Giải pháp giảm bệnh tim mạch ở nữ giới?

Người phụ nữ hiện đại ngày nay chịu áp lực từ công việc rất lớn, lại ít luyện tập thể dục - thể thao nên thường xuyên gặp stress. Thêm vào đó là lối sống có quá nhiều nguy cơ như ăn nhiều thức ăn nhanh, dư thừa năng lượng, ăn nhiều bột đường chất béo, mỡ động vật, đồ uống có ga, lạm dụng rượu bia thuốc lá...Vậy làm thế nào để giảm bệnh tim mạch ở nữ giới?
Con Nan
Con Nan
Trả lời 15 năm trước
Kết hợp với yếu tố sinh lý của cơ thể, nữ giới ngày càng đi dần về trạng thái thay đổi nội tiết do sinh sản, rồi nội tiết giảm dần ở thời kì tiền mãn kinh và mãn kinh, tạo điều kiện cho bệnh lý tim mạch phát triển như tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim... Muốn phòng bệnh tim mạch một cách hiệu quả, cần một số giải pháp sau: 1. Tránh thừa cân béo phì qua cân bằng dinh dưỡng Hiện tượng thừa cân hay béo phì là nguy cơ trực tiếp đối với sự tăng cholesterol. Đây là quá trình tích lũy mỡ dưới da ở vùng bụng, mông, hông và tăng lượng Triglycerit, khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn để nuôi khối tế bào to lớn của cơ thể, lâu ngày sẽ dẫn đến tim sẽ suy yếu. Vì vậy việc phòng chống thừa cân béo phì qua cân bằng chế độ ăn uống là việc làm hết sức cần thiết. Cần duy trì chỉ số BMI từ 18,7 đến 23,8 (BMI = W(D)2 trong đó W là cân nặng cơ thể tính bằng kg và D là chiều cao được tính bằng mét. Để làm được điều này, cần duy trì chế độ ăn hợp lý, đủ no, đủ chất, thức ăn đa dạng là điều đầu tiên. Hạn chế ăn mặn, khoảng 1g muối mỗi ngày và không nên vượt quá 6g/ ngày. Tăng cường dùng các thức ăn có chứa nhiều vitaminE, C, A, B6, B12, acid folic và axit béo không no Omega- 3 (có trong các loại cá biển như cá hồi, thu...) để bảo vệ thành mạch máu trước nguy cơ hình thành các màng xơ vữa. Tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kẽm, kali trong cam chuối. Nếu ăn những chất béo thay mỡ động vật có nhiều trong các loại dầu ôliu, dầu vừng, lạc, hướng dương. Rau quả hay sản phẩm có nhiều chất xơ cũng là một lựa chọn tốt sử dụng đậu nành có trong đậu tương vì có vi chất tương tự như hormone ostrogen, có vai trò duy trì ổn định cholesterol trong máu. Hạn chế tối đa thịt mỡ, da động vật và các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng gia cầm, tim gan động vật, bơ kem, sôcôla... 2. Phòng chống stress trong cuộc sống Trong sự phát triển bệnh lý tim mạch, stress là nguyên nhân không kém phần quan trọng. Trong trạng thái stress huyết áp và nhịp tim tăng cao, làm tăng gánh nặng cho tim, tăng huyết áp động mạch, tăng sự ảnh hưởng lên thành phần hoá học của máu, tăng hàm lượng cholesterol thúc đẩy phát triển xơ vữa động mạch. Vì thế hãy cố gắng sắp xếp công việc hợp lý, để có thời gian thư giãn, giải trí...Tranh thủ đi nghỉ mát, thay đổi không khí, đầu óc tinh thần thoải mái sẽ giúp giảm thiểu stress và tốt hơn cho hệ tim mạch. 3. Hạn chế rượu bia và không hút thuốc lá Ngày nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng, nếu ta uống nhiều rượu thì có hại cho sức khoẻ, làm cho tim đập nhanh hơn, có thể dẫn đến thiếu máu ở cơ tim, loạn nhịp tim, nặng hơn là nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm đến tính mạng. Ở bệnh nhân cao huyết áp, rất dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nặng hơn là hôn mê tử vong... Đối với thuốc lá, làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi, tăng huyết áp, vì chất nicotin trong thuốc lá làm mạch máu co hẹp, cản trở sự lưu thông của máu, và tăng các yếu tố làm đông máu, hậu quả là các bệnh tim mạch, tai biến động mạch não dễ dàng xảy ra. 4. Giải pháp vận động bằng thể dục thể thao Trước hết nên chọn phương pháp phù hợp cho sức khỏe, điều kiện và thời gian lẫn kinh tế. Đi bộ chạy bộ, đạp xe, cầu lông hay tennis... tùy theo khả năng của bạn nhưng phải tập ít nhất 30 phút mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu cho rằng vận động cơ bắp sẽ xúc tác được insulin chuyển hoá được lượng đường ở ngoại vi, giảm được tính đề kháng của insulin, giúp bạn hạn chế đái tháo đường. Vận động giúp ta kiểm soát được cân nặng của cơ thể, đặc biệt làm giảm Cholesterol và Triglycerictrong máu, làm máu huyết lưu thông tốt, tăng sức chịu đựng của cơ thể, loại bỏ các năng lượng dư thừa, tăng cường hô hấp kiểm soát nhịp tim... 5. Tầm soát phát hiện bệnh giai đoạn sớm nhất Kiểm tra sức khỏe tổng quát theo định kì là giải pháp tốt nhất để phát hiện bệnh sớm nhất. Khoảng 6 tháng một lần, nên kiểm tra tim mạch, đo mạch huyết áp, đo điện tim, xác định lượng đường mỡ trong máu... Tóm lại, bệnh tim mạch được xem là bệnh gây tử vong hàng đầu của thế kỷ 21. Do đó những kiến thức cơ bản về bệnh cần được phổ cập để mọi người đều biết, đặc biệt là nữ giới, để có thể phòng bệnh hoặc phát hiện bệnh sớm mà điều trị kịp thời, tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới tử vong do bệnh tim mạch, chiếm tỉ lệ 30% tổng số người tử vong trên toàn cầu. Theo ước tính của các nhà y học Mỹ, mỗi năm có hơn nửa triệu nữ giới ở Mỹ tử vong do bệnh tim mạch. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc và tỉ lệ tử vong do các bệnh tim mạch khá cao, và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam.
thu
thu
Trả lời 11 năm trước

