định loài cây này có tác dụng “hỗ trợ điều trị bệnh ung thư”, có khả năng “ức chế khối u” và phòng ngừa ung thư.

Còn tác dụng hỗ trợ được đến mức nào, và ức chế, phòng ngừa được bao nhiêu phần trăm khối u thì có… trời mới biết được, vì chưa có một cuộc thử nghiệm thực tế nào trên cơ thể hàng loạt bệnh nhân ung thư.

Giảo cổ lam có tác dụng với bệnh ung thư?


Lợi dụng các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về khả năng “hỗ trợ điều trị” và “ức chế khối u”, một số doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ cây này và đặc biệt là các ông lang, đã tung hô giảo cổ lam lên tận trời xanh về khả năng “trị ung thư”, ngăn ngừa bệnh ung thư.

Và thế là, hàng vạn bệnh nhân ung thư trên khắp đất nước bỏ tiền mua các loại sản phẩm chế biến từ cây thuốc này sử dụng. Tuy nhiên, kết quả “điều trị” ung thư của các sản phẩm chế biến từ giảo cổ lam với bệnh nhân ung thư thế nào, đã có ai khỏi bệnh hay chưa thì có trời mới biết được.

Một điểm “chết người” nữa, có thể nói là lừa bịp, đó là, các doanh nghiệp, các ông lang đều quảng cáo rằng, giảo cổ lam được bán với giá 4 triệu đồng/kg tại thị trường Trung Quốc và Nhật Bản (?!). Những lời quảng cáo này luôn được các ông lang nói ra đằng miệng khi tư vấn, khám chữa cho bệnh nhân. Còn trang web của các doanh nghiệp thì không bao giờ quên trích dẫn câu đó.

Có thể chắc chắn rằng, chuyện các doanh nghiệp quảng cáo giảo cổ lam được bán ở Nhật Bản và Trung Quốc với giá 4 triệu đồng là hoàn toàn bịa tạc. Nếu thực sự giảo cổ lam đắt kinh khủng như vậy, thì các doanh nghiệp đã thuê người vặt sạch loài cây này rồi đem bán sang đó, vừa đỡ vất vả lại đạt siêu lợi nhuận, chứ tội gì mất công chế biến, quảng cáo, tiếp thị cho mệt người. Trong khi đó, một gói trà giảo cổ lam do các doanh nghiệp bán ra chỉ có giá trên dưới 50.000 đồng. Và thực sự, nếu loại cây này có giá trị như thế ở Trung Quốc, thì người dân đã nhổ hết đem bán sang bên kia biên giới, tạo ra cơn sốt còn khủng khiếp hơn cả gỗ sưa.

Người Trung Quốc coi loài cây này như cỏ dại, chỉ đáng làm phân bón.


Cứ cho là các doanh nghiệp Việt Nam, các ông lang chế biến các sản phẩm từ giảo cổ lam đặt tinh thần yêu nước, sức khỏe nhân dân, lợi ích quốc gia trên cả lợi ích bản thân, nhưng thực sự giá trị của cây giảo cổ lam có đến mức như thế?

Đem thắc mắc này gặp ông Trần Ngọc Lâm, người phát hiện đầu tiên và rất hiểu biết về cây giảo cổ lam, ông Lâm khẳng định, thông tin người Trung Quốc thu mua giảo cổ lam với giá vài triệu đồng/kg là hoàn toàn bịa đặt, lừa đảo.

Còn việc các doanh nghiệp, các ông lang bán giảo cổ lam với giá 50-70 ngàn đồng/gói vài chục gram, không phải rẻ mà là… cắt cổ. Với cái giá đó, tính ra, người tiêu dùng phải bỏ ra 2-3.000 đồng mới mua được 1gram, tương đương với 2-3 triệu đồng/kg.

Theo ông Lâm, cây giảo cổ lam không hiếm như người ta tưởng, mà chúng mọc như cỏ dại khắp đất Sapa, tràn ngập trong rừng Hoàng Liên Sơn, thậm chí mọc thành bụi ven ruộng bậc thang. Loài cây này cũng mọc bạt ngàn bên Trung Quốc và họ không thèm mua loại cây này chứ đừng nói với giá bạc triệu.

