Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định phóng xạ ở Nhật Bản chưa có dấu hiệu lan ra các nước trên thế giới và kêu gọi chính phủ các nước cùng người dân hãy bình tĩnh, trong khi lại xảy ra hai vụ cháy mới.
Vụ cháy xảy ra sáng 16-3 ở lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, và tai nạn mới này càng làm tình hình khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
Theo Kyodo, khoảng 5g45 giờ địa phương, một công nhân tại Nhà máy Fukushima Daiichi phát hiện lửa bùng phát từ tầng 4 của lò phản ứng số 4. Nơi xảy ra hỏa hoạn được cho là cùng vị trí với vụ nổ vào lúc 9g38 một ngày trước đó (15-3).
Ngọn lửa đã được khống chế sau đó 30 phút. Cùng ngày, một cột khói trắng đã bốc lên xung quanh lò phản ứng số 3 của nhà máy này vào khoảng 10g, nhưng Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết đó có thể là hơi nước.
* Lò phản ứng số 1 nổ ngày 12-3: 45.000 dân trong bán kính 10km được sơ tán khẩn cấp. Bó nhiên liệu bị tan chảy 70%.
* Lò phản ứng số 3 nổ ngày 14-3: Ba công nhân bị thương và bảy công nhân mất tích. Nồng độ phóng xạ là cao nhất.
* Lò phản ứng số 4 nổ ngày 15-3: Không lâu trước đó, TEPCO báo cáo có một vụ cháy. Dân sống trong vòng 20-30km được yêu cầu không nên ra khỏi nhà để tránh phơi nhiễm phóng xạ. Khoảng 210.000 người sống trong vùng bán kính gần hơn đã được sơ tán. Ngày 16-3, lại xảy ra vụ nổ thứ hai.
* Lò phản ứng số 2 nổ ngày 15-3: Bó nhiên liệu của lò phản ứng này bị tan chảy khoảng 33%.
Một phần lượng phóng xạ đã bị rò rỉ ra ngoài quanh các lò phản ứng 1 và 3. Các máy bay trực thăng cũng không thể tiếp cận để phun nước làm nguội do lượng phóng xạ cao bên ngoài nhà máy.
750 công nhân của Nhà máy Fukushima Daiichi đã được di tản. 50 người ở lại làm “cảm tử quân” để cứu lò phản ứng. Một số đã quay lại sau khi nồng độ phóng xạ giảm đi. Chiều 16-3, có 180 công nhân trong nhà máy.
Hình ảnh mô tả nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi
Mức phóng xạ không nguy hiểm
WHO cho biết chưa có bằng chứng cho thấy chất phóng xạ lan truyền từ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật ra các nước xung quanh và kêu gọi mọi người bình tĩnh, đồng thời không lan truyền tin đồn. Giới chức Nga cho biết ngày 15-3, mức phóng xạ ở miền Viễn Đông của mình đã tăng nhẹ nhưng còn trong mức bình thường.
“WHO có thể đảm bảo với các chính phủ và công chúng rằng không có bằng chứng cho thấy phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân lan truyền ra thế giới” - Michael O'Leary, đại diện của WHO tại Trung Quốc, cho biết. WHO đang phối hợp với Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để đánh giá tình hình và cho rằng không có nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người ở vùng bên ngoài nhà máy trong bán kính 30km.
50 anh hùng ở Fukushima
Ngay khi mức phóng xạ tăng lên quá cao khi xảy ra nổ ở lò phản ứng số 4, TEPCO đã lập tức cho sơ tán 750 công nhân của nhà máy và để lại 50 người làm nhiệm vụ khắc phục sự cố.
Trong suốt ngày 15-3, những công nhân này đã làm việc trong điều kiện không có ánh sáng và mức phóng xạ rất cao. Họ phải thận trọng bò qua mê hồn trận tại hiện trường vụ nổ để kiểm tra và nghe ngóng từng tiếng động nhằm phát hiện nguy cơ cháy nổ tiếp theo.
