Tuổi cao nêu gương sáng như nào ?

chuyengia
chuyengia
Trả lời 16 năm trước
Hôm nay 30-12-2006, Ðại hội lần thứ III Hội Người cao tuổi Việt Nam diễn ra trong không khí ấm áp của những ngày cuối năm, với niềm vui đất nước năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, trong đó có sự đóng góp tích cực của hàng triệu người cao tuổi. Trong xã hội Việt Nam, người cao tuổi được kính trọng. Các thế hệ từ đời này sang đời khác truyền dạy con cháu biết "kính lão, trọng thọ", trong gia đình giữ đạo hiếu với cha mẹ, ông bà. Ðó là truyền thống, đạo lý, là nét văn hóa của dân tộc ta. Ðiều đó lại được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Ðảng và thể chế hóa bằng quy định của pháp luật. Pháp lệnh về Người cao tuổi khẳng định: "Việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội". Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, nhờ thành tựu công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên, từ 67,8 năm 2000 đến năm 2005 đã là 71,5. Do đó, tỷ lệ người già trong cơ cấu dân số cũng cao hơn trước, hiện có khoảng 7,4 triệu người, tương đương 9%, là nguồn lực nội sinh quý giá trong xã hội. Là lớp người sinh ra từ thời kỳ Cách mạng Tháng Tám trở về trước, người cao tuổi đã trải qua những năm tháng chiến tranh cứu nước vô cùng gian khổ, phải chịu đựng bao khó khăn thách thức, chấp nhận hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc và sinh thành, nuôi dạy thế hệ người Việt Nam mới có đủ năng lực và tri thức để xây dựng đất nước thời kỳ CNH, HÐH. Trong điều kiện mức sống của người dân được cải thiện, với sự quan tâm chăm sóc của gia đình, xã hội, người cao tuổi nói chung đã được sống vui, sống khỏe, dạy dỗ con cháu trở thành người có ích cho xã hội, còn hăng hái đóng góp công sức cho việc làng, việc nước, tham gia các phong trào thi đua "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo" và nhiều công tác ở khu dân cư. Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tập hợp, động viên các bậc cao niên trong các hoạt động phù hợp lứa tuổi, nhằm tạo điều kiện để các cụ có cuộc sống ổn định về vật chất, thư thái về tinh thần; đồng thời bằng uy tín, kinh nghiệm, kiến thức của mình tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp chung. Thực tế, có rất nhiều tấm gương sáng người cao tuổi trong các lĩnh vực làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; hàng trăm nghìn người cao tuổi tình nguyện dành công sức, tiền của chăm lo cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, tổ chức các lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, nuôi dạy, chăm sóc hàng nghìn cháu bị tật nguyền, mồ côi, cơ nhỡ; là hạt nhân đoàn kết ở cộng đồng, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đấu tranh chống tham nhũng và những quan điểm sai trái để bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ... Ðất nước ta tuy đã nhiều năm liên tục đạt mức tăng trưởng khá, nhưng vẫn là quốc gia nghèo. Bên cạnh nhiều gia đình có mức sống được cải thiện đáng kể, thậm chí giàu có, vẫn còn một bộ phận khó khăn, vẫn có người nghèo khổ. Do thế, nhiều người cao tuổi chưa được chăm lo chu đáo, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong xã hội vẫn tồn tại hiện tượng vô trách nhiệm, ngược đãi người cao tuổi, con cái bất hiếu với cha mẹ bị dư luận lên án. Hoạt động của Hội Người cao tuổi ở nhiều nơi chưa thiết thực, hiệu quả đối với hội viên. Trước tình hình dân số nước ta dự báo sẽ già hóa trong những năm tới, đặt ra yêu cầu cấp bách cho công tác hoạch định chính sách về kinh tế-xã hội phù hợp, vừa duy trì sự phát triển bền vững vừa bảo đảm an sinh, hạnh phúc cho người cao tuổi. Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng chỉ rõ: "Ðối với người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để hưởng thụ văn hóa, được thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội và gia đình". Ðể thực hiện được điều này, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn để các chính sách, pháp luật liên quan người cao tuổi được thực thi nghiêm chỉnh, phát huy truyền thống, đạo lý kính trọng người già, động viên người cao tuổi đóng góp khả năng của mình xây dựng quê hương, đất nước. Hội Người cao tuổi cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để tập hợp, động viên, biểu dương người cao tuổi nêu gương sáng vì "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".