các bạn bit tư vẫn giúp mình nha
Ngứa là một cảm giác khó chịu của da khiến người bị ngứa phải gãi, để bớt ngứa. Ngứa có thể làm mất ngủ, hoặc bất tiện, gây trở ngại cho công việc. Đấy là chưa kể, bị ngứa, ngồi đâu gãi đấy, trông cũng khó coi.
Ngứa thường được chia làm hai loại:
Ngứa từng vùng nhỏ
nguyên nhân thường dễ hiểu. Chẳng hạn bạn bị muỗi đốt, chỗ bị đốt sưng lên, ngứa ngáy. Hoặc trời lạnh, da tay bạn đã khô, bạn lại rửa tay bằng nước nóng và xà-bông ngày nhiều lần, lưng bàn tay và các ngón tay của bạn khô càng thêm khô, sần lên, nứt nẻ và ngứa ngáy.
Ngứa toàn cơ thể
Nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên chứng ngứa toàn thân:
Các bệnh ngoài da
- Bệnh nổi mề đay
Rất hay xảy ra. Da nổi những mẩn đỏ, ngứa, xuất hiện độ vài tiếng rồi biến đi, để rồi lại mọc ở chỗ khác trên da. Bệnh gây bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Ngứa do tuổi tác
Da càng khô càng dễ bị ngứa. Da tự tiết ra một chất nhờn đặc biệt gọi là “sebum”, có tác dụng giữ cho da khỏi bị khô. Càng lớn tuổi, sự tiết chất sebum càng giảm dần (nên da trông không còn tươi mát như lúc còn trẻ). Một số các vị lớn tuổi bị ngứa quanh năm, do da không còn tiết đủ chất sebum như trước. Ngứa sẽ nặng hơn vào mùa lạnh, khi có nhiều yếu tố khác nữa làm da thêm khô.
- Ngứa mùa đông
Vào mùa đông, khí lạnh làm da khô. Da khô khiến ta dễ cảm thấy ngứa. Cái lạnh làm nhiều người thích tắm nước nóng hơn bình thường. Vào những ngày lạnh quá, sưởi được bật lên để mọi người trong nhà được ấm. Nước nóng, sưởi (củi, điện hay gas) làm da càng thêm khô và ngứa. Gãi mới đã ngứa. Có người lại dùng rượu, chanh, dầu xanh... chà xát trên da, hi vọng bớt ngứa. Những chỗ do bị gãi và chà xát, trở thành sần sùi, dộp lên. Những chỗ da bị dộp lên này lại càng ngứa hơn, làm người bị ngứa càng gãi nhiều hơn. Tất cả những yếu tố kể trên gộp lại làm da càng lúc càng thêm ngứa trong mùa đông.
- Bệnh cái ghẻ hay bệnh chấy, rận
Bệnh cái ghẻ, hay chấy, rận gây bởi những ký sinh trùng, lây từ người nọ sang người kia do sự chung đụng. Vì vậy, có thể vài người trong nhà cùng bị.
Bệnh cái ghẻ hay gây ngứa ở những vùng như kẽ ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, nách, vú, rốn, bộ phận sinh dục, ... Con cái ghẻ phải nhìn bằng kính hiển vi mới thấy, nhưng tạo những đường hầm đặc biệt nhìn thấy được bằng mắt thường ở những vùng bị ngứa nhiều. Người bị bệnh cái ghẻ ngứa nhiều hơn về buổi tối và ban đêm. Chấy, rận thấy được bằng mắt thường. Chấy lập nghiệp trên đầu, còn rận chạy lăng quăng trên người), hoặc định cư ở vùng háng .
- Bọ thú vật cắn
Nếu bạn có nuôi chó để trông nhà, hay mèo bốn chân để bắt chuột, và bất ngờ trong nhà có người bị ngứa, bạn nhớ cẩn thận xem chó hay mèo của bạn có làm bạn với mấy chú bọ con con (fleas) hay không. Chán máu chó, mèo, mấy chú bọ có thể đổi bữa, thử máu người xem sao, chích đốt những người trong gia đình bạn, gây ngứa ở chỗ da bị chích đốt, hoặc có thể gây cả phản ứng ngứa da toàn diện.
- Bệnh vảy nến
Một bệnh da nhiều người bị. Bệnh tạo những vết đỏ, dày trên da trông giống những vẩy nến. Các vết psoriasis hay hiện diện ở khuỷu tay và đầu gối, nhưng có thể mọc trên da nhiều nơi, cả ở trên đầu, trên móng tay và trong miệng.
Các bệnh bên trong cơ thể
- Suy thận kinh niên
Trong các bệnh nội thương, suy thận kinh niên là bệnh hay gây ngứa nhất. 90% những người suy thận nặng cần được lọc thận bị ngứa. Ngứa do suy thận nặng hơn về mùa hè.