Ông Lâm kể chuyện vui rằng, có một doanh nghiệp, tưởng người Trung Quốc thu mua với giá trên trời như lời đồn đại, liền thu gom cả xe tải chở lên Hà Khẩu, tính bán kiếm lời bạc tỷ. Tuy nhiên, đem sang bên kia, người Trung Quốc bảo: “Cây này mọc như cỏ khắp Trung Quốc, chúng tôi phải thu gom làm phân bón ruộng, nếu người Việt Nam dùng, chúng tôi nhổ cho không!”. Thế là doanh nghiệp này chở ngược lại Việt Nam, đổ thối cả góc núi.

Cây cỏ nhung ở Sapa mới là loại cây được người Trung Quốc thu mua với giá bạc triệu.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng (TGĐ cty thực phẩm chức năng Thăng Long - đứng giữa) đã tìm lên tận Sapa khi biết nơi đây có cây cỏ nhung. Ông đã rất xúc động khi nhìn thấy một thân cây bé xíu.
Khó khăn lắm mới tìm được một cây cỏ nhung trong rừng Hoàng Liên Sơn.


Nghĩ tôi không tin, ông Lâm đã dẫn tôi về nhà ông và cho tôi xem một gian phòng chứa đầy giảo cổ lam. Ông Lâm bảo, ông thuê vài người Mông ở Sapa hái một ngày có mà được mấy tạ.

Những ngày đầu, ông Lâm thu mua với giá 1.000đồng/kg, nhưng thương đồng bào lặn lội vất vả nên nâng lên 2.000đồng/kg. Giờ loài này hiếm hơn một chút, phải đi xa hơn, nên ông mua với giá 3-4 ngàn đồng/kg, tùy chất lượng.

Ông Lâm tiết lộ rằng, từ khi các nhà khoa học công bố giảo cổ lam có tác dụng ngăn ngừa, điều trị ung thư, khiến người dân cả nước như phát sốt với loại cây này, nên ông cũng có cơ hội kiếm chút tiền. Một số doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến đã giàu lên nhanh chóng vì sản xuất không kịp đáp ứng thị trường.

Cách đây mấy tháng, người bạn rất thân của ông Lâm ở Hà Nội, là một quan chức, đã lên Lào Cai gặp ông Lâm và đề nghị ông cung cấp nguyên liệu giảo cổ lam để ông này phân phối cho hàng vạn cán bộ trong đơn vị dùng… tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa ung thư.

Ông Lâm đã nói thật rằng giảo cổ lam không phải “thần dược” chữa ung thư như người ta đồn đại, mà phải kết hợp với nhiều thảo dược khác nữa, mới có tác dụng, song vị này đã gạt đi và đề nghị ông Lâm cứ cung cấp cho ông ta với giá 150 ngàn đồng/kg khô, còn tác dụng đến đâu thì… thây kệ.

Thế là, chỉ băm chặt mấy tháng, gia đình ông Lâm đã kiếm được cả trăm triệu đồng, sắm được mấy cái xe máy đẹp cho con cái.

Trang web của Công ty Tuệ Linh nói rằng, giảo cổ lam được người Trung Quốc và Nhật Bản thu mua với giá 1-4 triệu đồng/kg. Liệu có tinđượcđiều này?


Ông Trần Ngọc Lâm bảo: “Tôi cứ băm chặt loài cây mọc nhiều như cỏ này rồi bán với giá cắt cổ như vậy nên mỗi tháng kiếm mấy chục triệu đồng ngon ơ. Tuy nhiên, tôi không muốn người dân mù quáng tin vào khả năng thần kỳ của loài cây này để rồi bị các ông lang băm, các doanh nghiệp lừa bán với giá cắt cổ,trong khi người bệnhmất tiền mà tật vẫn mang. Tôi muốn nói thẳng cho nhà báo viết lên sự thật, dù tôi không còn kiếm được mấy chục triệu đồng một tháng nữa”. Con người ông Trần Ngọc Lâm luôn kỳ lạ, chẳng màng giàu sang, tiền bạc.

