Cho em hỏi về định dạng ảnh RAW?

Em thấy nhiều người nói về RAW và lấy đây là tiêu chí khá quan trọng để chọn máy ảnh ? Vậy định dạng RAW có ưu điểm gì ạ ? mong mọi người chỉ giúp ạ ?
Con Nan
Con Nan
Trả lời 15 năm trước
Việc máy ảnh số bán chuyên gần đây chuyển sang hỗ trợ định dạng RAW vốn chỉ có trong các dòng máy chuyên nghiệp khiến nhiều dân chơi ảnh vô cùng hoan hỷ vì nhờ đó, họ có thể can thiệp thẳng vào quá trình xử lý hình ảnh thay vì để mặc cho máy ảnh tự quyết định. Định dạng nén ảnh rất thông dụng nhất hiện nay JPEG bởi lẽ nó có thể nén dữ liệu 10 tới 20 lần so với file ảnh gốc mà vẫn khó phát hiện bằng mắt thường. Một máy ảnh 3 triệu điểm ảnh có file tới 9 MB nhưng nếu lưu dưới dạng JPEG chỉ có 900 KB, một tỷ lệ rất ấn tượng. Do mắt thường của chúng ta nhạy cảm so với chi tiết của ảnh hơn là màu sắc nên JPEG dùng giải thuật nén màu trong khi vẫn giữ nguyên độ chi tiết (ví dụ nén màu xanh của nền trời). Đối với chi tiết, JPEG lại phân bố thành chi tiết tinh xảo và chi tiết khối, rồi ưu tiên nén chi tiết tinh xảo nhiều hơn bởi lẽ mắt thường dễ nhìn thấy chi tiết khối hơn (ví dụ viền vỏ ngoài ôtô so với ngoại cảnh sẽ được nét ít hơn chi tiết của từng con số trên bảng số xe). Bằng giải thuật nén này, một bức ảnh lớn có thể nén lại rất nhỏ, phù hợp cho việc chia sẻ file, làm web, gửi e-mail trong khi vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh so với ảnh gốc với mức độ rất khó nhận thấy sự khác biệt nếu không tiến hành kiểm tra cẩn thận. Tuy nhiên đây dù sao vẫn là định dạng nén, do đó chắc chắn dữ liệu dù ít hay nhiều đã bị mất đi, ảnh không còn nguyên gốc ban đầu nữa. Kể cả khi không nén một chút nào, việc mã hóa màu từ 12 bit không nén (RAW) sang dạng 8 bit màu của JPEG cũng đã làm mất dữ liệu rồi (dải màu liên tục bị giảm đi). Mặt khác, khi file JPEG lại tiếp tục được xử lý bằng các phần mềm xử lý ảnh như PhotoShop hay Corel Photo Paint thì dữ liệu nén này sẽ càng dễ mất hơn và nhìn thấy rõ hơn. TIFF là định dạng đồ họa chuẩn được hỗ trợ bởi hầu hết các chương trình đồ họa. Được Aldus phát triển nhưng nay đã thuộc về Adobe sau khi bị mua lại, TIFF là định dạng không nén, mọi thông tin về bức ảnh hầu như được giữ nguyên, vì thế nó được dùng chủ yếu cho các ứng dụng in ấn. Nhưng đổi lại, file TIFF có kích thước rất lớn, vì thế không kinh tế trong việc lưu trữ vào card nhớ máy ảnh cũng như chia sẻ file và xuất bản web. Hơn nữa, TIFF trong máy ảnh số vẫn là định dạng “hậu xử lý”, tức là các thông số độ sáng, sắc nét, màu sắc... đã được chip xử lý hình ảnh điều chỉnh rồi mới ghi lại thành TIFF. Chính vì thế có thể coi JPEG như chàng phóng viên hào hoa với vốn kiến thức rộng rãi, tiếp cận được bất kỳ lĩnh vực nào nhưng lại không chuyên sâu bởi các kiến thức chuyên môn đã bị “giản lược” bớt để lấy không gian bộ nhớ. Trong khi đó, TIFF là một học giả kiến thức đầy mình nhưng vẫn bị e ngại tiếp chuyện bởi sẽ đụng vào một mớ những kiến thức quá sâu không hiểu được hết. Chi phí cho vị học giả này cũng quá tốn kém nếu không thực sự cần học hỏi và cũng khó có thể thay đổi quan điểm của vị học giả này do mớ kiến thức đã được ghi sẵn trong đầu. *RAW - định dạng ảnh số tương lai RAW, đúng như nghĩa “thô ráp” của nó, như chàng Tarzan hoang dã đầu óc còn như một tờ giấy trắng chưa bị bôi màu. Tức là bạn có thể "đào tạo" anh ta trở thành một tay phóng viên hào hoa hay một ông học giả. RAW là định dạng mà bản thân chip cảm quang thu nhận bước đầu (giống như quá trình phơi sáng của phim âm bản). Vì thế RAW còn gọi là định dạng “tiền xử lý”, hoàn toàn là những thông tin từ các pixel thu nhận và được số hóa chưa hề qua hiệu chỉnh. Quá trình xử lý ảnh của chip cảm quang diễn ra như sau: - Khi bấm máy, chip cảm quang thu nhận các thông tin ánh sáng từ các điểm ảnh, chuyển đổi các thông tin này sang dạng kỹ thuật số và lưu giữ riêng để xử lý về sau. Những thông tin ban đầu về bức ảnh được lưu