- Bệnh gan
Bệnh gan có nhiều loại. Loại gây tắc nghẽn và ứ đọng mật (trong hay ngoài gan) cũng hay gây ngứa, chỉ đứng hàng thứ nhì sau bệnh suy thận kinh niên.
- Bệnh cường tuyến giáp trạng
5% những người bị bệnh cường tuyến giáp trạng than ngứa ngáy. Ngứa bớt dần khi bệnh được chữa trị và kiểm soát.
- Bệnh ung thư Hogkin
Hogkin là bệnh ung thư gây nổi hạch ở nhiều nơi trong cơ thể, có thể chữa trị được nếu khám phá sớm. 15% những người bị bệnh ung thư Hogkin than ngứa.
- Bệnh quá nhiều chất Hemoglobin trong máu
Trong bệnh này, cơ thể sản xuất quá nhiều hồng cầu và chất Hemoglobin lưu thông trong máu, làm máu đặc hơn bình thường. 14-52% người có bệnh này bị ngứa, nhất là sau khi tắm với nước ấm hay nước nóng.
Trên đây là những bệnh được biết chắc có thể gây ngứa. Nhiều bệnh khác như tiểu đường, suy tuyến giáp trạng, thiếu máu do thiếu chất sắt, các bệnh ung thư khác ngoài bệnh Hogkin... có thể gây ngứa.
Ngoài ra, các trạng thái căng thẳng tinh thần, và một số bệnh tâm thần cũng khiến nhiều người cảm thấy ngứa ngáy. Chứng ngứa này được gọi là ngứa tâm lý. Tuy nhiên, chỉ nên định bệnh là ngứa tâm lý, sau một thời gian tìm hiểu và theo dõi, để biết chắc là không có một tật bệnh nào khác quan trọng trong cơ thể gây ra chứng ngứa.
Bạn nên làm gì?
- Nếu mới ngứa vài ba ngày, trên da không thấy có gì lạ, nguyên nhân của ngứa có thể chỉ là những gì thông thường: ngứa mùa đông (nếu trong mùa lạnh), do mới dùng một thuốc gì lạ, ... Bạn có thể thử dùng những thuốc chữa ngứa như Benadryl, Chlor-Trimeton, Tavist, ... mua ngoài nhà thuốc, trong lúc cố tìm nguyên nhân gây ngứa để tránh. Dùng những thuốc này, khi lái xe, hoặc điều khiển những máy móc nguy hiểm, bạn nên cẩn thận, vì thuốc hay làm người ngầy ngật, buồn ngủ. Thuốc Claritin nay mua không cần toa, uống không buồn ngủ.
- Nếu đang trong mùa lạnh, bạn nên tắm mau với nước vừa đủ ấm, và dùng những loại xà-bông không làm mất nhiều chất nhờn của da như xà-bông Dove. Không dùng xà-bông lại càng tốt, hoặc chỉ dùng ở những vùng nhiều mồ hôi như nách, háng, khuỷu tay, khuỷu chân.
- Không nên tắm ngày nhiều lần. Sau khi tắm, nên thoa da bằng những loại lotion làm da bớt khô như Keri lotion, Vaseline lotion
- Không nên chà xát da với rượu, chanh, dầu xanh, ... Và xin... cố đừng gãi. Bạn cũng đừng mặc đồ len trực tiếp trên da.
- Không nên tiếp xúc nhiều với thú vật nuôi. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Mề đay nổi ngứa - Nổi mề đay làm ngứa ngáy là bệnh ngoài da khá thông thường. Ai cũng bị nổi mề đay, nổi ngứa, ít ra một vài lần trong đời. Có người chỉ bị nhẹ, nhưng cứ phải gãi, vì ngứa mãi, cũng làm bực mình.
Trường hợp bệnh nặng như bị phản vệ (anaphylaxis) có thể nguy hiểm chết người.
Bình thường định bệnh không khó. Vì nổi mề đay làm thành những tảng đỏ ngoài da, ngứa ghê gớm. Mề đay ngứa kéo dài vài tiếng đồng hồ rồi từ từ lặn đi. Sau đó, ngứa lại hiện ra chỗ khác. Nếu mề đay không lặn trong vòng 24 giờ có thể do chứng bệnh như viêm mạch máu làm nổi mề đay (urticarial vasculitis). Nếu mề đay bị nổi từ mô màng nhày dưới da (submucosal hay subcutaneous) là do bệnh sưng mạch máu (angioedema).
Nếu sưng thũng nước xuất hiện trong bộ máy hô hấp sẽ làm khó thở. Nếu sưng thũng nước (edema) trong bộ phận tiêu hóa sẽ làm đau bụng, đôi khi làm nghẹt ruột.
Có 2 loại mề đay: cấp tính và kinh niên.
- Mề đay cấp tính: Kéo dài dưới 6 tuần lễ. Phần lớn người trẻ dễ mắc phải.
