Sử dụng dầu ăn thế nào để không gây ung thư?

Chẳng là hôm nay em đọc báo thấy nói dầu ăn có thể gây ung thư nếu không sử dụng đúng cách.

Xin hỏi các mẹ nên sử dụng dầu ăn thế nào để không gây ung thư và nên chọn dầu ăn của hãng nào thì chất lượng ạ?

Lê Bảo Mai
Lê Bảo Mai
Trả lời 8 năm trước

Để sử dụng sản phẩm đúng cách, nên sử dụng cùng lúc hai loại dầu ăn, đồng thời không nên chiên dầu ở nhiệt độ cao quá...


Nên có hai loại dầu ăn trong bếp


Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mỗi gia đình nên có sẵn 2 loại dầu ăn. Một loại dùng để xào, trộn dầu dấm, salat, nấu canh, ướp thịt cá...; loại còn lại dùng cho các món chiên, rán. Các loại dầu như hướng dương, đậu nành, hạt cải, ô-liu… nên dùng để xào, ăn sống, ướp thực phẩm, giúp người sử dụng hấp thu tốt các vitamin A, D, E, K có sẵn trong thực phẩm, bổ sung các acid béo thiết yếu và tăng vị ngon cho thức ăn. Các loại dầu cooking (hỗn hợp) sẽ thích hợp cho việc chiên rán vì có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong quá trình nấu nướng.


Không nên dùng dầu ở nhiệt độ cao


Nhiệt độ cao không những phá huỷ thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra peroxide và các chất gây hại cho sức khỏe. Khi nhiệt độ vượt quá “điểm bốc khói” của dầu ăn, dầu sẽ bị cháy, bốc khói và có mùi khét. Vì vậy, tốt nhất là sử dụng nhiệt độ vừa phải khi nấu nướng, đặc biệt là khi chiên rán, để thực phẩm chín sâu và dầu không bị cháy. Nếu bạn có thói quen xào nấu thực phẩm khi thấy dầu sôi, bốc khói thì nên đổi cách làm đúng là để cho chảo thật nóng, sau đó mới cho dầu vào, tiếp đến cho luôn cả thực phẩm cần nấu.

Không sử dụng dầu chiên lại nhiều lần


Dầu ăn đã đun nấu qua một lần, tốt nhất nên đổ đi, không sử dụng lại, bởi khi dầu ăn bị đun nóng nhiều lần, các vitamin và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, sẽ xuất hiện một số chất gây hại cho sức khỏe và có thêm cả những cặn thực phẩm sau quá trình đun nấu mà mắt thường không nhìn thấy. Nếu thường xuyên sử dụng, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, dầu ăn sử dụng lại cũng dễ bị oxy hóa dẫn đến sự thay đổi bất lợi về mùi vị và màu sắc của món ăn. Thực phẩm khi chiên với dầu mới sẽ cho màu tươi, thơm ngon, còn với dầu sử dụng lại nhiều lần sẽ có màu vàng sậm, không hấp dẫn và không an toàn cho sức khỏe.


Dầu ăn bị đông không hại cho sức khỏe


Dầu ăn bị đông khi nhiệt độ xuống thấp là một hiện tượng vật lý bình thường, có cơ chế tương tự như hiện tượng nước đông thành nước đá, không có biến đổi hóa học nào ảnh hưởng đến chất lượng của dầu nên không gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, không thể lấy độ đông của dầu ăn để đánh giá chất lượng của sản phẩm. Để tránh hiện tượng dầu đông, nên bảo quản dầu ăn ở nhiệt độ 25 độ C. Khi dầu bị đông, chỉ cần ngâm chai dầu vào nước ấm, dầu sẽ quay lại trạng thái lỏng và có thể sử dụng như bình thường.


Người già nên sử dụng các loại dầu ăn chứa omega 3, 6, 9


Càng lớn tuổi, nhu cầu về chất béo và đặc biệt là mỡ động vật càng giảm vì cholesterol và acid béo có trong mỡ động vật sẽ góp phần làm gia tăng lượng cholesterol trong máu, dẫn tới tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chuyển hóa. Khi đó, cần giảm tỷ lệ mỡ động vật trong khẩu phần và đặc biệt chú trọng sử dụng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu oliu… để bảo vệ sức khỏe. Đây là những loại dầu chứa nhiều hàm lượng omega 3, 6, 9 có hoạt tính sinh học cao, đóng vai trò chuyển hóa cholesterol xấu trong máu giúp phòng ngừa được các bệnh tim mạch và cao huyết áp.