giữ riêng và gần như chưa được xử lý này được gọi là dạng “nguyên thủy” của file ảnh, hay định dạng RAW. - Nếu trước khi chụp ảnh bạn đã chỉnh cân bằng trắng, độ nét, độ tương phản, độ bão hòa màu, các hiệu ứng ảnh… trên máy ảnh, các tác động này bây giờ mới được chip xử lý hình ảnh áp dụng lên thông tin RAW này. - Nếu bạn đặt trước chế độ nén ảnh (Super Fine, Fine hay Normal chẳng hạn), các điều chỉnh này cũng sẽ được chip xử lý ghi lên thông tin RAW. Kết quả là thông tin RAW qua một loạt các quá trình xử lý hình ảnh sẽ được ghi ra card nhớ dưới dạng JPEG hoặc TIFF tùy bạn chọn lúc đầu. Như vậy, file ảnh RAW là tất cả những thông tin ban đầu của ảnh khi chưa áp dụng những hiệu chỉnh trên máy ảnh. Nếu máy có khả năng hỗ trợ lưu file dưới định dạng RAW, bức ảnh bạn chụp sẽ được xuất ra trên máy tính y như lúc nó được bắt bởi chip cảm quang. Thế mạnh lớn nhất của định dạng RAW lúc này là thay vì ảnh được chỉnh sửa bởi bộ xử lý hình ảnh trong máy ảnh, thì nay sẽ được bạn chỉnh sửa những sai sót nếu chẳng may trong quá trình chụp ảnh đó bạn đã mắc phải bởi những phần mềm chuyên dụng và một bộ xử lý máy tính mạnh hơn nhiều. Bởi lẽ RAW là định dạng mà mỗi nhà sản xuất lại có thể có một kiểu mã hóa khác nhau (như Nikon gọi RAW bằng NEF chẳng hạn) nên tùy theo máy mà bạn phải dùng những phần mềm chuyên dụng, hoặc của chính hãng máy ảnh đó như ZoomBrowser của Canon hay Nikon Capture của Nikon, hoặc các phần mềm chuyên dụng từ hãng thứ ba khác có hỗ trợ định dạng RAW như Adobe Photoshop CS, Capture One DSLR... Khi file RAW đã được hiển thị, bạn có thể tự mình chỉnh các thông số của ảnh như cân bằng trắng, độ tương phản, sắc nét, hiệu ứng, thậm chí cả bù sáng ở một mức độ nào đó nếu chẳng may bạn để sai tốc độ và độ mở ống kính (do dải màu tiền xử lý RAW tới 12 bit mỗi màu, tức 4.096 cấp độ màu ở mỗi kênh màu RGB, rộng hơn JPEG với 8 bit, tức 256 cấp độ màu mỗi kênh)… như là bạn đặt chế độ trên máy ảnh vậy. Sau đó ảnh hiển thị sẽ thay đổi theo những gì bạn đã chỉnh sửa. Một điều cần lưu ý là bạn không thể chỉnh sửa bản thân file RAW. Phần mềm đọc file RAW chỉ hiển thị bức ảnh nguyên thủy. Những thay đổi mà bạn chỉnh sẽ được lưu lại như 1 bản copy. Do tính tiện dụng này, RAW rất hữu ích cho những tay chơi ảnh muốn tự mình can thiệp vào quá trình xử lý hình ảnh thay vì để mặc cho máy ảnh tự quyết định. Nhưng RAW cũng có những hạn chế riêng. Nếu bạn chụp ảnh bằng định dạng RAW, sẽ mất rất nhiều thời gian lưu ảnh ra card nhớ do file ảnh lớn, mặt khác tất cả các bức ảnh chụp với định dạng RAW đều cần phải được xử lý thì mới có thể in ấn hay chia sẻ được. Sẽ thật là một thảm họa nếu như bạn đã chụp tới cả trăm bức, mà giờ đây để dùng được nó bạn phải xử lý từng bức một. Vì thế kể cả những tay ảnh thích nghịch ngợm nhất, không phải ai cũng thích dùng định dạng RAW. Đối với một số máy ảnh có hỗ trợ việc chụp một ảnh hai định dạng, cả RAW và JPEG, công việc có vẻ như dễ dàng hơn vì nếu bức ảnh JPEG của bạn đã đạt yêu cầu, bạn không cần phải dùng đến file RAW nữa mà chỉ để như một file dự phòng. Nhưng việc chụp hai định dạng như vậy còn khiến thời gian ghi ra card nhớ còn lâu hơn, đặc biệt đối với những card tốc độ thấp. Vì vậy với những nhà báo mà chụp ảnh nhanh là yêu cầu số một, thì việc chụp ảnh JPEG ở độ phân giải cao nhất rồi chỉnh sửa chút ít trên file nén này còn hơn bỏ lỡ những phút giây quý giá chờ đợi quá trình ghi RAW. Dù gì đi chăng nữa, RAW vẫn là một định dạng thú vị giúp bạn tự mình tìm hiểu quá trình xử lý hình ảnh của máy ảnh, cũng như muốn tự mình tạo ra một bức ảnh của riêng mình. Nó cũng giúp bạn tự điều chỉnh những sai sót chẳng may mắc phải trong quá trình chụp ảnh (tất nhiên ở một mức độ nào đó) hay biến bức ảnh trông “thật” hơn, đặc biết đối với các tông màu da người hay tông trắng muốt chẳng hạn, nhất là với sự xuất hiện ngày càng nhiều các phần mềm hỗ trợ RAW đa dạng và tiện dụng hơn.