Nikon S8000 được tuyên bố là mỏng nhất trong dòng zoom 10x hướng tới người dùng cần một máy ảnh đa năng bỏ túi thực sự.
Thuộc phân khúc máy nhỏ zoom khủng, S8000 có các thông số khá ấn tượng. Zoom quang lên tới 10x (30 – 300mm) kèm cơ chế chống rung, khả năng quay video HD 720p, cảm biến 14 triệu điểm ảnh, màn LCD 3 inch với độ phân giải tới 921.000 điểm.
Nikon Coolpix S8000 khá vuông vắn. Ảnh: PMA-show. |
Mặc dù có zoom khá lớn nhưng thân hình S8000 vẫn nhỏ gọn vừa đủ nhét vào túi nhờ thiết kế kiểu vuông vắn. Tuy nhiên, chính kiểu thiết kế này khiến cho việc cầm máy một tay khá khó, không phát huy được truyền thống sinh thái học của Nikon. Bên cạnh đó, đèn flash của S8000 là dạng pop-up nhưng lại được bố trí ngay mặt trên tay trái, vì thế, cầm hai tay cũng bất tiện vì vị trí của ngón trỏ nằm ngay ở vị trí đèn sẽ bật lên. Người dùng sẽ phải mất một thời gian mới có thể quen được kiểu thiết kế này.
Mặt sau được bao phủ phần lớn bởi màn hình LCD 3 inch. Các nút điều khiển cơ bản gồm có truy cập menu và các nút điều hướng, nút xem lại ảnh… như các phiên bản du lịch khác. Việc bố trí thêm ột nút quay phim rời trên S8000 khá thuận tiện, giúp người chụp có thể chuyển đổi nhanh giữa chụp ảnh và quay phim mà không mất nhiều thao tác. Xu hướng tích hợp vòng xoay điều khiển như trên các DSLR thay vì các nút điều hướng 4 hướng giúp người dùng có thể di chuyển và lựa chọn các thông số cũng như duyệt menu nhanh chóng cũng là một cải tiến đáng giá của phiên bản này.
S8000 hỗ trợ xuất video HD qua cổng HDMI tích hợp, sử dụng thẻ SD/SDHC, chỉ tiếc là định dạng mới nhất SDXC dung lượng cao lại không được hỗ trợ. Lỗ nối chân máy cũng không được đặt chính giữa như nhiều phiên bản mà lại đặt lệch nên có thể tạo cảm giác không chắc chắn. Tuy nhiên, kiểu bố trí này cũng có lợi là người dùng có thể thay pin hay thẻ mà không cần phải tháo máy ra khỏi chân máy.
Màn hình LCD 3 inch với độ phân giải tới 921.000 điểm. |
Được trang bị ống zoom tới 10x, dù chưa hẳn là khủng nhưng với một thân máy mỏng như vậy thì dải tiêu cự này cũng đã rất đáng giá. Chỉ tiếc là ống góc rộng mới chỉ xuống được 30mm thay vì càng ngày càng nhiều các máy đã xuống tới 28mm hay thậm chí là 25mm như trên các phiên bản gần đây của các đối thủ trực tiếp Sony Cyber-shot H55 hay Panasonic Lumix TZ8. Bù lại dải tele của S8000 lại có thể vươn tới 300mm, đủ dài kể cả khi phải chụp thể thao hoặc thiên nhiên. Tất nhiên, tiêu cự dài luôn đi cùng với cơ chế chống rung quang học, dù rằng ở những máy du lịch thì cơ chế này cũng chỉ giúp ích được phần nào. Bản thân cơ chế này trên S8000 cũng được đơn giản tối đa, chỉ điều chỉnh qua menu với hai chế độ Bật và Tắt. Nếu theo đúng nguyên lý chống rung là tốc độ phải tương đương tiêu cự thì để ảnh trên S8000 sắc nét ở 300mm, tốc độ tối thiểu phải đạt 1/300 giây. Với tốc độ này, tốt nhất người dùng chỉ nên chụp tele vào ban ngày khi trời nắng mới có thể đủ sáng được.
Máy hỗ trợ zoom quang 10x. Ảnh: Solidblogger. |
Chế độ nhận diện khuôn mặt trên S8000 có thể nhận tới 12 khuôn mặt. Tuy nhiên một hạn chế là S8000 chỉ nhận chuẩn khi người dùng hướng về máy ảnh. Chỉ cần quay mặt sang ba phần tư hay hơi nghiêng là chế độ này sẽ không nhận được và đẩy máy về cơ chế lấy nét tự động thông thường.
