Nhiễm nẫm SPOROTRICHOSIS?

Tôi là người làm vườn (trồng cây kiểng) hai bàn tay tự nhiên nổi cục, u sần, không đau nhưng rất khó chịu. Xin bác sĩ cho biết, tôi bị bệnh gì nên điều trị ở đâu. Nếu không có điều kiện đi bệnh viện thì nên uống loại thuốc nào và liều lượng dùng ra sao?

thanh
thanh
Trả lời 14 năm trước

Mô tả bệnh Bệnh nấm sâu (deep mycoses) tuy là một bệnh hiếm gặp nhưng vẫn thấy lưu hành ở nước ta. Có nhiều chủng nấm gây bệnh khác nhau như: Histoplasmosis, Blastomycoses, Coccidioidomycosis, Mycetoma, Chromoblastomycosis v.v... Sporotricosis là loại hay gặp nhất trong số những bệnh nấm sâu. Căn nguyên do loại nấm Sporothrix Schenckii gây nên, đây là loại nấm lưỡng hình, có thể phát triển thành dạng men ở nhiệt độ 370C và thành dạng sợi ở nhiệt độ trong phòng. Nấm xâm nhập vào cơ thể người qua những vết thương, vết trầy xước. Nấm chui sâu xuống tổ chức dưới da và lan theo đường bạch huyết, tạo thành những ổ viêm ở dưới da và hạch bạch huyết, hình thành những u, cục (áp-xe lạnh). Những u này nổi cao trên mặt da và có hình tròn, màu đỏ sẫm, đôi khi có loét tạo lỗ dò hoặc tổ chức sùi, thương tổn xếp thành đường dọc theo đường đi của hệ bạch huyết. Đường nối giữa các u, cục bị viêm xơ hóa giống như sợi dây thừng. Thương tổn không đau, diễn biến hàng tháng đến hàng năm. Nấm có thể lan vào nội tạng như nhiễm trùng cơ hội gây tổn thương ở phổi, xương, khớp, thậm chí xâm nhập vào cả hệ thần kinh trung ương, biểu hiện giống như nhiễm nấm toàn thể. Vị trí hay gặp là chân tay của những nông dân, người làm vườn, công nhân mỏ. Nấm có lẫn trong rơm rác, bụi gai, gỗ mục, theo vết thương trầy xước da đi vào tổ chức dưới da và lan theo đường bạch mạch. Bệnh cũng gặp ở những người làm việc trong phòng thí nghiệm động vật, người chăn nuôi gia súc như ngựa, chó, mèo... (Có một số thông báo bệnh được truyền từ mèo sang người). Những vùng có khí hậu, độ ẩm cao là điều kiện phù hợp cho nấm phát triển. Nấm được tìm thấy tại tổn thương bằng phương pháp nhuộm đặc biệt. Kích thước từ 3-5mm hình oval hoặc điếu xì-gà. Thể hình sao hoặc sợi thường thấy trong viêm hạch bạch huyết do Sporothrix. Chẩn đoán và điều trị Tổn thương giải phẫu bệnh là u hạt, áp-xe sâu, đường dò, loét tập trung nhiều bạch cầu đa nhân, bạch cầu ưa acid và đại thực bào, bao quanh là tế bào dạng thượng bì, tế bào langhans; ngoài cùng là tương bào, lympho bào và tổ chức liên kết. - Chẩn đoán bệnh dựa vào hình ảnh lâm sàng là những u, cục (ổ áp-xe) sắp xếp thành đường dẫn lưu tới hạch bạch huyết. Xét nghiệm nấm thấy hình điếu xì-gà. Cần phải phân biệt với bệnh lao da, giang mai, nhọt, bệnh mèo cào (cat scratching) và một số bệnh nấm sâu khác. - Điều trị bệnh sporotrichosis bằng các thuốc sau: + Itraconazole (sporal) 100-200mg/ngày trong 6 tháng. + Amphotericin B 0,5mg/kg thể trọng/ngày. + Kali iodua 2-6mg/ngày, điều trị sau khi lành tổn thương 1 tháng để đề phòng tái phát. Liều khởi đầu 5 giọt dung dịch Kali iodua bão hòa pha trong 1 lít nước hoặc sữa, uống 3 lần trong ngày, tăng dần đến 30-40 giọt 3 lần/ngày. Thuốc có một số tác dụng phụ như: buồn nôn, nôn, hắt hơi sổ mũi, tăng tiết nước mắt, nước bọt. Tác dụng phụ sẽ hết sau khi ngừng thuốc. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai. Sporotrichosis là bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán và khó điều trị. Nếu thấy biểu hiện vết thương lâu lành và có viêm bạch mạch, nhất thiết phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.