Các mẹ ơi, tình hình là em vừa hay tin lực lượng chức năng đã kiểm tra thực phẩm tại các chợ và phát hiện nhiều tiểu thương bán hải sản có ngâm formol, hàn the.
Cụ thể, trong hơn 300 mẫu thực phẩm tại các chợ và cơ sở kinh doanh ăn uống, đoàn liên ngành phát hiện có 100 mẫu thử dương tính với hàn the và formol là những chất cấm sử dụng trong thực phẩm.
Các sản phẩm kiểm tra chủ yếu là mực, bạch tuộc, ốc, cá, hải sản khô…Nhà em rất thích ăn hải sản các mẹ ạ. Lại sắp mùa bóng nữa.
Hải sản chứa "chất ướp xác", hàn the nguy hiểm cỡ nào? Làm sao để tránh mua phải ạ?
Theo mình biết thì Formol là dung dịch bão hoà của formaldehyde trong nước. Formaldehyde là loại hoá chất với mùi cay hăng rất đặc trưng được sử dụng tương đối rộng rãi trong công nghiệp.
Formaldehyde có thể hình thành từ những hoạt động của con người (đốt rác, khói thuốc lá,....). Formaldehyde có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, cơ chế diệt khuẩn giống như các tác nhân diệt khuẩn khác nghĩa là "giết" các mô tế bào.
Ở dạng thông thường formol chứa 37% formaldehyde tính theo khối lượng, 6-13% methanol phần còn lại là nước. Formol được sử dụng trong công nghiệp dệt, nhựa, chất dẻo (chiếm tới một nửa tổng số formaldehyde tiêu thụ), giấy, sơn, xây dựng, ...và trong y tế.
Khí formaldehyde có thể gây bỏng mũi, bỏng mắt, hệ hô hấp, gây hắt hơi, đau cổ, co thanh quản, viêm phế quản và viêm phổi. Formaldehyde cũng có thể gây viêm da hoặc dị ứng da.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, con người bị nguy hiểm nhất khi tiếp xúc với formol qua đường hô hấp. Năm 2004, formaldehyde được Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về ung thư chuyển từ nhóm 2A (nhóm chất có khả năng gây ung thư) sang nhóm 1 (nhóm chất gây ung thư).
Chúng ta đều biết số người bị mắc và chết vì ung thư hàng năm tăng lên nhanh chóng và nguyên nhân lớn là do thực phẩm. Theo TS Nguyễn Bá Đức - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Trung ương: Mỗi năm, Việt Nam có thêm 150.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó khoảng 50.000 người mắc bệnh do ăn uống phải thực phẩm bị ô nhiễm và tất nhiên không thể loại trừ formol trong thực phẩm.
Nếu bị nhiễm formaldehyde nặng thông qua đường hô hấp hay đường tiêu hoá các hiện tượng sau đây có thể xảy ra: Viêm loét, hoại tử tế bào, các biểu hiện nôn mửa ra máu, đi ỉa chảy hoặc đái ra máu và có thể gây tử vong trong vài phút do trụy tim mạch, với các triệu chứng khác kèm theo như đau bụng, ói mửa, tím tái.
Báo Tuổi trẻ thông tin, formol là một chất độc nguy hiểm, làm cho thực phẩm khó ôi thiu nhưng lại rất khó tiêu hóa khi vào cơ thể, gây hiện tượng đầy bụng, no giả tạo. Trong cơ thể, formol kết hợp với các nhóm amin hình thành các dẫn xuất bền vững với các men phân hủy protein làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nhiều thực nghiệm trên động vật đã chứng tỏ khi tiếp xúc lâu dài và liên tục formol có khả năng gây ung thư đường hô hấp (mũi, họng...).
Về vệ sinh an toàn thực phẩm, do tác hại lâu dài của formol và để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhiều nước trên thế giới đã nghiêm cấm việc dùng formol để làm chất bảo quản thực phẩm và đồ uống, kể cả thức ăn chăn nuôi gia súc ăn thịt. Người ta chỉ cho phép bảo quản các chất không để ăn uống nhưng cũng qui định rất nghiêm ngặt về giới hạn cho phép, và phải bảo đảm an toàn 100% cho môi trường sinh hoạt của con người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) đã qui định về danh sách các chất độc hại đối với thực phẩm của con người sử dụng và nghiêm cấm dùng các hóa chất đó để bảo quản thực phẩm - trong đó có formol thuộc nhóm độc hại C1, không an toàn nếu cho vào thực phẩm, nước chấm và đồ uống.
Tại nước ta, danh mục tiêu chuẩn vệ sinh lương thực, thực phẩm ban hành theo QĐ 867/1998 của Bộ Y tế cho phép 230 chất phụ gia được dùng cho thực phẩm, trong đó có 18 chất được sử dụng để bảo quản thực phẩm thì formol là chất bảo quản không ghi vào danh mục được phép sử dụng tại VN. Vì vậy khi kiểm tra phát hiện có chứa formol thì phải hủy sản phẩm và xử lý theo qui định.