Bình phong có giá trị là một vật phẩm phong thủy

Trong việc bày trí, trang trí bình phong thì vấn đề chức năng luôn đi cùng thẩm mỹ. Dù đơn giản chỉ là những bức nội án với giá bình dân, ai cũng sẽ chọn một bức phù hợp với mắt nhìn, sở thích của người sử dụng.

Song, việc bày đặt cho đẹp cần có sự kết hợp tốt từ màu sắc, hình dáng của bức nội án với đồ vật xung quanh, tâm lý người sử dụng như: quan niệm tinh thần, ý thích cá nhân, xu thế thời đại, tiện dụng... nhằm tạo nên sự thoải mái hòa nhập trong không gian chung.

Trong nghệ thuật trang trí nội án truyền thống, có những quy định về nội dung và màu sắc trang trí theo tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, không chỉ bình phong mà các đồ vật của vua chúa luôn lộng lẫy, cầu kỳ, được sử dụng vật liệu quí để chế tác, có những hình trang trí ẩn chứa nội dung mang tính uy quyền, biểu tượng... Đối với người lao động, màu sắc của sự dân dã, hình vẽ của những nghệ nhân dân gian luôn giản dị, chân thành, không màu mè lộng lẫy, mang những nội dung rõ ràng và đơn giản.

Ngày nay, những bức ngoại án của các gia đình chủ yếu trang trí hình rồng, cá chép hóa rồng, chữ phúc, thọ... bên cạnh những bức nội án có đề tài trang trí vô cùng phong phú, phong cách trang trí đa dạng và mạnh mẽ với những bố cục mảng lớn, đường nét và màu sắc dứt khoát, nhiều đường thẳng, đường cong gần như không có hình cụ thể, đôi khi là những mảng màu tương phản mạnh, một vài nét bâng quơ…

Vật dụng trong ứng xử văn hóa

Trong không gian tồn tại, bức bình phong tác động không nhỏ tới tâm lý con người, dẫn tới những ứng xử trong cuộc sống, với thiên nhiên và với con người. Trong ứng xử giữa con người với con người, bình phong, từ ngoại án tới nội án, được thể hiện một cách tế nhị, từ kích thước tới những hình trang trí, vừa mang ý nghĩa phong thủy, vừa mang hàm ý vô cùng tinh tế trong giao tiếp. Ngay từ những cảm nhận đầu tiên bình phong có thể đoán biết về thân thế gia chủ; khi bắt đầu qua đại môn (cổng chính) sau đó bình phong sẽ chỉ dẫn khách đường dẫn vào tiền sảnh; qua huyền quan có bức trấn phong hay thủ huyền quan trấn chỉ cho khách vào gian chính theo ứng xử tả nam, hữu nữ, đây là tập tục mà nhiều gia đình ở Huế nay vẫn còn giữ.

Một ngôi nhà theo phong cách truyền thống với lối sống kín đáo vốn có của người Á Đông, một bức nội án, trấn phong ngay sau huyền quan, đều mặc định cho người ra vào phải đi vòng qua hai bên bình phong, không đi thẳng vào chính giữa ngôi nhà. Điều này cũng đồng nghĩa tạo hướng cho người ra vào nhà và tránh những luồng gió lùa làm hại người trong nhà. Đây cũng là một kiểu tạo sự kín đáo trong sinh hoạt, chỉ người bên trong mới có thể thấy bên ngoài có người đến để đón tiếp, hoặc từ chối.

Hiện nay, tư duy của cuộc sống đương đại đã làm thay đổi diện mạo của bình phong theo nhiều xu hướng: truyền thống, phong cách Âu hóa hiện đại, cá tính độc đáo... Thực sự đây cũng là những dấu ấn của mỗi giai đoạn phát triển xã hội, cũng là quá trình phát triển của bức bình phong góp phần làm nên giá trị văn hóa, đồng thời tái hiện sự biến thiên của lịch sử, sự biến đổi quan niệm của con người ở từng thời kỳ lịch sử xã hội khác nhau.

Bình phong trong không gian nội ngoại thất biểu hiện trí tuệ sáng tạo và sự khéo léo tài hoa của con người. Qua thời gian, bình phong dần từ vật phẩm phong thủy trở thành vật phẩm văn hóa, đồ vật hữu dụng, tác phẩm nghệ thuật mang đầy đủ giá trị tinh thần và vật dụng.

Việc sử dụng sáng tạo và linh hoạt đã khiến bình phong ứng biến và hòa nhập với rất nhiều với đồ đạc trong những không gian sống khác nhau. Bình phong, với tư cách là một đồ vật, không chỉ đáp ứng tính công năng mà còn tô điểm môi trường sống - một yếu tố trong sáng tạo nghệ thuật mới. Dù quá trình mỹ thuật hóa bình phong luôn diễn ra những khuynh hướng khác nhau, mang đến sự đa dạng và thuận nghịch, nhưng đều nhằm mục tiêu hoàn thiện hơn đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Chưa có câu trả lời nào