Game được làm như thế nào?

quanjtl
quanjtl
Trả lời 16 năm trước
Giai đoạn tiền đề Như chúng ta đều biết mỗi game đều có một cốt truyện riêng, hay ít nhất là một nội dung cụ thể nào đó. Những ý tưởng xây dựng một câu chuyện thường phát sinh chính từ nhà thiết kế nhưng đại đa số chúng được phát triển dựa trên các thể loại giải trí khác, mà phim ảnh là ví dụ dễ thấy nhất. Ngoài ra, ý tưởng cũng có thề phát sinh từ những thể loại game đã có sẵn hoặc mô phỏng những sự kiện xảy ra trong thế giới thật. Một khi ý tưởng hay nội dung nào đó được quyết định, những tác giả (writers) và họa sĩ (artists) cùng nhau làm việc trên storyboard (bảng mô tả nội dung). Bảng mô tả nội dung sẽ bao gồm ảnh phác họa thô và những hướng dẫn kỹ thuật, nhằm mô tả bố cục các cảnh trong game. Bất kỳ một bộ phim nào cũng có thế trở thành ví dụ cụ thể cho các nhà sản xuất, thiết kế có cái nhìn tổng quát nhằm phát triển chính game của mình. Trong khi một bộ phim thường đưa ra một cốt truyện đơn lẻ thì game lại có thể đưa ra hàng nghìn câu truyện khác nhau, bởi vì game sẽ “mô phỏng” nhiều “màn chơi” cũng như những thế giới" khác nhau. Thiết kế nhân vật Khi bản mô tả hoàn tất cũng là lúc các nhà thiết kế bắt tay vào việc thiết kế các nhân vật trong game. Những bản phác họa thô ban đầu sẽ được vẽ đi vẽ lại nhiều lần cho đến khi thật hoàn hảo. Công đoạn này đòi hỏi các họa sĩ phải trau chuốt nhân vật thật kỹ lưỡng nếu không muốn phiền toái về sau. Một khi bản thiết kế nhân vật hoàn tất, chúng sẽ được chuyển vào môi trường 3D có thể xoay chuyển được. Theo như Steve Thompson - giám đốc mỹ thuật của Gas Powered Games, mỗi nhân vật sẽ “tiêu tốn” khoảng 5 ngày cho việc thiết kế cũng như lập trình. Các bảng phác họa được quét vào máy vi tính. Sau đó, bộ khung sườn mô tả nhân vật được máy tính ấn định những điểm cần thiết trong các chuyển động. Bộ khung sườn càng chi tiết bao nhiêu thì chuyển động của nhân vật càng “trơn” bấy nhiêu. Kế tiếp, các lớp khác sẽ được phủ lên như da, màu sắc và kết cấu. Hiện thực hoá chuyển động Tại thời điểm này, nhân vật vẫn còn đơn thuần là một con rối kỹ thuật số (digital marionette). Những nhà lập trình sẽ “thổi hồn” vào chúng để chúng có thể cử động theo ý muốn. Tùy theo loại game cũng như mong muốn của nhà sản xuất, sẽ có những kỹ thuật khác nhau được áp dụng. Chẳng hạn như một số game hành động, cử chỉ của nhân vật được chụp lại từ các thao tác của người thật: diễn viên mặc một bộ đặc biệt có gắn các thiết bị cảm ứng tương ứng với các điểm trên khung sườn của nhân vật, những cử chỉ này được áp lên khung sườn nhân vật, tạo thành các chuyển động siêu thực (ultra - realistic) trong game. Thế giới trong game Một trong những diện mạo quan trọng nhất của các game gần đây chính là môi trường thể hiện. Những yếu tố như phản xạ ánh sáng của kim loại, những đám mây đủ sắc thái bay lơ lửng trên trời... đôi khi không được game thủ chú ý nhưng chính chúng tạo nên những bố cục cần thiết cho game. Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt trong game lại có vai trò hướng “cuộc chơi” đi theo tuyến tính hay tạo thành mối liên kết nào đó. Chẳng hạn, khi nhân vật đạp phải cành cây gây tiếng động cũng thể hiện những nguy hiểm sắp đến… Với hệ thống máy tính gia đình phát triển ngày càng mạnh mẽ và liên tục, các nhà sản xuất game tha hồ đưa ra những môi trường ngày càng giống thật và có cấu trúc phức tạp hơn trước đây rất nhiều. Hẳn bạn dễ dàng nhận thấy “đẳng cấp” thể hiện môi trường tại thời điểm hiện tại vượt xa mức tưởng tượng của chúng ta nếu so sánh với thời điểm cách đây vài năm. Liệu bạn, một game thủ kỳ cựu, có đoán trước được điều gì đang chờ đón chúng ta trong nền công nghiệp game tương lai? Hầu hết các vật thể 3 chiều (3D) trong game được tạo thành bằng các đa giác. Hình dáng của mỗi đa giác hay mặt phẳng này sẽ được xác định bằng các cạnh và các đỉnh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là vẻ ngoài của các đa giác này như thế nào và thực hiện bằng cách nào. Cách thức thường dùng nhất được gọi là tạo bề mặt (texture mapping). Để dễ hình dung, bạn có thể xem “texture mapping” như gói một hộp quà. Mỗi mặt của chiếc hộp chính là một đa giác “trắng” và hình ảnh trên giấy gói quà chính là hình ảnh sẽ được áp lên bề mặt trắng này. Đa số các hệ console hiện đại cũng như máy tính sau này đều “tậu hẳn” 1 con chip chuyên dụng làm nhiệm vụ “nhớ” các hình ảnh dùng để phủ bề mặt này và áp chúng ngay vào các đa giác tương ứng ngay khi bạn đang chơi. Chắc bạn không "băn khoăn" về chuyện này cho lắm khi bạn có được những môi trường 3D gần như không tưởng và khả năng tương tác theo thời gian thực. Mã hoá Người chơi chắc chắn không thể thấy được các đoạn mã trong game nhưng chính chúng là “động cơ” thực sự để những tính năng của game hoạt động trơn tru. Mã chính là tập hợp những câu lệnh bằng ngôn ngữ máy tính điều khiển mọi chi tiết của một game. Đa số các game hiện nay đều được lập trình bằng những ngôn ngữ riêng nhưng tựu trung vẫn dựa trên nền tảng của ngôn ngữ lập trình C. Thường người ta dùng một engine cho game 3D để sinh phần mã cực kỳ phức tạp nhằm biểu thị các đa giác, đổ bóng và các bề mặt như chúng ta thấy trên màn hình. Một khía cạnh khác không kém phần quan trọng của mã chính là tạo ra trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence). Đây chính là phần tạo ra tính hợp lý cho game cũng như tính chất vật lý của thế giới trong game, phát hiện các tương tác cũng như va chạm giữa các vật thể và điều khiển mọi chuyển động trong game. Giai đoạn cuối Sau khi kết thúc những khâu trên, game được đưa vào giai đoạn hoàn tất, bao gồm: thử nghiệm trên diện rộng, đánh giá, quảng bá và phân phối. Thử nghiệm Công việc của các nhân viên thử nghiệm chính là chơi đi chơi lại game nhiều lần nhằm phát hiện các sai sót trong thiết kế cũng như lập trình. Sai sót được chia theo nhiều cấp độ khác nhau. Những lỗi nghiêm trọng phải được khắc phục ngay, các lỗi nhỏ hơn dần dần được “vá” nếu không ảnh hưởng tới việc phát hành. Mỗi khi phát hiện lỗi, các thử nghiệm viên sẽ gửi báo cáo chi tiết cho các lập trình viên để xừ lý. Phiên bản đầu tiên của một game dành cho các tester được gọi là “alpha version”, các thử nghiệm viên sẽ liệt kê các lỗ hổng lớn nhằm khắc phục. Khi đã “bịt” được chúng cũng là lúc phiên bản “beta” ra đời - bản này được thử nghiệm trên diện rộng hơn với các thử nghiệm viên, đôi khi có cả người chơi bình thường. Phiên bản “beta” sẽ được thử nghiệm triệt để, sửa chữa tất cả những gì cần thiết cho đến khi nhà sản xuất cảm thấy hài lòng - cũng là thời điểm chín muồi của một game. Thông thường trong giai đoạn thử nghiệm, một bản copy sẽ được gửi đến Ủy ban đánh giá phần mềm giải trí (ESRB) đề thực hiện việc xếp loại. Căn cứ trên xếp hạng của ESRB, ngời dùng có thể biết được những gì game thể hiện phù hợp với lứa tuổi nào. Tiếp thị, quảng bá Có thể xem sản xuất và phát hành game tương tự như việc đặt cược một ván bài lớn! Dựa vào số liệu của “Hiệp hội phần mềm giải trí” – (ASA), trò chơi Grand Thef Auto: Vice City tiêu tốn khoảng 3-5 triệu USD cho việc sản xuất, trong khi khâu quảng cáo, tiếp thị lại “ngốn” số tiền khoảng 10 triệu USD! Với số tiền “đặt cược” quá lớn, chắc chắn các nhà phát hành sẽ làm đủ mọi cách nhằm thổi phồng tên tuổi cho những đứa con tinh thần của mình! Công đoạn này cũng phải thực hiện từ rất sớm, ngay lúc game đang được thiết kế. Các công ty sẽ phái các nhà thiết kế cũng như nhân viên đối ngoại (PR) tham gia các sự kiện lớn nhằm quảng bá những game mới nhất của họ. Những bản “demo” (nếu có) sẽ được tung ra, cho phép người chơi tải về từ Internet. Hơn thế nữa, đi kèm việc quảng cáo là những đoạn game đỉnh cao hoặc những đoạn phim cắt cảnh chất lượng cao. Tất nhiên, không phải bao giờ thành công cũng mỉm cười với họ. Bạn có thể tìm thấy vô số ví dụ về những tựa game thành công hay thất bại từ trước đến nay, đúng không? Với những nỗ lực không ngừng và công sức bỏ ra khá lớn từ phía nhà sản xuất nói chung thì việc người chơi “đóng góp” 15-60 USD cho mỗi game là điều hoàn toàn có thể hiểu được…Dù rằng với game thủ Việt Nam thì đây là khoản tiền “khủng bố”.