Con gái tôi được 13 tháng tuổi, cháu ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng khi ngủ thì rất khó khăn và thường ngủ không yên giấc, mặc dù khi cháu ngủ gia đình đã hết sức giữ yên lặng. Xin hỏi, tôi phải làm gì để cháu ngủ ngon giấc?
Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ, nếu trẻ không được ngủ đủ số giờ (theo độ tuổi) thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Con chị được 13 tháng tuổi, cháu cần ngủ từ 12-14 giờ/ngày. Ở trẻ em, khó đi vào giấc ngủ thường do 2 nguyên nhân: do thiếu kỷ luật từ cha mẹ, trẻ không ngủ đúng giờ, hay đòi thức chơi tới khuya và chỉ ngủ khi đã quá mệt; do thiếu dấu hiệu quen thuộc như không thấy vật mình thích (búp bê, gấu bông...) hay chưa được hát ru, đu đưa... Chị nên tìm nguyên nhân khiến cháu khó ngủ thì mới có biện pháp giải quyết hiệu quả. Tuy nhiên, chị cũng có thể tham khảo lời khuyên như tạo thói quen đi ngủ đúng giờ cho trẻ, có thể sau bữa ăn cuối cùng hoặc sau khi tắm để trẻ có thời gian chuẩn bị trước khi ngủ, không làm ồn vì sẽ làm cho trẻ dễ ngủ và hiểu được rằng đêm khác với ngày, để cháu ngủ nơi kín gió, nếu con chị sợ bóng tối thì nên để ngọn đèn ngủ có ánh sáng dịu nhẹ trong phòng.
Bé ngủ ngoan, không hay trở mình thức giấc giữa đêm, không quấy khóc là điều mà nhiều bậc phụ huynh mong muốn. Để được như vậy cần tạo cho trẻ thói quen ngủ ngay từ nhỏ là điều cần thiếu nhất.
Với trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ sơ sinh có chu kỳ ngủ không đều, và cần khoảng 6 tháng để bé ngủ đều. Trong khi trẻ sơ sinh ngủ trung bình 16-17 giờ/ngày, bé chỉ có thể ngủ 1-2 giờ/giấc. Khi trẻ lớn lên, thời gian ngủ giảm dần. Một bé 6 tháng tuổi thức giấc trong đêm là chuyện bình thường, nhưng bé chỉ thức vài phút rồi tự ngủ lại. Đây là vài gợi ý để giúp bé ngủ ngon hơn:
1/ Cố gắng giữ bầu khí yên lặng. Khi cho bé bú hoặc thay tả cho bé trong đêm, bạn hãy tránh kích thích hoặc đánh thức để bé có thể ngủ lại được dễ dàng.
2/ Đừng để bé ngủ ban ngày lâu quá. Nếu bé ngủ nhiều ban ngày, thì bé sẽ thức giấc ban đêm.
3/ Cứ để bé nằm trong nôi khi bé thức giấc. Bé học thư giãn và tự dỗ giấc ngủ. Nếu bạn tập thói quen bế bé hoặc đung đưa ru bé ngủ, thì bé cần đến bạn ru ngủ khi bé thức giấc trong đêm.
4/ Tránh cho bé ngủ với núm vú cao su. Núm vú này chỉ được dùng để thỏa mãn nhu cầu nút, chứ không phải để ngủ. Nếu trẻ bắt đầu buồn ngủ, thì nên nhẹ nhàng lấy núm vú ra.
5/ Bắt đầu trì hoãn phản ứng của bạn khi trẻ nổi cáu lúc 4-6 tháng tuổi. Hãy chờ vài phút trước khi can thiệp, vì trẻ có thể tự dỗ ngủ. Nếu trẻ tiếp tục khóc, thì bạn kiểm soát bé, nhưng nên tránh bật đèn, chơi đùa, bế lên hoặc đung đưa. Nếu trẻ tiếp tục khóc, hãy chờ vài phút nữa rồi xem bé lại. Có thể bé đói, tiểu tiêu, sốt hoặc khó chịu.
Với trẻ từ 1 đến 5 tuổi
Nhiều phụ huynh cảm thấy khó cho trẻ đi ngủ. Thường trẻ không chịu đi ngủ, đặc biệt nếu cha mẹ và anh chị còn thức. Tuy nhiên, chúng ta cần biết ở lứa tuổi này, trẻ cần ngủ 10-12 giờ/ngày. Nếu trẻ không ngủ đủ thời gian này, bạn cần đưa trẻ đến gặp một bác sĩ Nhi khoa.
1/ Trước khi ngủ, trẻ có một thời gian yên tĩnh. Bạn nên có thói quen đọc truyện, hát hoặc cho trẻ tắm nước ấm. Thói quen này sẽ giúp trẻ hiểu là sắp đến giờ ngủ. Cha mẹ có khuynh hương chơi với trẻ khi đi làm về nhà muộn. Tuy nhiên chơi tích cực trước giờ ngủ có thể làm trẻ kích thích và không ngủ được. Giới hạn xem truyền hình và trò chơi điện tử trước khi vào giường ngủ.
2/ Thiết lập giờ ngủ cố định để trẻ đi ngủ đúng giờ mỗi đêm.
3/ Mỗi đêm ,cho trẻ mang vào giường một vật trẻ thích như thú nhồi bông, đồ chơi hoặc một cái chăn. Những đồ vật này giúp trẻ ngủ nhanh-nhứt là khi trẻ thức giấc nửa đêm. Phải bảo đảm là đồ vật đó an toàn đối với trẻ.
4/ Bảo đảm trẻ thoải mái. Kiểm tra nhiệt độ trong phòng ngủ. Cho trẻ mặc quần áo rộng để trẻ dễ cử động. Có thể trẻ muốn uống nước trước khi ngủ, hoặc để đèn ngủ hoặc cửa phòng mở.
5/ Tránh đừng để trẻ ngủ chung với bạn nếu hoàn cảnh cho phép(theo văn hóa Việt Nam , cha mẹ để con ngủ chung một thời gian dài, nên khó có thể cho trẻ ngủ riêng khi trẻ lớn lên).
6/ Khi trẻ gọi bạn, hãy ứng xử như sau:
Chờ vài giây trước khi trả lời để giúp trẻ tự ngủ.
Trấn an trẻ là bạn vẫn ở gần trẻ. Nếu cần vào phòng trẻ, thì đừng kích thích trẻ hoặc ở lâu trong phòng.
Đứng xa giường trẻ khi bạn trấn an và dần dần chỉ đứng trước cửa mà không vào phòng trẻ.
Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào về thể chất, tình cảm và nhận thức. Hầu hết hành vi ngủ của trẻ là do tập luyện, nên cha mẹ chính là người thầy tốt nhất cho bé, giúp bé định hình các thói quen ngủ hợp lý.