Phải có lịch thời gian ôn luyện, bám sát kiến thức sách giáo khoa, tập hệ thống hóa kiến thức theo từng nhóm vấn đề có liên quan. Tập giải đề thi các năm trước…
Đề thi ĐH-CĐ khối C vừa đòi hỏi phải học thuộc lòng, vừa yêu cầu khả năng tư duy và liên hệ thực tế làm nhiều sĩ tử ngán ngại. Các thủ khoa kỳ thi ĐH năm 2010: Nguyễn Huỳnh Luân (ĐH KHXH&NV TP.HCM), Nguyễn Thị Thúy Nguyên (ĐH Sư phạm TP.HCM) và Lê Thị Thanh (ĐH Sài Gòn) đã chia sẻ bí quyết ôn thi khối C của họ.
Nên lập thời gian biểu
Thường thì sĩ tử rất ít lập thời gian biểu ôn thi vì cho rằng mất thời gian, tự làm khổ mình. Tuy nhiên, theo Nguyễn Huỳnh Luân, hầu hết các môn khối C đều là tự học nên việc lập thời gian biểu cụ thể sẽ giúp phân phối thời gian ôn thích hợp nhất cho từng môn.
Bạn Nguyễn Thị Thúy Nguyên nhận định: Cả ba môn văn, sử, địa đòi hỏi phải ghi nhớ nhiều sự kiện, nội dung, số liệu. Để đạt được điều này, em đã tự chia thời gian cụ thể trong ngày cho từng môn học và lên lịch trước cho cả quá trình ôn. “Khi mới làm điều này, em cũng thấy ngán nhưng thời gian sau quen, thấy việc lên lịch phân chia thời gian ôn cho từng môn cũng dễ và ôn rất vào...”.
Lê Thị Thanh góp thêm: Em thấy việc lập thời gian biểu giúp mình chủ động được thời gian và có động lực khi ôn bài, đỡ gây áp lực “học thật mau” mà chẳng hiệu quả...
Bám sát sách giáo khoa
Nhiều bạn có quan niệm đề thi ĐH-CĐ là phải cao siêu nên mua rất nhiều tài liệu tham khảo, điều này chưa thật đúng. Thủ khoa ĐH Sư phạm nhận xét: Nội dung đề thi đều thuộc kiến thức phổ thông nên khi ôn bài, em lấy kiến thức trong sách giáo khoa làm chuẩn. “Theo em, đây là nguồn tài liệu quan trọng nhất, khi đã nắm vững nó rồi em mới tham khảo thêm các tài liệu bên ngoài, mở rộng và liên hệ thêm. Nếu mình đọc một lúc quá nhiều tài liệu sẽ làm rối kiến thức trọng tâm” - Thúy Nguyên chia sẻ.
Huỳnh Luân cho biết em sưu tập khá nhiều đề thi của những năm trước và thấy đề thi khối C qua các năm chủ yếu gói gọn trong sách giáo khoa, mà nhiều nhất là kiến thức của lớp 12. Bởi vậy lúc ôn thi em chủ yếu học theo sách giáo khoa và bài giảng của thầy cô trên lớp… Thỉnh thoảng em cũng đọc báo về những vấn đề thời sự để ghi nhận lại một số thông tin quan trọng, các câu nói nổi tiếng để phục vụ cho bài viết nghị luận xã hội…
Tóm tắt kiến thức
Với khối C, kiến thức các bài trong từng môn và giữa các môn thường liên quan với nhau. Bởi vậy học hiểu và khái quát kiến thức của từng môn là rất quan trọng. Thúy Nguyên bộc bạch: “Em thường tóm tắt kiến thức của từng bài, từng chương. Em là người dễ quên. Trước khi học một bài mới, em thường ôn lại bài hôm trước, cuối tuần thì dành thời gian tổng hợp lại kiến thức đã ôn tập được cả tuần. Như vậy sẽ nhớ lâu hơn”. Bạn Lê Thị Thanh cũng góp ý: “Bạn đừng tiếc thời gian để tóm tắt lại bài, vì trong lúc ôn bạn phải nhớ rất nhiều số liệu, đôi khi các số liệu còn trùng nhau. Vì vậy, tóm tắt kiến thức cũng là một cách học hiểu rất hiệu quả”.
