Khoảng cách, tốc độ chuyển động và cách căn khung sẽ quyết định đến chất lượng hình ảnh khi chụp lia máy.
Người được chụp dù chuyển động nhưng vẫn nét trong khi hậu cảnh đứng im lại trở thành mờ. |
Lia máy là kỹ thuật sử dụng nhằm tạo hiệu ứng chuyển động. Như vậy, người được chụp, dù chuyển động nhưng sẽ vẫn nét, trong khi hậu cảnh đứng im lại trở thành mờ (xóa phông). Ở kỹ thuật này, người chụp sẽ lia máy (quay máy ảnh theo một góc xác định) để bám theo chiều chuyển động của đối tượng nhằm đảm bảo giữ cho người đó luôn ở vị trí cố định trước trong khuôn hình, với một thời gian phơi sáng (tốc độ cửa trập) đủ lâu để làm cho toàn bộ hậu cảnh có đối tượng đi ngang qua trở nên nhòe mờ.
Yếu tố quan trọng nhất của kỹ thuật này là người chụp phải xác định được tốc độ của cửa trập khi lia sao cho phù hợp với tốc độ chuyển động của người được chụp, trên cơ sở khoảng cách từ máy tới đối tượng và quãng đường người đó di chuyển trong suốt thời gian phơi sáng (thời gian cửa trập mở).
Với ống kính góc rộng và một khung cảnh lớn, trong đó kích cỡ nhân vật chỉ chiếm một phần nhỏ, thì chuyển động của họ so với toàn bộ khung cảnh là không lớn, vì thế kể cả khi lia máy, hậu cảnh sẽ ít hiệu ứng nhòe mờ hơn (do lia máy tốc độ chậm). Nhưng nếu cùng cảnh, cùng tốc độ cửa trập, sử dụng ống tele với tỷ lệ nhân vật lấp gần đầy khuôn hình, hậu cảnh sẽ mờ nhòe nhiều hơn hẳn, bởi lúc này, máy ảnh phải lia theo tốc độ nhanh hơn mới có thể giữ cho người được chụp ở một ví trí định trước trong khung hình.
Cũng với khuôn hình góc rộng và góc hẹp ở trên, một yếu tố khác cũng cần được xem xét, đó là góc quay của ống kính khi lia theo quãng đường di chuyển của người được chụp trong khoảng thời gian phơi sáng xác định. Với khung cảnh rộng và đối tượng nhỏ, máy chỉ phải lia theo một góc nhỏ, trong khi khung cảnh hẹp với ống tele, máy sẽ phải lia với góc lớn hơn. Vì thế, cùng một thời gian phơi sáng, góc lia càng rộng thì đối tượng sẽ càng mờ.
Cùng một thời gian phơi sáng, góc lia càng rộng thì đối tượng sẽ càng mờ. |
Để cân đối giữa các yếu tố sao cho khi chụp lia máy hình ảnh vẫn đảm bảo nét trong khi hậu cảnh nhòe mờ, người chụp cần lưu ý một số tính chất của kỹ thuật này.
Do chuyển động về cơ bản là tuyến tính trên một mặt phẳng (chuyển động thẳng), trong khi máy ảnh lại chuyển động quay (theo góc, với tâm là cổ của người chụp), nên cả đối tượng lẫn hậu cảnh sẽ có những điểm nhòe do quay (do khoảng cách giữa đối tượng và máy ảnh bị thay đổi vì không chuyển động cùng phương). Chỉ có một số trường hợp mà khoảng cách này không bị ảnh hưởng, chẳng hạn ở trò chơi cưỡi ngựa vòng quay, bạn đứng chụp ở trục tâm, còn người được chụp ngồi ở rìa ngoài. Lúc này cả bạn và đối tượng quay cùng một tốc độ, cùng phương chuyển động và khoảng cách thì cố định.
Khoảng cảnh từ máy ảnh tới nhân vật cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới độ nét của bức ảnh. Khoảng cách tăng lên (đứng xa hơn) thì góc lia máy sẽ giảm đi. Để tạo được hậu cảnh nhòe tốt, trong khi giảm thiểu được hiệu ứng mờ trên hình ảnh người chụp do sự khác phương giữa chuyển động góc và chuyển động quay, hãy sử dụng ống tele để đứng từ xa và zoom lại sao cho đối tượng lớn gần bằng khung hình.
Nhưng cũng đừng đứng xa quá bởi góc lia sẽ nhỏ đi. Giải pháp dung hòa cho tình huống này là chụp ở mức xa nhất có thể (tùy thuộc tiêu cự ống kính) để giảm thiểu khác phương chuyển động giữa ống kính và đối tượng, từ đó giữ được độ nét của người cần chụp, đồng thời chụp với tốc độ chậm nhất để xóa mờ hậu cảnh tốt hơn.
Đừng chụp ảnh xa quá vì góc lia sẽ nhỏ đi. |
Một yếu tố cuối cùng cần lưu ý, đó là méo hình gây nên bởi chính là bản thân cửa trập.
Nên nhớ cửa trập mở và đóng theo chiều dọc khung hình (từ trên xuống dưới). Vì thế mà thời gian phơi sáng bắt đầu và kết thúc tại các thời điểm khác nhau giữa phần trên và phần dưới khung hình. Đặc điểm này sẽ gây nên hiện tượng làm lệch các đường thẳng hoặc làm hơi méo các hình khối khác. Chẳng hạn nếu chụp đua xe thì bánh xe sẽ thành hình ô-van thay vì hình tròn. Hiện tượng này sẽ càng trở nên rõ rệt nếu như chụp lia máy, bởi ở kỹ thuật này thời gian phơi sáng lâu hơn bình thường, dẫn tới sự khác biệt về thời điểm giữa phần trên và phần dưới khung hình lớn hơn.
(Theo sohoa)