Dùng xen kẽ các loại dầu ăn cho trẻ nhỏ


Trẻ càng nhỏ, nhu cầu về chất béo càng cao, có thể lên tới 40% tổng năng lượng khẩu phần để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển rất nhanh chóng trong những năm đầu đời. Trong giai đoạn này, cần cung cấp đầy đủ và đa dạng chất béo cho trẻ từ cả hai nguồn động, thực vật, đặc biệt là DHA, omega 3 có nhiều trong dầu cá hồi và một số loại dầu thực vật. Vì vậy, nên dùng xen kẽ các loại dầu ăn để cung cấp đa dạng dưỡng chất cho trẻ. Một cách khác hiệu quả và tiện dụng hơn là sử dụng dầu ăn công thức đặc chế cho trẻ em với thành phần đã bao gồm dầu cá hồi và một số loại dầu thực vật như dầu gạo, mè, hạt cải…


Bảo quản dầu ăn đúng cách


Người dùng nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, cách xa nguồn nhiệt và ánh sáng. Ngoài ra, có thể trữ dầu ăn vào lọ sành, chai thủy tinh sạch, khô ráo, nắp kín. Nếu có nước trong lọ, nước bên ngoài lọt vào, hoặc vi khuẩn cùng không khí thâm nhập vào sẽ làm dầu ăn chóng hỏng. Không nên bảo quản dầu ăn trong lọ bằng kim loại vì chúng thường làm cho dầu bị hỏng.


Đỗ Ngọc Diệp
Đỗ Ngọc Diệp
Trả lời 8 năm trước

Thông thường, dầu ăn được dùng dưới 2 hình thức hoặc là xào và ướp thực phẩm hoặc dùng để chiên rán. Với mỗi hình thức chế biến sử dụng các loại dầu ăn khác nhau như sau:

– Đối với dùng để xào và ướp thực phẩm thường dùng dầu vừng, dầu oliu, dầu gấc, đậu nành,… có thể hấp thụ nhanh vào cơ thể và làm tăng việc hấp thụ cho các chất dinh dưỡng như vitamin A, D, E, K của thực phẩm vào cơ thể.

– Dầu dùng để rán thường là dầu thực vật từ nhiều nguyên liệu tự nhiên khác nhau. Đối với khi dùng dầu ăn dạng này thường chế biến lâu trên ngọn lửa nên dễ gây ra bệnh ung thư.

Thông thường, các bà nội trợ thường dùng dầu ăn để chiên rán ở nhiệt độ cao để giúp thực phẩm giòn, chín và đều màu đẹp mắt. Sau đó khi dầu ăn rán thừa thì chắt lọc lại để sử dụng cho những lần tiếp theo. Đây chính là những thói quen không tốt làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Bạn có biết khi dầu ăn đã qua chế biến 1 lần, đặc biệt dưới lượng lửa lớn thì các chất dinh dưỡng, nhất là các loại vitamin A, E,…đã bị phá hủy khi bạn tái sử dụng 1 lần nữa sẽ biến chúng thành chất độc như aldehyde, fatty acid oxide gây khó tiêu, nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng cao… Nếu thường xuyên sử dụng dầu ăn theo thói quen này có làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vì khi đó các chất đã chuyển thành độc tố sẽ kích thích làm tăng chất số lượng tế bào ác tính, hình thành khối u gây ung thư.

Cách dùng dầu ăn đúng cách để không bị ung thư

Sử dụng dầu ăn không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư mà hầu hết mọi người đều đang mắc phải. Do vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên sử dụng dầu ăn đúng cách trong chế biến món ăn hàng ngày như sau:

– Không nên chiên dầu ăn ở nhiệt độ quá cao sẽ khiến các chất trong dầu bị biến chất trở thành độc tố. Nên để nhỏ lửa khi chiên để thực phẩm chín sâu và không bị cháy.

– Không sử dụng dầu ăn chiên rán, nấu lại nhiều lần. Bạn chỉ nên dùng dầu ăn trong một lần, cần căn đủ lượng dầu cần dùng vừa đủ với nguyên liệu cho mỗi lần sử dụng để không bị thừa và không nên chắc lọc lại dầu thừa để chế biến lần sau.

– Không để lửa quá to khiến xoong, nồi, chảo bị cháy khét kết hợp với dầu ăn sẽ sản sinh ra chất độc.

– Một điều quan trọng khác là việc lựa chọn dầu ăn đảm bảo chất lượng cũng rất quan trọng. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dầu ăn đang được bày bán và tiêu thụ. Bạn nên chọn loại dầu ăn có thương hiệu và phân phối bởi các địa chỉ có uy tín để tránh mua phải đồ kém chất lượng.