Nhiều người nghĩ rằng bệnh tim mạch cơ bản là bệnh của đàn ông, điều đó thực sự là một sai lầm lớn. Trên thế giới, bệnh tim và bệnh mạch máu là kẻ giết người số 1 của phụ nữ và thiệt hại về tài chính gấp 2 lần so với căn bệnh ung thư.

Phụ nữ bị mắc các bệnh tim mạch muộn hơn nam giới. Khoa học đã chứng minh rằng ở độ tuổi sinh nở, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormone sinh dục nữ (estrogen), các hormone sinh dục này có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim. Phụ nữ qua sinh đẻ thì hệ thống tim mạch càng được bảo vệ tốt hơn.

Những nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch ở phụ nữ

Khi đến tuổi tiền mãn kinh, lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể và bắt đầu giai đoạn bùng nổ các bệnh tim mạch (huyết áp cao, bệnh mạch vành...) ở phái nữ với diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu người ta thấy rằng, liệu pháp hormone thay thế không thể giúp được phụ nữ ở tuổi mãn kinh phòng ngừa được sự phát triển của xơ vữa động mạch vì ở độ tuổi này, trong cơ thể phụ nữ không những lượng hormone sinh dục bị giảm mà còn bị giảm cả tính nhạy cảm với các hormone này.

Liệu pháp hormone thay thế chỉ được dùng với liều ngắn ngày nhằm loại bỏ các triệu chứng rầm rộ của tiền mãn kinh. Ngoài ra, ở độ tuổi này, phụ nữ thường có tỷ lệ bị tiểu đường type 2 cao hơn so với nam và đây là một trong các yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành.

Phụ nữ thường hay bị các rối loạn tuyến giáp hơn so với đàn ông và các rối loạn tuyến giáp gây ra những ảnh hưởng xấu với chức năng tim mạch ví dụ gây tăng nhịp tim.

Phụ nữ thường có nhiều vấn đề (áp lực) trong gia đình và công việc hơn so với đàn ông. Phái nữ ngày càng bị tác động bởi các stress do sự thay đổi vị trí xã hội của họ trong thời gian gần đây, và điều đó dẫn đến sự phá vỡ các cơ chế bảo vệ sức khỏe, đặc biệt gây nên các rối loạn tim mạch.

