Nikon tung ra phiên bản L110 như một cầu nối giữa DSLR và máy du lịch.
Nikon CoolPix L110 thuộc hàng hầm hố giống DSLR. Ảnh: PMA-show. |
Các dòng siêu zoom hiện đang bắt đầu định hình hai phân khúc chính: loại hầm hố có dáng vẻ giống như các máy DSLR và loại nhỏ gọn nhưng zoom cũng không kém phần oai vệ. L110 thuộc hàng hầm hố với một số thống số cơ bản như cảm biến 12 triệu điểm ảnh, zoom quang 15x và khả năng quay phim HD 720p.
Là phiên bản thay thế L100, L110 nâng cấp thêm một số tính năng tiên tiến và cao cấp hơn so với bản tiền nhiệm. Điều nhận thấy ngay đó là khả năng quay video HD 720p với ghi âm stereo và độ phân giải chuyển từ 10 lên 12 triệu điểm ảnh. Zoom quang vẫn được giữ nguyên ở mức 15x (28 – 420mm) và cơ chế chống rung cảm biến, nhưng một số chi tiết nhỏ khác cũng đã được cải tiến như màn hình LCD dù vẫn 3 inch nhưng độ phân giải đã được nâng lên gấp đôi, tới 460.000 điểm ảnh.
L110 có vỏ làm bằng nhựa. Ảnh: Letsgodigital. |
Về hình dáng, L110 không khác nhiều so với L100 ngoại trừ một số thay đổi nhỏ. Mặc dù vỏ được chế tạo bằng nhựa nhưng với truyền thống thiết kế của Nikon, thân máy L110 vẫn đủ độ chắc tay và độ đầm cần thiết. Thay vì sử dụng pin Lithium, Nikon thiết kế cho L110 sử dụng 4 pin tiểu AA thông dụng, giúp người chụp có thể thay thế bằng pin thường dễ dàng khi cần.
Mặc dù trông thì hầm hố, nhưng Nikon có lẽ cũng có ẩn ý về tính phổ thông của sản phẩm khi để phiên bản L110 này cùng dòng Lxx với các phiên bản máy du lịch của mình với các tính năng ít tùy biến cao cấp như các phiên bản cầu nối bán chuyên khác. Máy hỗ trợ 5 chế độ mặc định, bao gồm cả chế độ tự động hoàn toàn Auto. Khi chuyển sang chế độ này, cũng chỉ có thêm 5 tùy chỉnh người chụp có thể can thiệp, là kích cỡ ảnh, cân bằng trắng, chụp liên tục, ISO và các chế độ tùy chỉnh màu, không khác gì menu trên các máy du lịch cả.
Các chế độ mặc định khác bao gồm Mặc cảnh (Scene Mode) với 14 lựa chọn, Chân dung thông minh (Smart Potrait) có thể nhận diện khuôn mặt và nụ cười, hay Thể thao (Sport Continuous) có thể chụp tới 30 khung hình với tốc độ 13 khung hình/giây (với điều kiện ảnh giảm xuống còn 3 triệu điểm).
L110 có khá nhiều chế độ chụp. Ảnh: Trustedreviews. |
Điểm nổi bật của L110 so với phiên bản trước là Nikon đã bổ sung khả năng quay video HD 720p với tốc độ 30 khung hình/giây. Máy hỗ trợ chế độ tự động lấy nét và zoom quang trong khi quay mà không gây tiếng động ảnh hưởng tới chất lượng thu. Âm stereo thu được thông qua hai micro trên máy khá tốt, tuy nhiên, do bố trí quá gần nhau nên tách tiếng khả năng thành hai kênh chưa đủ rõ rệt.
L110 sử dụng pin AA. Ảnh: Thedailytech. |
Về mặt hoạt động, L110 dù tiên tiến hơn nhưng có vẻ lại chậm hơn L100 một chút. Thời gian khởi động mất khoảng 3 giây, tương tự như L100, nhưng thời gian giữa hai lần chụp ở độ phân giải cao nhất mất tới 2,5 giây. Tốc độ chụp cũng không ổn định, ở chế độ chụp liên tục mất tới 1,8 giây/ảnh, nhưng cũng không có tiếng động hay chớp hình gì thông báo là đã chụp liên tục cả.
