Xin hỏi tôi bị bệnh gì ạ? ai là bác sỉ hay rành về bệnh đường tiêu hóa giúp tôi câu hỏi này .

gần đây tôi thường có cảm giác khó nuốt,như là mắc nghẹn vậy.có cảm giác như là có cục gì chạy từ lòng ngực lên cổ.có phải tôi bị ngược dich vị dạ dày gì đó ko ?? vì tôi có thói quen ăn khuya,ăn xong lại ngủ liền ko vận động gì hết.gần đây tôi còn uống 1 ly sửa dành cho người muốn tăng cân rồi mới đi ngủ.tôi it vận động lắm.bây giờ tôi ko biết làm sao chửa trị hêt.tôi đã cố gắng mua thuốc dạng khó tiêu đầy hơi để uống rồi.bệnh càng khó chịu hơn khi ăn no.vì thế tôi khó thở và nặng nề qua.ai biet xin tư vấn dùm ,tôi cảm ơn nhiều lắm

hehehehe
hehehehe
Trả lời 13 năm trước

Khó nuốt là cảm giác “dính” hoặc cản trở thức ăn đi qua miệng, hầu hay thực quản. Khó nuốt có thể do nguyên nhân có các khối u trong lòng ống tiêu hóa từ miệng đến dạ dày hoặc các khối u do các bệnh khác từ bên ngoài chèn ép vào ống tiêu hóa.

Khó nuốt cần phân biệt với: Không nuốt được khi tắc nghẽn thực quản hoàn toàn, thường do mắc nghẹn thức ăn và là một cấp cứu y khoa; nuốt đau là thấy đau khi nuốt; sợ ăn có nghĩa là sợ nuốt, và từ chối không chịu nuốt có thể xảy ra trong các trường hợp bệnh tư tưởng, bệnh dại, uốn ván, và liệt hầu, do sợ sặc thức ăn; các tổn thương viêm gây đau trong nuốt đau cũng có thể khiến bệnh nhân từ chối nuốt.

Quá trình nuốt diễn ra như thế nào?

Động tác nuốt bắt đầu bằng giai đoạn tự ý, lưỡi co lại, đẩy thức ăn vào hầu. Tiếp theo thức ăn kích thích các thụ thể cảm giác ở miệng hầu, khởi sự giai đoạn tự động hay phản xạ nuốt. Phản xạ nuốt là một chuỗi các sự kiện phức tạp, có vai trò đẩy thức ăn đi qua hầu và thực quản, ngăn không cho thức ăn đi vào đường dẫn khí. Khi thức ăn bị lưỡi đẩy về phía sau, thanh quản di chuyển ra trước và cơ vòng thực quản trên giãn ra. Lúc thức ăn đến hầu, cơ co hầu trên co lại, áp vào khẩu cái mềm đang co thắt, tạo ra sóng nhu động di chuyển nhanh về phía dưới, đưa thức ăn đi qua hầu và thực quản. Cơ vòng thực quản dưới giãn ra khi thức ăn vào đến thực quản và tiếp tục giãn cho đến khi nhu động đẩy được thức ăn vào dạ dày. Nhu động do nuốt được gọi là nhu động nguyên phát. Nó ức chế co cơ vòng và sau hiện tượng ức chế là sự co thắt tuần tự của các cơ dọc theo toàn bộ đường nuốt. Hiện tượng ức chế xảy ra trước nhu động được gọi là ức chế do nuốt. Thức ăn làm căng thành thực quản tại chỗ, kích thích phản xạ ngay trong thành cơ trơn, tạo ra nhu động thứ phát, chỉ thấy ở thực quản vùng ngực.

Vì sao bị khó nuốt?

Thức ăn lưu thông qua đường nuốt tùy thuộc vào kích thước thức ăn, đường kính của đường nuốt, lực co thắt của nhu động, và hiện tượng ức chế do nuốt, bao gồm giãn cơ vòng thực quản trên và dưới bình thường trong khi nuốt. Khó nuốt do miếng thức ăn lớn hay lòng thực quản hẹp gọi là khó nuốt cơ học. Khó nuốt do nhu động yếu hay hiện tượng ức chế do nuốt bị cản trở gây ra các co thắt không mang tính nhu động và ức chế giãn cơ vòng gọi là khó nuốt vận động.

- Khó nuốt cơ học: Có thể do thức ăn quá lớn, thực quản hẹp do nguyên nhân nội tại hay chèn ép từ bên ngoài. Ở người lớn, đường kính thực quản có thể giãn ra đến 4cm, nếu thực quản không thể giãn ra hơn 2,5cm đường kính thì khó nuốt xảy ra với thức ăn đặc bình thường. Khó nuốt thường xuyên khi thực quản không giãn ra được hơn 1,3cm đường kính. Trường hợp tổn thương ảnh hưởng đến toàn bộ chu vi thành thực quản sẽ gây khó nuốt thường xuyên hơn là tổn thương chỉ liên quan đến một phần của chu vi, vì các đoạn còn nguyên vẹn vẫn giữ được khả năng co giãn. Các nguyên nhân khó nuốt gồm: thức ăn lớn, dị vật, viêm miệng, hầu, thực quản; đai vòng hầu, thực quản bẩm sinh, vòng niêm mạc thực quản dưới; hẹp lành tính do loét, viêm trong bệnh Crohn, sau phẫu thuật, xạ trị, bẩm sinh; bướu ác tính, bướu lành tính các loại; chèn ép từ bên ngoài thực quản như cứng khớp đốt sống, gai cột sống, bướu tuyến giáp, u tụy...

