Ăn bánh tét, bánh chưng nên kèm theo rau sống
Ngày Tết không thể nào thiếu bánh chưng, bánh tét. Thành phần của hai loại bánh này giống nhau, gồm có nếp, thịt mỡ và đậu xanh. Món ăn này rất giàu năng lượng, cung cấp cả chất đạm động vật (thịt) và thực vật (đậu xanh). Chỉ với một góc bánh chưng hoặc khoanh bánh tét kèm thêm một ít dưa món là có thể lót dạ nhanh gọn và ngon lành. Tuy nhiên, cần lưu ý bánh chưng, bánh tét cung cấp nhiều chất bột đường từ nếp sẽ chuyển hóa thành đường khi vào cơ thể. Do vậy, người đái tháo đường chỉ nên ăn vừa phải và nên kèm nhiều rau để làm chậm tốc độ hấp thu đường vào cơ thể. Thịt mỡ trong bánh chưng, bánh tét còn chứa nhiều chất béo no nên người có các bệnh mãn tính nên tránh.
Ăn nhiều măng để hạn chế hấp thu mỡ
Món canh cũng không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết. Các món canh thường được chọn trong những ngày này thường là canh khổ qua hầm hoặc canh măng hầm giò heo. Món khổ qua hầm thì ít béo và giàu đạm, nhưng canh hầm giò heo thì rất nhiều chất béo no. Do vậy, người có bệnh mãn tính nên hạn chế ăn mỡ của giò heo và nên ăn nhiều măng để nhận được nhiều chất xơ giúp hạn chế hấp thu mỡ.
Nấu thịt kho trứng nên kèm cá lóc
Thịt kho trứng là món “tủ” của nhiều gia đình cho những ngày không đi chợ vào dịp Tết. Món này hấp dẫn nhờ sự hòa quyện vị ngọt tinh khiết của nước dừa kết hợp với vị mặn đậm đà của nước mắm ngon cùng vị béo ngọt của thịt mỡ và trứng. Đây là món ăn ngon và rất giàu dinh dưỡng, tuy nhiên, do thịt mỡ chứa nhiều chất béo no, cung cấp nhiều năng lượng, kết hợp với trứng có hàm lượng cholesterol cao nên sẽ bất lợi cho người cao tuổi, người thừa cân béo phì, người có bệnh tim mạch và cholesterol trong máu cao. Do đó, cần “biến tấu” món này thành thịt, cá kho trứng, nghĩa là không chỉ có thịt với trứng mà thêm vào đó vài lát cá lóc tươi ngon. Như vậy, tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người mà chọn cách ăn cho phù hợp: trẻ em ăn cả thịt, cá và trứng tùy thích; người có bệnh lý mãn tính chỉ nên chọn cá với ít trứng, có thể ăn thịt nạc, không ăn mỡ. Món giàu đạm này nên ăn kèm dưa giá, dưa hành vừa ngon miệng, vừa giúp tiêu hóa tốt.
Ăn thơm sau bữa ăn giúp tiêu hóa tốt
Ăn thơm sau bữa chính sẽ giúp tiêu hóa rất tốt bữa ăn giàu đạm. Bưởi, dưa hấu, thanh long, táo, quít là những trái cây chưng Tết rất đẹp, chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe.
Tóm lại, các món ăn ngày Tết rất nhiều đạm nên cần điều chỉnh bữa ăn để có thêm rau tươi, trái cây các loại nhằm cung cấp vitamin và chất xơ giúp hạn chế hấp thu chất béo. Món ăn ngon, nhiều rau, ít chất béo mà không cần chế biến nhiều, rất phù hợp trong những bữa tiệc đầu năm của gia đình là bánh tráng cuốn với cá (hấp hoặc nướng). Lẩu thập cẩm với đủ loại rau củ, rau tươi trộn dầu giấm cũng là những món ăn cung cấp nhiều chất xơ và vitamin.
