tun cua di
Trả lời 15 năm trước
Thông thường, các loại gãy xương ở trẻ em, trong đó có cả gãy thân xương đùi, đều có thể chữa khỏi bằng cách nắn chỉnh bó bột. Tuy nhiên, điều trị không mổ đối với gãy thân xương đùi ở trẻ em cũng khó khăn tương tự như người lớn vì:
Khó nắn chỉnh được các đầu gãy, mảnh gãy của xương về đúng vị trí giải phẫu ban đầu do xương đùi to, có nhiều cơ lớn khỏe bám vào và co kéo. Nếu có nắn được tương đối hoàn hảo thì cũng dễ bị di lệch thứ phát trong bột, do bột không thể cố định vững chắc suốt thời gian dài để cho xương liền vững
- Thời gian liền ổ gãy thân xương đùi ở trẻ em cũng tương đối dài, từ 1,5 đến 2,5 tháng. Trong thời gian mang bột dài như thế, dễ xảy ra loét các điểm tì, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, gây hạn chế hầu hết các sinh hoạt cá nhân của các cháu.
- Khi xương liền vững, bệnh nhân tập vận động tích cực, song vẫn có tỷ lệ cao bị teo cơ, cứng khớp, ngắn chi, ảnh hưởng tới sức khỏe, thẩm mỹ của các cháu sau này.
Phương pháp điều trị gãy xương đùi bằng phẫu thuật có thể khắc phục được những nhược điểm trên của bó bột. Vì vậy, trước đây chỉ định mổ kết hợp xương đùi chỉ cho trẻ từ 12 tuổi, nay đã được hạ xuống mức 5 tuổi trở lên. Điều kiện để mổ kết xương đùi ở trẻ em là:
- Đã nắn chỉnh tích cực, đúng kỹ thuật, nhưng không đạt yêu cầu về giải phẫu, chức năng, thẩm mỹ.
Cơ sở điều trị có điều kiện gây mê nội khí quản, hồi sức tốt, phẫu thuật viên chuyên khoa có kinh nghiệm, có đầy đủ dụng cụ phương tiện kết xương nẹp vít của AO.
- Bố mẹ các cháu tình nguyện xin mổ, và chịu trách nhiệm về quyết định của mình nếu một khi tai biến phẫu thuật xảy ra.
Phẫu thuật kết hợp xương cũng có hạn chế như:
- Tỷ lệ nhiễm trùng từ 0,5 đến 5%.
- Phải mổ lại để lấy bỏ nẹp vít ra khi xương đã liền tốt
- Giá thành điều trị cao so với thu nhập của đa số người dân, tối thiểu là khoảng 4 triệu đồng.
Các cơ sở y tế có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình như bệnh viện tỉnh, bệnh viện quân khu - quân đoàn của quân đội đều có thể phẫu thuật được loại gãy xương này. Nếu có điều kiện, bạn đưa cháu về Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội để điều trị.
Hậu quả do gãy xương
Khi xương tay, chân bị gãy, có những trường hợp bị giập, như vậy không chỉ xương bị tổn thương mà các cơ, gân, dây chằng cũng bị tổn thương theo. Tùy theo từng mức độ thương tổn, bệnh nhân được bó bột hay phải mổ nẹp đinh trong xương và khâu lại phần mềm bị rách, giập. Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo ở những nơi này. Thậm chí có những trường hợp do đau đớn không chịu vận động đã dẫn đến loét do tỳ đè lâu ngày, thậm chí nhiễm khuẩn hô hấp, tắc mạch chi, giảm phản xạ đại tiểu tiện... đây là biểu hiện hay gặp ở người già. Vì vậy sau mổ, phải bó bột người bệnh phải tự giác, kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, tỷ lệ liền xương sẽ tăng nhờ vận động.
Những biện pháp phục hồi bao gồm
Cử động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập10 - 15 phút, ngày 4 - 6 lần. Có thể tập từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.
Tập duy trì sức cơ: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.
Tập đi: Dùng nạng gỗ tập đi khi xương chưa liền. Thanh ngang đầu trên nạng không được tỳ vào nách mà để tựa bên lồng ngực. Dáng đi thẳng, mắt nhìn thẳng ra phía trước, không cúi nhìn xuống chân. Hai vai phải ngang bằng không được lệch cao thấp. Tập bước đi có 3 điểm tựa, không tỳ hoặc chỉ tỳ nhẹ tăng dần lên chân đau. Hai tay chống nạng ngay ngắn, hai mũi nạng và bàn chân lành tạo nên tam giác đế. Đưa 2 nạng ra trước 10 - 30cm một cách tăng dần, lấy thăng bằng trên đôi tay cầm, rồi bước chân lành ra trước, tiếp tục bước khác. Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững. Nhiều người thích dùng gậy chống bên chân đau nên đã làm dáng đi bị xấu đi. Phải tập cho quen chống gậy bên chân lành và khi bước chân lành ra trước thì sức nặng trên chân đau và gậy chống sẽ cùng chịu một lúc. Không nên dùng nạng kẹp nách vì như thế dáng đi sau này trông sẽ tàn phế. Thời kỳ xương liền vững tỳ không đau ở ổ gãy xương thì bỏ gậy và tập đi như bình thường.
Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Chú ý không được dùng nhiệt sóng ngắn cho toàn chi có đinh, nẹp vít vòng thép kim loại nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.
Tập sinh hoạt thông thường: Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo. Khi nào không còn đau nữa, không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt. Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.
Biện pháp xoa nắn: Nên xoa nắn thường xuyên ổ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp.
Khi bị chấn thương, để chóng lành, người bệnh cần kiên trì tập luyện, cần kết hợp các biện pháp tập luyện khác nhau để trở lại hình dáng ban đầu. Nếu có điều kiện, bạn đưa cháu về Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội để điều trị