Hệ thống lấy nét không có gì đặc biệt so với phiên bản trước với chỉ một chế độ lấy nét trung tâm. Với điều kiện ánh sáng tốt, tốc độ lấy nét cũng khá nhanh và chính xác, tuy nhiên khi ánh sáng hơi yếu đi hay zoom hơi xa một chút là tốc độ giảm thấy rõ. L110 có thêm được một chút cải tiến với đèn hỗ trợ lấy nét, vì thế có thể căn nét trong điều kiện tối hoàn toàn trong phạm vi khoảng vài mét.
Cơ chế giảm nhiễu ở L110 chưa hiệu quả. Ảnh: Blogspot. |
Chất lượng ảnh nhìn chung tốt nhưng vẫn còn một số vấn đề. Ống kính cho chất lượng viền khá sắc nét nhưng hiện tượng quang sai màu tại góc lại quá rõ rệt, nhất là ở tiêu cự góc rộng. Màu sắc khá sáng nhưng có xu hướng hơi rực đỏ, tương tự như trên bản L100. Với 12 triệu điểm ảnh, chi tiết thu được khá hoàn chỉnh nhưng đôi lúc vẫn lộ dấu hiệu bị can thiệp xử lý quá nét khiến ảnh không được mềm.
Vấn đề tệ hại nhất của bản L110 là nhiễu, hay nói đúng hơn là cơ chế giảm nhiễu chưa hiệu quả. Ngay ở ISO 100 đã bắt đầu có hiện tượng nhiễu kênh đỏ, còn ở ISO 400 thì trên tất cả các kênh màu khiến cho ảnh bị giảm chi tiết rõ rệt. Điều này có thể hiểu được do phiên bản này dù hầm hố nhưng để giảm giá thành nên đã quá tham lam nhồi nhét tới 12 triệu điểm vào trong cảm biển cỡ nhỏ 1/2,3 inch như các phiên bản du lịch khác trên thị trường.
Theo trang công nghệ TrustedReview, Nikon CoolPix L110 là một phiên bản khá bất thường của Nikon với bề ngoài to xác, hầm hố như một DSLR chính hiệu nhưng các tính năng và quan điểm thiết kế menu lại thiên về hướng đơn giản, dễ dàng của dòng du lịch. Vì thế mà dù chất lượng ảnh tốt nhưng khả năng xử lý nhiễu không vượt qua được nhược điểm cố hữu của những máy du lịch cảm biến nhỏ.
Nikon CoolPix L110 hiện đã được bán tại thị trường Việt Nam với mức giá trên dưới 6 triệu đồng.
Theo tôi, máy ảnh thiết kế dùng pin AA là thua rồi. Với 2 cặp pin tốn hơn 40.000VND nhưng chỉ chụp đợc vài chục tấm hình là pin hết hơi. Chi phí cho pin AA cũng khá tốn kém và đôi khi cũng bất tiện.
Xài pin AA hiệu gì mà 2 cặp mất 40.000đ mà chỉ chụp được vài chục tấm ?!! Hiện tôi vẫn thường xuyên sử dụng pin AA hiệu Rocket giá 13.000/cặp x2 =26.000 đ chụp đầy cái thẻ 2GB (ờ chế độ cao nhất) được gần 100 tấm mà vẫn chưa hết pin - nếu ở chế độ thấp hơn thì được nhiều ảnh hơn nữa .
Dùng pin không phải là điểm yếu chính, vì pin AA có thể mua loại xạc được, pin khỏe chụp được nhiều, dùng lâu sẽ kinh tế, khi ở nơi không có điện xạc pin thì có thể dùng loại AA thường, rất tiện lợi.Vấn đề chính là khả năng khử nhiễu của model này hơi kém nên chất lượng ảnh chắc chắn sẽ không được như mong muốn.