Bé ngủ nhiều, ăn uống không hợp lý có thể là nguyên nhân dẫn đến chậm tăng cân. 12 tháng tuổi, bé chỉ cần ngủ đêm khoảng 10 - 11 tiếng và 2 giấc ngủ ngày, mỗi giấc một tiếng. Chị nên tập cho bé thói quen ngủ sớm và dậy sớm, tránh ngủ ngày quá nhiều.
Về dinh dưỡng, mỗi ngày bé cần ăn 3 chén cháo/bột đặc đủ dinh dưỡng bao gồm thịt/cá/tôm, rau củ, dầu mỡ... kết hợp với bú mẹ và uống thêm sữa công thức. Chị hãy thay đổi món thường xuyên cho bé trong từng bữa ăn, bé được ăn đa dạng thực phẩm sẽ không bị ngán và không sợ thiếu các vi chất dinh dưỡng. Tốt nhất là nấu bữa nào ăn bữa đó thì thức ăn mới được tươi ngon, đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng và vệ sinh. Hoặc chị có thể nấu một nồi cháo trắng vào buổi sáng, đến mỗi bữa thêm 1 loại thực phẩm khác nhau. Tránh để bé ăn cùng một loại thức ăn trong ngày.
Cũng tuỳ lượng ăn của bé mỗi bữa mà quy định số bữa ăn trong ngày, nếu mỗi lần trẻ ăn được quá ít (dưới ½ chén), chị cần phải tăng số lần ăn dặm để bảo đảm đủ lượng thức ăn dặm cho bé theo lứa tuổi hoặc cho bé uống thêm sữa sau bữa ăn. Không nên ép cháu ăn quá nhiều một lúc nếu cháu không thích, vì có thể gây ói và làm cháu sợ ăn.
Vấn đề nan giải và khó chịu nhất một số bà mẹ trẻ đang nuôi con nhỏ mà tôi biết là tình trạng bé cứ ngậm thức ăn trong miệng mà không chịu nuốt. Ai đã từng ở trong cảnh này mới thấm cái cảm giác bực mình, ngao ngán và căng thẳng đến “cực hình” đến thế nào.
Bé nhà tôi có dạo ăn lâu kinh khủng (lúc đó bé khoảng 8 tháng, mới mọc được 4 cái răng). Mẹ đút một muỗng cháo xong là ngậm đến 5 – 10 phút sau mới nuốt. Cũng có khi bé ngậm trong miệng chán rồi lại nhè cả ra. Nhiều lúc mẹ phải dùng đủ chiêu lừa phỉnh mãi mới đút được muỗng cháo vào miệng bé, vậy mà cô nhóc lại nôn ra hết, kể cả phần vừa ăn trước đó. Vậy là bao nhiêu công sức xem như công cốc.
Có lần, hết kiên nhẫn, tôi cho bé nhịn thử một bữa cháo trưa. Chiều hôm đó, thấy bé nuốt được mấy muỗng đầu nhanh hơn, mẹ chưa kịp mừng thì cảnh cũ tái diễn. Tôi nghĩ chắc do cô nhóc ngán đồ ăn mẹ nấu nên mua cháo, nui… bên ngoài cho ăn thử nhưng cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu. Hết bày trò chơi đến mở đĩa nhạc, thậm chí cho bé ra ngoài vừa chơi vừa ăn thì kết quả cũng chẳng khá hơn. Nhìn con ăn uống trầy trật, tôi vừa bực vừa thương.
Cũng may là bé còn chịu uống sữa nên những bữa không thể nào cho bé ăn được nhiều hơn thì tôi đành cho bé uống sữa thay, dù phải đút từng muỗng vì bé không chịu bú bằng bình.
Đặc biệt, bé rất thích ăn sữa chua và chuối. “Lợi dụng” điểm này, tôi bèn dụ bé ăn bằng cách múc một muỗng chuối hoặc sữa chua đưa sát miệng bé trong lúc bé đang ngậm cháo trong miệng. Vậy là cô nhóc nhanh nhảu nuốt ngay hết cháo để được ăn món khoái khẩu. Tuy nhiên, cũng có khi bé lại nhè cháo trong miệng ra thay vì nuốt vào. Những lúc như vậy, tôi cho bé uống 1-2 muỗng nước để tráng miệng rồi bắt đầu đút cháo lại. Tình hình dần khả quan hơn rất nhiều. Dần dần, tôi thay sữa chua bằng nước vì bé cũng rất thích uống nước. Chỉ cần nhớ là khi ăn thì đút thật ít nước thôi, 5-7 muỗng cháo mới cho một nửa muỗng cà phê nước và ngày càng ít dần, bởi bé có thể no nước và không ăn được nhiều.
Một cách khác để các bé khoảng một tuổi chịu ăn nhanh là chơi trò thi xem ai ăn nhanh hơn. Để áp dụng cách này, phải có một người đút và một người thi ăn với bé. Tôi múc ra một muỗng thức ăn còn bố của bé thì giả vờ há miệng “giành” ăn trước nhưng luôn bị “hụt” để bé hào hứng hơn. Tôi quan sát thấy mỗi khi “giành” được muỗng thức ăn nào thì bé đều rất vui, nhờ có bố mẹ vỗ tay cổ vũ. Bé cũng sẽ nuốt ngay để còn tiếp tục thi ăn muỗng kế tiếp. Tuy có hơi mệt một chút nhưng thấy con ăn được thì bao nhiêu công sức cũng chẳng tiếc, phải không bạn?
Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý những lý do như mọc răng, đau họng… hoặc thức ăn không hợp khẩu vị của bé sẽ khiến bé lười ăn và ăn chậm. Và tất nhiên, việc áp dụng thực đơn đa dạng, thay đổi thường xuyên cũng sẽ giúp bé thích ăn hơn và ăn ngon miệng hơn.
Chúc các bé ăn mau chóng lớn!
Phan Thị Thu