Tổng quan về Nikon D90
Nikon D90 là mẫu máy ảnh số ống kính rời đầu tiên trên thế giới có khả năng quay video. Nó ra đời với sứ mệnh tiếp nối thành công của D80, đồng thời cạnh tranh với một đối thủ cũng vừa mới ra mắt là EOS 50D của Canon.
Nikon đang tiến những bước dài trên thị trường máy ảnh số ống kính rời, khi liên tiếp tung ra những model thu hút được rất nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây. Sau khi ra mắt D700, model thứ hai sau D3 và là model tầm trung đầu tiên của hãng được tích hợp cảm biến full-frame, Nikon lại tiếp tục gây xôn xao thị trường máy ảnh những ngày cuối tháng 8 này bằng việc ra mắt D90, mẫu DSLR đầu tiên trên thế giới có khả năng quay video. Đây được xem sẽ là đối trọng nặng ký của Canon EOS 50D, model ra mắt trước đúng một ngày.
Ưu điểm đầu tiên của Nikon D90, không nói ai cũng biết, là khả năng quay video độ phân giải cao 720p (1.280 x 720 pixel). Từ trước đến nay, do những cản trở về mặt kỹ thuật, chưa có một chiếc máy ảnh số ống kính rời nào có thể quay video, dù là ở độ phân giải thấp. Điều đáng nói ở đây là cảm biến 12,3 triệu điểm ảnh của Nikon D90 có kích cỡ lớn hơn rất nhiều so với cảm biến của những chiếc máy quay du lịch, vì thế những thước video quay bằng D90 sẽ có nhiều chi tiết hơn so với khi quay bằng máy quay du lịch, ngay cả ở mức ISO cao.
Không những vậy, việc sử dụng ống kính rời cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình quay video của Nikon D90. Người dùng có thể kiểm soát độ sâu trường ảnh (Deep of Feld - DOF), giúp mang lại nhiều hiệu ứng phim ảnh hơn cho những thước video quay bằng chiếc máy này. Đây là điều mà máy du lịch không thể làm được. Cho dù tính năng tự động lấy nét không được hỗ trợ trong chế độ quay video, nhưng người dùng vẫn có thể can thiệp vào việc lấy nét của máy khi chuyển sang chế độ lấy nét thủ công.
Giống như hầu hết những mẫu DSLR ra đời gần đây, Nikon D90 cũng được trang bị tính năng ngắm ảnh sống qua màn hình (Live View). Tính năng này càng hấp dẫn hơn khi màn hình của D90 rộng tới 3 inch, có độ phân giải lên tới 920.000 điểm ảnh, giúp hiển thị được nhiều chi tiết hơn. Đây cũng là loại màn hình xuất hiện trong model đời cao D700 của Nikon và đối thủ mới ra mắt Canon EOS 50D.
Một điểm hấp dẫn nữa ở Nikon D90 là hệ thống lấy nét tự động (AF) 11 điểm, với nhiều chế độ phù hợp với những điều kiện chụp khác nhau. Đó là các chế độ lấy nét đơn điểm, lấy nét tại các khu vực động (dynamic area), tại các khu vực tự do (auto area) và một chế độ do Nikon phát triển mang tên 3D tracking.
Việc sử dụng thẻ nhớ SD/SDHC để lưu trữ cũng là một quyết định sáng suốt của Nikon, bởi nó giúp người dùng tiết kiệm được một khoản đáng kể so với các định dạng thẻ CompactFlash hay xD-Picture. Ngoài ra, D90 còn được trang bị những tính năng thân thiện với người dùng thường thấy ở những mẫu máy du lịch, như nhận diện khuôn mặt, nhận diện khung cảnh và tối ưu hóa các cài đặt.
Tuy sở hữu những công nghệ hết sức tiên tiến, nhưng Nikon D90 vẫn thiếu một vài tính năng đáng ra nên có. Ví dụ như, chiếc máy này không cho phép người dùng tự mình tinh chỉnh trong chế độ tự động lấy nét giống như ở D700, trong khi đối thủ Canon EOS 50D lại có tính năng này. Ngoài ra, độ nhạy sáng tiêu chuẩn của Nikon D90 chỉ hạn chế từ ISO 200 đến ISO 3200. Dẫu vẫn có lựa chọn cho người dùng giảm xuống ISO 100 hoặc tăng lên mức 6400 trong những chế độ chụp đặc biệt, nhưng so với mức tối đa 12800 mà Canon EOS 50D hỗ trợ, khả năng cạnh tranh của Nikon D90 với đối thủ thêm một lần bị đặt dấu hỏi.
Nhược điểm: Độ nhạy sáng hạn chế; ISO thấp hơn Canon EOS 50D
(changlasky)