Sách “Bản thảo cương mục” của danh y Lý Thời Trân viết về tác dụng của nhân sâm như sau: Nhân sâm, vị ngọt hơi đắng, tính ôn, tác động vào các kinh tỳ, phế. Có tác dụng bồi bổ, tăng cường sức khỏe, bổ khí, bổ phế, kiện tỳ.
Y học hiện đại cho rằng nhân sâm có tác dụng bồi bổ ngũ tạng, chống mệt mỏi, tăng cường chức năng miễn dịch và thúc đẩy hoạt động trao đổi chất của cơ thể, nếu dùng lâu dài có tác dụng tăng cường thể lực, kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, kết hợp kinh nghiệm y học cổ truyền và y học hiện đại, các bác sỹ Đông y Trung Quốc lưu ý rằng có 7 dạng người không nên dùng nhân sâm:
1. Người khỏe mạnh
Người có sức khỏe tốt, cơ thể khỏe mạnh nên lấy chế độ ăn uống và rèn luyện thân thể hợp lý làm phương thuốc tăng cường thể lực. Nếu dùng nhân sâm với liều lượng lớn không những không có ích lợi cho sức khỏe, gây lãng phí mà gây tác động xấu đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, thậm chí còn là nguyên nhân gây bệnh, với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc thanh niên, ở lứa tuổi này khí huyết dồi dào lại càng không nên lạm dụng dùng nhân sâm.
2. Người lưỡi có sắc tím, tối màu
Đông y cho rằng, lưỡi có sắc tím, tối màu là biểu hiện của chứng khí huyết trệ, nếu uống nhân sâm sẽ làm khí huyết càng ứ trệ thêm, dễ làm phát sinh triệu chứng như đau mỏi cơ thể, bồn chồn lo lắng, nóng gan bàn chân, bàn tay.
3. Người có sắc mặt hồng hào
Các biểu hiện lâm sàng cho thấy người có sắc mặt hồng hào thường có cảm xúc hưng phấn, huyết áp thường cao hơn bình thường, khi dùng nhân sâm sẽ làm tăng huyết áp, xuất hiện triệu chứng chóng mặt, nhức đầu mất ngủ.
4. Người có rêu lưỡi màu vàng và dày
Người bình thường rêu lưỡi thường trắng, mỏng, ẩm ướt, rêu lưỡi vàng là biểu hiện của chứng viêm ở đường tiêu hóa, tiêu hóa kém. Người có triệu chứng này nếu dùng nhân sâm sẽ gây kém ăn, bụng căng trướng, táo bón.
5. Người có phần bụng to béo, thừa mỡ
Những người này khi dùng nhân sâm, sẽ tạo lên cảm giác thèm ăn, trọng lượng cơ thể tăng nhanh, thân thể có cảm giác nặng nề, phản xạ chậm, có cảm giác đầu nặng, chân tay nhẹ bỗng.
6. Người đang bị sốt nóng
Trước hết cần xác định rõ nguyên nhân gây sốt, không nên vì cảm thấy cơ thể mệt mỏi mà vội vã tẩm bổ, với người bị sốt nóng do cảm cúm, bị viêm nhiễm nếu dùng nhân sâm bồi bổ thì không khác gì lửa cháy đổ thêm dầu, bệnh tình sẽ càng nặng thêm.
7. Người bị đau tức ngực, trướng bụng
Những người bệnh có triệu chứng này khi dùng nhân sâm cảm giác tức ngực, trướng bụng sẽ càng nặng. Với người đang bị lên nhọt, đau họng sau khi dùng nhân sâm sẽ khiến chứng viêm càng nặng, nếu không được chữa trị kịp thời hậu quả thường nghiêm trọng.
Trong y học cổ truyền, nhân sâm là một vị thuốc quý, có công dụng đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, sinh tân an thần và giúp tăng trí nhớ. Vị thuốc này có thể dùng dưới nhiều dạng khác nhau, trong đó có hình thức ngâm rượu uống.
Rượu ngâm mỗi vị nhân sâm được gọi là "độc sâm tửu". Theo dinh dưỡng học cổ truyền, rượu tính nóng, vị ngọt đắng cay, có công dụng tán hàn khí, thông huyết mạch và dẫn các vị thuốc, vì vậy nhân sâm khi đem ngâm rượu thì công lực trở nên nhanh và mạnh hơn nhiều.
Nhìn chung, trừ trẻ em, mọi người đều có thể dùng rượu nhân sâm (tất nhiên phải là người biết uống rượu) nhằm ngăn ngừa bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Nhưng “độc sâm tửu” đặc biệt tốt cho những người có thể chất yếu ớt, huyết áp thấp, bị suy nhược cơ thể sau khi ốm dậy, sau cuộc phẫu thuật, người cao tuổi, người mắc các chứng bệnh thuộc thể khí hư biểu hiện bằng các triệu chứng như cơ thể yếu nhược, da mặt nhợt nhạt, tay chân lạnh, dễ vã mồ hôi vô cớ, khó thở, huyết áp thường thấp, đầu choáng mắt hoa, chán ăn, miệng nhạt... Rượu nhân sâm còn dùng để cấp cứu trong những trường hợp choáng, tụt huyết áp do mất máu, mất dịch hoặc mắc các bệnh lý truyền nhiễm cấp tính. Những người bị hoặc có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, những người có thể chất viêm nhiệt thì không được dùng loại rượu này. “Độc sâm tửu” nên uống vào ban ngày, không nên uống vào chiều tối vì dễ gây hưng phấn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
ThS. HOÀNG KHÁNH TOÀN
Theo Thanh Niên
quatangsuckhoe.com.vn