Còn ống động mạch là dị tật khá phổ biến ở trẻ em (chiếm 18% - 20% tổng số tim bẩm sinh), bệnh có thể tồn tại dưới dạng còn ống động mạch đơn thuần hoặc kết hợp với các bệnh khác. Trước đây căn bệnh này ít có cơ may điều trị nhưng với các phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay, dị tật còn ống động mạch đã không còn quá nguy hiểm.
Vì sao lại có dị tật này?
Trong thời kỳ bào thai, tim cũng có động mạch chủ và động mạch phổi nhưng lúc bấy giờ phổi chưa thở nên hệ tiểu tuần hoàn chưa hoạt động. Động mạch chủ và động mạch phổi được nối liền với nhau bởi một ống động mạch. Máu ở tâm thất phải cũng đi vào động mạch phổi nhưng rồi qua ống động mạch đổ thẳng sang động mạch chủ. Khi trẻ ra đời phổi bắt đầu hoạt động, hệ tiểu tuần hoàn hoạt động, máu từ tâm thất phải lên động mạch phổi rồi tới phổi trao đổi oxy và carbonic chứ không qua ống động mạch nữa, nên ống động mạch dần dần teo, tắc lại vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 11.
Dị tật tim thường phát sinh do lỗi trong thời kỳ thai nhi hình thành tim, nhưng chúng thường không có nguyên nhân rõ ràng. Nếu trong cơ thể tồn tại tình trạng còn ống động mạch sẽ xảy ra hiện tượng: áp suất ở động mạch chủ lớn hơn ở động mạch phổi trong cả hai thì tâm thu và tâm trương, nên có một luồng máu từ động mạch chủ qua động mạch phổi tạo thành một shunt trái - phải và gây ra tiếng thổi liên tục. Do luồng máu đi từ động mạch chủ vào động mạch phổi mạnh hơn làm cho lưu lượng máu qua phổi tăng lên.
Nếu ống động mạch nhỏ ảnh hưởng ít, còn ống động mạch lớn sẽ làm cho lượng máu khá lớn đổ vào động mạch phổi, áp lực tiểu tuần hoàn tăng lên dần làm tổn thương và xơ cứng các động mạch nhỏ. Nếu áp lực động mạch phổi tăng cao hơn động mạch chủ, luồng máu sẽ đổi chiều, máu từ động mạch phổi vào động mạch chủ gây tím phần dưới cơ thể (sau chỗ nối ống động mạch).
Dấu hiệu của bệnh
Dấu hiệu của bệnh còn ống động mạch có biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào kích thước của lỗ thông. Lỗ thông nhỏ có thể không gây triệu chứng gì nên có thể không được phát hiện. Kích thước lỗ thông lớn có thể gây nên các dấu hiệu suy tim sớm sau khi sinh.
Khi lỗ thông lớn thường có các biểu hiện: khó thở nhẹ khi gắng sức, thở hổn hển, thở nhanh kéo dài; nhịp tim nhanh, chậm phát triển thể chất, ăn uống kém, ra mồ hôi khi khóc hoặc khi chơi dễ bị nhiễm khuẩn ở phổi. Nếu bệnh ở thể nặng và muộn thì phần dưới cơ thể bị tím lại.
Yếu tố nguy cơ
Bệnh có thể xuất hiện mang tính chất gia đình và đôi khi xảy ra với vấn đề gen khác như hội chứng Down. Nếu trong gia đình có một đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh thì nên nhờ chuyên gia tư vấn di truyền để biết được khả năng mắc bệnh của những đứa trẻ được sinh ra sau.
Kinh nghiệm cho thấy những bà mẹ trong thời kỳ mang thai, nguy cơ có trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tăng lên khi:
Bị nhiễm Rubella: Nhiễm Rubella trong khi mang thai có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh. Virut Rubella xâm nhập qua nhau thai và vào hệ thống tuần hoàn của thai làm tổn thương mạch máu, các cơ quan bao gồm cả tim, không kiểm soát tốt đường huyết ở những bà mẹ mang thai bị đái tháo đường, lạm dụng thuốc hoặc rượu, các chất hóa học, tia xạ trong quá trình mang thai có thể làm tổn hại đến thai nhi trong đó có tim và mạch máu.
Biến chứng thường gặp: Một lỗ thông nhỏ có thể không gây nên triệu chứng, lỗ thông lớn nếu không điều trị có thể là nguyên nhân gây tăng áp động mạch phổi, hay bị viêm phổi hoặc suy tim. Một người không thắt ống động mach nguy cơ nhiễm khuẩn mạch máu tăng lên, vì lý do này khi trẻ em hoặc người lớn còn ống động mạch phải dùng kháng sinh trước khi nhổ răng. Viêm phổi tái phát kéo dài thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi; tình trạng suy tim rất hay gặp; luồng máu đổi chiều gây tím thường xuyên ở nửa dưới cơ thể; viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (Osler)...
Điều trị bệnh bằng những biện pháp nào?
Các biện pháp nội khoa được áp dụng như các thuốc chống viêm không steroid: ibuprofen hoặc indomethacin... để giúp đóng lại lỗ thông ở trẻ đẻ non. Thuốc chống viêm không steroid ngăn cản hóa chất giống hormon trong cơ thể mà các chất đó giữ cho ống động mạch mở.
Can thiệp tim mạch: Dùng một ống nhỏ (catheter) được chọc vào mạch máu ở háng và luồn lên tim. Qua catheter, một bóng nhỏ được bơm lên bịt kín lỗ thông.
Phẫu thuật: Ống động mạch thường được đóng lại bằng một cái kẹp bằng kim loại. Cắt, thắt ống động mạch cho kết quả rất tốt, nên tiến hành phẫu thuật sớm trước 5-7 tuổi.
Nên phòng và phát hiện bệnh sớm
Các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bệnh khi: Trẻ nhanh mệt khi chơi hoặc chán ăn; không tăng cân; trở nên khó thở hoặc tím tái khi ăn hoặc khóc; luôn thở nhanh hoặc thở nông.
Điều quan trọng để phòng bệnh tim bẩm sinh là bà mẹ khi mang thai cần:
- Bỏ thuốc lá, giảm các stress, hỏi ý kiến bác sĩ về những loại thuốc được dùng
- Dinh dưỡng đầy đủ hợp lý, bao gồm cung cấp các vitamin, các thức ăn có chứa acid folic, hạn chế các chất kích thích như caffein. Nên tiêm phòng đầy đủ các vaccin trước khi mang thai.
- Nếu gia đình có tiền sử về bệnh tim bẩm sinh hoặc các rối loạn về di truyền khác thì bạn nên đến gặp các chuyên gia tư vấn về di truyền để được tư vấn trước khi mang thai.