Lê Thảo Anh
Lê Thảo Anh
Trả lời 8 năm trước

- Dầu tốt: Dầu cải, dầu ô liu, trà là được coi là những loại dầu ăn có lợi cho sức khỏe nhất.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dầu cải là loại lành mạnh nhất vì nó giàu chất béo omega-3. Đồng thời, loại dầu này có nồng độ chất béo bão hòa ở mức thấp nhất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dầu cải có khả năng làm giảm đáng kể lượng cholessterol xấu trong cơ thể.

- Loại vừa: Dầu hướng dương, dầu ngô và dầu đậu nành. Loại dầu ăn nói trên giàu chất béo omega-6 nhưng rất hạn chế lượng omega-3.

- Nên hạn chế sử dụng: Dầu động vật, dầu thực vật được hydro hóa. Những loại này chứa hàm lượng lớn chất béo bão hòa, có khả năng cản trở các mạch máu lưu thông bình thường.

Bạn cũng nên nhớ, sử dụng dầu ăn cần hết sức hạn chế và không được dùng quá nhiều. Lượng dầu ăn tối đa 1 người lớn sử dụng mỗi ngày chỉ nên dao động xung quanh mức 25-30g.

Đặc biệt chú ý khi dầu sôi. Lúc này dầu bắt đầu khói. Nếu để sôi quá độ, chất béo lành mạnh có thể chuyển hóa thành chất khác gây hại cho cơ thể.

Bùi Trâm Anh
Bùi Trâm Anh
Trả lời 8 năm trước

1. Dầu tảo

Cách sử dụng tốt nhất: Có mùi nhẹ, dễ chịu và điểm bốc khói rất cao, cho nên rất hữu hiệu trong việc làm tăng hương vị của món ăn, làm các món áp chảo, chiên rán và làm món salad trộn.

Ưu và nhược điểm: Dầu tảo có rất nhiều chất béo không bão hòa đơn tốt cho sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên, nó không phổ biến.

Nhưng dự đoán trong tương lai gần dầu tảo sẽ được bán rộng rãi trong các cửa hàng.

Dầu quả hạnh

Không nên đun dầu quả hạnh (đặc biệt là loại ép lạnh) ở nhiệt độ cao. Nên thêm vào thức ăn ngay trước khi dọn ra. Dầu hạnh có thể làm món salad trộn, bánh nướng.

Dầu quả hạnh có nhiều vitamin E chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch.

Dầu bơ

Với điểm bốc khói cao, dầu bơ dùng để chiên rán và áp chảo rất tốt, làm món salad trộn cũng ngon.

Cạnh đó dầu bơ còn có tác dụng cải thiện huyết áp.

Dầu hạt cải

Hương vị trung tính, điểm bốc khói trung bình, dầu hạt cải dùng để áp chảo, xào và làm món nướng.

Dầu hạt cải là loại dầu giàu axit alpha-linolenic (một loại chất béo omega 3) nhất, cần thiết cho chế độ ăn kiêng vì cơ thể bạn không thể tạo ra được, tốt cho tim và giảm cholesterol. Nên chọn loại có dán nhãn "certified organic".

Dầu dừa

Dầu dừa tốt nhất là để làm các món nướng bằng lò và dùng thay thế bơ khi làm bánh.

Giúp cải thiện cholesterol tốt trong cơ thể. Tuy nhiên, dầu dừa có lượng chất béo bão hòa cao làm tăng nguy cơ bệnh tim, do đó nên sử dụng hạn chế.

Dầu hạt lanh

Không nên đun nóng. Dùng tốt nhất trong các món salad trộn hoặc rưới lên các loại rau đã nấu chín để tăng hương vị.

Dầu lanh giàu omega-3, giảm huyết áp và tốt cho tim. Tuy nhiên, nó rất nhanh trở mùi, nên bạn hãy bỏ vào tủ lạnh và sử dụng trong vòng ít tháng sau khi mở nắp.

Dầu oliu

Sử dụng tốt cho các món áp chảo, salad trộn, mỳ ống, rưới lên món canh hoặc ăn với bánh mỳ.

Dầu oliu giàu polyphenols, một chất chống oxy hóa, chống viêm. Ngoài ra, nó có các chất béo không bão hòa đơn tốt cho tim.

Tốt nhất nên mua loại có dán nhãn “extra virgin” – loại này không nên dùng ở nhiệt độ cao và cũng hơi đắt tiền.

Phạm Hoài Bảo An
Phạm Hoài Bảo An
Trả lời 8 năm trước

Nhà mình toàn mua dầu Olive của Nga để làm món trộn và mua dầu hạt cải của Ajinomoto hàng nội địa Nhật để xào nấu. Nói chung là dùng gì bỏ vào miệng đều phải cẩn thận.