Tự tin vào bản thân
Lúc bắt đầu học ôn, cảm giác lo lắng và áp lực tâm lý thường rất lớn. Cả ba thủ khoa đều cho rằng muốn vượt qua điều này, các bạn nên đặt ra mục tiêu và tự tin vào bản thân là bạn có thể hoàn thành tốt mục tiêu đó. Bạn Lê Thị Thanh dặn dò: “Bạn nên nhớ “Tự tin là bí quyết của sự thành công”. Có tâm lý tốt coi như bạn đã thành công một nửa. Để có tâm lý tốt, bạn nên ăn uống đầy đủ để có sức khỏe. Khi thấy mệt thì ngủ, giải lao khoảng 15 phút, nghe loại nhạc mà bạn yêu thích rồi sau đó học tiếp, như vậy bạn sẽ cảm thụ bài tốt hơn. Điều quan trọng nhất là đừng tạo áp lực cho bản thân vì như thế sẽ làm trôi hết những kiến thức mà bạn học được”.
Cách học từng môn
Môn văn:
Phải nắm vững các ý chính. Sử dụng hiểu biết của bản thân kết hợp với bài giảng của thầy cô và các tài liệu tham khảo để hiểu rõ các ý này.
Học thuộc dẫn chứng. Viết ra giấy học hoặc đọc nhiều lần để nhớ.
Cần chủ động soạn các chuyên đề kiến thức khác nhau để có kiến thức và có thể phân tích rộng và sâu hơn.
Luyện cách lập dàn ý nhanh, tập viết mở bài, kết bài tốt phù hợp với từng dạng đề.
Môn lịch sử:
Môn này đòi hỏi phải ghi nhớ nhiều nhất, rất nhiều con số, sự kiện đan xen nhau. Chúng thường có mối liên hệ về bối cảnh xã hội, nguyên nhân hay ý nghĩa.
Nên giải đề các năm trước bằng cách gạch các ý cần trả lời, liên hệ với các sự kiện khác rút ra ý nghĩa... sau đó so với đáp án và tự rút kinh nghiệm.
Với các mốc thời gian khó nhớ, tìm cách gắn nó với một sự kiện quen thuộc nào đó, ví dụ như sinh nhật của bạn bè, người thân...
Môn địa lý:
Cần hệ thống hóa kiến thức. Khi nói về điều kiện tự nhiên của một vùng thì luôn nhớ theo sườn gồm có địa hình, đất đai, khí hậu, sông ngòi, khoáng sản, sinh vật…
Rèn luyện thành thạo các kỹ năng vẽ, phân tích biểu đồ.
Chỉ cần nhớ những số liệu quan trọng nhất, hiểu rõ về mối quan hệ giữa các lĩnh vực (ví dụ tác động của các điều kiện tự nhiên lên hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội…).
Phải nắm vững những đặc điểm chính của các vùng miền theo nhiều mặt (tự nhiên, kinh tế, xã hội…) để có thể tự triển khai ý trong bài thi.
Nên tập so sánh các nội dung liên quan của các bài.
Kinh nghiệm của một người tự ôn
Năm đầu tiên tôi học rất chăm, ngày học, đêm cũng thức đến 1-2 giờ để học. Nhưng thú thực tôi học tràn lan, sách gì liên quan cũng cố nhồi nhét để đọc. Kết quả tôi thi chỉ được 16 điểm. Năm thứ hai tôi tự ôn, không theo một lò luyện nào, mỗi buổi tôi chỉ học 2 tiếng. Nhưng kết quả thật tuyệt, tôi được 25 điểm đúng như dự đoán vì tôi đã ôn thi đúng hướng theo cách như sau.
Sắp xếp thời gian trong tuần đều cho các môn và sắp xếp thời gian cho việc học lý thuyết và thời gian luyện đề, tự chấm bài theo đáp án và thang điểm như trong sách một cách hợp lý. Mỗi khi so sánh đáp án trong sách và đáp án mình làm nếu mình có sai sót và thiếu ý gì thì mình sẽ làm lại cho hoàn chỉnh. Như vậy sẽ nhớ rất chắc.
Chọn lọc một số sách để tham khảo, không tham khảo tràn lan vì như thế sẽ bị loạn kiến thức và mất nhiều thời gian.