Báo New York Times viết dù 50 công nhân tình nguyện hay được chỉ định ở lại thì họ cũng đã làm một việc quá sức người.
Họ đã vật lộn trong hai ngày 14 và 15-3 để bơm hàng trăm mét khối nước biển vào các lò phản ứng 1, 2 và 3 của nhà máy nhằm ngăn chặn sự tan chảy hoàn toàn của các lõi hạt nhân, một nguy cơ có thể dẫn đến việc thải hàng ngàn tấn rác thải phóng xạ vào môi trường, đẩy hàng triệu con người vào mối hiểm họa khôn lường. Họ làm việc trong môi trường phóng xạ cao trong bối cảnh TEPCO không tiết lộ danh tính.
"Tình trạng của họ không tốt, rõ ràng là họ sẽ bị nhiễm một lượng phóng xạ rất cao. Họ biết điều đó nhưng vẫn ở lại và bởi vậy họ xứng đáng được gọi là những anh hùng” - David Brenner, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phóng xạ thuộc Đại học Columbia, bình luận.
Chuẩn bị đối phó nếu phóng xạ đến Việt Nam
Ngày 16-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gọi điện thoại trực tiếp tới Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để thăm hỏi tình hình của công dân Việt Nam và chỉ thị các cơ quan đại diện của ta nỗ lực hết sức cùng phía Nhật Bản hỗ trợ và bảo vệ công dân Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế cần chuẩn bị phương án kiểm tra nhiễm xạ đối với công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản; phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị đối phó nếu bụi phóng xạ từ Nhật Bản ảnh hưởng đến Việt Nam.
Sau động đất, nỗi lo với người dân Nhật Bản là nguy cơ nhiễm phóng xạ
Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp với Bộ Khoa học - công nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương định hướng cho báo chí đưa tin liên quan đến hậu quả động đất, sóng thần tại Nhật Bản và công tác bảo hộ công dân Việt Nam.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học - công nghệ kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan cho báo chí về tình hình sự cố và an toàn hạt nhân tại Nhật Bản.
Bộ Thông tin - truyền thông tạo mọi thuận lợi cho việc truy cập các mạng Internet trong giai đoạn hiện nay để nhân dân kịp thời nắm được tình hình liên quan đến động đất, sóng thần ở Nhật Bản.
Việt Nam không bị ảnh hưởng phóng xạ từ Nhật Bản
Phóng xạ do sự cố xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản chưa có bất kỳ ảnh hưởng nào đến Việt Nam. Thông tin trên được các cơ quan chức năng Việt Nam khẳng định tại cuộc họp báo ngày 16-3.
PV: Nếu hướng gió đổi chiều thổi từ Nhật Bản xuống phía nam thì chúng ta có những biện pháp ứng phó nào?
- Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, GS.TS Vương Hữu Tấn: Theo các chuyên gia thế giới và nhận định của chúng tôi thì kịch bản này khó xảy ra.
Giả sử gió có đổi chiều, chúng ta có các trạm quan trắc, ghi nhận mật độ phóng xạ trong không khí để có thể biết, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Khi đó Chính phủ, các cơ quan nhà nước sẽ có khuyến cáo cụ thể đối với người dân.
Hiện Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đề nghị Tổ chức Khí tượng thế giới thường xuyên cung cấp các hiện tượng khí tượng cho các nước nắm tình hình. Chúng tôi cũng đã đề nghị tăng tần suất lấy mẫu để đo đạc nhưng đến thời điểm này các trạm báo cáo về không có gì đột biến và luôn sẵn sàng có cảnh báo sớm cho cán bộ, người dân.
Gần đây có một số thông tin trên mạng Internet cho rằng có mưa axit và nguyên nhân liên quan đến sự cố tại nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản?
