Cho mình hỏi về mổ cận thị ?

-mình bị cận loạn mắt 4 đi ốp mắt 7 đi ốp cộng với cái mũi lệch do viêm mũi nên khi đeo kính nhìn rất khó..đôi khi nhìn thẳng một lúc là mỏi mắt ngay mắt không tập trung được.không biết mổ có khỏi được cái này k nhỉ ?

-thời gian sau khi mổ ngắn nhất bình phục là bao lâu ? hiện mình nghỉ đến 22/6 là phải đi làm 1 bài kiểm tra liên quan đến máy tính..làm theo nhóm nhưng ai cũng phải theo dõi để hôm kiểm tra ai cũng phải nói được bài.dự định là tuần sau mổ nhưng không biết có gấp quá không nhỉ ? định là mùng 10 đi làm thủ tục chắc đến khoảng 14-15 là mổ mổ chờ 3 4 ngày là khoảng 20 rồi.mình có đọc một vài bài báo mạng thì họ bảo chỉ cần 3 ngày là có thể làm việc bình thường nhưng mình lo không đủ.nếu gấp quá thì chắc phải đợi sang tháng 7 nhưng nghỉ hè lại chỉ được 1 tháng không biết có ổn không ? mình học thì không nhiều về máy tính nhưng lúc cần cũng phải vào làm.

L2 love
L2 love
Trả lời 14 năm trước

Mổ cận thị bằng laser cho phép tiến hành ở người từ 18 tuổi trở lên. Năm nay bạn 24 tuổi, là tuổi lý tưởng để mổ cận thị bằng tia laser. Bạn có thể đến chuyên khoa mắt gần nhà hoặc Bệnh viện mắt ở Hà Nội, TP HCM để được khám và tư vấn về phương pháp mổ này.

Điều bạn có thể yên tâm là: Mổ cận thị bằng tia laser hoàn toàn vô hại đối với mắt. Bất kỳ độ cận thị nào đều có thể mổ được bằng tia laser. Điều bạn nghe nói rằng phương pháp này gây giãn đồng tử khó chữa là hoàn toàn không đúng; vì cận thị không liên quan gì tới việc giãn đồng tử cả, và mổ cận thị bằng tia laser không thể làm giãn đồng tử được...

Sau khi mổ cận thị bằng tia laser, các bác sĩ sẽ đặt lên mắt bạn một kính tiếp xúc mềm, ngày hôm sau đến kiểm tra lại, họ sẽ lấy kính tiếp xúc đó ra và bạn có thể về làm việc và sinh hoạt bình thường. Lúc đó bạn không còn dùng đến kính cận nữa, bạn có thể đeo kính râm để tránh bụi khi đi đường.

Còn về việc tiếp xúc với máy vi tính, kể cả trước và sau mổ, bạn cũng nên có chế độ rõ ràng. Không nên suốt ngày “dán mắt” vào máy. Hiện nay do sử dụng máy vi tính quá nhiều, đã bắt đầu có “hội chứng máy vi tính”. Bạn nên tìm mua loại dung dịch “Computer eye drops”, tra ngày 3 lần. Bạn sẽ thấy mắt dễ chịu hơn khi sử dụng máy vi tính.

TS. Võ Văn Phi

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Trần Viết Cường
Trần Viết Cường
Trả lời 13 năm trước

Bạn có thể tham khảo phương pháp "Phẫu thuật tạo hình củng mạc điều trị cận thị nặng" tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt Nga.

"

Những nghiên cứu để tìm cách trả lại chức năng thị giác tốt cho người bệnh đã được quan tâm từ lâu. Đeo kính gọng hoặc dùng kính tiếp xúc không bao giờ làm những người phải dùng chúng hoàn toàn hài lòng. Từ thế kỷ 19, đã có những công trình nghiên cứu cho thấy có thể điều chỉnh thị lực bằng cách tác động trực tiếp lên mắt.

Lịch sử phát triển các phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ

Phẫu thuật điều chỉnh tật khúc xạ đầu tiên là phương pháp rạch giác mạc hình nan hoa, được biết đến từ những năm 30. Bằng cách thực hiện những đường rạch giác mạc từ gần bờ đồng tử về phía chu biên, người ta làm thay đổi hình thể giác mạc và bệnh nhân nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, những phẫu thuật đầu tiên kiểu này đã có nhiều biến chứng nặng nề. Một trong những biến chứng đó là hiện tượng mờ đục giác mạc, gây mù. Mặt khác, kết quả phẫu thuật không được tốt và không ổn định. Vào những năm 70, khi có hiển vi phẫu thuật tốt cho phép kiểm soát thao tác phẫu thuật và dao mổ bằng kim cương, người ta lại quan tâm trở lại với cách điều trị này. Khi đó, phương pháp rạch giác mạc hình nan hoa được nâng lên tầm cao mới. Tuy nhiên, phẫu thuật này vẫn có nhược điểm là cần nhiều thời gian bình phục, đôi khi có biến chứng, nhất là khi phải lao động nặng. Vì vậy, các nhà nhãn khoa lại tiếp tục tìm tòi cách phục hồi thị lực tối ưu.