S8000 có thêm cơ chế bám nét (AF Tracking) như trên các máy chuyên nghiệp với hiệu quả hoạt động khá tốt, nhất là trong điều kiện ánh sáng đủ và đối tượng đủ gần. Cơ chế này sẽ thay đổi nét liên tục để bám dính đối tượng chừng nào vẫn còn trong khung hình, nhưng cũng vì thế mà cũng sẽ ngốn pin không ít nếu sử dụng nhiều.
Màn hình S8000 đã được cải tiến theo hướng tăng phân giải trên các máy du lịch gần đây với 921.000 điểm, đủ nét để có thể xem xét, tìm lỗi và phân tích ảnh ngay trên màn 3 inch này mà không cần tải vào máy tính.
S8000 có khả năng quay video HD 720p, 30 khung hình mỗi giây. Ảnh: Blogspot. |
Như hầu hết các phiên bản du lịch tiên tiến hiện nay, S8000 có khả năng quay video HD 720p 30 khung hình mỗi giây. Video HD được mã hóa ACV đuôi .mov với chất lượng trung bình 8,1 Megabit một giây. Định dạng này cũng khá lớn, một thẻ 4GB chỉ thu được chừng một tiếng. Với thời gian quay liên tục tối đa 29 phút, người dùng chỉ quay 2 lần là đầy thẻ. Do cơ chế zoom vẫn ồn nên S8000 dù có giải zoom tốt nhưng vẫn không hỗ trợ zoom quang khi quay video mà thay vào đó là zoom số. Đặc tính này khiến cho S8000 một lần nữa lại bị thấp điểm nếu so với TZ8 hoặc H55.
Ở độ phân giải đầy đủ, tốc độ chụp liên tục của S8000 chỉ được 0,7 khung hình/giây và cũng chỉ trụ được 4 hình liên tiếp. Nếu muốn tăng tốc, người dùng phải hạ độ phân giải xuống 3 triệu điểm ảnh mới có thể đẩy tốc độ lên 1,25 khung hình/giây. Tuy nhiên, S8000 cũng hỗ trợ kiểu chụp liên tục như quay chậm với 16 ảnh nhỏ ghép làm một và tốc độ lên tới 30 khung hình/giây.
Dải ISO của S8000 khá ngắn, chỉ 100 – 3200 và chất lượng ảnh thu được chỉ thuộc hàng chấp nhận được thay vì để lại được chút ấn tượng nào. ISO cao lên đến 1600 là ảnh bắt đầu vỡ hạt với chất lượng giảm trầm trọng. Có thể do cảm biến thuộc hàng khá nhỏ bé, chỉ 1/2,3 inch trong khi nhồi nhét tới 14 triệu điểm ảnh nên khi so tài với các đối thủ đến từ Panasonic hay Sony, S8000 vẫn không hơn được là bao, thậm chí còn phải chấp nhận đi sau trong một số trường hợp.
Nikon Coolpix S8000 có nhiều màu sắc. Ảnh: Skyenne. |
Nhưng đó là nếu người dùng quá kỹ tính khi đi sâu về chi tiết kỹ thuật của chất lượng. Còn về tổng thể đối với những người dùng bình thường, S8000 quả là sáng giá trong dòng phân khúc gọn nhẹ với các thông số đầy ấn tượng: zoom quang 10x với chống rung quang học, màn LCD phân giải cao 921.000 điểm ảnh, quay phim HD, kết nối HDMI và độ phân giải ảnh lớn 14 triệu điểm. Cần ghi nhớ một điều là hai phiên bản cùng hạng dùng để so sánh là Sony H55 và Panasonic TZ8 lại là những phiên bản đắt tiền hơn, chính vì thế, dù chất lượng của S8000 không nhỉnh hơn được các đối thủ này cũng không có điều gì đáng ngạc nhiên. Bù lại, người dùng được sở hữu một phiên bản cơ động có thể thực hiện tốt nhiệm vụ chụp ảnh của mình trong hầu hết các tình huống thông thường hay thậm chí còn rất hữu ích khi mang du lịch nhờ có tiêu cự tele lớn.
(Theo sohoa)