Có thể do dị ứng vì đồ ăn như nhân hạt (nuts), hột gà, cá, tôm, do hóa chất nhuộm trong đồ ăn (tartrazine dyes), hóa chất benzoid, vài loại thuốc như aspirine, thuốc trị phong thấp, hay hóa chất cản quang tuyến phải chích khi chụp hình.
Nhiều loại thuốc trụ sinh, kháng sinh cũng làm nổi mề đay như penicillines, sulfonamides.
- Mề đay kinh niên: Phần lớn phụ nữ trung tuần dễ mắc bệnh. Có thể do nấm mốc (candida albicans), ký sinh trùng hay vi trùng (viêm xoang, nhiễm trùng đường tiểu), viêm gan B và C, bệnh mô liên kết (connective tissue như SLE và Sjogren’s syndrome), ung thư, vài thuốc men như aspirine và thuốc trị phong thấp, hay hóa chất giữ đồ ăn cho lâu khỏi hư.
Nổi mề đay kinh niên còn phức tạp hơn, vì lạnh hay bị căng thẳng.
Có những loại mề đay kinh niên không biết nguyên nhân vì sao, hay mề đay do miễn nhiễm tuyến giáp trạng. Bệnh kéo dài cả năm.
Nhưng trước khi nghĩ đến bệnh mề đay kinh niên, ta cần lưu ý bệnh liên hệ tế bào miễn dịch (autoimmune mast cell disease). Có thể thử nghiệm phức tạp để kiếm IgE (FceRI).
Cũng cần lưu ý bệnh mề đay viêm mạch máu (urticarial vasculitis). Nổi mề đay đau rát, như phỏng lửa, ngứa ngáy. Đôi khi còn thêm triệu chứng như đau khớp xương, nóng sốt, đau mắt, nước tiểu có máu, khò khè, đau ngực, tiêu chảy. Đôi khi liên hệ những loại bệnh phức tạp khác như dị ứng chất lưu huỳnh (sulfites), bệnh mô liên kết (connective tissue như SLE, Sjogren's syndrome), viêm gan B và C, dị ứng vì dược thảo, v..v..
Tiếp theo cần phải lưu ý mề đay vì lạnh, vì cọ sát, khi lặn sâu dưới nước, ra ánh sáng mặt trời, hay tập thể dục. Mề đay dễ nổi lên khi chạm vào nước đá khoảng 10 phút, lúc móng tay cào nhẹ vào da, trong khi tắm nước nóng hay tập thể dục.
Khi phải đối diện với bệnh nhân bị mề đay là cần phải để ý ít điểm căn bản sau đây: 1. Bình thường nổi mề đay không có gì trầm trọng.
2. Mề đay cấp tính có thể do nhiễm trùng, thuốc men, hay đồ ăn.
3. Mề đay kinh niên thường khó chẩn bệnh hơn. Cần thử nghiệm máu (đếm máu, đo độ máu lắng tụ, thử hoá chất trong máu, tìm chất bổ thể complement C3 và C4, đo lượng thyrotropin Vài thử nghiệm phức tạp như tìm viêm gan, ANA, thử dị ứng da. Đôi khi thử da làm sinh thiết da (biopsy).
Sau đây là vài điều căn bản trong vấn đề trị liệu:
.Bệnh nhân cần hiểu biết, nhất là loại nguy hiểm như sưng mạch máu (angioedema) hay phản vệ (anaphylaxis). Phải chích thuốc epinephrine khẩn cấp.
.Tránh nguyên nhân sinh ra bệnh như: nghi ngờ vài thứ đồ ăn, hóa chất trong đồ ăn, .v..v.. Cần ngưng uống vài thuốc có thể làm nổi mề đay như aspirine, thuốc phong thấp, thuốc cao máu (ACE inhibitors).
.Nhiều thuốc men thường dùng để trị bệnh, như antihistamines hoặc thuốc chống histamines mới, thế hệ thứ 2 như Zyrtec, Claritin, Allergra.
Đôi khi cần uống Elavil, thuốc đối kháng leukotriene receptors, thuốc beta-adrenergic, kích thích tố nang thượng thận corticosteroids và nhiều thứ thuốc khác tùy theo nhiều trường hợp khác nhau, những nguyên nhân bệnh khác nhau.
Tóm lại, nổi mề đay có thể chỉ là bệnh đơn giản, nhưng cũng có thể là bệnh rất phức tạp. Có nhiều trường hợp bệnh kéo dài rất lâu mà nguyên nhân vẫn không thể nào tìm thấy.
Có trường hợp gây khó khăn cho cả bệnh nhân và bác sĩ, nhất là bệnh nhân khi thấy ngứa mãi, gãi mãi mà không bao giờ hết bệnh!
Nếu bạn có những thắc mắc gì thêm về bệnh da ngứa hay nổi mề đay, xin hỏi bác sĩ chuyên khoa về da (dermatologist).
(bác sĩ Trần Mạnh Ngô)
khi bụi bẩn bám trên da cũng làm cho da dễ bị ngứa đó bạn.