- Khó nuốt vận động: Có thể là hậu quả của khởi sự nuốt khó khăn, hay do bất thường trong nhu động và ức chế do nuốt trong các bệnh của cơ vân hay cơ trơn thực quản. Khó nuốt vận động của hầu là do rối loạn thần kinh cơ gây liệt cơ, co thắt cùng lúc không mang tính nhu động, hoặc cơ vòng thực quản dưới không chịu giãn. Trường hợp cơ vòng thực quản trên không chịu giãn là do liệt cơ cằm móng và các cơ trên móng khác hoặc mất sự ức chế do nuốt của cơ nhẫn hầu. Do mỗi bên hầu được chi phối bởi các dây thần kinh cùng bên nên khi tổn thương nơron vận động một bên dẫn đến liệt hầu cùng bên. Cơ trơn thực quản được phân phối các nhánh phó giao cảm của dây X trước xi náp và nơron sau xi náp trong đám rối thần kinh cơ ruột. Những dây thần kinh này duy trì trương lực cơ vòng thực quản dưới lúc nghỉ, làm giãn cơ vòng thực quản dưới khi nuốt, gây ức chế cơ vòng thực quản trên và làm nhu động của thân thực quản. Khó nuốt xảy ra khi nhu động yếu hay co thắt không còn tính nhu động hoặc cơ vòng dưới không giãn bình thường. Trường hợp mất khả năng co thắt xảy ra khi bị yếu cơ. Những co thắt không mang tính nhu động và giãn cơ vòng thực quản dưới bị cản trở là hậu quả của thiếu phân phối các dây thần kinh X ức chế, gây khó nuốt trong bệnh phình thực quản. Các nguyên nhân khó nuốt quan trọng là: liệt hầu, phình cơ nhẫn hầu, xơ cứng bì thực quản, phình thực quản, co thắt thực quản lan tỏa và các rối loạn vận động có liên quan khác.

Trị bệnh thế nào?

Điều trị khó nuốt chủ yếu là loại trừ nguyên nhân gây khó nuốt. Phương pháp nội khoa là dùng thuốc điều hòa hệ thần kinh thực vật giải quyết các rối loạn vận động thực quản, bảo đảm phản xạ nuốt diễn ra bình thường. Chữa khỏi các trường hợp viêm loét từ miệng đến thực quản; điều trị các bệnh gây chèn ép từ bên ngoài như bướu giáp trạng, u tụy, áp-xe sau hầu... Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ các khối u trong lòng thực quản hoặc các khối u từ bên ngoài chèn ép vào thực quản như u tuyến giáp, u tụy, u trung thất...

Phạm Thùy Linh
Phạm Thùy Linh
Trả lời 13 năm trước

Khó nuốt không thể xem thường

Khó nuốt là hiện tượng thức ăn bị cản trở khi đi qua vùng miệng, hầu hay thực quản, gây cảm giác khó chịu, đau, rát và chán ăn. Ngay cả việc ăn các chất lỏng, mềm hay uống nước cũng trở nên khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đường kính thực quản ở người lớn có thể giãn đến 4cm để thức ăn đi qua. Nếu thực quản giãn ít hơn 1,3cm thì hiện tượng khó nuốt sẽ thường xuyên xảy ra. Sự tổn thương vùng hầu, miệng, thực quản cũng là nguyên nhân gây khó nuốt lúc ăn.

Đó là khi bệnh nhân mắc chứng viêm họng, apthose ở miệng (còn gọi là đẹn trăng), đai vòng hầu, viêm vòng niêm mạc thực quản dưới, viêm trong bệnh crohn.

Những tổn thương làm chèn ép bên ngoài thực quản như cứng khớp đốt sống, gai cột sống, bướu tuyến giáp, rối loạn thần kinh cơ gây liệt cơ cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho bệnh nhân trong quá trình ăn uống.

Dấu hiệu của nhiều bệnh khác

Nhiều người cho rằng mắc nghẹn khi ăn là điều bình thường, không cần chú ý. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, hiện tượng trên có thể là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời.

Một trong những bệnh đó là viêm thực quản. Bệnh nhân cảm thấy vùng sau xương ức bị đau như có lửa đốt mỗi khi nuốt thức ăn.

Cơn đau có thể lan sang vùng cổ, lưng và chỉ giảm dần khi bệnh nhân đứng thẳng người lên. Ngoài ra, bệnh nhân thường có cảm giác chua và đắng miệng. Trường hợp nặng sẽ làm cho người bệnh bị co giật cục bộ do dịch ruột kích thích trào ngược lên.

Sa thực quản cũng gây nên hiện tượng khó nuốt. Bệnh này thường đi cùng với cảm giác đau lan toả từ phần bụng trên sang lưng, vai khi ăn. Nếu bệnh nhân nằm xuống, cơn đau càng nặng thêm.

Nguy hiểm hơn, khó nuốt còn là dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư thực quản, một bệnh hay gặp ở nước ta. Nam giới trên 40 tuổi rất dễ mắc phải bệnh này. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân bị tức đằng sau xương ức, nuốt khó hoặc bị nghẹn khi nuốt. Hiện tượng này diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và bệnh nhân có thể bị nôn mửa sau khi ăn.

Điều trị như thế nào?

Điều trị chứng khó nuốt chủ yếu là điều trị nguyên nhân gây bệnh kết hợp với phương pháp nội khoa (dùng thuốc điều hoà hệ thần kinh thực vật) để giải quyết các rối loạn vận động thực quản, bảo đảm cho phản xạ nuốt diễn ra bình thường.

Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu cảm thấy khó chịu, có dấu hiệu khó nuốt trong quá trình ăn uống, bạn nên đi kiểm tra để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, tránh biến chứng về sau.