Xưa em thường thấy mỗi dịp Xuân về nhà nhà lại mổ heo ăn tết, vậy bây giờ còn tập tục đó ko ạh?

Nguyen Thi Huyen Trang
Nguyen Thi Huyen Trang
Trả lời 15 năm trước
Mỗi miền quê đều có một “nết đất tính người”. Cho nên chuyện tập tục ăn uống cũng không giống nhau. Như chuyện ở Lung Trấp, Kinh Già Dong, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau - một làng quê sâu nghèo khó xa chợ, khi mùa Xuân về thường có tục “chia thịt heo” để dùng trong những ngày Tết giữa các gia đình chòm xóm với nhau. Và dường như miền quê nào ở xứ tận cùng Tổ quốc này có tập tục như vậy. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, những con kênh chở nặng phù sa, nước đục ngầu... để rồi giáp Tết, nước rút, những ao đìa đầy ắp cá, con nào cũng nung núc. Cứ vào khoảng 28 - 29 Tết âm lịch, sau khi lúa đã vô bồ, nhà cửa đã thu dọn sơn quét sạch sẽ, dân quê xứ này hay chụp đìa bắt cá. Và sau đó thể nào cũng cùng chia thịt heo ăn Tết. Tục này không biết có từ lúc nào, chỉ biết gia đình nào nuôi được con heo đúng cân lượng thì đứng ra làm chủ xị để mần (làm thịt - PV) và sau đó chia cho bà con. Thường thì dân quê không tính toán bằng tiền bạc mà chỉ quy đổi ra lúa. Từ bao đời nay vẫn vậy, cứ 1 ký thịt bằng 1 giạ lúa; 1,5 ký thịt sườn là 1 giạ lúa; 2 ký thịt đầu hoặc 2 ký xương, giò bằng 1 giạ lúa... Cứ như vậy mà ghi sổ tùy theo số lượng bà con chia nhiều hay ít để ăn trong mấy ngày Tết. Chia thịt heo ăn Tết rất hợp với tính phóng khoáng, đậm đà tình làng, nghĩa xóm của người dân quê tôi. Cứ chia thịt tùy theo ý thích từ thịt nạc, đầu, mỡ, đùi, sườn, chân giò để chế biến nhiều món ăn mà không phải trả bằng tiền, cũng không phải trả ngay bằng lúa, bằng gạo trong những ngày cận Tết. Tất cả đều hẹn ước trả bằng lúa trong mùa tới. Tôi nhớ, từ lúc trời còn mờ sáng, bà con bơi xuồng trên kênh rạch gọi nhau ơi ới, thức dậy đi chia thịt heo. Gia đình làm thịt heo không cần phải là những người giết mổ heo chuyên nghiệp, mà trong xóm có vài ba người làm được thì tự nguyện xung phong “giết mổ” và “ra thịt” chia cho bà con. Đặc biệt là gia chủ thường dành nguyên phần đồ lòng như gan, tim, cật, huyết bụng… để nấu nồi cháo mời bà con chung vui cùng chén rượu với những nụ cười hào sảng, nặng hồn quê. Chia thịt xong, các dì, các chị lại í ới gọi nhau về chế biến. Bếp quê của mọi nhà lại đỏ lửa, mùi rơm rạ quyện vào không gian, không khí Tết rộn rã đầm ấm hơn trong bữa cơm ngày chia thịt. Trong những ngày Tết, có thịt, có cá đón Xuân là điều mong ước của bà con vùng quê, bởi nơi đây không có điều kiện như ở thành phố, muốn ăn là mua được ngay. Hơn nữa, với tập tục này đã thể hiện tình làng nghĩa xóm đậm đà, thân thiết một cách mộc mạc, dân quê hơn bao giờ hết. Giờ đây, khi đường xá thông thương, chợ quê nhóm lên nhiều hơn thì cái tập tục chia thịt heo cũng đã vắng dần đi. Không hiểu có còn ai ngồi nhớ quê mà mơ tưởng một tập tục xưa, mà hoài nhớ một “nồi thịt heo kho riệu” của xóm cũ ngày nào!