- Điều này có thể khẳng định hoàn toàn không đúng. Nhà máy điện nguyên tử không thải ra khí SO2 nên không thể gây nên mưa axit. Mưa axit là do khí SO2 gây ra và chủ yếu xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Do đó thông tin trên hoàn toàn không chính xác.
Tại một số tỉnh phía nam Trung Quốc, giáp với biên giới phía bắc nước ta có một số nhà máy điện nguyên tử do Trung Quốc xây dựng đã hoạt động. Chúng ta có kế hoạch như thế nào để ứng phó nếu có sự cố xảy ra?
- Liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, chúng ta đã xem xét triển khai xây dựng mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường. Trong đó có những trạm đặt ở khu vực phía Bắc để có cảnh báo rất sớm nếu xảy ra sự cố và hiện Bộ KH-CN đang chỉ đạo xây dựng mạng lưới quan trắc này.
Chúng ta đang có ba trạm quan trắc quốc gia và sắp tới sẽ có mạng lưới trạm kéo dài từ Bắc đến Nam, các vùng hải đảo để có thể quan trắc được bất kỳ hiện tượng nào có bất thường phóng xạ xuyên biên giới ảnh hưởng từ các quốc gia khác đến Việt Nam do các hoạt động hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân.
Người dân được kiểm tra kĩ về sức khỏe trước nguy cơ phóng xạ
Chúng ta đã rút được những kinh nghiệm như thế nào khi sự cố về điện hạt nhân xảy ra tại Nhật Bản? Việc lựa chọn công nghệ an toàn cho nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam ra sao?
- Những lò xảy ra sự cố được xây dựng từ những năm 1960, thuộc nhóm đầu thế hệ thứ hai, cuối thế hệ thứ nhất của các nhà máy điện nguyên tử. Hạn chế của công nghệ này là hệ thống an toàn cần có sự can thiệp của con người cho việc làm lạnh hệ thống lò phản ứng.
Hệ thống mà chúng ta lựa chọn chúng tôi khuyến cáo phải là thế hệ 3 hoặc 3+ là những thế hệ nhà máy có nguyên lý an toàn rất tốt, sử dụng các hiện tượng tự nhiên để áp dụng vào vấn đề an toàn.
Ví dụ, người ta bố trí hệ thống tích nước lớn trên nóc lò và khi có sự cố nước sẽ tự phun vào lò phản ứng như lò AP1000 của Mỹ, nếu có sự cố tương tự thì sẽ tự hoạt động trong 72 giờ mà không cần con người can thiệp. Ngoài ra, qua sự cố này chúng tôi phải nghiên cứu tiếp để có tư vấn tốt cho Chính phủ.
Tại Việt Nam, nhà máy điện nguyên tử của chúng ta sắp được xây dựng đã tính toán đến cường độ động đất, sóng thần hay các yếu tố khác chưa?
- Nếu tính toán về động đất, Việt Nam có nguy cơ thấp hơn ở Nhật nhưng nếu chúng ta đặt tiêu chí chống động đất cao thì nhà máy sẽ rất đắt. Do đó phải căn cứ vào tình hình kinh tế của ta để đặt ra tiêu chí bao nhiêu. Ví dụ Nhật đặt ra tiêu chí 6,7 độ Richter thì nhà máy phải dừng hoạt động.
Hiện Bộ KH-CN đang xây dựng tiêu chí về địa điểm và gửi đi xin ý kiến các bộ, ngành. Trên cơ sở tiêu chí đó sẽ đặt ra yêu cầu cho nhà thiết kế nên vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Việc lựa chọn địa điểm hiện nay cần xem xét ba vấn đề.
Một, những hiện tượng tự nhiên như động đất, sóng thần, núi lửa... Hai, những hoạt động của con người như các cơ sở hóa chất gần nhà máy, đường lên xuống của sân bay... Ba, những yếu tố dân cư.
Tất cả đều được tham khảo tiêu chí nước ngoài, IAEA để đưa ra, đảm bảo an toàn cao nhất.