Trước đây, bữa ăn ngày Tết được xem là thịnh soạn nhất, quan trọng nhất trong cả một năm. Hầu hết được chế biến dưới dạng đồ ăn sẵn, có thể bảo quản được trong khoảng 1 tuần. Nhưng những năm gần đây, các thức ăn chỉ có trong dịp Tết mới được ăn như bánh chưng, mứt, giò lụa... lại được bày bán quanh năm nên bữa ăn ngày Tết giờ chỉ mang tính truyền thống và nghi lễ. Trong những ngày Tết, chúng ta thường có xu hướng ăn uống thoải mái, vì thế sau Tết, có người tăng lên vài cân. Bởi vậy, điều quan trọng là mỗi người cần áp dụng các nguyên tắc của chế độ ăn uống khoa học. Đó là một chế độ ăn giảm bớt calo, cân đối, ít chất béo, ít đường, đủ đạm, vitamin và nhiều rau quả.
Nên bổ sung thực phẩm giàu chất khoáng và vitamin trong các bữa ăn ngày Tết.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, lượng cholesterol trong khẩu phần ăn hằng ngày nên giảm dưới 300mg/ngày. Cần hạn chế các thức ăn chứa nhiều cholesterol như bầu dục bò, lợn, tim, lòng đỏ trứng, gan lợn, gà. Cần chú ý ăn các loại cá hay dầu cá chứa nhiều acid béo omega 3, có tác dụng làm hạ thấp lipid máu, có thể làm giảm tới 50% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành. Phối hợp giữa mỡ và dầu thực vật, ăn thêm vừng, lạc. Đậu nành chứa nhiều Isoflavon làm giảm đáng kể Cholesterol máu. Nên dùng các loại sữa ít chất béo.
Trẻ em ngày Tết không nên uống nhiều nước ngọt vì thói quen uống nước ngọt có mối “liên hệ” rất gần với chứng béo phì ở trẻ em. Trong dịp Tết, uống rượu chúc mừng nhau là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên cần tránh lạm dụng uống quá nhiều rượu đến mức say, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Uống nhiều rượu còn dễ dẫn đến béo phì và nhiều bệnh khác như xơ gan, gút. Những người nghiện hút thuốc lá cũng cần hạn chế bớt hút thuốc.
Với những người bị gút hay tăng acid uric máu, cần chú ý chế độ ăn “giảm đạm”. Bệnh nhân viêm thận không nên động tới các thức ăn mặn và giàu protein cao như thịt dê, bò, thỏ, trứng, quả chuối, củ quả muối dưa, nộm, maggi, nước mắm... Người bị tiểu đường nên tránh các loại bánh mứt kẹo nhiều đường.
Ngày Tết nên ăn thực phẩm nhiều chất xơ, ít tinh bột, ít mỡ, ít đạm, không nên ăn nhiều thực phẩm đã chế biến sẵn. Tốt nhất, chúng ta nên tự làm cho gia đình mình một số loại thực phẩm cổ truyền như: bánh chưng, dưa kiệu, mứt...
Khi chế biến thức ăn trong mùa lạnh cần tận dụng các gia vị như hành, tỏi... nhằm phòng ngừa các bệnh về hô hấp, hệ miễn dịch. Nên bổ sung chất kẽm có trong nội tạng động vật, thịt đỏ, tôm cua, cá, ngũ cốc, khoai lang, rau cải, rau muống... Nếu mỗi chúng ta đều có ý thức ăn uống hợp lý, khoa học trong những ngày Tết thì sẽ giữ được sức khỏe dồi dào, bước khởi đầu tốt đẹp cho năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Mình xin bổ sung và giới thiệu thêm một vài món ăn ngày Tết như sau:
1. Tôm khô (tôm đất) loại 1: tôm khô đã lột vỏ hoặc để nguyên vỏ đưa lên bàn nhậu với củ kiệu thì khỏi phải chê, khách nào cũng phải khen, dự trữ được lâu mà chế biến lại nhanh.
2. Khô mực hoặc khô cá đuối: dành cho các ông chồng uống bia rượu với bạn bè. Một đĩa khô mực hay khô đuối để trên bàn cùng với các món như thịt kho ngày Tết thì bảo đảm đĩa khô phải bổ sung liên tục.