Năm 1983, người ta phát hiện ra rằng tia la-de excimer có tác động, làm thay đổi hình thể giác mạc mà không làm tổn hại phần còn lại. Năm 1985, ca phẫu thuật đầu tiên sử dụng phương pháp bào mòn giác mạc bằng la-de điều chỉnh tật khúc xạ đã được thực hiện.

Cũng như trong trường hợp mổ bằng cách rạch giác mạc hình nan hoa, giác mạc chịu tác động trực tiếp nhưng theo một nguyên tắc khác. Không phải dùng những đường rạch giác mạc theo hình nan hoa, hình thể giác mạc được làm thay đổi dưới tác động của la-de. Sự bào mòn giác mạc được thực hiện tinh xảo làm cho một phần mô của giác mạc như bị “bốc hơi” từ bề mặt giác mạc. Phẫu thuật có độ chính xác cao nên cho kết quả ổn định, giảm được đáng kể các biến chứng phẫu thuật. Tuy nhiên, với phương pháp này, từ 2 đến 4 ngày của giai đoạn phục hồi là thời gian bệnh nhân phải chịu cảm giác khó chịu nhất. Đó là thời gian giác mạc biểu mô hoá, bệnh nhân có cảm giác sợ ánh sáng, thấy cộm, đau nhức nhẹ và còn chưa nhìn rõ. Thời gian thích nghi sau mổ thường kéo dài khoảng 3 đến 4 tuần. Năm 1989, một phương pháp mổ khúc xạ mới được áp dụng. Đó là phương pháp LASIK.

Trong phương pháp LASIK, bằng một dụng cụ chuyên dụng, người ta tạo một vạt giác mạc rồi nâng lên để bộc lộ phần giác mạc phía dưới. Phần giác mạc được bộc lộ này sẽ chịu tác động để thay đổi cấu trúc để đáp ứng những yêu cầu đặt ra, sau đó vạt giác mạc sẽ được đặt lại vào vị trí cũ. Theo phương pháp phẫu thuật này, khác với kỹ thuật rạch giác mạc hình nan hoa, đường rạch được làm theo chiều ngang, vạt giác mạc sẽ được cố định lại nhanh và chắc chắn nhờ những đặc điểm đặc thù về cấu trúc giải phẫu. Chính vì vậy, bệnh nhân không phải tuân thủ theo một quy tắc nghiêm ngặt nào về hạn chế vận động. Nhờ những ưu điểm như vậy, phương pháp phẫu thuật LASIK được coi là lựa chọn tốt nhất hiện nay cho bệnh nhân có tật khúc xạ.

Sự ra đời của phẫu thuật tạo hình củng mạc điều trị cận thị tiến triển.

Tuy nhiên, với những bệnh nhân có tật khúc xạ không ổn định do trục nhãn cầu bị kéo dài, phương pháp LASIK không đáp ứng được yêu cầu về cơ chế bệnh sinh. Đó phải là một cách nào đó để làm cho trục nhãn cầu không tiếp tục kéo dài. Tại Viện Mắt Fyodorov, phương pháp tạo hình củng mạc điều trị cận thị tiệm tiến (tăng dần) đã được ứng dụng thành công và hiện nay đang được sử dụng rộng rãi, đem lại chức năng thị giác tốt cho nhiều bệnh nhân có nhu cầu. Phương pháp này có mục tiêu làm gia cố vỏ nhãn cầu ở những nơi bị yếu. Chỉ định của phẫu thuật này là những bệnh nhân bị cận thị từ 3D trở lên và tăng dần hàng năm. Trong một số trường hợp khác, la-de excimer có thể được chỉ định cùng với phẫu thuật giác mạc hoặc thể thuỷ tinh. Đây là chỉ định phẫu thuật đối với phương pháp tạo hình củng mạc đồng thời cũng là chống chỉ định đối với phương pháp phẫu thuật LASIK. Có thể nói, đây là giải pháp hợp lý nhất đối với những bệnh nhân bị cận thị tiệm tiến. Chỉ những bác sỹ nhãn khoa mới là những người xác định phẫu thuật cho từng trường hợp cụ thể sau khi đã thực hiện những khám nghiệm cần thiết như siêu âm A-B, đo khúc xạ giác mạc, khúc xạ tổng hợp của cả nhãn cầu cũng như tình trạng các môi trường trong suốt của mắt, đặc biệt là buồng dịch kính. Sau khi đã được mổ bằng phương pháp tạo hình củng mạc, có thể còn một độ cận thị tồn dư nhất định. Khi đó phẫu thuật LASIK được sử dụng để hoàn thiện khúc xạ, đưa con mắt về trạng thái chính thị.

Với việc triển khai phẫu thuật tạo hình củng mạc điều trị cận thị tiệm tiến tại Bệnh Viện Mắt Quốc Tế Việt - Nga, những bệnh nhân Việt Nam sẽ có thêm một cơ hội được chữa bệnh bằng phương pháp phẫu thuật tiên tiến, theo cơ chế bệnh sinh để có được kết quả tốt đẹp mong muốn.

"

(Theo Website Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt - Nga www.matvietnga.com )