Sau nhiều ngày lang thang ở Sapa đi tìm các loài cây thuốc quý, tôi thực sự ngạc nhiên vì thấy giảo cổ lam ở đây quá nhiều và quá rẻ, cho dù giảo cổ lam ở Sapa được xác định là có chất lượng cao nhất.

Lang thang ở thị trấn Sapa, ghé vào các cửa hàng buôn bán lá lẩu, thuốc thang, thứ bày bán nhiều nhất, chất đống chính là giảo cổ lam. Giảo cổ lam được người ta phơi hoặc sấy khô, đóng trong các túi 0,5-1kg.

Bà lang Phạm Thị Thành, 70 tuổi, ở đường Thạch Sơn, thị trấn Sapa có cửa hàng thuốc Nam khá lớn. Bà Thành bảo, nguồn giảo cổ lam ở Sapa rất nhiều, muốn bao nhiêu tấn cũng có, giá rẻ hơn cả trà thường.

Bà lang Phạm Thị Thành và những túi giảo cổ lam khô có giá 50 ngàn đồng/kg.


Nói rồi, bà Thành lôi ra mấy túi giảo cổ lam khô và bảo: “Chả biết dưới xuôiquý cái này thế nào, chứ ở trên đây, tôi chỉ bán 50 ngàn đồng/kg. Chủ yếu khách du lịch dưới xuôi lên mua, chứ người dân ở đây chỉ cần ra bờ dậu hái là có”. Theo bà Thành, để có được 1kg giảo cổ lam khô, cần tới 10kg lá tươi. Đồng bào H’Mông thường gùi đến bán cho bà với giá 2.000 đồng/kg lá tươi.

Như vậy, thực tế, giá giảo cổ lam ở Sapa chỉ có 2.000 đồng/kg, chứ không đến mức 4 triệu đồng như các doanh nghiệp tuyên truyền. Và người Trung Quốc, Nhật Bản cũng chả thèm mua loại cây cỏ này, chứ đừng nói bán cho họ được với giá đó.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là, không chỉ vùng Sapa, mà khắp các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn… giảo cổ lam nhiều như cỏ dại.

Mới đây, GS. Phạm Thanh Kỳ cũng công bố tìm thấy giảo cổ lam ở rất nhiều vùng núi của tỉnh Hòa Bình từ độ cao vài trăm mét trở lên. Như vậy, có thể nói, giảo cổ lam không là thứ đặc biệt quý hiếm.

Người tiêu dùng, đặc biệt là bệnh nhân ung thư có nên tin vào thứ thần dược này? (Ảnh sưu tầm).


Tôi tìm đến vườn thuốc của Viện Dược liệu ở Tam Đảo Vĩnh Phúc. Vào khu vườn dược liệu, thứ tôi thấy mọc nhiều nhất, um tùm, tốt nhất, rậm rạp nhất là mấy luống giảo cổ lam. Loài dây leo này mọc như cỏ dại, trùm lên bờ dậu, chiếm không gian, đè bẹp các loài cây khác.

Cán bộ vườn dược liệu cho biết, người ta cứ đồn thổi ầm ĩ giá trị của giảo cổ lam, chứ thực chất nó có đắt đỏ như vậy đâu. Vườn dược liệu ở Tam Đảo và ở Sapa đủ sức cung cấp cho nhiều doanh nghiệp chế biến, song bán rất khó. Theo các cán bộ ở đây, thi thoảng cũng bán được một ít, song giá đắt lắm thì cũng chỉ 40 ngàn đồng/kg, chứ không đến bạc triệu như những lời quảng cáo của các doanh nghiệp.

Qua các kết quả nghiên cứu khoa học, có thể thấy lợi ích của giảo cổ lam với sức khỏe con người là có, tuy nhiên, công dụng của nó có “thần kỳ” và giá trị của nó có “trên trời” như lời quảng cáo hay không thì người tiêu dùng đã rõ. Người tiêu dùng nên sử dụng giảo cổ lam đúng với bệnh tật của mình, chứ không nên tin rằng đây là một loại thần dược quý hiếm chữa bách bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.