Trong sự phát triển bệnh lý tim mạch, stress có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong trạng thái stress, huyết áp và nhịp tim tăng cao. Điều này tạo nên gánh nặng cho tim, tim phải làm việc căng thẳng hơn và tăng nguy cơ phát triển các quá trình bệnh lý. Trong trạng thái stress, huyết áp động mạch tăng, những người thường xuyên bị tác động của các yếu tố stress sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh huyết áp cao. Stress có ảnh hưởng lên thành phần hóa học của máu, làm tăng hàm lượng cholesterol thúc đẩy phát triển xơ vữa động mạch. Khi đó các động mạch vành tim bị hẹp lại, sự cung cấp máu cho cơ tim bị hạn chế, phát triển bệnh thiếu máu cơ tim.

Hệ thống tim mạch ở phụ nữ dễ bị tổn thương hơn khi có tác động của các tác nhân độc hại, ví dụ thuốc lá, rượu bia... Các nghiên cứu cho thấy, 10 điếu thuốc lá sẽ gây ra tác hại với phụ nữ như 15 điếu thuốc với đàn ông.

Các nghiên cứu ở các nước phát triển cho thấy, tỷ lệ người bị bệnh tim mạch ở phụ nữ cao hơn ở nam giới, mà một trong các lý do chính là do tuổi thọ ở phụ nữ cao hơn nam. Và một điều không may mắn là, các phương pháp can thiệp mạch vành hiện đại như thông mạch vành bằng cách đặt stent, phương pháp nong mạch và nối mạch thông đạt hiệu quả thấp ở phụ nữ.

Như vậy ngoài các nguy cơ mắc bệnh tim mạch như ở đàn ông, ở phụ nữ còn có các nguy cơ bổ sung. Hơn nữa, bệnh huyết áp cao, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành ở phụ nữ diễn biến phức tạp hơn, hiệu quả chữa trị kém hơn so với đàn ông nên vấn đề phòng bệnh, phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh này là quan trọng hàng đầu.

Những biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch ở phụ nữ

- Giảm cân nếu bị thừa cân, luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý (phụ nữ ngoài 40 tuổi cân nặng hợp lý có thể tính bằng cách lấy chiều cao (cm) trừ đi 100 hoặc 105).

- Phụ nữ không nên uống rượu bia, hút thuốc lá.

- Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao: đi bộ nhanh 40-60 phút/buổi, tốt nhất là hằng ngày, hoặc không dưới 5 buổi/tuần.

- Chế độ ăn uống phải hợp lý: đủ no, đủ chất, thức ăn đa dạng và bảo đảm vệ sinh.

- Hạn chế sử dụng muối ăn: không quá 5-6g/ngày.

- Tng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin E, C, A, B6, B 12, acid folic và axít béo không no Omega-3 để bảo vệ thành mạch máu trước nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa. Axít béo không no Omega-3 có trong cá, đặc biệt là các loại cá biển (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi...). Tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều các nguyên tố vi lượng như kẽm, kali, magiê, selen. Cùng với các vitamin C, E và A, selen được coi là các chất chống oxy hóa (antioxydant), selen có nhiều trong tỏi ta, tôm đồng, cải bắp, nước chè xanh.

- Không ăn thịt mỡ, da động vật và hạn chế các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng gia cầm, tim, gan động vật, bơ, kem, sôcôla. Tăng số ngày ăn cá, đậu trong tuần, dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn...

- Luôn kiểm soát hàm lượng cholesterol, glucoza máu và các chỉ số huyết áp ở mức độ cho phép (không vượt quá 140/90mmHg, người bị tiểu đường - không vượt quá 130/90mmHg).

- Học cách điều hòa cuộc sống (trong gia đình, tại công sở, ngoài xã hội) để giảm nguy cơ bị tác động của stress.

Và điều lưu ý cuối cùng là do các bệnh tim mạch thường hay xuất hiện ở phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc tiền mãn kinh, nếu có tiền sử gia đình về bệnh tim mạch (bố, mẹ, ông bà, anh chị em ruột). Những người này phải luôn chú ý kiểm tra theo huyết áp trong suốt quá trình mang thai để phòng ngừa và điều chỉnh kịp thời phòng ngừa bệnh huyết áp cao.